Hội thảo Điện Càn Long
Xã Nam Giang đã tổ chức Hội thảo Điện Càn Long
ĐẢNG ỦY- HĐND- UBND MTTQ XÃ NAM GIANG
HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ THANH HÓA
KỶ YẾUHỘI THẢO KHOA HỌC
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY
GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG (XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA)
Thanh Hóa, tháng 1 năm 2020
MỤC LỤC
TT | Tác giả | Tên tham luận | Trang
| ||
1 | ĐC. Trần Quốc Tuấn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Giang | Phát biểu chào mừng Hội thảo: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) |
| ||
2 | TS. Lê Ngọc Tạo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa | Báo cáo đề dẫn Hội thảo: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) |
| ||
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ, QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ VÀ CÁC NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ CÚNG Ở ĐIỆN CÀN LONG
| |||||
3 | PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam | Thể chế chính trị đàng ngoài thời vua Lê Thần Tông trị vì (1619-1643; 1649-1662)
|
| ||
4 | PGS.TS. Nguyễn Minh Tường Viện Sử học Việt Nam | Về thân thế và sự nghiệp của 3 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông , Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông trong lịch sử dân tộc Việt Nam |
| ||
5 | PGS. TS. Vũ Duy Mền Viện Sử học Việt Nam | Vai trò của Trịnh Tùng (1570-1623) trong thời kỳ vua Lê Thần Tông ( 1619-1643) trị vì đất nước |
| ||
6 | TS. Nguyễn Hữu Tâm Viện Sử học Việt Nam | Về ba vị Hoàng đế triều Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông. |
| ||
7 | TS. Hoàng Bá Tường Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa | Chùa Đại Bi với vua Lê Thần Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (thế kỷ XVII) |
| ||
8 | TS. Nguyễn Văn Hải PGĐ phụ trách Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Khảo dịch thư tịch, xác định đúng tên của Hoàng Thái Hậu, qua đó liệt ghi các vị tiên tổ và quy định trong lễ tiết. |
| ||
9 | NNC. Phạm Lê Nguyễn Huyện ủy huyện Thọ Xuân
| Họ Phạm Lê và bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
|
| ||
10 | NNC. Đại tá. Phan Văn Thanh Hội KHLS huyện Thọ Xuân- Yên Định | Công đức của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và việc xây dựng chùa Cẩm Long |
| ||
11 | NNC. Hoàng Hùng- NNC. Đại tá. Phan Thanh Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định | Những thông tin quý giá rút ra từ phả tộc họ Lê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An |
| ||
12 | ThS. Lê Trí Duẩn Trưởng ban Nghiên cứu &Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa | Mối quan hệ dòng họ Phạm ở Nam Giang, Thọ Xuân và họ Lê ở Nghệ An. |
| ||
13 | NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu Chánh Văn phòng Hội KH Lịch sử Thanh Hóa | Làm rõ chân dung cuộc đời bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và vai trò, ảnh hưởng của Bà đối với vùng đất Quả Nhuệ-Kim Bảng (Nam Giang, Thọ Xuân) xưa và nay |
| ||
14 | NNC. Lê Đình Phùng Ban Tuyên giáo huyện ủy Thường Xuân | Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương |
| ||
15 | TS. Lê Thị Thảo Trưởng khoa Văn hóa cơ bản- Trường Đại học VH-TT-DL Thanh Hóa | Vùng đất Quả Nhuệ- Kim Bảng (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) dưới góc nhìn địa- chính trị, địa văn hóa hồi thế kỷ XVII |
| ||
II. DI SẢN VĂN HÓA ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
| |||||
16 | NNC. Phạm Tấn Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa | Điện Càn Long (thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân) Quy mô kiến trúc và việc thờ phụng tại đây. |
| ||
17 | NNC. Lê Xuân Kỳ Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa | Mộ chí, văn bia thời Lê Trung hưng ở xã Nam Giang |
| ||
18 | NNC. Hoàng Hùng Chủ tịch Hội KH LS Thọ Xuân- Yên Định | Điện Càn Long - Thực trạng và giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị. |
| ||
19 | ThS. Nguyễn Xuân Toán Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Về hai ngôi mộ chất vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa. |
| ||
III. VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG
| |||||
20 | TS. Nguyễn Thị Thu Hà Trường Đại học Hồng Đức | Việc quảng bá, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long |
| ||
21 | NNC. Nguyễn Hữu Chúc Phó Chủ tịch Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định, Chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy Thọ Xuân | Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội huyện Thọ Xuân
|
| ||
22 | TS. Phạm Văn Tuấn Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích điện Càn Long trong bối cảnh hiện nay |
| ||
23 | PGS.TS. Hoàng Thanh Hải Trường Đại học Hồng Đức | Giá trị lịch sử văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu DTLS Điện Càn Long (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa). |
| ||
PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG HỘI THẢO KHOA HỌC
Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Trần Quốc Tuấn
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Giang
Kính thưa PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam!
Kính thưa PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam!
Kính thưa TS. Hoàng Minh Tường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa!
Kính thưa AHLĐ Lê Văn Tam- Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam!
Kính thưa các ĐC Lãnh đạo ban, ngành của Tỉnh, các ĐC Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thọ Xuân!
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo và nhân dân xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý, đã về tham dự cuộc Hội thảo khoa học đầy ý nghĩa: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Nam Giang là một xã đồng bằng, cửa ngõ phía Đông- Nam huyện Thọ Xuân, được hình thành trên cơ sở 7 làng cổ thuộc 3 tổng: Nam Dương, Bất Não, Thượng Cốc, đến nay đã có bảy, tám trăm năm tuổi. Đặc biệt, Nam Giang còn là vùng đất thiêng, cách đây gần 350 năm, đã có khu Điện Càn Long bề thế, nơi thờ cúng các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, thời Lê Trung hưng, cùng nhiều công trình tâm linh quan trọng, như mộ vua Lê Huyền Tông, mộ bà Hoàng Thái hậu, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng là di tích lịch sử- văn hóa cấp Tỉnh từ năm 2013. Tuy nhiên, trải qua thời gian hơn 3 thế kỷ, vì nhiều lý do khác nhau, khu Điện Càn Long xưa chỉ còn nền móng, cùng hiện hữu tấm bia Công đức Trường lưu và một số di vật. Khu di tích Điện Càn Long hiện nay mới được tôn tạo lại, nhưng quy mô, kiến trúc mỹ thuật chưa xứng với tầm vóc và ý nghĩa của nó. Các khu mộ vua Lê Huyền Tông, bà Hoàng Thái hậu, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng chưa được chú ý trùng tu, tôn tạo, chưa được đề nghị xếp hạng. Công tác tuyên truyền, giáo dục quảng bá về những di sản trên chưa thực sự sâu rộng.
Trước yêu cầu của công cuộc cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nam Giang và con cháu dòng họ Phạm Lê luôn đau đáu, trăn trở cần phải có những đề án khả thi, nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị những di sản văn hóa- lịch sử nói trên. Đây thực sự là những di sản văn hóa - lịch sử quý báu, không chỉ là nơi thờ phụng, chốn đi về của con cháu dòng họ Phạm Lê, mà còn là điểm đến du lịch không thể bỏ qua đối với du khách thập phương, khi về với Thọ Xuân, về với Thanh Hóa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Vì vậy, trong cuộc Hội thảo hôm nay, Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân xã Nam Giang chúng tôi mong muốn được lắng nghe, được tiếp thu tất cả ý kiến quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhất là những giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích khác trên địa bàn xã.
Cuộc Hội thảo hôm nay cũng là một sự kiện văn hóa, khoa học lớn của xã, lần đầu tiên được chào đón đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của các cơ quan trung ương và địa phương.
Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2020, một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo và nhân dân xã Nam Giang, tôi xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các đồng chí Lãnh đạo, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý!
Xin trân trọng cảm ơn!
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY
GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG (XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA)
(Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học)
TS. Lê Ngọc Tạo
Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Từ những ý tưởng ban đầu của Hội Khoa học Lịch sử huyện Thọ Xuân- Yên Định, sự quyết tâm, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền xã Nam Giang, cũng như nguyện vọng thiết tha của bà con dòng họ Phạm Lê nhiều năm qua, sau một thời gian chuẩn bị tích cực, được sự cho phép của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, của Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Thọ Xuân, hôm nay, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, phối hợp với Đảng ủy- HĐND- UBND- MTTQ xã Nam Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Mục đích của Hội thảo là công bố, trao đổi những tư liệu mới, những nghiên cứu mới của các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa trung ương và tỉnh Thanh Hóa về bối cảnh ra đời, quá trình tôn tạo, các nhân vật thờ cúng, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn các giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật, thực trạng hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân. Những kết luận của hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học quan trọng để các cấp chính quyền xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân và ngành Văn hóa, Du lịch xây dựng các dự án trùng tu, bảo tồn khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan, xây dựng khu, điểm đến du lịch trong thời gian tới.
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trong khuôn khổ một Hội thảo được tổ chức ở địa phương cấp xã, nhưng cho đến giờ phút này, Ban Tổ chức rất vui mừng đã nhận được 21 bản tham luận của các nhà khoa học từ nhiều cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương, như Viện Sử học Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Hội KHLS Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trung tâm bảo tồn DSVH Thanh Hóa, Ban NC&BS lịch sử Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học VH-TT-DL Thanh Hóa Điều đó chứng tỏ, chủ đề Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Thay mặt Ban Tổ chức, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học.
Với chủ đề đặt ra, nội dung và phạm vi Hội thảo xoay quanh trục chính là bối cảnh lịch sử, sự ra đời, các nhân vật được thờ cúng và việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tíchĐiện Càn Long và các di tích liên quan. Những vấn đề trên có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể, giữa lịch sử và di sản và cách ứng xử của chúng ta hôm nay. Vì vậy, khó có thể phân chia rạch ròi thành các vấn đề, hay nhóm vấn đề từ 21 bản báo cáo khoa họcđã gửi tới Hội thảo. Tuy nhiên, để các nhà khoa học có điều kiện trình bày và thảo luận chuyên sâu, chúng tôi chia một cách tương đối thành 3 nhóm vấn đề, như sau:
1. Bối cảnh lịch sử, quê hương, dòng họ và đóng góp của các nhân vật được thờ cúng ở Điện Càn Long.
Về nhóm vấn đề này, các báo cáo khoa học của các nhà khoa học thuộc Viện Sử học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, như: Về thể chế chính trị đàng ngoài thời Lê Thần Tông trị vì (1619-1643; 1649-1662) của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ; Về thân thế, sự nghiệp của 3 vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông trong lịch sử Việt Nam của PGS,TS. Nguyễn Minh Tường; Vai trò của Trịnh Tùng (1570-1623) trong thời kỳ vua Lê Thần Tông (1619-1643) trị vì đất nước của PGS.TS. Vũ Duy Mền; Các nguồn tư liệu Hán Nôm liên quan đến ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở thế kỷ XVII của TS. Nguyễn Hữu Tâm, đã làm rõ bối cảnh lịch sử nước ta hồi thế kỷ XVII, một thời kỳ hết sức đặc biệt:Vua Lê- Chúa Trịnh, từ đó đánh giá một cách xác đáng những đóng góp và vai trò của các nhân vật lịch sử nêu trên.
Ngoài các báo cáo đánh giá về các vị vua, Hoàng Thái hậu thời Lê Trung Hưng nêu trên đã được nghiên cứu theo quan điểm sử học hiện đại, được đối chiếu khá kỹ qua thư tịch, qua các trao đổi từ trước đến nay, còn có các báo cáo được nghiên cứu qua các tư liệu điền dã, chủ yếu của các nhà nghiên cứu địa phương, như: Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của NNC Phạm Lê Nguyễn; Những thông tin quý giá rút ra từ gia phả dòng họ Lê ở Nghệ An của NNC. Hoàng Hùng- NNC. Phan Thanh; Làm rõ chân dung cuộc đời bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu; Khảo dịch thư tịch, xác định đúng tên của bà Hoàng Thái hậu, qua đó liệt ghi các vị tiên tổ và quy định trong lễ tiết của TS. Nguyễn Văn Hải Các báo cáo này đều căn cứ vào hai tấm bia quý, liên quan đến Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, người có công đầu dựng điện Càn Long, đó là bia Phụng sự bi ký công đức trường lưu và bia Hoàng Thái hậu bi ký ở Thanh Hóa và Hưng Yên. Một số báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất trong các bản dịch về tên bà Hoàng Thái hậu. Đây cũng là vấn đề Hội thảo cần thảo luận, làm sáng rõ để có kết luận cụ thể.
Vùng đất Nam Giang là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, cũng là một vùng văn hóa đặc sắc trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương. Tính đến cuối năm 2019, trong tổng số 826 di tích đã được xếp hạng là di sản văn hóa thế giới, cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia và cấp Tỉnh của Thanh Hóa, Thọ Xuân đã có 55 di tích, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích cấp Tỉnh và 1 di sản phi vật thể cấp Quốc gia. Điều hết sức độc đáo, Thọ Xuân lại có 2 khu Điện thờ (Điện Lam Kinh và Điện Càn Long). Các báo cáo Vùng đất Quả Nhuệ- Kim Bảng (Nam Giang- Thọ Xuân) dưới cái nhìn địa chính trị, địa văn hóa hồi thế kỷ XVII của TS. Lê Thị Thảo; Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương của NNC. Lê Đình Phùng, đã phân tích khá sâu sắc về các vấn đề nêu trên.
2. Di sản Điện Càn Long và các di tích liên quan
Đây là một nội dung quan trọng của Hội thảo, được nhiều tác giả quan tâm, gồm các báo cáo: Sự ra đời của của điện Càn long (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa), quy mô, kiến trúc và việc thờ phụng của NNC. Phạm Tấn; Mộ chí và và văn bia thời Lê Trung Hưng ở xã Nam Giang của NNC. Lê Xuân Kỳ; Giá trị lịch sử- văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu di tích Điện Càn Long của PGS.TS. Hoàng Thanh Hải; Điện Càn Long- Thực trạng và giải pháp phát huy, bảo tồn của NNC. Hoàng Hùng; Liên quan đến nhóm vấn đề này còn có các báo cáo: Chùa Đại Bi với vua Lê Thần Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của TS. Hoàng Minh Tường; Mộ chí và và văn bia thời Lê Trung Hưng ở xã Nam Giang của NNC. Lê Xuân Kỳ; Bàn về mộ hợp chất được cho là của vua Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở xã Nam Giang và Xuân Phong của ThS. Nguyễn Xuân Toán và một phần trong các báo cáo ở nhóm vấn đề 1 và 3 Trên cơ sở khảo sát thực trạng khu di tích, đối chiếu với các thư tịch, bia ký, các tài liệu của học giả người Pháp L. Badaxie, các tham luận đã thống nhất đánh giá, khu Điện Càn Long là một công trình tâm linh hoành tráng, bề thế, có giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật ở nước ta hồi thế kỷ XVII.
3. Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan.
Đây cũng là nhóm vấn đề quan trọng, là mục đích chính của Hội thảo. Các tham luận: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội huyện Thọ Xuân của NNC. Nguyễn Hải Chúc; Việc tuyên truyền, giáo dục , quảng bá rộng rãi giá trị khu di tích Điện Càn Long của TS. Nguyễn Thị Thu Hà; Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long của TS. Phạm Văn Tuấn; và một phần trong hầu hết các báo cáo đã nêu ở nhóm vấn đề 1, 2, đều đề cập đến vấn đề này. Từ nghiên cứu thực trạng, các tham luận đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích điện Càn Long và các di tích liên quan trên địa bàn xã Nam Giang. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bảo tồn di tích phải luôn gắn với khai thác, phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch của địa phương. Hy vọng, trong tương lai gần, Khu di tích Điện Càn Long sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, không thể bỏ qua của du khách thập phương khi về với Thanh Hóa, về với Thọ Xuân, một địa chỉ giáo dục truyền thống quê hương, truyền thống dòng họ hiệu quả cho các tầng lớp nhân dân, con cháu dòng họ Phạm Lê, nhất là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.
Thưa các quý vị!
Thưa Hội thảo!
Do thời gian Hội thảo hôm nay diễn ra trong một buổi, nên Đoàn Chủ tọa chỉ có thể chọn ra một số tham luận đại diện trình bày theo 3 nhóm vấn đề nêu trên. Chúng tôi muốn dành thời gian cho các ý kiến thảo luận của tất cả các nhà khoa học đã gửi tham luận và nhiều đại biểu tham dự, nhất là những vấn đề cần nhấn mạnh thêm, những vấn đề cần phải tranh luận, thống nhất Vì vậy, chúng tôi đề nghị, mỗi tác giả tham luận không quá 15 phút, mỗi ý kiến phát biểu không quá 5 phút. Các tham luận không nhất thiết trình bày toàn văn báo cáo, mà chỉ trình bày những kết quả nghiên cứu chính, những kiến nghị, đề xuất, những vấn đề cần trao đổi, vì Ban Tổ chức đã tập hợp, in đầy đủ trong tập Kỷ yếu Hội thảo, gửi đến tận tay các nhà khoa học, các quý vị đại biểu.
Với mục đích, ý nghĩa khoa học, thực tiễn to lớn của cuộc Hội thảo, với tình cảm, trách nhiệm đối với một vùng đất địa linh, nhân kiệt, với tinh thần khách quan, khoa học, chúng tôi tin tưởng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.
Xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc các nhà khoa học, các quý vị đại biểu.
Xin trân trọng cảm ơn!
Phần I: BỐI CẢNH LỊCH SỬ, QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ
VÀ CÁC NHÂN VẬT THỜ CÚNG
THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ ĐÀNG NGOÀI
THỜI VUA LÊ THẦN TÔNG TRỊ VÌ (1619-1643; 1649-1662)
PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ*
Lê Thần Tông là vua thứ 6 của triều Lê Trung hưng. Vị vua mở đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê là Lê Trang Tông (1533-1548), tiếp đó là Lê Trung Tông (1549-1557), Lê Anh Tông (1557-1572), Lê Thế Tông (1573-1599) và Lê Kính Tông (1600-1619).
Lê Thần tông là con trưởng của Lê Kính Tông. Mẹ là Thái hậu Đoan Từ họ Trịnh, con gái Bình An vương Trịnh Tùng. Như vậy, Lê Thần Tông là cháu ngoại Trịnh Tùng, gọi Thanh vương Trịnh Tráng là cậu ruột.
Lê Thần Tông lên ngôi năm 1619, ở ngôi lần đầu gồm 25 năm (1619-1643); nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Hựu (tức vua Chân Tông) 6 năm (1643-1649). Năm 1649, Lê Chân Tông băng hà, Lê Thần Tông trở lại ngôi 13 năm (1649-1662). Tổng cộng hai lần ở ngôi của Lê Thần Tông là 38 năm. Sử cũ chép về Ngài như sau: Vua mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, xứng đáng là bậc vua giỏi... Thời kỳ trị vì của vua Lê Thần tông gắn với thời gian cầm quyền của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (cp: 1599-1623); Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng (cq: 1623-1657) và Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc (cq: 1657-1682). Đây cũng là thờ kỳ bắt đầu hình thành định chế Cung Vua và Phủ Chúa kéo dài trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam trải gần 200 năm
Sự nghiệp trung hưng của nhà Lê bắt đầu từ năm 1533 và đến năm 1592 thì công nghiệp hoàn thành, vua Lê trở lại Thăng Long. Góp phần vào sự nghiệp trung hưng của nhà Lê ở xứ Thanh tiếp theo sau dòng họ Nguyễn (khởi đầu là Nguyễn Kim), dòng họ Trịnh có công lao rất lớn. Cùng với thời gian, thế lực của họ Trịnh bên cạnh vua Lê ngày càng được củng cố và khẳng định một cách vững chắc.
Ngày mùng 7 tháng Tư năm Kỷ Hợi niên hiệu Quang Hưng thứ 22 (1599) vua Lê Thế tông đặc sai Thái tử Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái đem kim sách phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương. Lời văn sách nói rằng:
(Bậc) vương giả dựng ngôi ban phúc, giữ đạo công rất rộng rất bình; làm tôi giúp nước lập công, phải hậu lễ để tôn để quý. Chọn ngày tốt hợp, ban sách vẻ vang, Suy trung Kiệt tiết Tuyên lực công thần Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Tả tướng Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng, đức vọng núi cao, gia đình văn võ, dựng đặt mưu kế cho yên xã tắc, công lao sáng tỏ giữa trời; giữ điều tín mục để thân láng giềng, hòa hiếu để êm bờ cõi. Công đã nêu cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu các thần liêu... Lại cho ngọc toán (thìa ngọc) làm vật báu lưu truyền; lại cho ruộng để phong ấp. Mong rằng chăm việc cẩn chức, luôn luôn giữ phép triều đình; giữ đức sánh hay, đời đời chịu ơn yêu quý. Vương kính theo đấy ....
Từ đây, họ Trịnh được thế tập tước vương, gọi là Chúa Trịnh. Trong gần hai thế kỷ, từ năm 1599 (Trịnh Tùng được phong là Bình An vương) đến sau cái chết của Đoan Nam vương Trịnh Khải - năm 1786, thì quyền cai trị đất nước (chủ yếu ở Đàng Ngoài) nằm trong tay 10 vị Chúa Trịnh, tương ứng với thời kỳ tại vị của 12 vị vua Lê. Với chức tước được phong là Đại nguyên súy Tổng quốc chính... trên thực tế, các Chúa Trịnh đã thâu tóm phần lớn quyền lực về quân sự, chính trị dân chính của cả nước. Công lao của các Chúa Trịnh được sử gia đương thời ca tụng hết mực, đặc biệt là trong các bài văn sách tiến phong tước vương cho Chúa Trịnh hay trong nội dung văn bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội) từ khoa thi Chế khoa năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 6 (1554) trở về sau. Nội dung bài ký bao giờ cũng có đoạn tán dương công đức của Chúa Trịnh như: "Thực nhờ Đại nguyên soái Thống quốc chính Thái thượng sư phụ công cao nhân thánh Thanh vương tự mình gánh vác thiên hạ, gắng sức sắp xếp đất trời cho nên kẻ sĩ bốn phương kéo về đông như mây họp... hay "Thực nhờ Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương dốc lòng tôn phù, ra công tham tán v.v...".
Từ năm Cảnh Trị thứ hai triều vua Lê Huyền tông (1664) trở đi, các Chúa Trịnh, bắt đầu là Trịnh Tạc được ban thêm nhiều ân điển: "Vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt chỗ ngồi bên tả chỗ ngồi của vua". Năm 1683 vua Lê xuống chiếu tôn Chúa Trịnh Căn với lễ đặc biệt: "Không phải viết tên vào tấu sớ, không phải lạy khi làm lễ bái yết, đặt chỗ ngồi bên tả điện Thị Triều..., còn đối với Trịnh Cương thì "Từ nay, trong các biểu chương, tấu sớ chỉ xưng vương, chứ không cần xưng tên, khi vào chầu yết không phải lạy để biểu thị sự tôn quý....
Đến lúc này thì quyền uy cũng như vai trò quản lý đất nước của Chúa Trịnh đã được khẳng định trên thực tế.
Như vậy, từ năm 1600 trở đi trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt, đó là chế độ "cung Vua" - "phủ Chúa ". Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của triều đường và phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước.
Triều đường (hay triều đình) vốn là nơi Vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự. Tuy nhiên, dưới thời Trung hưng thực quyền gần như nằm cả trong tay chúa Trịnh, nên khi cần bàn việc quốc sự công việc điều hành guồng máy cai trị, các quan thường sang bên Phủ đường hội họp với chúa Trịnh và triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kỳ. Theo lệ, hàng tháng trong 2 ngày sóc (mồng một) và vọng (ngày rằm), cùng những ngày đại lễ, khánh hạ bá quan văn võ từ nhất phẩm xuống đến cửu phẩm cùng những người được phong tước công, hầu, bá, tử... phải vào chầu vua tại điện Thị Triều đằng trước điện Kính Thiên. Mọi người đều phải đến dự đông đủ, ai vắng mặt thì bị phạt tiền tuỳ theo quan chức cao thấp có khác nhau. Những buổi lễ này thường diễn ra trang trọng nhưng hoàn toàn mang tính nghi thức mà không bàn gì về công việc quốc gia. Thành phần dự họp bên Triều đường gồm có: chủ trì là Vua Lê, phụ tá cho Vua Lê là chúa Trịnh ngồi bên tả. Đứng đầu hàng văn là quan Quốc sư hay Quốc lão. Những vị này được coi như chức tể tướng của Triều đường và thường kiêm nhiệm chức tham tụng ở Phủ liêu hay chức Chưởng phủ sự ở Ngũ phủ. Đứng đầu hàng võ thường là Tiết chế thủy bộ chư doanh (tức Vương thế tử) . Trước thì Chúa Trịnh dẫn đầu bách quan vào chầu vua sau dần cũng vắng mặt trong những ngày lễ này.
Việc chầu vua vào 2 ngày tiết trong tháng chứng tỏ các quan chỉ tụ hội ở nơi Triều đường để chúc mừng vua Lê chứ không phải để bàn quốc chính. Những phiên vua Lê ngự điện để nghe quần thần tâu bày chính sự không còn nữa mà đã chuyển qua Phủ đường dưới sự chủ trì của chúa Trịnh.
Phủ đường là nơi Chúa Trịnh họp các đại thần để bàn việc quân quốc trọng sự và điều hành guồng máy cai trị trong nước. Thành phần tham dự là các quan trong Ngũ phủ, Phủ liêu, trong đó Ngũ phủ gồm các chức võ quan: Tả hữu Đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc Thiêm sự, còn Phủ liêu.
Nhìn chung, những người đứng đầu các phủ quân đều thuộc tôn thất họ Trịnh hoặc là huân thần được chúa Trịnh đặc biệt tin cậy. Các chức quan trên cùng với Phủ liêu (gồm các chức Tham tụng, Bồi tụng và Tri Lục phiên) gọi là Ngũ phủ Phủ liêu. Đây là những quan lại cao cấp trực tiếp dự bàn công việc quốc gia cùng Chúa Trịnh tại Phủ đường.
Theo tác giả Phan Huy Chú "Tham tụng tức là tể tướng nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải là chức, cho nên khi dùng người không cứ phẩm thứ, có khi Thượng thư vào làm tham tụng, có khi Thị lang hành tham tụng" .
Như vậy giữ chức Tham tụng, Bồi tụng phải là những người tài giỏi, được Chúa Trịnh tin dùng mặc dù phẩm trật chỉ ở hàng tòng nhị phẩm hay tòng tam phẩm.
Về mặt nhân sự giữa Triều đường và Phủ đường không có sự tách biệt hoàn toàn. Phủ đường không phải là một triều đình riêng, không có hệ thống tổ chức và quan chức riêng từ trung ương đến địa phương. Các chức quan then chốt bên Triều đường đều được kiêm nhiệm những vị trí trọng yếu bên Phủ đường. Cách tổ chức như trên về danh nghĩa vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quan chế của vương triều, vừa đảm bảo uy thế của Vua Lê cũng như vai trò thần tử của chúa Trịnh. Nhưng trong thực tế, sử dụng những quan chức cao cấp bên Triều đường, kiêm nhiệm công việc bên Phủ đường, chúa Trịnh muốn thông qua đội ngũ quan lại này kiểm tra giám sát hoạt động của Triều đường cũng tức là kiểm tra giám sát Vua Lê. Đây chính là đầu mối mở đầu của việc phủ Chúa lấn át cung Vua.
Thời Trung hưng, ngay từ khi vừa hình thành Ngũ phủ Phủ liêu đã là cơ quan tối cao của Phủ đường, được Chúa Trịnh giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính, giải quyết mọi việc dân, binh, chính... Gặp khi có quốc sự trọng đại, Chúa Trịnh ban lệnh dụ triệu tập các quan đại thần tại Nghị sự đường để bàn bạc và quyết định. Những cuộc họp như thế gọi là đình nghị . Thành phần tham dự gồm có các quan trong Phủ liêu (Tham tụng, Bồi tụng) cùng các chức Tri phiên. Chúa Trịnh tuy không tham dự nhưng mọi kiến nghị trong buổi đình nghị sẽ được đệ trình lên Chúa để xin quyết định tối hậu.
Mặc dù về danh nghĩa Phủ đường là cơ quan phò tá cho Triều đường nhưng trên thực tế Phủ đường lại là nơi bàn bạc và quyết định những công việc hệ trọng của quốc gia. So với những lần hội họp bên Triều đường (2 ngày trong một tháng), thì các phiên trực hầu bên Phủ đường có mật độ dày hơn nhiều (9 ngày trong một tháng) không kể những phiên họp bất thường. Đồng thời thành phần dự họp bên Phủ đường cũng rất đặc biệt: chỉ những quan lại cao cấp thuộc hai ban văn võ ở kinh đô mới được tham dự. Theo quan chế thời Lê, chức quan được liệt vào hàng đại thần phải có hàm tòng tứ phẩm trở lên (văn quan từ chức Đông các đại học sĩ, Quốc tử giám Tế tửu, Thông chính sứ, Tham chính trở lên đến Tam thái; võ quan từ chức Chỉ huy sứ đồng tri, Tổng binh đồng tri, Đô tri lên đến Tam thái). Như vậy những buổi họp với Phủ đường chính là cuộc họp của triều đình thu hẹp với sự hiện diện của các quan cao cấp nhất bên triều đình kiêm nhiệm chức vụ bên Phủ đường. Cuộc họp diễn ra theo nghi thức đơn giản dưới sự chủ trì của chúa Trịnh, còn thành phần họp bên Triều đường mở rộng từ quan cửu phẩm đến các tước công, hầu, bá, tử, nam. Thường thì những cuộc họp ở Triều đường diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm với nghi lễ long trọng nhưng thực chất không phải để giải quyết công việc một cách cụ thể chi tiết, mà trong các buổi họp như vậy vua Lê cho ban những sắc chiếu, sắc dụ ban phẩm tước cho các quan hoặc nêu lên những chính sách lớn mang tính chất đại cương để Ngũ phủ Phủ liêu với tư cách là ban Thường vụ của Phủ đường vạch ra biện pháp thực thi sau khi bàn nghị ở Phủ đường và được Chúa Trịnh ban chỉ chuẩn.
Sự có mặt của Phủ đường đã làm mờ nhạt dần vai trò của Triều đường trong quá trình điều hành guồng máy cai trị, và cùng với thời gian, quyền lực chính trị và quyền lợi hưởng thụ của vua Lê cũng bị suy giảm. Tuy nhiên, từ thời điểm Phủ đường ra đời cho đến khi chính quyền Lê -Trịnh sụp đổ trước cơn bão táp của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, chúa Trịnh chưa bao giờ thâu tóm toàn bộ quyền hành của vua Lê mà giữa chúa Trịnh và vua Lê cũng như giữa Phủ đường và Triều đường chỉ diễn ra sự phân chia quyền lực với mức độ ngày càng gay gắt nhưng rốt cục vua Lê bao giờ cũng ở vị trí yếu thế hơn.
Sự phân chia quyền lực giữa vua Lê và chúa Trịnh được biểu hiện trên một số lĩnh vực sau:
- Về phương diện hành chính.
Vua Lê có toàn quyền quyết định đối với việc thăng giáng, tuyển bổ, cách bãi các quan lại cao cấp từ tam phẩm trở lên. Những quyết định hành chính này được ban bố dưới hình thức sắc chiếu hay sắc chỉ của vua do Hàn Lâm viện khởi thảo, Đông các nhuận sắc; Trung thư giám biên chép lại rồi chuyển những văn bản đã hoàn tất này qua Hoàng Môn tỉnh đóng dấu .
Với chức Tổng quốc chính do vua Lê phong, chúa Trịnh chính thức được công nhận có quyền tuyển bổ thăng giáng, cách bãi những quan lại từ tứ phẩm trở xuống và những chức quan ngoại nhiệm, đồng thời có quyền ban lệnh dụ, chỉ truyền cho những quan chức này thi hành những mệnh lệnh của Chúa. Tuy nhiên, với các chức quan từ tứ phẩm trở xuống khi thăng giáng, cách bãi hay bổ dụng, viên chức bên Phủ Chúa làm tờ trình rồi chuyển qua Triều đường bảo cử.
Về mặt nghi thức, mỗi khi chúa Trịnh muốn bổ nhiệm, gia phong phẩm tước cho quan lại từ tứ phẩm trở xuống và quan ngoại nhiệm hoặc ban hành những mệnh lệnh quan trọng thì hồ sơ thường chuyển qua Triều đường để Vua Lê ban sắc chiếu hay sắc dụ cho thi hành và đứng chủ tọa buổi lễ khâm ban hay ban chiếu tại điện Kính Thiên.
- Về phương diện lập pháp
Vua Lê có quyền ban hành những văn bản lập pháp mang tính phổ quát, đưa ra những nguyên tắc chính yếu dưới hình thức "dụ" hay "sắc dụ" (nếu quan trọng) hoặc "chỉ chuẩn" hay "chiếu"; "sắc chiếu" (nếu ít quan trọng). Lễ ban chiếu hay dụ được tổ chức trọng thể tại điện Kính Thiên với sự hiện diện của chúa Trịnh và đông đủ các đại thần.
Chúa Trịnh chỉ được quyền ban bố những văn bản lập pháp có tính chất ứng dụng dưới hình thức "lệnh" hay "lệnh dụ" (với nội dung nghiêm cấm hoặc khuyên răn) hoặc "chỉ" hay "chỉ truyền" (nội dung là những thể lệ, luật lệnh chung hay riêng). Lễ ban bố "lệnh dụ" hay "chỉ truyền" được tổ chức đơn giản ở Phủ đường dưới sự chủ trì của Chúa và các quan đại thần tham dự.
Như vậy, về phương diện lập pháp, vua Lê nắm quyền quyết định những nguyên tắc pháp lý chung, còn chúa Trịnh giữ nhiệm vụ ứng dụng những nguyên tắc chung này vào thực tế.
- Về phương diện tư pháp:
Hệ thống tổ chức tư pháp dưới thời Trung hưng gồm có các cấp như sau:
Cấp dưới cùng do Huyện quan xét xử. Tuỳ theo mức độ vụ án và kết quả xét xử công bằng hay không mà đương sự có thể kháng cáo lên cấp Phủ (do Phủ quan xét xử); lên Thừa ty; Hiến ty; Giám sát Ngự sử các đạo và cuối cùng lên Ngự sử đài. Ngự sử đài là tòa án cao cấp nhất trực thuộc triều đình của Vua Lê được quyền phúc thẩm lại các bản án từ địa phương chuyển lên. Nếu vụ án do Ngự sử đài xử xong rồi mà tụng nhân không chịu thì phải làm tờ cam kết chịu phạt (tử hình hay tội đồ tùy theo mức độ vụ kiện), lúc ấy chúa Trịnh mới giao vụ việc cho Phủ liêu xét xử lại. Tuy nhiên trường hợp này rất ít khi xảy ra. Trên thực tế Ngự sử đài được coi là Tòa chung thẩm cao cấp nhất, do vậy về phương diện tư pháp, ảnh hưởng quyền lực của Vua Lê vẫn còn khá mạnh.Trên lĩnh vực tinh thần như phong sắc cho bách thần, bao phong phúc thần cho các công thần, đứng chủ tế Nam giao, hay trên lĩnh vực ngoại giao (tiếp sứ, sai sứ v.v...) vua Lê vẫn còn một số thực quyền nhất định.
- Về phương diện tôn giáo, tín ngưỡng
Vua Lê là người duy nhất có quyền ban sắc phong hoặc thu hồi bằng sắc cho các thần được thờ ở địa phương (những vị vua tinh thần trong các làng xã).
Thời Lê Trung hưng, đặc biệt từ niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628) trở về sau các triều vua thường ban nhiều sắc phong cho bách thần (thiên thần - nhân thần v.v...), điển hình và phổ biến nhất là sắc phong đề niên hiệu Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển tông. Tất cả các đạo sắc đều ghi rõ niên hiệu vua và có bảo tỷ đóng ở lạc khoản dưới niên hiệu vua ban sắc, chứ chưa hề có một đạo sắc nào ghi vương hiệu Chúa Trịnh. Ngay cả việc quy định tế tự bách thần cũng do Triều đường quyết định. Phủ đường chỉ liên quan đến lĩnh vực này trong việc cấp phát tiền cho dân làng có thần được phong (đã được bên Triều đường ban hành sắc phong) để lo việc tế tự.
- Về phương diện ngoại giao
Trong các thế kỷ XVII-XVIII vấn đề quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Trung Quốc và các nước láng giềng, vua Lê là người đứng chủ. Vua Lê được triều đình Trung Hoa phong làm "An Nam quốc vương" cai quản quốc gia Đại Việt. Danh nghĩa là như vậy nhưng trên thực tế vua Lê là Hoàng đế của một quốc gia độc lập tự chủ (cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài). Mọi công văn giấy tờ giao thiệp với các nước đều rõ niên hiệu vua Lê. Trong quá trình bang giao, vua Lê là người có quyền duy nhất ban chiếu chỉ cử các đoàn sứ thần ra nước ngoài (cố nhiên có tham khảo ý kiến đề bạt của Chúa Trịnh), và Triều đường là nơi duy nhất tổ chức tiếp đón sứ thần ngoại quốc chứ không phải ở Phủ đường. Do vậy trong hệ thống chính trị ở Đàng Ngoài thời Lê Trung hưng vua Lê luôn ở ngôi vị chí tôn. Chúa Trịnh mặc dù đã xưng vương nhưng vẫn chỉ là một nguyên thần, đứng đầu bách quan. Như vậy, tước vương của chúa Trịnh do Vua Lê tấn phong chỉ có ý nghĩa trong đối nội mà chủ yếu ở Đàng Ngoài chứ không được triều đình Trung Hoa thừa nhận và cũng không tạo nên ảnh hưởng về quyền lực đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Quyền lực của Vua Lê và cũng là của Triều đường chỉ được biểu hiện rõ rệt nhất bằng những hoạt động và vai trò của bộ máy hành chính trung ương mà tập trung chủ yếu ở Lục bộ. Khi chức năng và nhiệm vụ của Lục bộ còn được khẳng định trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị xã hội và quân sự thì thế và lực của Vua Lê và Triều đường còn tồn tại trên thực tế.
Thời kỳ Lê Thần tông trị vì (1619-1642); (1643-1662), vấn đề nổi cộm nhất có lẽ là cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài gần 50 năm (1627-1672), tác động không nhỏ đến đời sống chính trị của đất nước. Năm 1672 chúa Trịnh Tạc huy động 18 vạn quân quyết định mở cuộc Nam chinh lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng nhưng không thành công, đành phải rước xa giá vua Lê về Thăng Long, để Lê Thời Hiến ở lại trấn thủ xứ Nghệ An kiêm Trấn thủ châu Bố Chính; Binh bộ Tả thị lang Bồi tụng Lê Sĩ Triệt làm Đốc thị; Tả thị lang Nguyễn Danh Thực làm Phó đốc thị, khống chế biên cương, giữ gìn an ninh cho dân địa phương. Hai bên Trịnh - Nguyễn lấy Đại Linh giang (sông Gianh) làm phân giới. "Tự đấy Nam Bắc không đánh nhau nữa". Mặc dù chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài gần 50 năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đàng Ngoài, tuy nhiên trên thực tế thời điểm này, nền kinh tế Đàng Ngoài đang dần được phục hồi và có những biểu hiện phát triển khá rõ nét, nhất là trên lĩnh vực: sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp... Mặc dù ở một số địa phương, đời sống kinh tế của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan đưa lại (chiến tranh, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... dẫn đến mất mùa đói kém) nhưng xét trên đại thể thực trạng kinh tế ở Đàng Ngoài bộc lộ những dấu hiệu tiến bộ, trật tự xã hội đang dần đi vào nền nếp. Đây chính là thời kỳ "kỷ cương được chấn hưng... quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn". Dưới thời Trịnh Tạc, một số chính sách kinh tế - xã hội tích cực đã được triển khai thực hiện và đạt được một số thành quả nhất định.
Vua Lê Thần tông có thể được coi là trường hợp đặc biệt, điển hình trong 15 vị vua thời Lê Trung hưng, nhất là việc kế thừa ngôi báu:
+ Bản thân nhà vua ở ngôi 26 năm, nhường ngôi, giữ vị trí Thượng hoàng 6 năm, rồi lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi.
+ Các vua kế nghiệp đều là con trai của Lê Thần Tông:
- Lê Chân Tông, tên huý là Duy Hựu, là con trưởng của Lê Thần tTông, được Lê Thần Tông nhường ngôi năm 1643 Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm liền được mùa .
- Lê Huyền Tông, tên huý là Duy Vũ, con thứ của Lê Thần Tông, lên nối ngôi năm 1662. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy.
- Lê Gia Tông tên huý là Duy Cối, con thứ của Thần Tông, lên ngôi năm 1671. Vua tướng mạo anh vĩ, tính trì khoan hoà, có đức độ của người làm vua, tiếc rằng ở ngôi không lâu, chưa thấy sự nghiệp gì.
- Lê Hy Tông, tên huý là Duy Hiệp, con út vua Lê Thần Tông, lên ngôi năm 1676, ở ngôi hơn 30 năm, nhường ngôi 12 năm. Vua tuân giữ cơ nghiệp có sẵn của tiên vương, rủ áo khoanh tay mà nước được trị, kỷ cương được chấn hưng, thưởng phạt nghiêm minh, các công khanh phần nhiều đều xứng chức, các quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn. Chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680), Chính Hoà (1681-1704) xứng được coi là đứng đầu đời Trung hưng.
VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA BA VỊ VUA THỜI
LÊ TRUNG HƯNG: LÊ THẦN TÔNG, LÊ CHÂN TÔNG, LÊ HUYỀN TÔNG TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường*
Thời Lê Trung hưng hay thời Lê Trịnh (1533-1788)[1] là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam. Trong thời Lê Trịnh, các chúa Trịnh (Vương phủ) luôn luôn tồn tại bên cạnh vua Lê (Triều đình). Từ chỗ mang danh nghĩa phù Lê, chúa Trịnh đã tiến lên nắm giữ thực quyền, vua Lê chỉ còn là một biểu tượng tinh thần của quốc gia. Nhiều nhà Nho, theo tư tưởng Tôn quân quyền của Nho giáo đã kịch liệt phê phán các chúa Trịnh chuyên quyền, biến vua Lê trở thành hư vị.
Một số học giả ngoại quốc và Việt Nam đương đại có ý muốn so sánh cục diện vua Lê chúa Trịnh với chế độ Thiên hoàng (Tenno) Tướng quân (Shogun)[2], kéo dài gần 7 thế kỷ (1185-1868) của Nhật Bản, tuy có sự khác nhau[3].
Có tác giả muốn đặt tên cho chế độ đó là Lưỡng đầu chế (diarchy) thể chế trong đó hai vị nguyên thủ quốc gia cùng cai trị, đã từng tồn tại ở một số nơi trong lịch sử thế giới. Theo tác giả thì phạm vi thời gian áp dụng lưỡng đầu chế tại nước ta dưới thời Lê Trung hưng là từ năm 1599 đến năm 1786[4].
Trong lịch sử chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam, cục diện vua Lê chúa Trịnh là một hiện tượng độc đáo, chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử. Các vua Lê thời Lê Trung hưng thường được đưa lên ngôi từ khi còn ít tuổi và cũng thường mất sớm. Trong khi đó, các chúa Trịnh (nhất là trong thời gian đầu) lại là những võ tướng xông pha nơi chiến trận, từng trải qua nhiều thử thách ác liệt, hoặc là những vị chúa già dặn kinh nghiệm nơi chính trường. Trong hoàn cảnh đó, sự vượt trội và uy thế của chúa Trịnh đối với vua Lê là điều có thể hiểu được. Như vậy, có thể thấy, sự tồn tại của phủ Chúa (Vương phủ) bên cạnh Triều đình vua Lê, nên được coi là sự điều phối giữa hai thiết chế và hai phương thức điều hành của một chính quyền thống nhất hơn là sự song song tồn tại và tranh chấp giữa hai quyền lực riêng rẽ[5].
Chúa Trịnh và vua Lê đã có nhiều lợi ích chung để liên kết, gắn bó với nhau trên nhiều khía cạnh. Họ cùng có chung quê hương (Thanh Hóa), cùng nương tựa nhau trong một thời gian dài khởi dựng sự nghiệp thời kỳ Nam triều[6] (1533-1592) ở vùng Thanh Nghệ, và có quan hệ hôn nhân ràng buộc bền chặt[7]. Vì vậy, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng suốt và có lý khi nhận định và khuyên nhủ rằng: Lê tồn Trịnh tại; Lê bại Trịnh vong, và nên giữ Chùa, thờ Phật, thì ăn oản. Sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX, thì cho rằng: Không chỉ có riêng một vua [Lê], cũng không chỉ có riêng một chúa [Trịnh], nhưng quyền lực của hai người bao trùm thiên hạ[8]. Thái thường Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm dùng hình ảnh so sánh, nhấn mạnh rằng: nhà vua và nhà chúa như bánh xe và thân xe nương dựa nhau, như cột nhà và kèo nhà cùng chống đỡ, nên phải giúp đỡ lẫn nhau như cùng một thân thể, mà không nên coi nhau như nước Tần, nước Việt, mặc cho kẻ béo, kẻ gầy[9].
Lịch sử thời Lê Trung hưng, có thể coi cặp vua Lê Thần Tông chúa Trịnh Tráng là một mẫu mực điển hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp gắn bó trong công việc trị quốc, an dân thời đó.
Trong bài luận văn này, thông qua thân thế, sự nghiệp của ba vị vua thời Lê Trung hưng, đó là Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, để tìm hiểu công trạng của các vị, đã đóng góp vào tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lê Thần Tông: Nhà vua ở ngôi hai lần: a. 1619-1643; b. 1649-1662.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ tục biên, Quyển XVIII chép về vua như sau: Thần Tông Uyên Hoàng đế: tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi thì mất, chôn ở lăng Quần Ngọc. Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi Mẹ vua là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, là con gái thứ của Thượng phụ Bình An Vương[10], sinh ra vua vào ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 8 (1607), đến khi Kính Tông (1600-1619) băng, Bình An Vương tôn lập làm vua [11]. Sách Đại Việt sử ký Bản kỷ tục biên, Quyển XXI, ngoài ghi lại những dòng vừa kể trên, còn nhận xét thêm về vua Lê Thần Tông như sau: Vua với nhà Chúa vui vẻ hòa hợp một nhà, dồi dào phong thái thuần hậu; ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời [12].
Ở đây, cần nhận rõ, câu bình phẩm của sử thần thời Lê Trịnh về vua Lê Thần Tông trên đây: Vua với nhà Chúa vui vẻ hòa hợp một nhà , thì lẽ đương nhiên, để có được mối thân tình ấy, phần lớn là do vị chúa Trịnh cầm quyền thời bấy giờ là Trịnh Tráng (1623-1657). Sử cũ chép về ông như sau: Chúa [Trịnh Tráng] tính trời hiếu thảo, thân ái mọi người, rộng lòng khoan thứ, khi cầm quyền tuổi 47. Bình xong nội nạn, hòa hợp nhân dân, trong nước yên ổn, tín nhiệm Nho thần, giảng cầu chính trị, chấn cử kỷ cương, mọi việc đều giao cho triều đường công luận, chúa cung kính khiêm nhường, cẩn thận giữ gìn pháp độ [13].
Vua Lê Thần Tông là một trong vài vị vua ở ngôi lâu năm dưới thời Lê Trung hưng[14]. Trong thời gian trị vì 38 năm, vua Lê Thần Tông đã có một số đóng góp quan trọng dưới đây đối với lịch sử dân tộc, đó là:
Thứ nhất, vì bản tính thông minh, thuần hậu hòa mục, nên vua Lê Thần Tông đã nhận được sự kính trọng, hết lòng phò tá của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657). Sau khi Trịnh Tráng mất, thì con ông là chúa Tây vương Trịnh Tạc (1657-1682) vẫn luôn luôn giữ lòng trung hậu theo nếp nhà, mà kính giữ tiếng hay, giúp đỡ nhà vua muôn năm bền mãi[15].
Thứ hai, vua Lê Thần Tông là một trong những vị vua dưới thời Lê Trung hưng rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các[16]. Nếu căn cứ vào số người đăng tên dự thi Hội, chúng ta có một nhận thức khá rõ về tình hình phát triển giáo dục dưới thời Lê Trung hưng. Đời Lê Trung hưng, có khoa thi chỉ khoảng 1.000 người, nhưng phần nhiều dao động trong khoảng 2.000 3.000 người, trong đó khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) đời Lê Thần Tông là 6.000 người, đạt kỷ lục cao nhất về số người dự thi Hội trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam[17].
Thứ ba, vua Lê Thần Tông cũng là một vị vua rất coi trọng và đề cao kỷ cương phép nước. Hầu hết các kỳ thi Hội, sau khi quan trường chấm đỗ những thí sinh Trúng cách, được vào thi Đình, nhà vua đều duyệt lại rất cẩn trọng. Và không phải mọi thí sinh Trúng cách thi Hội, đều được vào thi Đình, để nhận học vị Tiến sĩ. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631): Thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ Trúng cách 6 người, đỗ đầu là Nguyễn Minh Triết. Nhưng vua Lê Thần Tông duyệt lại các bài thi, phát hiện Nguyễn Văn Quang, người xã Đặng Xá, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), tuy thiếu điểm, mà quan trường vẫn lấy đỗ, nên nhà vua sai xóa tên, không cho vào thi Đình. Vì vậy, khoa Tân Mùi (1631) năm ấy, chỉ lấy đỗ 5 Tiến sĩ[18].
Đối với số quan lại phạm tội, vua Lê Thần Tông cũng xử lý hết sức nghiêm khắc. Năm 1633, triều thần hặc tội viên Tham nghị xứ Hưng Hóa là Trương Vũ làm quan không thận trọng, khiến cho dân chúng khiếu kiện nhiều lần, và viên Tri huyện Nguyễn Hàng đã ngầm đem vàng bạc hối lộ cấp trên để xin làm chức Lăng phó ở điện Tây Kinh (Thanh Hóa). Vua Lê Thần Tông bèn giao xuống xét tội Trương Vũ và thu lại sắc mệnh của Nguyễn Hàng[19].;
Lê Chân Tông: Nhà vua ở ngôi có 7 năm: 1643-1649. Vua tên húy là Lê Duy Hựu, con trai trưởng của Lê Thần Tông. Mùa đông, tháng 10 năm Quý Mùi (1643), ông được Lê Thần Tông truyền ngôi cho, bấy giờ nhà vua mới 13 tuổi. Khi lên ngôi, Lê Chân Tông tôn vua cha làm Thái Thượng hoàng, mẹ vua làm Hoàng Thái hậu[20].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về vua Lê Chân Tông như sau: Chân Tông Thuận Hoàng đế, tên húy là Duy Hựu, con trưởng của Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi thì băng, táng ở lăng Hoa Phố. Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm, liền năm được mùa [21].
Mặc dù ở ngôi quá ngắn, nhưng dưới triều Lê Chân Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 2 kỳ thi Hội, lấy đỗ được 26 tiến sĩ[22]. Giống như vua cha của mình (Lê Thần Tông), vua Lê Chân Tông cũng là vị vua luôn đề cao pháp luật, và tỏ rõ tấm lòng thương dân, khoan thư sức dân, giảm nhẹ thuế khóa cho người dân trong nước[23].
Lê Huyền Tông: Nhà vua ở ngôi có 9 năm (1663-1671). Vua tên húy là Lê Duy Vũ, con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông.
Ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), vua Lê Thần Tông qua đời. Mùa đông, tháng 11 năm ấy, Hoàng Thái tử Lê Duy Vũ lên ngôi hoàng đế, bấy giờ vua mới có 9 tuổi. Lấy năm sau (Quý Mão 1663) là niên hiệu Cảnh Trị thứ 1[24].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về nhà vua như sau: Huyền Tông Mục Hoàng đế: tên húy là Duy Vũ, con của Thần Tông, em của Chân Tông, ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi thì băng, táng ở lăng Quả Thịnh. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng được gọi là bậc vua hiền [25].
Giống như vua cha (Lê Thần Tông) và vua anh (Lê Chân Tông), vua Lê Huyền Tông cũng tỏ ra là vị vua rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ[26].
Mặc dù, ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng cặp vua Lê Huyền Tông chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cũng có thể coi như một mẫu hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp trong công việc quốc gia đại sự thời bấy giờ. Mối quan hệ tốt đẹp ấy có được, trước hết bởi quan hệ hôn nhân giữa nhà vua và chúa Trịnh. Năm 1664, vua Lê Huyền Tông lấy con gái thứ của Vương (chỉ Tây vương Trịnh Tạc TG) là Trịnh Thị Ngọc Áng làm chính cung[27]. Ngay năm sau, vào tháng 8 năm Ất Tỵ (9-1665), vua Lê Huyền Tông đã sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm Hoàng hậu[28].
Vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đều tỏ ra là những người hết sức nghiêm túc trong việc thi cử, tuyển chọn nhân tài. Sử cũ chép, vào tháng 4 năm Giáp Thìn (5-1664), triều đình Lê Trịnh sai Phó tướng Thiếu phó Tông Quận công Trịnh Hoành và Bồi tụng Lễ bộ Tả Thị lang Phong Lộc tử Ngô Tuấn phúc khảo sinh đồ các xứ ở bãi cát sông Nhị (tức sông Hồng TG). Trước đây, phép thi lỏng lẻo, còn cho mang sách. Từ năm Canh Tý (1660) đến nay (1664), tuy đã cấm chỉ, nhưng vẫn chưa được chặt chẽ, người thi đỗ phần nhiều dốt nát, nhờ người làm bài, dư luận xôn xao. Đến đây, sai quan phúc khảo sinh đồ[29], ba khoa Đinh Dậu (1657), Canh Tý (1660) và Quý Mão (1663). Đề thi dùng 1 bài thơ Đường và một bài ám tả[30] chính văn kiêm đại chú trong Kinh truyện[31]. Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập, cho miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về làm dân, chịu tạp dịch. Bấy giờ người hỏng đến quá nửa[32].
Để bộ máy Nhà nước quân chủ vận hành và hoạt động hữu hiệu hơn, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã sắp xếp lại, bổ sung các chức quan đứng đầu quân đội (Ngũ phủ), và đứng đầu cơ quan hành chính (Lục bộ).
Sử cũ chép, vào tháng 11 năm Giáp Thìn (1664), triều đình Lê Trịnh cho: Đặt quan Chưởng và Thự của Ngũ phủ là:
- Thái phó Khê Quận công Trịnh Trượng làm Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự.
- Thái phó Lỵ Quận công Trịnh Đống làm Đông quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự.
- Thiếu úy Vân Quận công Trịnh Kiền làm Nam quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự.
- Thiếu úy Hào Quận công Lê Thì Hiến làm Tây quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự[33].
- Thiếu phó Điện Quận công Trịnh Ốc làm Bắc quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự[34].
Cũng vào tháng 11 năm Giáp Thìn (1664), sử cũ còn cho biết triều đình Lê Trịnh cho: Đặt đủ viên số Thượng thư sáu bộ. Lấy:
- Tham tụng Phạm Công Trứ làm Lại bộ Thượng thư, thăng tước hầu.
- Bồi tụng Trần Đăng Tuyển làm Hộ bộ Thượng thư.
- Nguyễn Năng Thiệu làm Lễ bộ Thượng thư.
- Vũ Duy Chí làm Binh bộ Thượng thư.
- Phan Kiêm Toàn làm Hình bộ Thượng thư.
- Lê Hiện làm Công bộ Thượng thư[35].
Sự kiện nói trên vào năm 1664, được các sử thần triều Nguyễn nhận định như sau: Hồi đầu trung hưng sắp xếp quan chức, có tên 6 bộ, nhưng chức Thượng thư chưa được đủ số. Đến nay bổ sung cho đủ chức Thượng thư sáu bộ[36].
Thời Lê Trịnh, sự tồn tại của Triều đình và Phủ chúa là hai thiết chế tối cao của hệ thống chính quyền Nhà nước quân chủ. Vua Lê đứng đầu triều đình, thường xuyên ở cung cấm bên trong Hoàng thành, rất ít khi đi ra ngoài, trừ những dịp phải tiến hành các đại lễ (tế Nam giao, lễ Tịch điền, tế Khổng Tử ở Quốc Tử giám ). Vua truyền ngôi cho con trai trưởng (Thái tử), hoặc con trai thứ, phần lớn khi còn ít tuổi được dạy dỗ, huấn luyện khá bài bản ở Đông cung. Chúa Trịnh đứng đầu Vương phủ, sống ở Phủ chúa, bên ngoài phía Đông-nam Hoàng thành. Các chúa Trịnh, kể từ Trịnh Tùng (1570-1623), từ năm 1599 trở đi, đều được phong tước Vương, được quyền thế tập, truyền ngôi vị cho con trai trưởng (Thế tử), người này cũng có phủ đệ riêng (Lượng phủ).
Về mặt quốc tế, vua Lê được nhà Thanh (Trung Quốc) công nhận làm An Nam Quốc vương, còn chúa Trịnh làm An Nam Phó Quốc vương.
Về mặt đối nội, Triều đình vua Lê có vai trò như một Hội đồng Nhà nước mở rộng. Một tháng 2 kỳ (ngày Sóc mùng 1 và ngày Vọng ngày rằm, âm lịch), và những dịp đại lễ vua Lê họp chầu ở điện Thị Triều trong Cung thành, triệu tập đông đảo các quan chức đến dự, nghi thức rất long trọng. Chúa Trịnh ngồi bên tả, ngang hàng cạnh vua Lê, nhưng bệ ngồi thấp hơn một chút. Vua Lê ngự trên ngai vàng, nghe tấu sớ, ban thưởng phạt, sai công bố những chiếu dụ, nêu lên những đường hướng chính trong công việc trị nước. Trong khi đó, Phủ chúa Trịnh có chức năng như một chính phủ hành pháp, bàn bạc cụ thể những chủ trương chính sách, gọi là Tham nghị sự vụ, các biện pháp tổ chức và thực thi điều hành. Hàng tháng, chúa Trịnh thường chủ tọa 8 phiên họp (những ngày 5, 8, 11, 14, 22, 23, 26, 29), số lần họp nhiều hơn, nhưng thành phần tham dự lại ít hơn bên Triều đình. Vua Lê không tham dự các buổi họp này.
Qua sự phân công trách nhiệm trên đây giữa Triều đình - vua Lê và Vương phủ - chúa Trịnh, cho thấy rằng nếu hai bên có mối quan hệ tốt đẹp và sự phối hợp ăn ý, thì công việc trị quốc, an dân diễn ra sẽ tốt đẹp. Lịch sử thời Lê Trung hưng, cho thấy dưới sự trị vì của ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, đã tạo được mối quan hệ khá tốt đẹp với hai vị chúa Trịnh là Trịnh Tráng và Trịnh Tạc, khiến cho tình hình đất nước thời bấy giờ khá ổn định, liền năm được mùa, trong nước yên tĩnh, không xảy ra việc gì, như lời sử cũ nhận định. Và điều đó, có thể nói, đó là những đóng góp không nhỏ của ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, dưới thời Lê Trung hưng.
VAI TRÒ CỦA TRỊNH TÙNG (1570-1623) TRONG THỜI KỲ VUA LÊ THẦN TÔNG ( 1619 - 1643) TRỊ VÌ ĐẤT NƯỚC
PGS.TS. Vũ Duy Mền*
1. Vài nét về gia tộc và vương nghiệp của Trịnh Tùng trước khi Lê Thần Tông lên ngôi
Lịch sử gia tộc họ Trịnh ở Việt Nam hiện nay đã được một số nhà nghiên cứu cho biết về Sự hình thành sáu dòng lâu đời: sáu cành của cây gia phả họ Trịnh, trong đó, dòng lâu đời 3 là dòng chúa Trịnh Kiểm, ở Sóc Sơn - Biện Thượng, (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Cứ liệu mà họ dựa vào là tộc phả ghi từ thế kỷ XIV. Theo tác giả Họ Trịnh và Thăng Long, thì Khung thế thứ họ Trịnh vùng Sóc Sơn - Biện Thượng trước thời vương nghiệp, (gồm):
Đời trên: Hậu quận công Trịnh Xứng là thân phụ Trịnh Kỷ
Đời 1 Tuy nhân vương Trịnh Kỷ
Đời 2 Phúc ấm vương Trịnh Liễu
Đời 3 Phúc khánh vương Trịnh Lan
Đời 4 Dục đức vương Trịnh Lâu
Đời 5 Minh khang thái vương Trịnh Kiểm.
Thực tế đến Trịnh Kiểm là đời thứ 6 ở Sóc Sơn - Biện Thượng. Bằng tài năng và công lao trong sự nghiệp diệt nhà Mạc từ năm 1539 đến năm 1569, khôi phục lại nhà Lê (thời Lê trung hưng 1533 - 1787), Trịnh Kiểm là người đã đặt nền móng cho vương nghiệp của họ Trịnh. Trịnh Kiểm cũng được coi là chúa Trịnh đầu tiên. Sau khi Trịnh Kiểm qua đời, quyền lực được chuyển giao cho người con trưởng là Trịnh Cối. Nhưng các tướng sĩ không phục Trịnh Cối cả về tài năng và đức độ, đã kéo sang tôn phò thứ tử là Trịnh Tùng. Thấy mình không được các tướng sĩ ủng hộ, mà lại ủng hộ Trịnh Tùng, Trịnh Cối đã đem quân đánh lại Trịnh Tùng, bị thất bại. Do tình thế, buộc Trịnh Cối phải chạy sang đầu hàng và nhận quan chức của nhà Mạc. Quyền lực họ Trịnh được thứ tử Trịnh Tùng tiếp nối đến 10 đời chúa sau (từ năm 1539 đến năm 1787), gồm 249 năm. 12 đời chúa luôn song hành cùng vua Lê (nhiều khi lấn quyền) quản lý đất nước Đại Việt.
Trịnh Kiểm có 3 vợ, 5 con trai và 3 con gái.. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo.. (con gái An Thanh hầu Nguyễn Kim, là chị của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Năm 1599, Bình An vương Trịnh Tùng là cháu kết thông gia với cậu là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Trịnh Tùng xin Nguyễn Hoàng gả con gái nhỏ là Nguyễn Thị Ngọc Tú cho con trai Thế tử của mình là Trịnh Tráng), sinh ra Trịnh Tùng sau được phong Bình An vương, chính thất..Lại Thị Ngọc Trân, sinh ra Trịnh Cối (Trưởng tử), quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà là cháu 5 đời của Lê Lai...
Theo tác giả Phạm Khang cho biết rõ thêm: Ông (Trịnh Tùng) có 3 vợ: một bà họ Đặng [theo Đặng gia phả hệ toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên Lương Xá Hà Tây, người con gái thứ hai (của Thái úy Nghĩa quốc công Đặng Huấn, trước làm quan với nhà Mạc, sau theo về với nhà Lê, có nhiều công lao trong sự nghiệp phù Lê.. Đời thứ 5 có ứng quận công, Quốc lão Đặng Đình Ting, người xã Thụy Hưng, huyện Chương Mỹ). Đặng Thị Ngọc Dao là Thái phi của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng.., tên thụy là Từ Huy, sinh năm Bính Thìn, hưởng thọ 82 tuổi.. bà sinh ra Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng.. Cuối cùng (bà) đã giúp nên cơ nghiệp trung hưng..)], một bà họ Lại, một bà họ Bùi. Có 19 con trai và nhiều con gái. Một trong số những người con gái đó có Trịnh Thị Ngọc Trinh, sau là Đoan từ Hoàng thái hậu sinh ra vua Lê Thần Tông (Duy Kỳ 1619 - 1643 và 1649 - 1662). Vua Lê Thần Tông là cháu ngoại của Bình An vương Trịnh Tùng. Vì mối quan hệ thân thích này, Trịnh Tùng đặc biệt quan tâm đến vua Lê Thần Tông.
Như vậy, gia thế của Trịnh Tùng hai bên nội ngoại đều là họ tộc danh giá, đều là huân thần, danh tướng có công lao lớn trong sự nghiệp đánh nhà Mạc, trung hưng (khôi phục lại) triều Lê và duy tồn triều chính hơn hai trăm năm ở Thăng Long. Trịnh Tùng vốn là người được học hành chu đáo, được thừa hưởng và tiếp nối truyền thống gia tộc phụ nghiệp tử thừa, ông có công trong việc đánh diệt nhà Mạc, nhiều lần đem quân đánh nhau với đại quân của Mạc Kính Điển ở Thanh- Nghệ, Sơn Nam mà không phân thắng bại.. Cuối cùng, sau cái chết của Mạc Kính Điển, Trịnh Tùng cùng với các tướng sĩ đã đánh bại đại quân nhà Mạc, giành lại ngôi vị cho vua Lê ở Thăng Long vào năm 1592. Nhờ có công lao to lớn với triều Lê, năm Kỷ Hợi (1599), được tấn phong Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trưởng quốc công Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương. Không rõ, Bình An vương chính thức mở vương phủ vào năm nào? Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Sau khi Ngô Trí Hòa đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1592), buổi đầu ông làm Án sát sứ Sơn Tây, được Thành tổ (Trịnh Tùng) tri ngộ, không bao lâu được triệu vào làm Đô cấp Lại khoa, bàn chính sự ở phủ chúa. Qua đó cho thấy, vương phủ- cơ quan trung ương của chúa Trịnh (tương đương với cung vua) đã được mở từ năm 1592, hoặc sau đó. Theo các sử thần đời Nguyễn viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, Trịnh Tùng sau khi được phong vương càng lấn át quyền vua Lê.
Ngày 25 tháng 6, năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tùng (1549-1623) mất, hưởng thọ 74 tuổi, tham gia cầm quyền, giúp vua Lê trong 53 năm (1570- 1623). Đặc biệt trong 5 năm cuối đời, thời kỳ đầu của vua Lê Thần Tông (1619-1623), Bình An vương vẫn giữ vai trò chủ chốt, với những đóng góp quan trọng về chính sự và văn hóa xã hội.
2. Vai trò chính sự, ổn định xã hội, chú trọng giáo dục của Trịnh Tùng
- Thực thi chính sự ổn định xã hội.
Năm Canh Tý (1600), Thái úy Đoan quận công Nguyễn Hoàng ngầm sai Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu làm phản; rồi cùng với các quan bàn việc đánh dẹp; xin đem quân đi đuổi đánh; nhân cớ đó đã đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hóa.
Nhân sự kiện đó, Bình An vương sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử là Lê Nghĩa Trạch đem thư vào Quảng Nam trao cho Nguyễn Hoàng. Đại thể trong thư viết rằng: theo lệnh của triều đình, cậu (Nguyễn Hoàng) ở lại coi giữ đất Thuận Hóa, nhưng hàng năm phải đốc nộp đầy đủ thuế để cung việc chi tiêu của nước..Nếu cậu thuận theo, thì công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp mấy đời dài lâu không mất. Nếu không thế, thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình đem quân đánh có cớ lắm rồi, danh tiết của cậu sẽ ra sao?.. xin hãy nghĩ kỹ, chớ để hối hận về sau. Qua thư Bình An vương gửi Nguyễn Hoàng cho thấy: tưởng rằng Bình An vương, đứa cháu ngoại đang ra sức phò vua Lê giúp nước, nhưng thực chất lại lấn át cả quyền vua Lê lúc bấy giờ. Rút cuộc, Nguyễn Hoàng không nghe theo và vẫn tích cực thực hiện mưu đồ cát cứ, xây dựng một vương quốc riêng ở Đàng Trong..
Thời vua Lê Kính Tông (Duy Tân 1600-1619), Bình An vương Trịnh Tùng cùng với Thế tử là Trịnh Tráng tiếp tục phải đánh dẹp dư đảng của nhà Mạc và các cuộc nổi dậy ở Hải Dương, Yên Quảng, ổn định lại trật tự xã hội. Năm Nhâm Tý (1612), Thiêm đô ngự sử Ngự sử đài là Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát ngự sử 13 đạo, Phạm Trân và các đồng sự cùng dâng tờ khải lên Bình An vương rằng: Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi.., yêu cầu nhà vua và các quan phải sửa đức, triều đình phải chăm lo đến đời sống của người dân. Năm Bính Thìn (1616), Tả thị lang Hộ bộ Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ, Hữu thị lang Lại bộ Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An vương: can ngăn không nên tăng thêm việc tuyển lính ở xứ Thanh Hoa, bởi trong năm đã hai lần xảy ra hạn hán, đời sống của người dân trăm bề khó khăn.. Mùa đông, tháng 10 năm Mậu Ngọ (1618), Tả thị lang Lại bộ Phú Xuân hầu Ngô Trí Hòa, Tả thị lang Hộ bộ Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng Phạm Trân và các đồng sự lại dâng khải lên Bình An vương, gồm 6 việc: ..1. Xin sửa đức để cầu mệnh trời. 2. Ngăn quyền hào để nuôi sức dân. 3. Cấm phiền hà để dân sống khá. 4. Cấm xa xỉ để của dân phong túc. 5. Dẹp trộm cướp để dân ở yên. 6. Sửa quân chính để bảo hộ dân sinh. Bấy giờ vua đem hết mọi việc trong nước giao cho Bình An vương xử đoán, cho nên khải trình bày rõ ràng là muốn để cho vương biết rõ mà giúp làm nhân chính... Trong tờ khải của Lưu Đình Chất có viết rõ rằng: ..Phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một tệ gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi nhân chính cho dân... Với sự tin cậy, ủy thác của vua Lê Kính Tông, vì lợi ích của người dân và vương chính, những lời khải trên đều được Bình An vương khen ngợi và xem xét để thi hành, nhằm nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, đem lại cuộc sống an bình cho người dân trong nước.
- Việc phế bỏ Lê Kính Tông, đưa Lê Thần Tông lên ngôi vua
Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1619), khi Bình An vương đến bến Đông Tân (bến sông Nhị, ở phía Đông kinh thành Thăng Long) xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba? thì có người dùng súng nấp bắn vào chân voi vương đang cưỡi. Quan quân bắt được kẻ bắn lén. Thanh quận công Trịnh Tráng cùng với Nội giám là Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện, tra ra mới biết là vua Lê Kính Tông cùng với vương tử là Trịnh Xuân âm mưu giết Bình An vương.
Ngày 12 tháng 5, Trịnh Tùng bắt hiếp vua (Lê Kính Tông) tự thắt cổ chết. Vạn quận công Trịnh Xuân âm mưu bắn vương phụ, bị Lê Bật Tứ hặc tội và giam vào nội phủ.
Tháng 6, năm Kỷ Mùi (1619), Hoàng tử là Duy Kỳ (1608-1662), con Trưởng của Kính Tông và Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của Bình An vương) lên ngôi ở điện Cần Chính; đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ nguyên niên (Lê Thần Tông năm thứ nhất); đại xá thiên hạ.
Vua Lê Thần Tông tại vị 38 năm, nhường ngôi 6 năm, hưởng thọ 56 tuổi, mất an táng ở lăng Quần Ngọc; 7 lần đổi niên hiệu:
Vĩnh Tộ (1619- 1628), Đức Long (1639- 1634), Dương Hòa (1635- 1643), Phúc Thái (1643- 1649), Khánh Đức (1649- 1652), Thịnh Đức (1653- 1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662).
Sau khi lên ngôi, năm Canh Thân, Vĩnh Tộ thứ 2 (1620), sai Chánh sứ Nguyễn Thế Tiêu và Nguyễn Cung, Phó sứ gồm Bùi Văn Bưu, Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Khuê, Nguyễn Tuấn sang nước Minh dâng hai lễ cống, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ bang giao với nước Minh (Trung Quốc).
- Việc chọn Trịnh Tráng làm Thế tử
Tháng 6 năm Quý Hợi (1623), Bình An vương bị cảm, đã cho triệu tập các quan văn võ bàn chọn Thế tử. Ngày 17, triều thần kính tâu lấy Thế tử là Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng nắm giữ binh quyền; lấy con thứ là Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân chức Phó giữ binh quyền. Ngay hôm sau, Trịnh Xuân (phản ứng, có thể do không bằng lòng với chức vụ mới được phong) tự đem voi ngựa, khí giới, quân lính bản bộ dàn bày ở xứ Đình Ngang; sai bọn Điện quận công, Bàn quận công phá vào nội phủ, cướp lấy voi ngựa vàng bạc, tài vật bắt vương phải dời ra ngoại thành. Rồi phóng lửa đốt cháy lan đến các xứ ở kinh kỳ... Bình An vương phải chạy ra xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì; vào dinh của người em ruột là Phụng quốc công Trịnh Đỗ; rồi dụ Trịnh Xuân đến để trao đại quyền. Khi Trịnh Xuân đến, Bình An vương kể tội Xuân là kẻ loạn thần tặc tử, rồi sai Bùi Sĩ Lâm chặt chân cho chết. Bấy giờ, Trịnh Đỗ sai con trai là Thạc quận công (không rõ tên?) đi đón Thế tử Trịnh Tráng đến bản dinh. Biết được âm mưu phản nghịch của cha con Trịnh Đỗ muốn hại Trịnh Tráng, nên Lưu Đình Chất đã can ngăn Trịnh Tráng không nên đi theo.. Trịnh Tráng đã kịp tỉnh ngộ nên thoát nạn. ngày 20 tháng 6, Bùi Sĩ Lâm hộ vệ Bình An vương đến quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai. Ngày 25, vương mất, Thế tử Trịnh Tráng đưa về Ninh Giang, phát tang. Sai Trị quận công (không rõ tên ?), sắp sửa 13 chiếc thuyền rước linh cữu thuận đường thủy đem về chôn..
Tháng 7 năm Quý Hợi (1623), vua tấn phong vương Thế tử Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng làm hiệp mưu đồng đức công thần đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm quản nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái úy Thanh quốc công, giao cho xử quyết mọi việc. Như thế, Bình An vương đã chọn được người kế nghiệp, nối tiếp ngôi chúa xứng đáng của họ Trịnh.
- Chú ý đến Giáo dục và khoa cử Nho học (đào tạo nhân tài)
Trong 5 năm đầu, thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1623), (cũng là 5 năm cuối của Trịnh Tùng), Bình An vương tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và khoa cử Nho học, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long, vốn được mở năm 1070, thời Lý Thánh Tông (1054- 1072). Đây là một trường Nho học cao cấp của nhà nước quân chủ, từng được các vương triều từ Lý - Trần Hồ - Lê sơ - Mạc thường xuyên duy trì, nhằm đào tạo các Giám sinh - cung cấp nguồn thí sinh cùng với các Hương cống (người đỗ thi Hương 4 kỳ) trực tiếp tham gia vào các khoa thi Hội, thi Đình (thi Tiến sĩ). Thời kỳ Bình An vương (1592- 1623), trường Quốc Tử Giám vẫn được duy trì, đào tạo các Giám sinh, nhằm cung cấp Giám sinh (thí sinh) cho các khoa thi Hội mà triều đình Lê- Trịnh cứ 3 năm mở một khoa (thi Hội - thi Đình), chọn nhân tài cho Nhà nước sử dụng. Ngô Trí Hòa cùng bố mình là Ngô Trí Tri, người làng Lý Trai, huyện Đông Thành, Nghệ An, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn năm Quang Hưng 15 (1592). Năm 1608, vì có công đi sứ, Ngô Trí Hòa được thăng Thượng thư bộ Hộ, kiêm chức Tế tửu (tương đương chức Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám ở Thăng Long.
Từ khoa thi năm Ất Mùi (1595) đến khoa thi năm Bính Thìn (1616), theo định lệ triều đình Lê Trịnh cử 3 năm mở một khoa thi đại tị, đã mở được 8 khoa thi Hội.
Đến mùa xuân, tháng 2 năm Kỷ Mùi (1619), lại tổ chức thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ Trần Hữu Lễ cùng 6 người. Trần Hữu Lễ, người xã Cát Bi, huyện Thượng Phúc, (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội), đỗ Hội nguyên (đỗ đầu thi Hội). Đến khi thi Đình, Nguyễn Lại người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, (Thanh Hoa- Thanh Hóa) đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, Bùi Cầu và 5 người khác đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Mùa xuân năm Quý Hợi (1623), thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ Phạm Phi Kiến 7 người. Phạm Phi Kiến, người xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội), đỗ Hội nguyên.
Tháng 4, thi Điện (Đình), bấy giờ Nguyễn Trật, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoa), ngầm mượn người làm bài, việc bị phát giác. Vì thế, Bình An vương không bằng lòng; cho nên khoa đó không cho treo bảng vàng.
Trong mười khoa thi Hội thời Lê- Trịnh (1595 - 1623), trước khi Bình An vương qua đời đã lấy đỗ 65 Tiến sĩ, trong đó có 10 Hội nguyên, 6 Đình nguyên Hoàng giáp và 2 Đình nguyên Tiến sĩ. Hầu hết các vị Tiến sĩ đó đều được bổ quan chức trong triều đình Lê- Trịnh. Nhiều người trong số đó sau đã nắm những chức vụ trọng yếu của triều đình Đại Việt trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa.. đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giữ vững vương triều và đất nước Đại Việt..
Sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá cao công lao, sự nghiệp của Bình An vương Trịnh Tùng đối với việc trung hưng nhà Lê: Ông thực sự làm chúa cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy. Chúa từng giúp Kính Tông, Thần Tông, giữ việc chính 53 năm..; có nhiều đóng góp to lớn đối với vương triều Lê - Trịnh lúc bấy giờ.
Thay lời kết
Trịnh Kiểm là vương phụ của Trịnh Tùng, có công lớn trong những năm tháng đầu tiên khôi phục (trung hưng) lại quyền vị của nhà Lê ở miền Tây Thanh Hóa, đặt nền móng cho vương nghiệp của họ Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội) sau đó. Trịnh Tùng là Thế tử, đã kế nối xứng đáng vương nghiệp của cha mình. Bằng tài năng, mưu lược của Trịnh Tùng, được các tướng sĩ đồng lòng ủng hộ, qua nhiều cuộc giao tranh với tướng quân lão luyện Mạc Kính Điển của nhà Mạc không phân thắng bại, cuối cùng quân nhà Mạc đã bị đánh đuổi khỏi Thăng Long và bị tiêu diệt hoàn toàn. Tàn quân nhà Mạc phải chạy lên nương náu ở Cao Bằng 86 năm (sau năm 1592 đến năm1677), mong khôi phục lại cơ đồ, nhưng đã thất bại. Sau khi vua quan nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, Trịnh Tùng đã cho đón vua Lê Thế Tông (Duy Đàm 1573-1600) về trị vì tại kinh thành Thăng Long. Năm Kỷ Hợi (1599), chính nhờ vào công lao to lớn đó, Trịnh Tùng được tấn phong Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trưởng quốc công Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương. Vương đứng đầu trăm quan, công lao thật hiển hách. Mọi việc, vua Lê đều giao cho Bình An vương tự quyết đoán xử lý. Có lẽ cũng vì thế mà quyền của vương đã lấn át quyền của vua Lê. Bình An vương được mở vương phủ, cơ quan trung ương để điều hành chính sự, ngang hàng với cung vua, để khuông phò nhà Lê. Vương phủ được mở vào năm nào, chưa rõ? Quy mô ban đầu của vương phủ được thiết kế xây dựng ra sao tại kinh đô Thăng Long? Việc bố trí nhân sự buổi ban đầu, ngoài chức Bồi tụng (tương đương chức Phó tể tướng), Tham tụng (tương đương chức Tể tướng), Đô cấp sự lục khoa.. và các chức vị khác trong vương phủ ra sao? Có lẽ cần tìm thêm tài liệu để soi sáng. Trong vương nghiệp của mình trải qua 53 năm, đặc biệt trong 5 năm cuối đời, cũng là 5 năm đầu thời vua Lê Thần Tông (1619- 1623), Bình An vương đều đã tận lực với sự nghiệp phù Lê trên mọi mặt từ chính sự đến văn hóa, giáo dục, xã hội, quân sự, ngoại giao. Nhưng cũng chính thông qua các hoạt động đó, Bình An vương đã xây đắp nền móng vững chắc cho vương nghiệp các chúa Trịnh kế tiếp, nhằm duy trì một thể chế chính quyền đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử quân chủ Việt Nam, chế độ vừa có vua Lê, vừa có chúa Trịnh cùng song hành tồn tại hơn hai trăm năm ở Đại Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học. Hà Nội 1960-1961. Tập I và III.
2. Binh Di- Quang Vũ. Họ Trịnh & Thăng Long. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2008.
3. Đặng gia phả hệ toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên Lương Xá Hà Tây. Ngô Thế Long dịch và chú thích. Nxb Thế giới. Hà Nội 2006.
4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thăng Long thời Lê - Trịnh. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2012.
5. Ngô Sĩ Liên & các Sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1973. Tập IV.
6. Phạm Khang. Kể chuyện Lịch sử Việt Nam. Nxb Văn hóa- Thông tin.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục. Hà Nội 1998. Tập Hai.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1970. Tập II.
9. Trịnh Như Tấu (soạn - 1933). Trịnh gia chính phả. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2008.
10. Vụ bảo tồn bảo tàng. Niên biểu Việt Nam (in lần thứ ba có chỉnh lý & bổ sung). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1984.
VỀ BA VỊ HOÀNG ĐẾ TRIỀU LÊ TRUNG HƯNG:
LÊ THẦN TÔNG, LÊ CHÂN TÔNG VÀ LÊ HUYỀN TÔNG
TS. Nguyễn Hữu Tâm*
Vào cuối thế kỷ XVI, sau khi đã lật đổ thế lực triều Mạc, triều Lê hoàn thành sự nghiệp Trung hưng, thống trị phía Bắc, đặt Kinh đô tại Thăng Long. Lúc này, thế lực họ Trịnh với những công lao to lớn trong việc tiêu diệt triều Mạc đã gây sức ép với vua Lê. Năm 1599, Trịnh Tùng buộc vua Lê Thế Tông (1573-1599) phải sai Thái tể Hoàng Đình Ái đem Sách thư tiến phong Tùng làm Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương. Bắt đầu từ đây, họ Trịnh thực hiện chế độ thế tập tước vương, hình thành một thể chế chính trị đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: Triều đình (Lê) và Phủ Chúa (Trịnh) song hành tồn tại. Giới nghiên cứu lịch sử thường gọi là thời kỳ Vua Lê Chúa Trịnh, cũng có nhà nghiên cứu đã định danh đây là thời kỳ Lưỡng đầu chế.
Bước vào cuối thập niên 20 cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII, quốc gia lại tiếp tục chìm đắm trong cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở miền Bắc và Nguyễn ở miền Nam. Thời gian nội chiến kéo dài suốt 45 năm, trải qua 7 cuộc chiến đấu tranh chấp dữ dội giữa hai bên, cuối cùng không phân thắng bại, hai bên cùng nhau thống nhất lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia địa giới 2 miền Nam Bắc. Nội chiến giữa họ Trịnh Đàng Ngoài và họ Nguyễn Đàng Trong vào thế kỷ XVII, giống như cuộc chiến tranh giữa Trịnh - Mạc ở thế kỷ XVI, cũng đưa lại hậu quả khủng hoảng xã hội, khiến cho cuộc sống dân chúng ngày càng lầm than, đất nước lâm vào tình cảnh kinh tế kiệt quệ.
Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông là ba vị hoàng đế trị vì Đại Việt trong giai đoạn Trung hưng của triều Lê, từ 1619 đến 1671, kéo dài 52 năm. Trong đó, Lê Thần Tông với hai lần làm vua vào các năm 1619-1643 và 1649-1662, tổng cộng 38 năm ở ngôi đặt 6 niên hiệu: Vĩnh Tộ (1619-1629), Đức Long (1629-1635), Dương Hòa (1635-1643), Khánh Đức (1649-1653), Thịnh Đức (1653-1658), Vĩnh Thọ (1658-1662). Thời gian nắm vương quyền của ba vị vua trên (1619-1671) ở giai đoạn Trung hưng của triều Lê, gần như nằm trọn vẹn trong thời kỳ nội chiến khốc liệt Đàng Trong Đàng Ngoài giữa hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn (1627-1672).
Có một điều cần nhấn mạnh đối với cả ba vị vua là khi lên nắm giữ cương vị cao nhất của vương triều đang còn rất trẻ, đều ở độ tuổi thiếu niên. Vua Thần Tông lên ngôi lúc 12 tuổi, vua Chân Tông lên ngôi năm13 tuổi, vua Huyền Tông lên ngôi khi có 9 tuổi. Tuy được nắm quyền trong bối cảnh xã hội mà họ Trịnh đang từng bước lấn át và thao túng vương triều, bản thân còn ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng ba vị vua ít nhiều cũng đã thể hiện được tư chất đức độ và năng lực điều hành đất nước của mỗi người. Sử thần đời sau đã giành các cụm từ bậc vua giỏi, có đức của người làm vua, hay bậc vua hiền để ngợi ca các vị.
Lê Thần Tông (1607-1662), một trong hai vị vua có thời gian ở ngôi dài nhất (tổng cộng hai lần là 38 năm, tương đương với thời kỳ Lê Thánh Tông trị (1460-1497) của lịch sử trung đại Việt Nam. Thời gian hai lần lên ngôi, vua Thần Tông đã góp phần công sức để tạo dựng vương triều Lê trong giai đoạn Trung hưng. Giới nghiên cứu thường nêu ra điều đặc biệt của Thần Tông là sau khi đã làm vua lần 1 được 25 năm (1619-1643), truyền ngôi rồi lui về làm Thái Thượng hoàng, nhưng đến khi vua con là Lê Chân Tông (1643-1649) chết, không người nối ngôi, lại tiếp tục đảm trách cương vị cao nhất của triều đình kéo dài thêm 13 năm nữa. Lê Thần Tông với 38 năm trị vì quốc gia đã trải ba đời vương bên phủ chúa Trịnh bắt đầu từ Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1623) qua Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657) đến Tây Đô vương Trịnh Tạc (1657-1682). Quan hệ giữa cung Vua (triều Lê) và phủ Chúa (Họ Trịnh) trong thời gian Thần Tông giữ ngôi vua được diễn ra khá hòa thuận, yên ổn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã giành những trang chép về Thần Tông như sau: Tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi thì mất, chôn ở lăng Quần Ngọc.
Nhà bác học Phan Huy Chú đã miêu tả một cách sâu sắc về vị vua này trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: Vua mũi cao, mặt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà chúa một nhà hòa vui yên ấm. Đoạn ghi chép này của bác học họ Phan hoàn toàn thống nhất như đánh giá của các sử thần triều Lê về Thần Tông: Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi.
Quốc sử chép về Lê Chân Tông (1630-1649) người kế vị Lê Thần Tông như sau: [Vua] tên húy là [Lê] Duy Hựu, con trưởng của [Lê] Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi thì băng, táng ở lăng Hoa Phố.
Các sử thần đánh giá về tính cách, tài đức cùng cống hiến trong thời kỳ nắm vương quyền của Chân Tông: Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm, liền năm được mùa. Bản Chế phong của triều Minh cũng công nhận đức độ, tài năng vua Chân Tông [Lê Duy Hựu] trong quá trình làm vua: Đô Thống ty sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức hay chinh phục cõi hoang, mà tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Sử quan triều Lê khẳng định tài trị nước của vua Chân Tông có thế so sánh với những vị vua giỏi của phương Bắc: Nếu trời cho sống lâu thì cũng được đông người, giàu của như tiếng tốt của Văn Đế nhà Hán vậy.
Trong thời gian Lê Chân Tông làm vua, sự kiện triều Minh công nhận Thái thượng hoàng Lê Thần Tông làm An Nam Quốc vương được Quốc sử chép đầy đủ. Các thư tịch cổ Việt Nam đều ghi lại, nội dung như sau: Bính Tuất, [niên hiệu] Phúc Thái thứ 4 [1646] , Vua Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang Sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang nước ta phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương. Đây có thể coi là một sự kiện vô cùng quan trọng vì từ khi triều Lê được trung hưng mở đầu là vua Lê Trang Tông (1533-1548), triều Minh chỉ mới phong cho các vua Lê thời Trung hưng là Đô thống sứ ty. Cho nên việc triều Minh ban phong An Nam Quốc vương là đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong quan hệ giữa triều Lê Trung hưng và các triều vua phương Bắc, khẳng định vai trò chính thống của triều Lê trong việc quản lý quốc gia Đại Việt.
Lê Huyền Tông tên thật là Lê Duy Vũ (1654-1671), còn có tên khác là Lê Duy Hy, con thứ hai của Lê Thần Tông và là em của Lê Chân Tông. Mẹ đẻ là Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Huyền Tông là vị vua thứ 8 triều Lê Trung hưng, lên ngôi lúc 9 tuổi, trị vì được 9 năm và mất năm vừa 18 tuổi. Bác học Phan Huy Chú chép về Lê Huyền Tông: Vua thần thái nghiêm trang, tư chất khoan hậu, ngồi chắp tay giữ nghiệp trước, trong nước yên trị. Lại thông hiếu với Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu phong An Nam Quốc vương.
Vua Gia Tông đã tổng kết cuộc đời làm vua, trị vì đất nước, ban bố luật lệnh, đối nhân xử thế trong gần 10 năm của Huyền Tông khiến cho đất nước thanh bình, liên tiếp nhiều năm được mùa, dân chúng no đủ, quốc gia giàu mạnh, nâng cao được uy thế của triều đình như sau: Khi còn ít tuổi lên ngôi, hun đúc thánh đức, luyện rèn học thuật, thanh danh xa khắp phương ngoài. Tín nghĩa vừa lòng thượng quốc, ân sủng được phong tước vương, vinh dự được ban ấn vàng, ở ngôi được gần 10 năm, thời tiết hòa thuận, liền năm được mùa, dân mạnh của giàu, hiệu lệnh điển chương rõ ràng đầy đủ. Hơn nữa, bên trong bốn bể bình yên, bên ngoài các man sợ phục. Đất đai rộng, nhân dân đông, so với thời trước thực khác hẳn.
Các sử thần triều Lê đánh giá cao cống hiến của Lê Huyền Tông đối với quốc gia trong những năm trị vì: Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy. Năm 1667, trong Sách văn của triều đình nhà Thanh, cũng phải viết những dòng khen ngợi vua: Nết giống ông cha, tôn người đức tốt, điển chương đã chép từ xưa, nối chức người trước, thờ phụng tổ tiên, sùng mệnh ban ra buổi sớm Xét ngươi, trung trinh mấy đời dốc chí, tiếng tốt xứ thường vẫn nối noi.
Trong cuộc đời ngắn ngủi làm vua của Lê Huyền Tông, ông cũng để lại dấu ấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa triều Lê với triều Thanh. Tháng Sáu năm 1663, tức là ngay khi vừa lên ngôi, Huyền Tông đã cử sứ bộ sang triều Thanh. Bình luận về việc này, nhà sử học Đặng Xuân Bảng trong tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu chép: Bấy giờ nhà Minh đã mất, người Thanh vào làm vua ở Yên Kinh [Bắc Kinh] mà nước ta chưa thông sứ. Năm trước, nhà Thanh có sắc dụ và tiền bạc đến tặng. Vì thế, sai Lê Hiệu, Dương Hậu, Đồng Tồn Trạch sang tuế cống nhà Thanh và báo tang vua Thần Tông.
Tháng Ba, mùa xuân, năm Đinh Mùi (1667) triều Thanh cử Nội quốc sử viện Thị độc Học sĩ là Trình Phương Triều làm Chánh sứ đoàn sứ bộ đem Sách văn phong cho vua [Huyền Tông] làm An Nam Quốc vương. Sau đó, đến tháng Bảy, mùa thu cùng năm (1667), triều Lê cử Chánh sứ Nguyễn Nhuận dẫn đầu đoàn sứ sang nộp tuế cống, đồng thời sai Nguyễn Quốc Trinh làm Chánh sứ đoàn sứ sang tạ ơn. Việc các đoàn sứ hai triều Lê, Thanh trao đổi qua lại, đã đánh dấu cho sự mở đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước, kể từ khi triều Thanh được thành lập năm 1645. Đồng thời, cũng ghi nhận những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và phương Bắc của Lê Huyền Tông khi cầm quyền.
Tháng Mười, năm Tân Hợi (1671), vua Huyền Tông băng chết, các sử thần thổ lộ lòng thương tiếc một vị vua tài giỏi như vậy mà đoản mệnh, không giữ ngôi vị được lâu dài Nhưng ở ngôi không được lâu, thật đáng tiếc. Tháng mười một, rước linh cữu của vua về chôn ở lăng Quả Thịnh, lập điện Càn (Kiền) Long để thờ theo về quê hương của thân mẫu vua là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bà là vợ của vua Lê Thần Tông, được ban là Thái hậu, năm Giáp Ngọ (1654), sinh được một hoàng tử, đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Khi Lê Duy Vũ lên ngôi (tức vua Lê Huyền Tông), đã tôn thân mẫu là Phạm Thị Ngọc Hậu làm Hoàng Thái hậu.
Sau khi Huyền Tông chết, Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất.
Tóm lại, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông đã nắm giữ vương quyền trong hơn năm mươi năm của thế kỷ XVII, mặc dù bị sự o ép của họ Trịnh, nhưng các vị vua đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Với những cống hiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa giáo dục các vị quân vương trên xứng đáng được kính trọng và được ghi nhận trong tiến trình lịch sử giữ nước hàng nghìn năm hào hùng của dân tộc Việt Nam.
CHÙA ĐẠI BI VỚI VUA LÊ THẦN TÔNG VÀ BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU (THẾ KỶ XVII)
TS. Hoàng Minh Tường*
Chùa Đại Bi còn gọi là chùa Mật Sơn, nằm dưới núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Ngọc Lữ) thuộc xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn xưa, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Bố Vệ xưa cũng được coi là nơi phát tích của dòng họ Lê. Chùa là nơi xây cất lăng tẩm của một số vị vua và hoàng hậu, cũng là nơi được lựa chọn đặt Thượng sàng hạ mộ của vua Lê Thần Tông. Đây là nét độc đáo của chùa, khi gắn liền với một vị vua. Chùa Đại Bi là địa danh lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy là một công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật, song sự hình thành và phát triển của chùa gắn liền với tên tuổi, đức nghiệp của vua Lê Thần Tông, vị vua duy nhất lên ngôi hai lần trong thời kỳ phong kiến tự chủ ở nước ta.
Lê Thần Tông sinh ngày ngày 19, tháng 11 âm lịch, năm Đinh Mùi -1607, là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Trịnh Tùng. Ông là cháu nội của Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng. Năm 1619, Hoàng tử Lê Duy Kỳ được lập lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thần tông. Ông là vị vua duy nhất triều Lê Trung hưng được lên làm vua tới hai lần (lần 1 từ năm 1619 đến 1643, lần 2 từ năm 1649 đến 1662) và trị vì đất nước tới 38 năm.
Ghi chép về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thần tông, sách Tường trình về Đàng ngoài (còn có tên là Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) của linh mục Alexandre de Rhodes, có ghi chuyện người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu, là Lê Duy Kỳ, cho biết, ông sinh ngày 19/11 năm Đinh Mùi 1607, con trưởng của vua Lê Kính Tông và bà Trịnh Thị Ngọc Trinh. Sau này, năm Kỷ Mùi 1617, Duy Kỳ lên ngôi vua với hiệu là Lê Thần Tông. Duy Kỳ là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng, được đưa lên làm vua lúc mới 12 tuổi, sống mũi cao, da trắng trẻo, lớn lên rất đẹp trai, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, làm vua được 24 năm thì nhường ngôi cho con trai mới 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Lê Chân Tông lên ngôi, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu . Thế nhưng, ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, chết, nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua. Đến năm Nhâm Dần 1662, Lê Thần Tông qua đời. Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ của ông, tên là Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông), ở ngôi 9 năm thì ốm, chết. Kế vị cũng là một con trai nữa của Lê Thần Tông tên là Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông). Lê Gia Tông ở ngôi 4 năm thì ốm, chết. Nối ngôi là con út của Lê Thần Tông, tên là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông). Như vậy, Lê Duy Kỳ là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa Việt Nam có hai lần lên ngai vàng làm vua. Lê Duy Kỳ (1607-1662) làm vua với hiệu Thần Tông, Lê Duy Kỳ (Thần Tông) còn có tới 4 người con liên tiếp lên làm vua.
Về niên đại khởi dựng ngôi chùa xưa, sách Từ điển di tích Việt Nam ghi: "Chùa dựng năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671) xây toàn bằng đá, có gác chuông hai tầng, treo quả chuông đúc năm 1679. Gác chuông này nguyên xưa ở phía sau chùa, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) gác chuông bị bão đổ. Khi dựng lại được dựng ra trước chùa. Trong chùa có 4 tượng A Di Đà cao gần 3 m, tượng Hộ pháp cao 2,3 m, bên tả có tượng Lê Thần tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ Thái hoàng Thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ Hoàng Thái hậu và bốn phi tần". Cũng ghi về niên đại khởi dựng chùa cổ, sách Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam còn ghi, chùa này do Lê Huyền Tông dựng vào năm 1761 thờ vua cha là Lê Thần Tông và các Hoàng thái hậu1.
Ghi chép về chùa Đại Bi, sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn viết: Vua Lê Thần Tông lên núi chơi, sai dựng chùa ở cạnh núi. Tạo chân dung nhà vua, nay dân sở tại thờ. Sách Thanh Hóa đẹp như tranh, Le Breton ghi chép cặn kẽ về ngôi chùa Đại Bi: Tại làng Mật Sơn, Vua Lê Thần tông đã cho dựng lên một ngôi chùa thờ mình. Trong chùa có 4 gian. Gian thứ nhất thờ Tam thế Phật, tượng trưng cho 3 vị Phật thuộc 3 kiếp: Quá khứ - Hiện tại Tương lai. Gian thứ hai thờ Quan thế âm Bồ tát mẹ từ bi. Ở gian thứ ba, phía bên phải thờ Thiên Phủ (tức là Phật bà nghìn tay nghìn mắt) và phía bên tay trái là tượng Vua Lê Thần tông. Ngay trước bệ thờ vua nhưng dưới cấp bậc thấp hơn, hai bên tả hữu phối thờ 6 pho tượng mặc quốc phục nhằm tượng trưng cho hoàng hậu và 5 vị phi tần của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Việt Nam, Trung Hoa, Ai Lao (Lào), Xiêm La, Mường và Hòa Lan (Hà Lan). Chính điều này đã khiến Vua Lê Thần tông được biết đến như là một trong những vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, khi có hai lần lên ngôi và có phi tần là người ngoại quốc.
Về tượng Vua Lê Thần tông, theo tài liệu khảo tả, được tạo bằng gỗ theo tỷ lệ 1/1, khắc họa chân dung vua với gương mặt trái xoan vừa có nét đôn hậu, lại vẫn giữ được sự tôn quý, uy nghi của bậc đế vương. Y phục được tạc theo nghi lễ thiết triều, không có đai vàng. Tượng ngồi trong tư thế tọa thiền, hai tay đặt nằm trước bụng và được che bởi ống tay áo rộng. Tượng ngồi trên bệ sen, với 3 lớp cánh hoa sen. Bệ sen được tạo dáng như ngai vàng của Hoàng đế.
Sử cũ cho biết: Lê Duy Kỳ - Vua Lê Thần Tông có sáu bà vợ. Bà vợ đầu tiên tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc này: Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt .
Sau bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông Lê Thần Tông còn có 5 bà vợ, mỗi bà thuộc một dân tộc: bà vợ thứ 2 là người Thái, bà vợ thứ 3 là người Mường, bà vợ thứ 4 là người Hán, bà vợ thứ 5 người Lào và bà vợ thứ 6 người Hà Lan. Bà phi người Hà Lan tên là là Orona, con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Lê Thần Tông là vị vua duy nhất Việt Nam lấy vợ người châu Âu! Sáu pho tượng này, mỗi người một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Tượng bà Orona -thờ trong chùa Mật Sơn, Thanh Hóa - có khổ người to hơn hẳn so với các tượng còn lại. Sáu bà hoàng là 6 dân tộc khác nhau: Kinh Thái Mường Hán Lào Hà Lan. Tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen hai lớp còn các bà khác đội vương miện trong tư thế toạ thiền. Giáo sĩ Alexandre de Rodes tới Thăng Long đã từng viết về bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc như sau: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Hiện nay tại chùa Bút Tháp vẫn còn tượng Bà bằng gỗ sơn son thếp vàng vào thế kỷ XVII.
Theo văn bia "Mật Sơn Đại Bi Tự", vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) vào cuối đời, năm Cảnh Trị 9 (1671) đã cho dựng ở núi Mật Sơn, ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông và các bà Hoàng hậu cùng phi tần của vua cha. "Trong chùa có tượng Phật Di Đà, tượng Hộ Pháp. Bên trái có tượng vua Lê Thần Tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ thái hoàng thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ hoàng thái hậu và 4 bà phi tần. Năm 1932, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thăm chùa Mật, thấy "Tượng vua Lê Thần Tông ngồi giữa, chung quanh là sáu bà vợ vua, mỗi bà một bệ mà bà nào cũng nghiêm chỉnh cả". Ba mươi năm sau -1962- quay trở lại, họa sĩ cho biết: "Bây giờ những tượng đó vẫn còn, chùa bị máy bay oanh tạc hồi đầu kháng chiến đã cháy mất nhẵn nhụi, nhưng những pho tượng được nhân dân bảo vệ đem vào để trong hang đá nay vẫn còn. Mặt phấn của tượng đã bị tô lại một cách tai hại, nhưng nó vẫn cho ta thấy một cách rõ ràng tại sao các cụ lại trau chuốt nó ở những nơi nhất định, tại sao đầu tượng lại to như vậy, chân lại ngắn, lưng lại sơ sài và thẳng sừng sững như vậy". Hiện nay, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; những tựợng còn lại đang thờ ở chùa Mật sơn. Đây có thể coi là những tượng chân dung đẹp của thời Lê- Trịnh và cũng là tư liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình và phục trang của thời kỳ này.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, chùa được xây dựng bố cục theo hình chữ Đinh (I). Bái đường gồm 5 gian, chính điện 3 gian, cách Kênh Vi chừng 200m. Dọc theo vào điện thờ chùa Đại Bi là hai dải Tả vu, Hữu vu. Trước kia, trong chùa có hàng trăm pho tượng Phật và các La Hán- những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm vào thế kỷ thứ XVII. Tuy nhiên, hiện nay những pho tượng này phần lớn đã bị thất lạc. Sân chùa bài trí rất nhiều hiện vật bằng đá như: voi, ngựa, nghê, bia đá, khánh đá. Tam quan xây theo kiểu chồng diêm ba tầng mái cong, phía trên cùng treo chuông đồng nặng 2 tạ. Ở khu vực điện thờ được bài trí gồm: gian thứ nhất (tính từ trong ra ngoài) là ba pho tượng Tam thế, gian thứ hai thờ tượng Quan Thế Âm, gian thứ ba chia làm hai: bên phải là tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, bên trái là tượng vua Lê Thần tông đặt cao, phía trước mặt thấp hơn, xếp theo tả hữu là tượng 6 bà hoàng phi mặc quốc phục.
Năm 1959, những pho tượng các bà vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê chỉ cách chùa Mật Sơn không xa, thuộc địa phận phường Đông Vệ. Năm 2010, chùa Đại Bi được phụng dưng, các pho tượng thờ vua Lê và các pho tượng sáu bà vợ vua Lê Thần Tông được rước về chùa để, mọi người thờ phụng và chiêm bái.
Một trong số các tượng thờ ở chùa Đại Bi là bà phi của vua Lê Thần Tông là Phạm Thị Ngọc Hậu, (còn có tên gọi khác là Phạm Thị Ngọc Oánh), về sau bà được phong làm Đoan Thuần Hoàng thái hậu và là mẹ vua Lê Huyền Tông.
Bà Phạm Thị Ngọc Hậu quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Thân sinh bà là ông Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, tức là làng Kim Bảng. Ông Kiên lấy bà Chu Thị Loan, người xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sinh ra hai con gái là Ngọc Hiền, Ngọc Hậu. Khi chị em Phạm Thị Ngọc Hậu, Phạm Thị Ngọc Hiền mới hơn 10 tuổi, cha lâm bệnh qua đời, có một thầy địa lý từng chịu ơn giúp đỡ của gia đình họ Phạm nghe tin tìm đến viếng và xin tìm một nơi đất tốt để táng ân nhân, coi đó như sự trả ơn đền nghĩa. Ngôi đất đó được coi là phúc địa, thầy địa lý tiên đoán đó là thế đất nhất giá công hầu, nhất giá vương (Một người lấy công hầu, một người lấy vua). Nhiều người không hiểu cho đó là chuyện tầm phào, ông thầy địa lý không tranh luận mà chỉ cười rồi ra đi.
Năm 18 tuổi, bà Hậu là một thiếu nữ xinh đẹp, đức hạnh đủ đầy. Năm 19 tuổi, bà theo người thân ra kinh đô Thăng Long chơi, đó cũng là lúc Lê Thần Tông đang ở ngôi lần thứ nhất (1619-1643), ông nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp từ phía nam đi đến, tự xưng là có duyên phận từ tiền kiếp. Giấc mộng đó lặp lại nhiều lần khiến Thần Tông lấy kinh ngạc. Ông mô tả lại dung nhan người trong mộng, sai họa quan trong triều vẽ thành tranh rồi cho người đi tìm kiếm. Đúng lúc các đại thần đang tìm thì họ bất ngờ gặp một cô gái giống hệt trong tranh đang đi dạo ở kinh đô. Vua liền cho người đưa cô gái vào cung hỏi chuyện thì được biết cô tên là Phạm Thị Ngọc Hậu, người xứ Thanh. Tin là ứng vào giấc mộng, Lê Thần Tông liền tuyển cô gái làm cung phi và rất sủng ái. Bà chị là Ngọc Hiền lấy được công hầu là ông Tiến sĩ họ Lê người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc Đại phu Tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phương Quế hầu.
Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Lê Duy Vũ được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm sau khi Lê Thần Tông qua đời, Thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, sử gọi là Lê Huyền Tông. Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Hoàng thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662-1670) thì mất, thọ 17 tuổi. Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất2.
Chùa Đại Bi - Mật Sơn, gắn với tên tuổi vị vua anh minh Lê Thần tông thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi, bốn lần xa giá xuất chinh, hai lần bước lên ngôi báu, đó cũng là điều xưa nay hiếm có. Ngôi chùa cổ cũng lưu danh tên tuổi và công đức của Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu - mẹ vua Lê Huyền Tông với việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo chùa, làm cho thuyết pháp và lời răn của Phật thấu tới chúng sinh, tích đức của phật tử ngày càng tỏa lan trên đất xứ Thanh xưa và nay.
Trải thăng trầm của thời gian và do chiến tranh tàn phá, ngôi chùa cổ chỉ còn lưu lại trong tâm thức của người dân. Dấu tích duy nhất còn lại chỉ là cái giếng cổ trong chùa được xây từ thế kỉ XVII, với những chạm khắc bằng đá Nhồi tinh hình con cua, con cá sống động và tinh xảo, thể hiện sự giao thoa kiến trúc và điêu khắc dân gian và bác học đương thời. Từ năm 2008, chùa được đầu tư tôn tạo lại, bao gồm nhà Đại sảnh, nhà Tổ, nhà Tăng, phủ Mẫu, khuôn viên, vườn hoa thu hút nhiều Phật tử đến chùa lễ Phật cũng như du khách gần xa thăm chùa, vãn cảnh. Hiện nay, quần thể các công trinh kiến trúc, công trình phụ trợ và cảnh quan chùa đã và đang được phục dựng , tôn tạo để ngôi chùa cổ Đại Bi vừa trang nghiêm, thanh tịnh, vừa đáp ứng nhu cầu, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh của Phật tử và du khách gần xa.
Trong diễn trình lịch sử, Chùa Đại Bi vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, chùa còn là nơi tập hợp các lực lượng yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Tại ngôi chùa cổ, sáng ngày 27/3/1927, học sinh, sinh viên và các nhân sĩ yêu nước bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền, hơn 200 học sinh các trường trong thị xã và các nhân sĩ yêu nước đã tụ hội về chùa Mật Sơn làm lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh, một chí sĩ yêu nước, người khởi xướng phong trào Duy Tân. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Đại Bi được dùng làm trụ sở làm việc và đóng quân của một số đơn vị lực lượng vũ trang. Vào những ngày sục sôi khí thế của cuộc Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), cũng như chùa Đại Bi, núi Kỳ Lân trở thành nơi ghi dấu sự kiện đặc biệt có ý nghĩa: Sáng sớm ngày 19-8, lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn phấp phới tung bay trên cột cờ ở đỉnh núi Mật, mở ra bước ngoặt quan trọng. Đó là sự mở đầu cho thời kỳ người dân Thanh Hóa được sống trong độc lập, tự do.
Núi Kỳ Lân và chùa Đại Bi, trước những biến cố lịch sử, đã không còn giữ được vẹn nguyên hiện trạng, kiến trúc ban đầu, song công đức của vị vua anh minh Lê Thần Tông cùng Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và các giá trị văn hóa lịch sử, thắng cảnh của nó vẫn mãi đậm sâu trong tâm thức người dân Thanh Hóa, phật tử và du khách gần xa./.
Ghi chú:
1. Nguyễn Văn Tân (1998), Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin Hà Nội, tr 311.
2. Lê Thần Tông, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
KHẢO DỊCH THƯ TỊCH
XÁC ĐỊNH ĐÚNG TÊN HOÀNG THÁI HẬU QUA ĐÓ LIỆT GHI CÁC VỊ TIÊN TỔ VÀ QUI ĐỊNH TRONG LỄ TIẾT
TS. Nguyễn Văn Hải*
Hiện nay, một số các các sách như Đại Việt sử ký Toàn thư - Bản kỷ quyển XIX - Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục- Bản kỷ quyển XXXIII; Lê triều Ngọc Phả (ghi về Lê Huyyền Tông) và một số các sách Phương chí đều ghi chép là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Trong khi đó, các tư văn bia như: Hoàng Thái hậu bi, hiện dựng tại xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên[37], Phụng sự bi ký dựng ở Nam Giang huyện Thọ Xuân đều ghi Hoàng Thái Hậu tên húy là Ngọc Oánh.
Xét về tự dạng chữ Hán, hai chữ Hậu 厚 và Oánh 塋 lại hoàn toàn khác nhau, do vậy tên gọi nào là chính xác, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tập hợp các nguồn thư tịch, đưa ra những kiến giải, hy vọng giúp độc giả và các nhà nghiên cứu xác minh một cách chính xác tên của Hoàng Thái hậu.
Thứ nhất là tư liệu liệu văn bia. Có hai văn bia ghi chép về Hoàng Thái hậu:
1. Văn bia hiện giữ tại quê ngoại có tên : Hoàng Thái hậu bi. Bia vuông 4 mặt, khắc chữ 3 mặt, Hoàng Thái hậu bi, tế điền xứ sở, phân canh phụng tự. dựng vào ngày tốt giữa thu niên hiệu Chính Hòa thứ 7(1686).
Lạc khoản văn bia do 2 vị nhuận sắc là Nguyễn Danh Thực đỗ Thám hoa năm Kỉ Hợi; chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Hải Sơn tử và Nguyễn Công Vọng; người Vịnh Cầu, Đông Ngàn, Hội nguyên khoa Quý Hợi, đỗ kì thi Đông các khoa Bính Thìn, giữ chức Quang tiến Thận lộc Đại phu, Bồi tụng, Lễ bộ Tả thị lang, Nhập thị Kinh diên, tước Vĩnh Ngạn nam.
Người soạn hai vị: Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Quý Hợi, Hàn lâm viện đãi chế Quách giai Hiệu lý là Nguyễn Phú Hồ và Hiệu thảo Nguyễn Đình Xuân.
Nội dung ghi tóm tắt về bà như sau: Bà Hoàng Thái hậu nước Việt, họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh. Cha Phạm Tướng công, chức Tả hiệu Điểm tước Vị Lộc hầu, tiến phong hàm Thái Bảo tước Vị Quận công. Ông là người Quả Nhuệ huyện Lôi Dương, lấy bà họ Chu người đất Ngọc Tiềm, Thanh Nga, Văn Giang. Vợ chồng cầm sắt uyên ương, sinh người con gái thứ 2 là Hoàng Thái Hậu.
2. Văn bia hiện lưu giữa tại địa phương có tên: Phụng sự bi ký. Bia hình trụ 4 mặt, mặt trước khắc phụng sự bi ký, mặt 2 khắc công đức trường lưu, mặt 3 khắc Biên niên tuần nhật, mặt 4 khắc Tế tự thường nghi. Văn bia này cũng được soạn lập vào niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), và cũng do hai vị nhuận sắc và hai vị soạn giả như văn bia trên. Có lẽ hai văn bia này này đều được chạm cùng một thời điểm. Ký hiệu N0 1208/1209/1210/1211.
Nội dung ghi tên tuổi, quê quán và gia thất Hoàng Thái hậu: Bà họ Phạm, húy Ngọc Oánh, người xã Cảo Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương (nay là Nam Giang). Cha của bà là Phạm tướng công, húy Đình Kiên, chức Tả hiệu điểm, tước Vị Lộc hầu, gia phong làm Thái bảo Vị Quận công. Mẹ họ Chu, húy Loan người xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, Gia phong Quận phu nhân.
Thứ 2. Về các bộ chính sử: Đại Việt Sử ký toàn Thư, Bản kỷ - quyển XIX trang 693 ghi: Năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3(1665)... Tháng 8, sách lập chính cung Trịnh ThịNgọc Áng làm hoàng hậu. Tôn mẹ thân sinh ra vua [Lê Huyền Tông] là Phạm Thị Ngọc Hậu là Hoàng thái hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương).
Khâm định Việt sử Thống giám cương mục - Chính biên quyển XXXIII, trang 727, ghi lời chua: Tôn mẹ là Phạm Thị làm Hoàng Thái hậu. Lời chua: Thái hậu tên là Ngọc Hậu, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương.
Các sách Lê triều Ngọc phả, Địa chí huyện Thọ xuân đều ghi tên bà là Phạm Thị Ngọc Hậu
Như vậy, theo tôi việc ghi chép hai tên gọi khác nhau giữa tài liệu văn bia với các tài liệu chính sử, cả hai loại tài liệu này đều đúng. Việc đúng ở đây là bởi lẽ:
Đối với tài liệu văn bia, ghi chép Hoàng Thái hậu tên húy là Ngọc Oánh, ở đây các soạn giả đã sử dụng tên húy (Tên cúng cơm của bà).
Đối với việc ghi chép bà là Ngọc Hậu, các sử gia đều sử dụng phương pháp Kị húy trong qui định của lễ giáo phong kiến nên đều sử dụng tên hiệu (tên thường gọi để ghi chép). Sở dĩ hiện tượng này xảy ra là bởi, trong thực tế của lịch sử, kỵ húy là một hiện tượng văn hóa đặc thù của người Việt Nam trong giai đoạn nhà nước phong kiến, tập tục này phù hợp với tâm lý ứng sử của người Việt, thể hiện tình cảm tôn kính đối với bề trên, kính trọng người già, cũng cố những quan hệ tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng làng xã. Dưới thời Việt Nam nội thuộc Trung Quốc, chữ Hán được truyền dạy ở Việt Nam, các sách Kinh truyện và Bắc sử thông quan các nhà trí thức người Việt có ảnh hửng đáng kể trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu nếp sống văn hóa theo tinh thần Nho Giáo. Vì vậy, trong giai đoạn nhà nước giành được quyền độc lập tự chủ, kỵ húy đã trở thành một phong tục, tập quán của người Việt Nam. Từ đấy, nội dung kiêng húy là thực hiện các định lệ kiêng húy tên vua và những người trong hoàng tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hình thức kiêng húy không chỉ kiêng âm đọc mà kiêng cả chữ viết trong văn bản, điều đó đã được qui định trong mọi lĩnh vực, từ biểu tấu, đơn thư, cho đến việc học tập thi cử, chép ghi sử liệu, soạn lập văn bia...Những người liên quan phải chú ý đến việc qui định của triều đình về việc kiêng húy. Ở Việt Nam trải qua nhiều triều đại Phong kiến, cho đến cuối giai đoạn nhà Nguyễn (1802-1945), lệ kiêng húy vẫn được thi hành ở mức độ phổ biến, cho đến kỳ thi chữ Hán cuối cùng (1918) đời vua Khải Định, chữ Hán Nôm không còn là ngôn ngữ được sử dụng trong thi cử, thay vào đó là chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thì lệ kị húy dần dần bị phai mờ.
Kỵ húy được biểu hiện cụ thể đối với tên của hoàng đế, các vị trong hoàng tông, nó được thể hiện rõ tay không thể viết chữ tên, miệng không thể đọc âm tên. Kỵ húy thông thường được phân biệt làm hai loại, "tư húy và quốc húy". Tư húy bao gồm (gia húy, tộc húy, hương húy); Công húy hay còn là Quốc húy
Ở Việt Nam, lệ kị húy đến triều nhà Trần thì thấy chép ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại 8 điều lệnh của triều Trần qui định về việc kiêng húy.
Đời Lê sơ, khi Nho giáo độc tôn, tục lệ kỵ húy được chặt chẽ hơn, Lê Lợi ngay khi lên ngôi đã ban bố ban bố các chữ Miếu húy và ngự danh xin liệt kê dưới đây:
Tháng 6 năm Thuận Thiên 1(1428) ban bố chữ: Miếu húy: 汀 Đinh, 郭 Quách, 曠 Khoáng, 蒼 Thương. Ngự danh利Lợi,陳Trần, 學 Học, phàm chính tự của các chữ húy khi làm văn đều không được dùng. Nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải kiêng húy.
Đời Lê Thái Tông 1 lần.
Tháng 2 biên hiệu Thiệu Bình 2(1435) ban tên húy của quốc triều, phàm gặp chữ chính của miếu húy, ngự danh khi viết không được dùng. Ai có họ tên cùng với chữ húy phải đổi. Như cung Từ Quốc Thái mẫu húy 陈 Trần thì cho đổ thành Trình 程 .
Đời vua Lê Nhân Tông 1 lần.
Tháng 3 niên hiệu Thái Hòa thứ 1(1443) ban bố thêm hai chữ húy, tên húy của vua là 基 Cơ, Tên húy của Hoàng thái hậu là 英 Anh .
Đời vua Lê Thánh tông 4 lần ban lệnh.
- Tháng 8 năm Quang Thuận 1 (1460) Lê Thánh tông ban lệnh, người nào nguyên họ 陈 thì cho đổ thành Trình .
- Tháng giêng năm Quang Thuận thứ 2(1461) ban vố các chữ miếu húy, ngự danh: Miếu húy gồm 9 chữ : 显祖讳汀 (Hiển tổ húy Đinh), 显慈讳郭 (Hiển từ Húy Quách), 宣祖讳曠 (Tuyên tổ húy Khoáng),贞慈讳蒼 (Trinh từ húy Thương), 太祖讳利 (Thái tổ húy Lợi) , 宫慈讳陳 (Cung từ húy Trần), 太宗讳龍 (Thái tong húy Long), 宣慈讳英 (Tuyên từ húy Anh) , 仁宗讳基 (Nhân Tông húy Cơ) . Ngự danh 2 chữ, tên vua đương triều là 誠 (Thành), quang thục hoàng thái hậu húy 瑤 (Dao) .
- Tháng 4 năm Quang Thuận thứ 3(1462) trong 5 điều qui định về phép thi hương: Chữ húy của quốc triều, nếu hai chữ liền nhau đều không được dùng, nếu rời từng chữ một thì cũng cho dùng bằng cách lấy chữ khác thay vào chữ khuyên ở bên ngoài.
- Tháng 7 năm Quang Thuận thứ 7(1466) định rõ lại lệnh kiêng húy (không thấy sử ghi qui định cụ thể)
Đời Lê Hiến Tông 1 lần.
- Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1497) ban bố ngự húy của vua lê Hiến Tông là (Tăng), tên húy của Hoàng thái hậu 暄 (Huyên) .
Đời vua Lê Chiêu Tông, 1 lần ban lệnh húy.
Mùa xuân năm Quang Thiệu thứ 2 (1517) nhà vua sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận húy hiệu định miếu húy 20 chữ, ngự danh 2 chữ 椅 (Kỳ) và 惠 (Huệ).
Triều Lê Trung hung lệ kiêng húy vẫn được duy trì, đến nhà Nguyễn lệnh kiêng húy được nghiêm ngặt hơn, có rất nhiều vua ban lệnh lệ cấm húy, thậm chí năm Minh Mạng thứ 6 (1825) lệnhkỵ húy nói rõ nếu ai vi phạm sẽ chiếu luật vi phạm chế xử tội nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Những chữ liên quan đến tên Vua - Chúa trở thành quốc huý, nghĩa là cả nước phải kiêng.
Như vậy trường hợp ghi chép của Bà là tránh húy theo miếu húy, nó cũng như tên gọi bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị, vì trách quốc húy nên mới đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa. Việc các sử gia ghi chép tên bà là Ngọc Hậu là tên hiệu thường gọi, còn tên Ngọc Oánh là tên húy, chỉ sử dụng trong lúc tế tự lễ nghi.
Văn bia còn ghi thêm: Hoàng Thái Hậu sinh vào giờ Mão ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi niên hiệu Long Đức 7 (1635). Năm 19 tuổi tác hợp cùng Thần tông Uyên Hoàng đế.
Thái hậu là người đức hạnh, lúc sang quí vẫn kiệm cần giữ lẽ kiệm ước, tỏ đức thuần mỹ khó ai sánh sánh bằng. Nói năng nhẹ nhàng, công việc cẫn thận, ấy cũng nhờ sự giáo dưỡng từ nhỏ mà thành vậy Năm Giáp Ngọ sinh Huyền tông Mục Hoàng đế, vua dung mạo tựa rồng phượng nên thười nói có mẹ thánh ắt có con thánh là vậy. Huyền Tông Mục Hoàng Đế nối ngôi làm sáng rõ cơ đồ, ứng được mệnh lớn. Lại dựa vào Hoằng Tổ Dương Vương được hưởng lấy việc nuôi nấng làm công lao của bậc thánh, trở về đối với em gái thì luôn luôn hiền dịu, giúp đất nước trị yên lễ văn đầy đủ để hưng khởi. Năm Kỉ Tị sách vàng tôn bà làm Hoàng Thái hậu, làm nhiệm vụ cai quản dạy bảo trong cung, là mẹ của thiên hạ.
Ông nội Đình Tiến được gia phong Thiếu bảo Hà Quận công. Bà nội họ Lê, tên húy Y được gia phong Quận Phu nhân.
Ông tổ 3 đời: húy Đình Biểu được gia phong Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu. Bà tằng tổ họ Lê húy Tín được gia phong Quận Phu nhân
Ngày sinh, ngày giỗ bốn mùa tám tiết, đồ thờ cúng tốt lành, hanh thông hương thơm mãi mãi ở đấy để tôn kính vậy. Phàm lăng điện đã yên ổn, năm tháng phụng thờ muốn linh thiêng ở trời, ở các vị tổ tiên sẽ có chỗ trở về để nương cậy phối hưởng vậy. Hoàng Thái Hậu ta sáng rõ cúng tế trước tiên suy nghĩ vậy.
Mặt thứ 2: Ghi công đức trường lưu (Công đức lưu mãi)
Ở mặt này, văn bia ghi nối thêm phần văn của mặt thứ nhất, nói thêm qui định đặt ruộng tế ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế. Đồng thời ghi rõ qui định hằng năm vào ngày sinh ngày giỗ thì phụng mệnh cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất như nghi thức, mãi làm tự điển.
Hết phần này ghi lạc khoản niên đại, người nhuận sắc, người soạn, người khắc.
Mặt thứ 3: Biên niên tuần nhật, ghi hoàn toàn nội dung mới, ngày tuần hàng năm:
Văn bia ghi rõ số ruộng tế điền, ruộng huệ điền của Tiên đế ở các xã Bố Vệ - Đông Sơn, Động Bàng - Yên Định, Thủ Hộ - Quảng Xương. Và cấp đủ thuể cuối năm cho quê ngoại xã Thanh Nga -Văn Giang
Ở phần này văn bia ghi rất rõ qui định lễ nghi tuần tiết, số tiền sắm biện lễ vật:
Ngày mồng 1 tháng Giêng là tết Nguyên đán dùng 3 quan tiền, thôn Kim Bảng lễ 5 mâm tiền giấy cùng 5 mạch tiền.
Ngày mồng 2 dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 3 dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 7 khai hạ dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 1 tháng giêng lễ kị.
Mặt này còn liệt ghi các vị Ngoại tổ
Ngoại tổ Hiển tổ khảo Thái bảo, tước Vị Quận công là Phạm tướng công(ông ngoại ông Kiên), tên tự là Phúc Minh, thụy Lương Tính phủ quân, sắp lễ tiền 7 quan, ngọc thực 3, thức ăn chín 5, phô sa 1, xôi 1.
Bản xã tiền 4 quan, gạo 30 bát, bày trên nền xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 2 tế mùa xuân dùng 4 quan tiền. Ngày mồng 3 tháng 3 là tiết Thanh minh dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 7 lễ kị.
Ngoại tổ, Hiển Cao tổ tỉ là Chánh phu nhân của Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu (Bà 4 đời bên ngoại ông Đình Biếu) là Lê quý thị, thụy Từ Hỉ: Sắp lễ 3 quan tiền. Bản xã 1 quan 4 mạch tiền, gạo 10 bát, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 29 lễ kị.
Ngoại tổ của Hiển tổ khảo là Đô đốc Đồng tri, tước Hải Triều hầu (Bà ngoại ngoại ông Đình Biếu) là Phạm quý công, thụy là Lương Tâm phủ quân 3 quan tiền. Bản xã sửa lễ 1 quan 4 mạch tiền, lợn, xôi, rượu, tiền giấy.
Ngày mồng 8 tháng 4 lễ kị.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ tỉ là phu nhân của Thiếu bảo Hà Quận công hầu (Bà cố ngoại ngoại ông Đình Tiến) là Lê quý thị, thụy là Từ Khánh 4 quan tiền. Bản xã sửa lễ 3 quan 8 mạch tiền, 15 bát gạo, lợn, xôi, rượu, tiền giấy.
Tháng 5 tết Đoan Ngọ tiền 3 quan.
Ngày mồng 6 tháng 6 Tế hạ sửa lễ 4 quan tiền.
Ngày 15 tháng 7 là Trung nguyên sửa lễ 4 quan tiền, thật y thật tài dùng 8 quan tiền.
Ngày 29 lễ kị.
Ngoại tổ Hiển tổ tỉ (Mẹ vợ ông Đình Kiên, bà ngoại Hoàng Thái hậu) là phu nhân của Thái bảo, Vị Quận công là Chu quý thị, thụy là Từ Độ
Sắm lễ 7 quan tiền làm 3 mâm ngọc thực, 5 mâm thức ăn chín, phô sa, vật tế, xôi.
Bản xã biện lễ tiền 4 quan, gạo 30 bát, bày trên nền vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 8 tế, dùng 4 quan tiền.
Ngày 15 là Trung thu sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày mồng 9 tháng 9 là Trùng nguyên sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày mồng 10 tháng 10 là Thường tiên sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày 14 là Tiến tiên lễ sửa lễ 3 quan tiền,
Ngày 15 là lễ kị.
Mặt 4: Ghi rõ việc chế định chi phí, ngày tháng, nghi thức tế lễ đối với vua Huyền Tông. Đồng thời ghi thêm tổ ngoại của ông Đình Tiến bao gồm:
Huyền tông Mục Hoàng đế Ngày 11 tháng 11 tế mùa đông sửa lễ 4 quan tiền.
Ngày 22 tháng 12 lễ kị chi 20 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chín 12 mâm, thịt trâu 1 đĩa, thị bò 2 đĩa, xôi 3 đĩa.
Bản xã bỏ 4 quan 4 mạch tiền, 30 bát bày trên nền, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy.
Ngày 20 là ngày sinh, lễ dùng 8 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chín 8 mâm, lợn, xôi, bánh vuông, bánh tròn, tương thịt, chuối xanh 20 quả. Bản xã 1 quan 2 mạch tiền, 10 bát gạo, lợn, xôi, rượu.
Ngoại tổ, Hiển tằng tổ khảo được gia phong Thiếu bảo, tước Hà Quận công là Phạm quý công thụy là Lương Phúc phủ quân 4 quan tiền. Bản xã 1 quan 8 mạch tiền, 50 bát gạo, lợn, xôi, rượu, trầu cau, tiền giấy.
Ngày 27 là Sám lăng sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 20 tắm rửa sạch sẽ.
Thay áo thánh mua các vật 10 quan tiền. Lễ Trừ tịch dùng 4 quan tiền.
Ngày sóc vọng các tháng quanh năm dùng trầu cau, đèn dầu, hương, mỗi tháng 5 đến 6 mạch.
Như vậy, văn bia ngoài việc ghi tên tuổi công lao đức hạnh của bà còn ghi thêm tên tuổi các vị liệt tổ liệt tông nội ngoài và các qui ước định rõ việc mua sắp lễ nghi. Rất tiếc văn bia không chép rõ về nghi thức tế lễ. Chúng tôi thấy đây là thề loại văn bia bia cung đình, những việc tế lễ thường niên đều gắn đến vua và hoàng tông, nên nó phải được tổ chức một cách nghiêm ngặt, có cả giám quant ham gia. Để giúp giúp địa phương có một cái nhìn tổng quát về nghi thức trong buổi lễ, xin trích dịch phần nghi tiết được ghi chép trong văn bia Hậu Đức cung bi ghi chép về Trịnh Thị Ngọc Lung, vương phi của chúa Trịnh Tạc, cũng là thể loại văn bia cung đình để tham khảo.
Nghi tiết.
Tựu vị. Tham thần tứ bái - hưng - bình thân.
Thượng hương - qụy. Phủ phục nhị bái - hưng - bình thân.
Sơ hiến lễ.
Qụy- hiến tửu. Phủ phục hưng- bình thân.
Độc chúc - qụy. Phủ phục nhị bái- hưng- bình thân.
Á hiến lễ.
Qụy - hiến tửu. Phủ phục - hưng - bình thân.
Chung hiến lễ.
Qụy - hiến tửu. Phủ phục - hưng - bình thân.
Hựu thực. Từ thần tứ bái - hưng - bình thân.
Phần chúc.
Triệt soạn. Lễ tất.
Nghĩa là
Nghi lễ.
Vào vị trí. Lễ thần bốn vái, đứng dậy ngay ngắn.
Dâng hương, quỳ. Cúi lễ hai vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần đầu.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồ đứng dậy ngay ngắn.
Quỳ đọc chúc văn. Cúi lễ hai vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần hai.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần cuối.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồi đứng dậy ngay ngắn.
Mời ăn. Từ biệt thần bốn vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Đốt chúc văn
Bê cỗ ra.
Lễ xong.
Tài liệu tham khảo.
1. Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí Toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
5. Ngô Đức Thọ chủ biên Nghiên cứu chữ tị húy Việt Nam qua các đời Nxb Hà Nội, 1997.
HỌ PHẠM LÊ VÀ BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU
NNC. Phạm Lê Nguyễn*
Họ Phạm Lê là một dòng họ phế thiệt trâm anh, có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Quốc triều khoa bảng nhiều lần nhắc đến tuổi các vị tiền bối của dòng họ. Bia tiến sĩ trong Quốc tử giám ghi tên các vị tiến sĩ triều Lê có hai lần lưu lại tên tuổi tổ tiên.
Thật là vẻ vang, thật là vinh hạnh, rất đỗi tự hào!
Mỗi người hãy ghi nhớ về dòng tộc của mình, nguồn gốc của mình để làm cho họ Phạm - Lê lớp cha trước, lớp con sau xứng đáng với tiền nhân, với dân, với nước. Thực như chim có tổ, người có tông; như sông có nguồn, như cây có gốc.
Họ Phạm Lê là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm. Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc, gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa.
Ông tổ của họ Lê là Lê Kính, quê ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An (nay là xã Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Sinh năm Đinh Hợi (1587), mất năm Kỷ Mão (1669), thọ 73 tuổi. Ông đậu Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628), đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công Bộ Thượng Thư, Tước Hầu. Khi mất được thăng làm Thái Bảo, tước Thạc Quận Công
Đời thứ 2 là ông Lê Hiệu, sinh năm Đinh Tỵ (1617), đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, năm 27 tuổi (Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643), đời Lê Thần Tông. Ông làm quan trải qua các chức: Hình Bộ Thượng Thư; Lễ Bộ Thượng Thư, Binh Bộ Thượng Thư Tước Hầu sau thăng đến chức Tham tụng Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tá Lý Công Thần, Thượng Trụ Quốc. Từng được cử đi sứ thay mặt nhà vua đối đáp với triều đình nhà Thanh, được người Bắc quốc nể phục. Khi qua đời, vua sắc phong là: Nghiêm Minh, Hùng Đoán Thông Đạc Đại Vương.
Hai cha con làm quan cùng triều đình, hiếm có trong lịch sử. Cả hai đều lần lượt làm Thượng thư các bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ rồi lên Tham Tụng, được phong tước Vương, tước Công, tước hầu. Đây là tước cao nhất của đời Lê Trung Hưng.
Ông tổ của họ ngoại là Phạm Đình Kiên, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa, lấy bà Chu Thị Loan, người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang (Bắc Ninh) sinh ra hai người con gái.
Người con đầu là vợ tể tướng Lê Hiệu, con trai của ông Lê Kính, người thứ hai là Phạm Thị Ngọc Huỳnh là quý phi của vua Lê Thần Tông. Bà sinh ngày 22/4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635). Đời vua Lê Thần Tông vào cung năm 19 tuổi (1654) và năm sau sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế . Bà tuy giàu sang phú quý hết mực, nhưng nếp sống cần kiệm, phong thái dịu dàng khéo léo. Đó là nhờ được sự giáo dục chu đáo của gia đình, học hành từ khi còn nhỏ. Lịch sử ghi lại bà là người tài sắc vẹn toàn, đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lời nói của vua Lê Thần Tông khi bệnh trọng. Hoàng Đế bảo Thượng Sư Tây Vương (Trịnh Hạc): Nay con đích là Duy Vũ đã lên 9 tuổi, dần đã trưởng thành nhờ Vương giúp đỡ cho được nên người có đức có tài để nối nghiệp lớn yên long thần dân.
Hoàng Thái Tử Lê Duy Vũ là con của vua Lê Thần Tông và Phạm Thị Ngọc Huỳnh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Trị (1662). Vua tính trời nhân hậu, vẽ người nghiêm tĩnh, những năm ở ngôi, trong nước trị yên, thóc lúa được mùa, cũng đáng là bậc vua hiền. Ở ngôi không được lâu, đáng tiếc.
Sách Việt Sử ký còn ghi: Tôn mẹ thân sinh ra vua Phạm Thị Ngọc Hậu là Hoàng Thái Hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, Huyện Lôi Dương). Đó là năm Ất Tỵ năm Cảnh Trị thứ 3 (1665).
Văn bia công đức Trường Lưu ghi: Khi Huyền Tông Hoàng Đế kế ngôi nối nghiệp cơ đồ, mọi việc đều tôn theo di mệnh trị nước của vua cha một cách nghiêm túc. Thực đó là nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu làm cho Huyền Tông hoàng đế trở thành vị vua hiền tài. Quốc gia được bình yên, văn lễ được chu toàn..
Bài văn trong bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ của họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với phu nhân quan Tể tướng cho người con trai thứ của Phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại và Hoàng Thái hậu. Ông sinh ra được 4 người con trai chia làm 4 chi. Người chi trưởng được 3 con trai, người con trai cả làm quan đến chức Thừa Chánh Sứ, tước phong là Quả Xuân Hầu. Quan Chánh Sứ sinh được 12 người con. Ông tổ chi họ Phạm là Phạm Trừng.
Khi vua Lê Huyền Tông băng hà, triều đình rước về táng ở lăng Quả Thịnh, xây điện Càn Long để làm nơi thờ cúng. Đối với các vị tiên tổ của họ Phạm cũng được quy về Điện miếu phối thờ. Sách Đaị Việt Sử ký toàn thư ghi: Tháng 11 ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng Đế về chôn ở Lăng Quả Thịnh, lập điẹn Càn Long để thờ về quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Bà Thái Hậu Phạm Ngọc Huỳnh là người vẹn sắc, vẹn toàn. Năm 19 tuổi, vào cung sống cùng Hoàng Đế Lê Thần Tông 8 năm. Năm 27 tuổi, vua băng hà, bà cùng triều thần tôn lập con trai lên trị vì đất nước. Năm 30 tuổi bà trở thành Hoàng Thái hậu của nước Việt. Ở ngôi tuyệt đỉnh vinh quang bà Hoàng Thái hậu họ Phạm vẫn luôn quan tâm đến quê nhà, đến việc thờ cúng tổ tiên. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái hậu đã lo xa từ trước.
Trên đất Quả Nhuệ ngày xưa, bây giờ là Kim Bảng và Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa còn mộ bà Hoàng Thái Hậu và Hoàng Đế Lê Huyền Tông. Điện Càn Long đã bị thời gian tàn phá chỉ còn lại trong ký ức của con cháu dòng họ. Một di tích rất có giá trị còn lại là một khối bia 4 mặt Công đức Trường lưu.
Bia do một nhóm danh sĩ thời Hậu Lê soạn theo lệnh của Hoàng Đế kế vị, khắc và dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Đó là: Một khối đá ghi công đức được dựng lên để muôn đời ghi nhớ. Hoàng Thượng đi tuần du đến địa hạt huyện Thanh Chương dụ chỉ cho:
Nguyễn Thanh Thực tước phong là Hải Sơn Tử thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh khoa Kỷ Hợi làm quan đến chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Lễ Bộ Tả Thị Lang nhập tại kinh diên vâng mệnh nhuận sắc văn bia.
Các ông Quách Giai thi đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh làm quan đến chức Hàn Lâm Viện Đãi Chế; Nguyễn Phú Minh thi đỗ tiến sĩ xuất thêm làm quan đén chức Hàn Lâm Viện Hiệu Lý và ông Nguyễn Đình Xuân thi đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Hàn Lâm Hiệu Thảo vâng mệnh soạn văn bia.
Nguyễn Hạc phó cai hợp đồng tri phủ Tước Phong là Văn Học Nam người ở Đông Ngàn, Phù Chẩn vâng Mệnh viết chữ.
Mặt chính của bia ghi bài ký Công đức Trường lưu, các mặt còn lại ghi về việc: Tế tự thường nghi, Ký bi sự phụng . Bia cùng ghi cho làng Kim Bảng 5 mẫu, làng Quả Nhuệ 50 mẫu ruộng chia nhau cày cấy để phụng thờ. Những ngày phải tế lễ trong năm là các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 và mùng 7 tết; Tết thanh minh mùng 3 tháng 3; ngày kỵ ông ngoại, ngayg 7 tháng 3; bà ngoại ngày 7 tháng 3; ngày kỵ ông cố ngoại ngày 29 tháng 3; bà cố ngoại mùng 8 tháng 4 và các lễ Đoan Ngọ, Trung nguyên, trùng cửu, song thập.
Từ ngày ông tổ họ Lê chuyển sang họ Phạm - Lê và dời cư từ Nghệ An ra đến nay đã gần 350 năm. Nhiều thế hệ được phong tước hầu, tước bá, trao cho trọng chức để trông coi các xứ và nơi thờ cúng.
Trải bao vật đổi, sao dời, lớp cha trước lớp sau, dòng họ Phạm - Lê trước sau trung thành với dân với nước. Ngày nay dẫu có người giàu, có người còn nghèo, có người làm nên công ích, có người cày cấy làm ăn vẫn không quên mình cùng một gốc. Nhiều người ra đi lập nghiệp ở mọi miền đất nước vẫn ngày đêm trông ngóng về quê nhà, nơi có bàn thờ tổ và mộ Hoàng Thái Hậu, mộ Hoàng Đế Huyền Tông.
CÔNG ĐỨC BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU
VÀ VIỆC XÂY DỰNG CHÙA CẨM LONG
NNC. Đại tá. Phan Văn Thanh*
Về lai lịch bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Ngọc Huỳnh - Ngọc Oánh), Văn bia Công đức Trường lưu hiện còn ở địa điểm Điện Càn Long do nhóm danh sĩ nổi tiếng thời Lê Trung hưng soạn, theo lệnh của vị vua kế vị được khắc, dựng vào năm Chính hòa thứ 7 (1686) đã ghi chép một cách rất cụ thể rõ ràng như sau:
Bà Hoàng Thái Hậu của nước Đại Việt họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Hiển khảo (bố) là Tả hiệu điểm, Tước vị Lộc hầu là Phạm tướng công, húy là Đình Kiên, lấy Hiển tỷ người họ Chu, húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh được hai người con gái, trong đó có Thái Hậu vậy.
Bà sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635). Năm bà 19 tuổi tác hợp cùng Thần Tông Uyên Hoàng đế. Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước, đấy là đức thuần mỹ đệ nhất vậy. Ngôn2 không thiếu, cũng không giản lược đó là do giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng Hậu, lời nói như cây Phù dĩ3 đó là sự tốt đẹp của Hoàng Hậu.
Vào năm Giáp Ngọ bà sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế, dáng dấp như Rồng phượng, chỗ ấy bảo là: có mẹ thánh ắt có con thánh là vậy. Kịp đến Thần Tông Uyên Hoàng đế đang đầy vận hội, trông lại di mệnh cẩn khắc trong lòng. Đúng lúc lên đến ngày xa, tình thương sót nhiều càng ở trong chế3, một lòng thành thực ấy đến cùng cực vậy. Huyền Tông mục Hoàng Đế nối ngôi làm sáng rõ cơ đồ, ứng được mệnh lớn, lại dựa vào Hoàng Tổ Dương Vương được hưởng lấy việc nuôi nấng làm công lao của bậc Thánh 1.
Có thể nói, khi Huyền Tông Hoàng đế kế ngôi nối nghiệp cơ đồ, mọi việc đều tuân theo di mệnh trị nước của vua cha một cách nghiêm túc. Thực đó cũng là được nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái hậu và công lao vun đắp phù trì của Hoàng Tổ Dương Vương (Trịnh Tạc) làm cho Huyền Tông Hoàng đế trở thành một vị vua hiền tài, quốc gia được bình yên, văn lễ đến chu toàn. Đến năm Ất Tỵ, trên sách vàng của triều đình bà được tôn làm Hoàng Thái Hậu - khi đó bà mới 30 tuổi. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn làm Mẫu nghi thiên hạ, được người đương thời rất tôn kính.
Theo văn bia Công đức Trường lưu, nhờ vào vị thế của bà Hoàng Thái Hậu nên triều đình đã truy phong những tước hiệu cao quý cho các tiền nhân của bà, đồng thời cho phép đưa vào phối thờ ở Điện Càn Long - Nơi thờ vua và Hoàng Thái Hậu đó là:
- Hiển khảo (bố) được phong là Thái bảo vị Quận công.
- Hiển tỷ (mẹ) được phong là Thái bảo vị Quân công phu nhân.
- Hiển tổ khảo (ông) tên húy là Đình Tiền được truy phong Thiếu bảo Hà quận công.
- Hiển tằng tổ (cố) tên húy là Đình Biểu được truy phong là Đô Đốc Đồng Tri Hảo triều hầu.
- Hiển tằng tổ tỷ (cố bà) họ tên là Lê Thị Tín được truy phong là Đô Đốc Đồng Tri Hảo triều hầu chính phu nhân.
Và theo nhóm tác giả văn bia nhận định thì Việc thờ phụng như vậy thì Hoàng Thái hậu đã lo xa từ trước. Vì thế cho nên tổ tiên bên họ ngoại nhà vua mới được thờ phối ở Điện Càn Long. Đấy cũng là vinh dự lớn của dòng họ Phạm Lê ở Quả Nhuệ thời bấy giờ.
Công Đức lưu mãi: Vì lo xa, bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là, để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
Như vậy, theo văn bia thì Tiếng thơm tu nhân tích đức dòng tộc của bà Hoàng Thái Hậu đã được đáp đền thỏa đáng- Đó chẳng phải là công đức của Hoàng Thái Hậu đó sao.
Về dòng họ Phạm Lê và mối liên hệ gắn bó giữa họ Lê ở Yên Thành (Nghệ An) và họ Phạm ở Quả Nhuệ xưa (nay là xã Nam Giang) huyện Thọ Xuân đã có bài tham luận riêng rồi, do vậy trong khuôn khổ bài viết này tôi không trình bày nữa, mà chỉ đi sâu vào chủ đề Công đức của bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đối với dòng họ Phạm Lê nói riêng, xã Quả Nhuệ xưa nói chung và đối với quê ngoại của bà ở xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Công đức của bà đối với dòng họ, đối với ông bà cha mẹ bên ngoại đã trình bày ở trên. Với vị thế và sự quan tâm đặc biệt của bà Hoàng Thái Hậu mà vùng đất Kim Bảng - Quả Nhuệ xưa ở thế kỷ thứ XVII đã được thừa hưởng nhiều ân huệ. Điện Càn Long cùng ngôi chùa Cẩm Long do chính bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm bỏ tiền và trực tiếp điều hành xây dựng. Đây là hai công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, quy mô vô cùng có giá trị ở thế kỷ thứ XVII.
Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long, nhà vua (tức vua Lê Gia Tông) ra sắc chỉ cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ (chức quản lý điện miếu), cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi được phân công viết bài này, tôi đã trao đổi với thầy Lê Xuân Kỳ, nguyên là chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa, thầy đã cho tôi xem cuốn Văn Bia Việt Nam, trong đó có Văn bia Hoàng Thái Hậu Bi- số 1374 được phụng soạn ở quê ngoại của Hoàng Thái Hậu, cùng thời gian soạn Bia công đức Trường lưu (1686) ở quê nội. Bia có nội dung như sau2:
Bia Lăng Hoàng Thái hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng yên.
Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ Hàn lâm viện đãi chế, Nguyễn Đình Thung hàn lâm viện hiệu thảo phụng soạn. Nguyễn Danh Thực thám hoa năm Kỷ Hợi (1659) bồi tụng; Ngự sử Đài Đô ngự sử, Tước hầu sơn tử nhuận sắc. Không ghi tên người khắc bia. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê.
Bia 4 mặt đều khổ 86 x 135 cm, chạm 28 vòng mặt nguyệt, mây, hoa. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương 73 dòng, khoảng 1800 chữ.
Bia ghi tóm tắt tiểu sử của Hoàng Thái Hậu, mẹ vua Lê Huyền Tông. Bà họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là con gái thứ của ông Tả hiệu, vị lộc hầu, nguyên quán xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Mẹ họ Chu, sinh bà vào giờ Mão (22/4 năm Đức Long 7 (1635). Năm 19 tuổi được tuyển vào cung hầu vua Thần Tông, năm Giáp Ngọ (1654), 20 tuổi bà sinh ra Hoàng Đế Lê Duy Vũ (sau nối vua, tức vua Lê Huyền Tông), bà được sắc phong làm Hoàng Thái Hậu. Xã Thanh Nga và thôn Nhân Lý từng được bà ban cấp ruộng đất làm ruộng tự điền. Sau khi bà mất dân xã nhớ ơn dựng bia công đức bà. Mặt sau bia ghi chi tiết 37 thửa ruộng tự điền cộng với 36 mẫu 9 sào 10 thước, ghi những điều quy định về thể lệ cúng tế bà hàng năm.
Qua nội dung văn bia trên chúng ta thấy công đức của bà Hoàng Thái hậu không những được ghi lại ở quê nội mà còn được người dân quê ngoại của bà ghi nhớ, dựng bia để lưu truyền mãi mãi.
Song qua nội dung văn bia thì có một số nội dung chúng tôi thấy không thống nhất, như:
- Thứ nhất: Văn bia tại quê ngoại ghi: Bia lăng Hoàng Thái Hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trong khi đó Văn bia công đức Trường lưu: tại quê nội lại ghi quê ngoại Hoàng Thái Hậu ở xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
- Thứ hai: Bia ghi xã Thanh Nga từng được bà chu cấp ruộng đất, sau khi bà mất, để nhớ công đức của bà nhân dân bản xã đã lập bia ghi công đức Như vậy, Bia lập năm Chính Hòa thứ 7 (1686) là không đúng vì thời gian này bà đang còn sống.
Công đức của bà không chỉ thể hiện ở việc xây Điện Càn long và việc quan tâm đến đời sống người dân nơi thôn dã, bà còn quan tâm đến việc xây dựng cho quê hương bà một ngôi chùa - chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật, để cho bà con quê hương mình và dân trong vùng thực hành tín ngưỡng
Qua các nội dung trình bày ở trên chúng tôi rút ra vài nhận xét như sau:
Thứ nhất là: Bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Song không vì quyền cao mà nhủng nhương nhiếp chính, ăn chơi xa xỉ, mà bà vẫn giữ đức tính cần kiệm, như văn bia Công đức Trường lưu chép: Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước, đấy là đức thuần mỹ đệ nhất vậy. Ngôn2 không thiếu, cũng không giản lược (là do) giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng Hậu, lời nói như cây Phù dĩ 3 đó là sự tốt đẹp của Hoàng Hậu. Có nghĩa là: Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo, đó là nhờ sự giáo dục chu đáo mà nên. Nói về sự hiền tài và dung nhan thì Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen.
Thứ hai là: khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, Bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Do vậy khi bà qua đời, dân làng quê ngoại ở Thanh Nghĩa, Văn Giang (Hưng Yên) đã lập bia đá ghi nhớ công ơn của bà để lưu truyền mãi mãi.
Thứ ba là: mặc dù được phong là Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ, nhưng khi con trai bà (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ - một chức vị biết bao nhiêu cung tần mỹ nữ trong cung mơ tưởng mà không được, Bà xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long. Đây là một điện miếu thờ vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
Hơn nữa, vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với người chị gái là Phạm Thị Hiền, phu nhân quan tể tướng Lê Hiệu cho người con trai thứ của phu nhân là Lê Trừng về Quả Nhuệ đổi theo họ mẹ để chăm lo việc thờ cúng bên ngoại. Trong văn bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý - 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự cho nên bà Hoàng Thái Hậu đã bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc, để chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu
Vì lo xa mà bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
Như vậy, có thể nói bà Hoàng Thái Hậu là một nhân vật lịch sử tài đức vẹn toàn và rất nổi tiếng ở thời Lê Trung hưng. Tiếng thơm và công đức của bà sẽ được lưu truyền mãi mãi.
VỀ VIỆC XÂY DỰNG CHÙA CẨM LONG
Rời chốn cung đình trở về quê, ngoài việc chuyên tâm lo xây dựng Điện Càn Long (như đã trình bày ở trên), bà còn rất chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất. Một việc làm vô cùng có ý nghĩa đó là bà đã cùng chị gái Phạm Thị Hiền. (bà Hiền là người lấy Tiến sĩ Lê Hiệu thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vĩnh lộc Đại phu tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phương Quế hầu). Hai chị em đã đầu tư xây dựng một ngôi chùa - gọi là Chùa Cẩm Long5.
Chùa được xây dựng từ năm nào, cùng thời điểm với việc xây dựng Điện Càn Long hay sau khi Điện Càn Long được hoàn tất mới tiến hành việc xây chùa, thì không có tài liệu nào ghi chép, chỉ biết chưa xây xong chùa thì Hoàng Thái Hậu đã mất, công việc còn lại là do con cháu bà tiếp tục lo liệu.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, và theo lịch sử xã Thọ Lộc biên soạn và xuất bản năm 2015 cho biết:
Để chuẩn bị cho việc xây Điện Càn Long và Chùa Cẩm Long, Hoàng Thái Hậu và bà Hiền đã cho người vào rừng chặt gỗ Lim mang về ngâm ở đồng Nẵn (làng Quả Thượng), mở lò gạch ngói ở cồn Am (làng Cẩm Long) - gọi là cồn lò ngói Nơi đây vẫn còn dấu tích của sự tồn tại một lò gạch, ngói như: còn nhiều gạch, ngói mũi hài vỡ được chôn lấp, đường móng khuôn hình lò đốt gạch, ngói .v.v. Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long, và tên làng Cẩm Long cũng được Hoàng Thái Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ ở quê. Cẩm Long có nghĩa là con Rồng hoa.
Chùa Cẩm Long được xây dựng cách Điện Càn Long chừng năm trăm mét. Chùa là một công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng, Chùa có hai tầng, 8 mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài.
Chùa được xây dựng trong một khu đất cao, rộng, tọa lạc chính đầu con Rồng hoa, trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước ( miệng Rồng) quanh năm không bao giờ cạn nước. Theo các cụ truyền lại, ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai Tổng Bất Nạo, Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.
Trong khuôn viên của chùa được trồng nhiều hoa, cây cảnh, cây ăn trái. Hoa và cây cảnh được trồng trước sân và quanh bờ ao, cây ăn trái được trồng ven đường vào chùa và xung quanh vườn chùa, hàng năm có người trông coi và thu hoạch bán trái lấy tiền mua sắm lễ thắp hương hàng ngày tại chùa.
Cổng chùa được xây dựng theo kiểu Tam quan, cổng vòm gồm 2 tầng 4 mái, mỗi tầng đều có 4 mái cong, hình dáng bề thế. Các cửa vòm của cổng Tam quan có một cửa lớn ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên thông thoáng dể đi. Đi qua cổng Tam quan là đến khoảng đất rộng trồng hoa và cây cảnh, tiếp đến là hai cái ao nước sâu nằm hai bên đường đi vào sân chùa, mỗi cái ao rộng chừng 400m2, tiếp đến là sân chùa được lát bằng gạch đỏ, đi lên bậc tam cấp là chùa chính. Chùa có nhà tiền đường, có hậu cung: Tiền đường có 5 gian (3 gian chính và hai gian chái hai bên), tiếp đến là hậu cung
Chùa thờ Phật Thích ca Mâu ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc) Sau khi bà Hiền và bà Hậu mất, dân làng đã đúc tượng hai bà đặt ở hậu cung để lễ cúng.
Khi bà Hoàng Thái Hậu mất, nhà chùa đã làm các thủ tục mai táng bà theo nghi lễ nhà chùa Trong quá trình nghiên cứu, khảo cứu và đi gặp gỡ một số cụ cao niên trong làng sưu tầm tư liệu viết bài được biết: Hàng năm cứ đến Rằm tháng 5 năm âm lịch, làng tổ chức lễ Khánh Tán (Lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hoa cầu phúc lộc chen chân nhau mấy ngày liền.
Việc tổ chức Lễ Khánh Tán hàng năm là vì: Chùa là do bà Hoàng Thái Hậu đứng ra lo liệu làm, tiếc thay, chùa chưa làm xong thì bà mất, do vậy hàng năm phải làm lễ Khánh Tán vừa để báo công với bà, vừa cầu mát cầu may cho dân làng. Buổi lễ có các nhà sư ở các nhà chùa quanh vùng, thầy Phù thủy về làm lễ trong 7 đêm liên tục.
Thời gian cứ thế trôi đi, phần mộ của bà cũng từ lâu không còn ai nhớ được táng ở nơi nào, rồi một hôm cách đây hơn hai thập kỷ, qua tình cờ của việc sản xuất nhân dân đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ, qua bàn tán của người dân chính quyền đã biết được và đã báo cáo lên cơ quan chức năng huyện. Với những cứ liệu sử sách còn ghi chép, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng đã xác định đó là mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, sau đó đã về cùng chính quyền địa phương tiến hành cất bốc và cải táng bà.
Khi cải táng không thấy mũ, áo Hoàng tộc, không thấy một sợi tóc nào, mà chỉ thấy một số đồ trong mộ như vãi xô gai, một chuổi Tràng hạt thảo quả (đếm được 27 hạt) và một chiếc quạt giấy (giấy gió), quạt có 15 nan còn nguyên vẹn. Với những hiện vật còn lại theo mộ như vậy chúng tôi có một vài nhận định như sau:
Việc không thấy bà có tóc chứng tỏ bà đã xuống tóc đi tu, hơn nữa trang phục bà mặc và vãi khâm liệm bà khi mất là vãi xô gai, rồi đến chuổi tràng hạt mang theo người chứng tỏ bà đã hoàn toàn quy phật, thực sự là một nhà sư, không phải là một Mẫu nghi thiên hạ khi qua đời.
Nhưng có một điều khi tìm hiểu, sưu tầm tư liệu để viết bài này chúng tôi mới biết, vị trí mộ bà an táng trước đây không phải ở vị trí Điện Càn Long (xưa và nay), mà là ở phía Tây Bắc làng Quả Thượng chừng 1000 mét (nay thuộc cánh đồng của Trung tâm thực nghiệm giống lúa huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Do vậy, thông qua bài viết này chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, đặc biệt là con cháu dòng họ Phạm Lê nghiên cứu nên đưa trả bà về chính nơi đã an táng bà trước đây, đồng thời cho xây lại lăng mộ bà chu đáo, xứng tầm với vị thế một Mẫu nghi của thiên hạ, xứng tầm với công đức của bà đối với con cháu dòng tộc và nhân dân địa phương.
Tiếc thay, cũng như các làng quê khác ở Thanh Hóa nói chung, Thọ Xuân nói riêng, vào những năm 60 của thế kỷ XX, do hoàn cảnh lịch sử và đất nước có chiến tranh, cùng với sự nhận thức lệch lạc của một số người, các di tích lịch sử ở địa phương đã xuống cấp nên đã giải hạ để lấy vật liệu làm trường học, kho tàng .v.v. Chùa Cẩm Long xưa cũng nằm trong tình trạng đó. Khi chùa bị giải hạ, một số tượng phật và đồ thờ quý đã được con cháu một số gia đình có công xây dựng và trông coi chùa mang về cất giữ. Hiện nay không còn dấu tích gì của chùa nữa. Nhưng trong tâm thức của các cụ cao niên trong làng vẫn hiện hữu một ngôi chùa đẹp ở chốn quê như chưa bao giờ bị mất cả. Và ước muốn của nhiều người dân bản địa muốn được xây dựng lại ngôi chùa Cẩm Long, phần để tri ân công đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, phần để nhân dân địa phương và bà con quanh vùng thực hành tín ngưỡng ngay tại quê hương mình trong quần thể di tích Điện Càn Long xưa và nay.
Chú thích:
1) Tuyển tập Văn Bia Thanh Hóa- Tập 3, Văn bia thời Lê trung Hưng, NXB Thanh Hóa- 2016, trang 413.
2) Ngôn, công: Trong công, dung, ngôn, hạnh, là 4 đức tính của người phụ nữ xưa, theo quan điểm Nho giáo.
3) Phù dĩ: Tức cây xa tiền, lá và hạt dùng để làm thuốc.
4) Chế: là lời của vua.
5) Chùa Cẩm Long: Cẩm có nghĩa là Hoa, Long có nghĩa là Rồng. Cẩm Long tức là con Rồng Hoa
NHỮNG THÔNG TIN QÚY GIÁ RÚT RA TỪ PHẢ TỘC HỌ LÊ
Ở XÃ SƠN THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN
NNC. Hoàng Hùng - NNC. Phan Văn Thanh*
1. Nguồn gốc dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân
Trong bản văn khắc gỗ đặt trên bàn thờ nhà thờ họ Phạm Lê làng Quả Thượng, xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân có ghi:
Tướng công lấy người con gái trưởng của Phạm Đình Công (Phạm Đình Kiện), bà là chị của Hoàng thái hậu (Phạm Thị Ngọc Hậu, có chỗ ghi là Oanh, là vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông) sau khi vua Lê Huyền Tôn lên ngôi, bà được thăng lên ngôi vị Hoàng Thái hậu, rồi bà về thôn Kim Bảng cho xây điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế (vua Thần Tông) đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng, tôn thờ các vị Phật.
Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự cho nên Hoàng thái hậu bàn với phu nhân quan Tể tướng (Lê Hiệu đậu đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643) đời vua Lê Thần Tông, từng giữ các chức vụ Thượng thư các bộ: Hình bộ, Lễ bộ, Binh bộ được phong tước hầu, sau thăng đến chức Tham tụng, Đặc Tiến Kim Tử Vinh lộc đại phu, tả lý công thần thượng trụ quốc) cho người con trai thứ của phu nhân là Lê Trừng về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ phong làm hoàng tộc để chuyên lo việc phụng thờ tổ tiên họ ngoại và Hoàng thái hậu.
Hiện nay, họ Phạm Lê còn giữ được hai đạo sắc phong thời Cảnh Hưng cho ông Phạm Trừng.
Đạo thứ nhất:
Sắc phong cho ông Phạm Trừng thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc biệt ban thưởng cho chức tả trung Doãn, phong cho tước bá, làm các chức quan Trung Trinh, Đại Doãn, Nhuệ Trung bá, Khuông Mỹ Doãn.
Ông Phạm Trừng khâm phụng sắc chỉ.
Năm Cảnh Hưng thứ 22 ngày 7 tháng 4 (1761)
Đạo thứ hai:
Sắc phong cho ông Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. người được kế nghiệp giám thủ thượng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất nay đặc ân thưởng cho chức quan thừa xứ, phong cho tước hầu, khá khen là một quan đại phu tốt cho làm tán tự thừa chính sứ ty, thừa chính sứ ở xứ Lạng Sơn, phong cho tước Cảo Xuân Hầu.
Năm Cảnh Hưng thứ 32 ngày 7 tháng 4 (1771)
Hai đạo sắc này được ông Trịnh Ngữ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh dịch.
Theo Cảo Thịnh lăng bị ký, ở xã Quả Nhuệ Thượng, Tổng Thượng Cốc, phủ Thọ Xuân, nay thuộc địa phận xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân (Bia đã bị thất lạc chỉ còn lại thác bản được lưu trữ tại Viện Hán Nôm, mang mã số VNCHN.N01915), bia một mặt, khoảng 450 chữ, được lập vào mùa đông năm Chính Hòa thứ 7 (1686). phần lạc khoản ghi: Giám sát chính lăng Phạm Trừng, cháu ngoại vua tước Dực bình Hầu (sau đổi là Cảo Xuân Hầu).
Từ ba loại hình văn bản kể trên, đối chiếu với lời kể của các cụ cao niên họ Phạm Lê ở Thọ Xuân đều trùng khớp nhau, bởi vậy chúng tôi có thể khẳng định: Phạm Trừng tên thật là Lê Trừng, người xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, nay là xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là con trai thứ của Tiến sỹ ... cập đệ, đệ nhất giáp, đệ tam danh khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643) đời vua Lê Thần Tông, làm quan từng giữ các chức thượng thư các bộ: Lễ, Công, Hình, thăng đến chức Tham tụng, tá lý công thần. Lê Hiệu lấy bà Phạm Thị Hiền (chị Hòang thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu) đẻ ra Lê Trừng.
Lê Trừng ra thôn Kim Bảng, huyện Lôi Dương, sau khi vua Lê Huyền Tông chết, đổi thành họ Phạm để coi việc thờ cúng tổ tiên bên ngoại đồng thời là người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, giám sát việc dựng bia lăng Cảo Thịnh, Phạm Trừng được giữ chức quan, Tán Tỵ thừa chính sử Ty, thừa chính sử xứ Lạng Sơn Tước Cảo Xuân hầu. Lê Trừng cũng là ông tổ của dòng họ Phạm Lê ở các xã Xuân Phong, Thọ Lộc, Nam Giang Thọ Xuân Thanh Hóa. Đây là một dòng họ lớn, có truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Ngày nay con cháu họ Phạm Lê sinh sống ở mọi miền đất nước nhân đinh lên đến hàng ngàn người.
Đúng như người xưa từng nói: Cây bền tại gốc, nước sâu tại nguồn là vậy.
2. Những thông tin quí giá rút ra từ cuốn gia phả họ Lê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Sưu tầm nghiên cứu về một nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, hay một dòng họ có nhiều nhân vật lịch sử, đôi khi phải mất vài chục năm, nếu không có cái duyên với lịch sử.
Cũng đã hơn hai mươi năm, kể từ ngày mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu phát lộ, chúng tôi vẫn chưa biết một cách cụ thể về gốc tích, hành trạng của nhân vật lịch sử Phạm Trừng, cháu ngoại của Đoan Thuần Hoàng Thái hậu, người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, trông coi thờ phụng tổ tiên bên ngoại.
Năm 2015, được sự giúp đỡ của ông Phạm Mai Anh và ông Phạm Lê Thưởng người làng Kim Bảng, xã Nam Giang, chúng tôi vào huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An đi tìm gốc tích ông Lê Trừng, tức Phạm Trừng. Đây là lần đầu tiên, sau 160 con cháu họ Phạm Lê về thăm quê tổ, tính từ khi ông Phạm Tuấn, đổ Cử nhân năm Tự Đức thứ 8 (1855) về vinh qui bái tổ. Do ông Phạm Mai Anh liên hệ trước, nên về đến huyện Yên Thành, chúng tôi đã có người trong họ ra đón. Năm đó, nhân dân Yên Thành nói riêng còn nghèo, nhưng rất chân thành và hiếu khách, họ đương lần đầu gặp gỡ nhau nhưng tình cảm như ruột thịt. Chúng tôi vào Yên Thành đúng hôm dòng họ tiến hành tôn tạo mộ cụ Lê Kính. Lê Kính là người xã Quan Trung, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, ông sinh năm 1587, mất năm 1599, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức Công bộ Thượng Thư, Tước Thạc Trung Hầu. Khi mất, được tặng hàm Thái Bảo, Tước Thạc quận Công. Lê Kính là cha của Lê Hiệu, và là ông nội của Lê Trừng, tức Phạm Trừng ở Thanh Hóa.
Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng có dịp ra thăm lăng mộ Lê Hiệu cách xã Sơn Thành 7 km. Lê Hiệu sinh năm Canh Ngọ (1690) đỗ Hoàng giáp khoa Quí Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643) năm 27 tuổi, làm quan đến chức Thượng Thư, thắng đến Tham Tụng (tương đương Tể Tướng). Ông và cha là Lê Kính đều giữ chức Thượng Thư cùng triều. Mộ Lê Hiệu đặt trên một gò đất cao, rộng chừng 500 m2, theo gia phả trước đây là 2 mẫu (10.000m2), xung quanh có tường đất làm ranh giới. Trong cuốn Lê Tộc Đại Tôn, hiện lưu giữ trong nhà thờ ở thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện yên Thành, Lê Hiệu là thế tổ đời thư 7. Theo lời dẫn thì cuốn gia phả do cháu đời thứ 14 là Tú tài Lê Văn Đăng, căn cứ vào bản cựu phả có bổ sung ghi thành bản phả này vào năm Tự Đức thứ 24 (1871).
Theo thế thứ, ông tổ đời thứ nhất không ghi họ, húy là Quy, người giáp Ngọc Long Hạ, tổng Vân Trụ huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, dời cư đến ấp Tràng Sơn, nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đời thứ 2: Húy là Văn Đạo, tên chữ là Trọng Nguyên, lấy bà Hồ Thị Vụ, sinh ra con trai là thứ Bá Chước (con trai cả là Văn Điện chết sớm).
Đời thứ ba: Húy là Văn Chước, tên chữ là Diên Huyền, lấy vợ họ Cao, sinh ba con trai, con cả chết sớm, con thứ hai Húy là Bính, trai thứ ba Húy là Giản.
Đời thứ tư:
1. Húy là Bính (con trai thứ 2 của ông Chước). Ông lấy vợ người họ Thái sau phân chi về thôn Ngọc Hiên xã Hiến Lạng, tổng Đại Đồng, Huyện Nam Đàn Phủ Anh Sơn.
2. Thế tổ húy là Giản (con trai thứ 3 của ông Chước) lấy vợ họ Nguyễn, sinh ba con trai, người con đầu là Nhật Chiếu chết sớm, con trai thứ là Đậu Nghi, thứ ba là Đậu Nghiêm.
Đời thứ năm:
1. Thế tổ là Đậu Nghi, lấy vợ người người Yên Dũng, Kinh Bắc, có một người con gái.
2. Thế tổ là Đậu Nghiệm, là con trai ông Giản, lấy vợ họ Nguyễn cùng ấp sinh được một con trai là Lê Kính; Ông Nghiệm mất sớm, vợ ở góa nuôi con.
Thế tổ đời thứ sáu Lê Kính.
Lê Kính mồ côi cha từ nhỏ, mẹ góa con côi, nhà nghèo, nên phải gửi thân nhà họ Nguyễn trong ấp. Mẹ ông mở quán cháo ở cạnh đường quan lộ phía Tây của ấp. Bấy gời gia đình Nguyễn Công nuôi thầy dạy học trông nhà, khi rỗi việc lê Kính ra chăm chú nghe thấy giảng đọc. Thầy dạy học trông thấy nói với ông họ Nguyễn rằng: Tôi xem thằng bé này đỉnh ngộ không nên bắt nó làm việc vặt mà nên cho nó học hành. Ông họ Nguyễn nghe lời thầy, từ đấy Lê Kính chăm chỉ học hành, ngày một giỏi giang. Sau lại tới xã Vân Trụ theo học Giám Sinh Nguyễn Đại Đức. Năm Nhâm Tý, Hoằng Định năm thứ ba (1602), Lê Kính đỗ Hương cống, lúc này ông 24 tuổi, mẹ ông 45 tuổi. Năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông (1628) Lê Kính đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng Thư, Tước Thạc Trung Hầu, khi chết được thăng Thái Bảo Tước Thạc quận công, Lê Kính có hai người con trai là: Lê Hiệu và Lê Huy.
Thế tổ đời thứ bảy:
Thế Tổ Lê Hiệu: Lê Hiệu là con trai đầu của Lê Kính, Lê Hiệu lấy ba người vợ, có 4 người con trai, bà cả sinh được Lê Mai và Lê Kiều. Bà thiếp thứ nhất sinh được một con trai là Lê Dương, bà thiếp thứ hai tức bà Phạm Thị Hiền, bà là con gái đầu của quan tặng phong Thái Bảo Vi quận công Phạm Định Kiên, chị gái của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, sinh ra Lê Trừng, tức Phạm Trừng ông tổ dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Từ đời thứ 6 là Lê Kính, đỗ Khai Khoa Tiến sĩ, hậu duệ về sau đời nào cũng có người học hành đỗ đạt, làm quan giúp đời, giúp nước, con cháu ngày một đông. Bên cạnh yếu tố thông thường của một cuốn phả ghi thế thứ, phân chi trong dòng họ, trong phả có nhiều doạn ký mang yếu tố tâm linh, như thầy địa lý để mộ vào đất phát phúc, chuyện các vị thần ở đền Cao Sơn, chuyện nằm mộng của thầy Nguyễn Đại Đức ở xã Vân Trụ Tựu chung, ở các đoạn ký này là tấm lòng thật thà nhân hậu, tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động, học tập của những người trong gia đình, dòng tộc họ Lê ở xã Sơn Thành, Yên Thành tỉnh Nghệ An và chính đây cũng là kết cấu cho sự phát triển vững bền của các dòng họ ở nông thôn Việt Nam.
Để chuẩn bị cho Hội thảo này, tháng 6 năm2019, chúng tôi lại vào Yên Thành, Nghệ An, được ông trưởng họ đón tiếp nhiệt tình và cho biết nhiều thông tin thú vị:
Từ hai tiến sĩ khai khoa và là hai cha con làm quan cùng triều, dòng họ Lê ở thôn Tràng Sơn còn có rất nhiều người đỗ cử nhân, hương cống. Cuối thế kỷ XIX, lại có một người dỗ đại khoa nữa đó là Lê Doãn Nhạ (có tài liệu ghi chép là Nhã), ông là hậu duệ đời thứ 13 của Lê Quy, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức thứ 20 (1867) đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871), năm 35 tuổi làm quan Sơn phòng xứ Nghệ An. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885), Lê Doãn Nhạ đem thuộc hạ gia nhập nghĩa quân của Nguyễn Xuân Ôn chống Pháp ở vùng núi Yên Thành Nghệ An. Một lòng chống địch đến cùng, được sĩ phu và nhân dân kính trọng.
Theo lời ông trưởng họ, Lê Hiệu và Lê Kính trước đây được thờ ở đình làng, nhà thờ họ Lê to và bề thế, khi quân Tây Sơn đi qua vùng này, nơi thờ tự các cựu thần nhà Lê bị đốt phá, dân làng phiêu tán, đến đầu Gia Long, triều Nguyễn, nhân dân mới quay về dựng lại thôn làng. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, vì trả thù những người tham gia Cần Vương, Nhà thờ họ Lê một lần nữa lại bị đốt phá. Con cháu họ Lê và nhân dân thôn Tràng Sơn lại ly tán.
Cuốn Lê Tộc Đại Tôn mà chúng tôi có trên tay do Bảo tàng tỉnh Nghệ An sao chép lại, nguyên do trước đây, bản phả chính được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Năm 1968, máy bay Mỹ đánh vào bảo tàng, toàn bộ kho lưu trữ Hán Nôm bị cháy, riêng hai cuốn gia phả họ Lê Doãn Nhạ và Nguyễn Xuân Ôn bay ra ngoài mà không hề hư hỏng. Năm 1992, khi xếp hạng di tích, bảo tàng đã chép lại, giao cho dòng họ và xin giữ lại bản gốc.
Nghiên cuốn Lê Tộc Đại Tôn, thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An và đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu khác chúng tôi rút ra mấy thông tin quí giá sau:
1. Phạm Trừng, ông tổ họ Phạm Lê ở Thọ Xuân Thanh Hóa, họ tên Thực là Lê Trừng, con trai thứ 4 của quan Tham Tụng Tá Lý Công Thần thượng trụ quốc, phương quế hầu, Lê Hiều, gốc người xã Quan Trung huyện Đông Thành trấn Nghệ An, nay là thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Theo đề nghị của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu, Lê Trừng ra Thanh Hóa, đổi thành họ Phạm để trông coi việc thờ phụng tổ tiên bên ngoại, ông cũng là người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, giám sát dựng bia lăng Cảo Thịnh. Phạm Trừng từng đảm nhận chức quan Tán Tự Thừa Chính sứ Ty, Thừa Chính sứ ở Lạng Sơn, tước Cảo Xuân Hầu. Như vậy Phạm Trừng là một nhân vật lịch sử cần được tôn vinh.
2. Dòng họ Lê ở thôn Tràng Sơn xã Sơn Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân Thanh Hóa là một dòng họ lớn, có truyền thống trung nghĩa, yêu nước, truyền thống hiếu học, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
3.Từ những cứ liệu trên, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan, nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng nhà thờ họ Phạm Lê ở làng Quả Thượng xã Thọ Lộc huyện Thọ Xuân và Lăng mộ Phạm Trừng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
MỐI QUAN HỆ DỒNG HỌ PHẠM Ở NAM GIANG, THỌ XUÂN
VÀ HỌ LÊ Ở NGHỆ AN
ThS Lê Trí Duẩn*
Nghiên cứu dòng họ thông qua gia phả, các mối quan hệ đã góp phần làm sáng tỏ thêm sự phát triển của dòng họ, do đâu mà có ? hay những đóng góp quan trọng cho quê hương đất nước. Truyền thống tốt đẹp nào được con cháu nuôi dưỡng, phát huy. Chúng ta thử đi tìm hiểu mối quan hệ của dòng họ Phạm ở Nam Giang, Thọ Xuân và dòng họ Lê ở Nghệ An thông qua cuốn gia phả họ Lê Doãn Nhã thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và một số tài liệu có liên quan.
Theo gia phả họ Lê ở xã Quan Trung, nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cho biết:
Tổ đời thứ 6 là Lê Kính sinh năm 1587, mất năm 1659. Năm 42 tuổi ông thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn - Vĩnh Tộ 10 (1628), đời vua Lê Thần Tông. Làm quan đến Công bộ Thượng thư, tước Thạc Trung hầu. Khi mất được tặng Thái bảo, Thạc Quận công. Ông là cha của Lê Hiệu, 2 cha con đều thi đậu Tiến sĩ và làm quan Thượng thư triều Lê.
Tổ đời thứ 7 là Lê Hiệu sinh năm 1617, chưa rõ năm mất. Năm 27 tuổi, ông thi đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa Quý Mùi - Phúc Thái năm thứ nhất (1643), đời vua Lê Chân Tông. Làm quan đến Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư, tước hầu. Ông từng được cử đi sứ nhà Thanh và được tôn vinh là Lưỡng quốc Tể tướng, bị bãi chức, sau được phụng dụng. Khi mất được tặng Tả Thị lang. Lê Hiệu đã kết duyên với bà Phạm Thị Ngọc Hiền làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là
__________________
* Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa
huyện Thọ Xuân) và cũng chính từ mối kết duyên này đã mở ra sự phát triển mới trong mối quan hệ dòng họ ở đây.
Theo các tư liệu lịch sử cho biết ông tổ họ Phạm là Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ huyện Lôi Dương, tức là làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay. Ông Phạm Đình Kiên lấy bà Chu Thị Loan người xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sinh ra hai người con con gái là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu.
Khi ông Phạm Đình Kiên mất, ba mẹ con bà Chu Thị Loan nhờ đặt được hài cốt của ông vào phúc địa nên đúng như lời tiên tri: Bà chị là Ngọc Hiền lấy được công hầu là ông Tiến sĩ họ Lê người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (Lê Hiệu), còn bà em thì năm 19 tuổi duyên trời sắp đặt ra kinh đô gặp dịp Lê Thần Tông mộng thấy người đẹp có tiền duyên, sai quan đi tìm, gặp được bà giống hệt người trong mộng, liền lấy làm vợ.
Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Lê Duy Vũ được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm sau khi Lê Thần Tông qua đời, Thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, sử gọi là Lê Huyền Tông.
Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Hoàng thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662 - 1670) thì mất, thọ 18 tuổi, chưa có con nối dõi. Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm nghiên cứu phật giáo, tịnh tâm, sống an nhàn và chăm lo làm việc thiện, tạo phước lành.
Sử sách cũng như Ngọc phả nhà Lê cho biết: Vua Huyền Tông băng táng ở Lôi Dương, xây Lạc Thịnh lăng và Triều long điện để phụng sự. Lạc Thịnh lăng còn gọi là Quả Thạnh lăng, cũng có thể gọi là Cảnh Trị lăng theo niên hiệu của Huyền Tông. Còn Triều Long điện tức Càn Long điện theo nghĩa đen chỉ điện của nhà vua. Mộ vua cha (Thần Tông) và mẫu hậu vua Huyền Tông cũng được táng ở gần đấy.
Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long, được vua Lê Gia Tông ban sắc cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ, chăm lo thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính. Bà Phạm Thị Ngọc Hậu đã quan tâm đến việc hương hỏa nên đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ.
Trong văn bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý - 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự cho nên bà Hoàng Thái Hậu đã bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc, để chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu . Vì thế tổ tiên bên họ ngoại nhà vua mới được thờ phối ở Điện Càn Long. Đây là vinh dự lớn của dòng họ Phạm Lê ở Quả Nhuệ thời bấy giờ. Một việc làm vô cùng có ý nghĩa nữa đó là bà Phạm Thị Ngọc Hậu đã cùng chị gái Phạm Thị Hiền đã đầu tư xây dựng một ngôi chùa - gọi là Chùa Cẩm Long.
Qua mối quan hệ này cho chúng ta biết, ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên không có người thờ tự nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với người chị gái là Phạm Thị Hiền cho người con trai thứ là Lê Trừng về Quả Nhuệ đổi theo họ mẹ để chăm lo việc thờ cúng bên ngoại. Chính vậy ở Qủa Nhuệ có thêm chi họ Phạm Lê. Các sắc phong vào những năm Cảnh Hưng 22 và 32 (1761 - 1771) cho biết triều đình đã đặc biệt ân thưởng cho Phạm Trừng tước Quả Xuân hầu vì đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, kế thừa việc thừa tự bên ngoại nhà vua
Với việc kết hợp hai dòng họ trong việc đặt tên cho ta thấy rằng đó là một cách để giáo dục ý thức nguồn cội cho con cháu, tôn vinh vai trò của họ Phạm, họ Lê trong việc xây dựng điện thờ, chăm lo hương hỏa cho tổ tiên và mối kết duyên của hai dòng họ Phạm - Lê.
Như vậy, mối quan hệ của họ Phạm ở Qủa Nhuệ, Nam Giang, Thọ Xuân và họ Lê ở Nghệ An được gắn bó bởi việc kết duyên giữa Bà chị là Ngọc Hiền lấy ông Lê Hiệu người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An sinh ra Lê Trừng đã có nhiều đóng góp cho họ ngoại ở Kim Bảng và là Chi trưởng Phạm Lê ở Qủa Nhuệ, Nam Giang, Tho Xuân ngày nay.
LÀM RÕ CHÂN DUNG BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU VÀ VAI TRÒ ẢNH HƯỞNG CỦA BÀ ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢ NHUỆ - KIM BẢNG (NAM GIANG, THỌ XUÂN) XƯA VÀ NAY
NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu*
1. Về tên gọi của bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ - quyển XIX, trang 693 ghi: Năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665), tháng 8, sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm hoàng hậu. Tôn mẹ thân sinh ra vua (Lê Huyền Tông) là Phạm Thị Ngọc Hậu làm Hoàng Thái hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương).
Sách Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục Chính biên quyển XXXIII, trang 727, ghi lời chua: Tôn mẹ là Phạm Thị làm Hoàng Thái hậu. Lời chua: Thái hậu tên là Ngọc Hậu, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương.
Sách Lê triều Ngọc phả (chép về Lê Huyền Tông) ghi là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Trong 2 tấm bia: Phụng sự bi ký, Công đức trường lưu, Đệ niên tuần nhật, Tế tự thường nghi (Bia ghi phụng thờ, Công đức lưu mãi, Ngày tuần hàng năm, Nghi thức cúng tế, dựng vào niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), ở làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Bia vuông, khắc chữ cả 4 mặt) và tấm bia Hoàng Thái hậu bi, dựng vào ngày tốt giữa thu niên hiệu Chính Hòa thứ 7(1686) (bia vuông 4 mặt, khắc chữ 3 mặt) ở xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (quê ngoại của Bà). Lạc khoản văn bia hai tấm bia trên đều do 2 vị nhuận sắc là Nguyễn Danh Thực, người xã Đại Bái, huyện Gia Định, đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh khoa Kỷ Hợi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Hải Sơn tử và Nguyễn Công Vọng - người Vịnh Cầu, Đông Ngàn, Tiến sĩ Hội nguyên khoa Quý Hợi, đỗ kỳ thi Đông các khoa Bính Thìn, giữ chức Quang tiến Thận lộc Đại phu, Bồi tụng, Lễ bộ Tả thị lang, Nhập thị Kinh diên, tước Vĩnh Ngạn nam. Người phụng mệnh soạn là hai vị: Quách Giai, Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Quý Hợi, Hàn lâm viện Thị chế và Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu lý và Nguyễn Đình Xuân, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu thảo. Người viết chữ là Nguyễn Hạo, Phó Cai hợp, tri phủ, tước Văn Hợp nam, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn. Cả hai văn bia trên đều ghi Hoàng Thái hậu tên húy là Ngọc Oánh.
Về việc xác định rõ tên gọi của bà Hoàng Thái hậu, Tiến sĩ Hán nôm Nguyễn Văn Hải Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Thanh Hóa đã khảo dịch thư tịch và cho rằng: Việc ghi chép hai tên gọi khác nhau giữa tài liệu văn bia với các tài liệu chính sử, cả hai loại tài liệu này đều đúng. Bởi vì các sử gia ghi chép tên bà là Ngọc Hậu là tên hiệu thường gọi, còn tên Ngọc Oánh là tên húy (tên cúng cơm của bà), chỉ sử dụng trong lúc tế tự lễ nghi.
2. Về quê hương, gia đình, dòng họ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu:
Theo cuốn Lịch sử xã Nam Giang, xuất bản năm 2019 cho biết: Làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay được thành lập vào thế kỷ XIII (thời Trần), ban đầu có tên gọi là trại Quả, sau đổi thành làng Cảo Nhuệ (thường gọi là Quả Nhuệ). Dân cư ngày một đông đúc làng Cảo Nhuệ chia thành 2 làng: Cảo Nhuệ Thượng và Cảo Nhuệ Hạ. Đến đầu thế kỷ XIX, thôn Cảo Nhuệ Thượng, thôn Cảo Nhuệ Hạ thuộc xã Thượng Cốc, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, trấn Thanh Hóa. Đến niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1836), do kiêng biệt húy của vua Gia Long (1802 - 1819), nên tên gọi Cảo Nhuệ đổi thành Quả Nhuệ. Sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Từ đầu Nguyễn về trước là Cảo Nhuệ, từ năm 1836 kiêng đồng âm chữ Cảo (biệt húy của Gia Long), đổi là Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương(1).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Quả Nhuệ Thượng đổi tên thành Kim Bảng. Đến năm 1954, xã Nam Giang được thành lập gồm 6 làng: Phúc Thượng, Phúc Hạ, Phú Gia, Phúc Như, Cao Phong và Kim Bảng. Tên gọi các làng được giữ nguyên đến nay.
Trong sử sách, văn bia Phụng sự bi ký, Công đức trường lưu, Đệ niên tuần nhật, Tế tự thường nghi và Hoàng Thái hậu bi, ghi rõ: Bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là người xã Cảo Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương (nay là làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Theo Lê kỷ tục biên - một cuốn sử của dòng họ cho biết: Ông Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (tức làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay). Ông Phạm Đình Kiên lấy bà Chu Thị Loan - người xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh ra hai người con gái là Phạm Thị Ngọc Hiền và Phạm Thị Ngọc Oánh (tức Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu).
Khi ông Phạm Đình Kiên mất, ba mẹ con nhờ đặt được mộ ông vào đất phát phúc về sau đúng như lời tiên tri trước đây nhất giá công hầu, nhất giá vương (nghĩa là: một người lấy công hầu, một người lấy vua). Bà chị là Phạm Thị Ngọc Hiền làm vợ ông tiến sĩ Lê Hiệu (con tiến sĩ đương triều thứ của Lê Kính) - người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, làm quan tới chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phong Quế hầu. Còn bà Phạm Thị Ngọc Oánh lấy vua Lê Thần Tông được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Bà Phạm Thị Ngọc Oánh sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635) đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643) (lần thứ nhất)(1). Đến năm 19 tuổi, duyên trời dun dủi ra Kinh đô, bà được tuyển vào cung làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng đế. Bà có đức tính Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước đấy là đức thuần mĩ đệ nhất vậy; Ngôn(1) không thiếu, công(2) không giản lược (là do) giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng hậu, lời nói như cây phù dĩ (3) đó là sự tốt đẹp của Hoàng hậu. Bà được vua Lê Thần Tông thương yêu hết mực. Năm Giáp Ngọ (1654), Bà sinh ra Hoàng tử Duy Phúc (tức Huyền Tông Mục Hoàng đế), dáng dấp như rồng phượng, chỗ ấy bảo là: mẹ có thánh ắt có con thánh là vậy(4). Thuở nhỏ thông minh, khi lớn lên đôn từ mẫn tiệp, thuần hậu, từ nhân, khoan dung, giản dị, thực là một bậc quân vương đức độ. Gặp khi Thần tông Uyên Hoàng đế ngự yến, vua tỏ rõ tư chất và tài năng có thể khuông phù cơ nghiệp tổ tông. Năm Nhâm Dần (1662) được Hoằng tổ Dương vương (tức chúa Trịnh Tạc 1657 - 1682) tôn lập kế trị thiên hạ, trong ngoài không một vị tôn thân nào không thuần phục, tất thảy đều kính trọng. Năm Quý Mão, vua đổi niên hiệu Cảnh Trị (1663 - 1671), đại xá thiên hạ, người người trong nước đều lau nước mắt, nghểnh cổ trông nền thái bình. Bấy giờ quy mô trong nước được đầy đủ, kỷ cương sáng tỏ. Bắc quốc sợ uy, tôn trời nam lẫm liệt, sức mạnh thực lớn lao rường mối hưng thịnh, vua tôi hiền năng đức độ. Dấy uy linh mà tiêu trừ con vợ lẽ(5), Vũ công cất bỏ, đức ngày một dày thay ! Công ngày một cao thay ! Nổi danh là một ông vua hiền đức(6). Đó cũng là được nhờ sự nuôi dưỡng của bà Phạm Thị Ngọc Oánh.
Đến năm Kỷ Tỵ, triều đình nhà Lê tôn bà là Hoàng Thái hậu. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn làm nhiệm vụ cai quản dạy bảo trong cung, là mẫu nghi thiên hạ. Triều đình đã truy tôn ấm phong cho các vị tiền nhân của Bà như sau: Hiển khảo (cha) được gia phong Thái bảo Vị Quận công. Hiển tỉ (mẹ) được phong là Thái bảo Vị Quận công phu nhân. Hiển tổ khảo (ông) húy Đình Tiến được gia phong Thiếu bảo Hà quận công. Hiển tổ tỉ họ Lê húy là Y được được gia phong Thiếu bảo Hà Quận công phu nhân. Hiển tằng tổ khảo (cố) húy là Đình Biểu được gia phong là Quận Đô đốc Đồng tri Hải Triều hầu. Hiển tằng tổ tỷ (cố bà) họ Lê, húy là Tín được gia phong Đô đốc Đồng tri Hải Triều hầu Chính thất phu nhân.
Sau khi vua Lê Huyền Tông mất, Bà xin triều đình trở về quê hương bản quán để di dưỡng tuổi già, thờ chồng con và cho đến ngày mất. Sau khi Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu mất, mộ táng ở đất Phong Lạc, xã Nam Giang ngày nay. Ngôi mộ Hoàng Thái hậu trong quan ngoài quách nhưng đã bị kẻ gian đập phá nát năm 1993 nên chính quyền địa phương và dòng họ Phạm Lê đã cải táng đem về chôn cất trong khu đất Điện Càn Long trước đây.
3. Vai trò của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đối với vùng đất Quả Nhuệ - Kim Bảng:
Có thể nói, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một người tài sắc vẹn toàn và rất nổi tiếng thời Lê Trung hưng. Tài năng, đức độ phẩm hạnh của Bà đã tạo cho mình một vị thế khiến mà cả triều đình phải kính trọng. Mặc dù ở nơi quyền quý cao sang như vậy, Bà luôn luôn nghĩ về quê hương bản quán, về tổ tông nội ngoại.
Đối với quê hương Quả Nhuệ (Kim Bảng) bà có sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ khi còn là Hoàng Thái hậu bà đã nghĩ đến việc xây điện miếu phụng thờ Tiên đế nơi quê hương bản quán của mình. Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), vua Huyền Tông băng hà, dâng tôn hiệu là Huyền Tông Mục Hoàng đế được đưa về táng ở ngoài xã Cảo Nhuệ Thượng, chọn đất bằng 4 mẫu làm lăng, hiệu là Cảo Thịnh(1). Từ đây, bà xin về quê để xây dựng điện miếu thờ cúng Lê Huyền Tông. Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long.
Điện Càn Long làm nơi thờ cúng vua Lê Huyền Tông cùng các vị tiên tổ bên họ ngoại nhà vua. Cũng thời gian này, Bà còn xây dựng cho quê hương ngôi chùa thờ Phật, gọi là Cẩm Long tự (chùa Cẩm Long). Chùa Cẩm Long có nghĩa là con Rồng hoa, thuộc làng Cẩm Long và tên làng Cẩm Long cũng được Hoàng Thái hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ ở quê. Chùa thờ Phật Thích ca Mâu ni và nhiều tượng Phật. Sau khi bà Ngọc Hiền và bà Ngọc Hậu mất, dân làng đã đúc tượng hai bà đặt ở hậu cung để lễ cúng. Hàng năm cứ đến Rằm tháng 5 năm âm lịch, làng tổ chức lễ Khánh tán vừa để báo công với bà, vừa cầu mát cầu may cho dân làng. Gọi là Lễ cầu mát, cầu may.
Điện Càn Long và chùa Cẩm Long do đích thân bà Hoàng Thái hậu họ Phạm điều hành chính là hai công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, quy mô to lớn có giá trị ở thế kỷ XVII.
Không những thế, bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Bà còn đặt ruộng tế, ruộng huệ đồng ý cho thôn Kim Bảng 5 mẫu, xã Cảo Duệ Thượng 50 mẫu, chia nhau canh tác phụng thờ, các xứ sở của ruộng tế ghi ở bia và quy định nghi thức tế tự Huyền Tông Mục Hoàng đế và các vị tiên tổ ngoại (tức họ Phạm Lê).
Ngoài ra, đối với ruộng phụng thờ, nguyên Tiên đế vốn chia ruộng ở các làng Bố Vệ, Động Bàng tổng cộng 80 mẫu. Nay kính phụng sắc chỉ chuẩn cấp giúp đồn điền sở quan Tĩnh Gia ở ruộng xã Thủ Hộ, huyện Quảng Xương. Lệnh cấp cho dân huyện Văn Giang phụng thờ quê ngoại ở xã Thanh Nga, đủ thuế cuối năm. Về sau, vua Lê Gia Tông (1672-1675) ra sắc chỉ cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ (chức quản lý điện miếu); cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Đối với dòng họ Phạm - Lê:
Theo bài văn khắc trên gỗ để ở bàn thờ tổ họ Phạm Lê (soạn khắc vào ngày mùng 3 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 (1900) ghi rõ việc đổi họ Lê thành họ Phạm - Lê như sau: Vì ông tổ họ ngoại là Phạm Đình Kiên (Công) thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái hậu bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái hậu. Cũng nhờ vào vị thế của Hoàng Thái hậu mà các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được triều đình nhà Lê truy tôn ấm phong theo lệ và được phối thờ ở Điện Càn Long.
Hiện tại, dòng họ Phạm Lê còn lưu giữ 2 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (ngày 22/4/1761) và Cảnh Hưng thứ 33 (ngày 7/4/1771) đời vua Lê Hiển Tông (1740 1780). Sắc phong cho ông Nhuệ Trung Phạm Trừng ở thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng Điện Càn Long, công việc hoàn tất .
Có thể nói, bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một nhân vật lịch sử tài sắc vẹn toàn. Với 8 năm làm quý phi vua Lê Thần Tông, bằng tài trí và sự vận động khôn khéo, đã tạo được một vị thế mà cả triều đình nhà Lê Trung hưng phải kính trọng và được người đương thời rất tôn kính, rất đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ. Đến khi vua Lê Thần Tông băng hà, Đối với quê hương Quả Nhuệ - Kim Bảng, bà đã dành ân huệ đặc biệt,Tiếng thơm tu nhân tích đức dòng tộc của bà Hoàng Thái hậu đã được đáp đền thỏa đáng. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là, để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
4.Một vài kiến nghị:
- Khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Vì vậy, đề nghị chính quyền các cấp và ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch xúc tiến việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử Điện Càn Long theo quy mô kiến trúc xưa.
- Về mộ bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu an táng ở phía Tây Bắc làng Quả Thượng chừng 1000 mét (nay thuộc cánh đồng của Trung tâm thực nghiệm giống lúa huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Ngôi mộ được xây dựng trong quan ngoài quách. Năm 1993, nhân dân địa phương sản xuất tình cờ phát hiện ra một ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu, sau đó bị kẻ gian đào bới. Do vậy, chính quyền địa phương tiến hành cải táng đưa về chôn cất ở địa điểm Điện Càn Long trước đây. Do vậy, đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng dời chuyển hài cốt của Bà trở lại vị trí cũ và xây lăng chu đáo.
- Về ngôi chùa Cẩm Long hiện nay chỉ còn lại trong ký ức của người dân trong vùng. Song ngôi chùa Cẩm Long gắn liền với tên tuổi bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Hiện tại, nhân dân địa phương có nguyện vọng thiết tha được xây dựng lại ngôi chùa Cẩm Long để tri ân công đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, cũng là để nhân dân địa phương được thực hành tín ngưỡng Phật giáo trong quần thể di tích Điện Càn Long.
ĐIỆN CÀN LONG TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA
VÙNG ĐẤT CỔ LÔI DƯƠNG
NNC. Lê Đình Phùng*
Văn hóa là một thuật ngữ rất rộng, trong đó nó bao hàm cả học vấn. Do vậy, người có học vấn chưa hẳn đã có văn hóa là lẽ thường tình. Văn hóa truyền thống của một dòng tộc, gia đình hay làng quê, đất nước ... là cả một quá trình tích lũy, chắt lọc... Qua thử thách của thời gian, có thể hàng mấy ngàn năm trong lịch sử, văn hóa truyền thống vùng đất cổ Lôi Dương cũng không nằm ngoài qui luật ấy.
Vùng đất cổ Lôi Dương thời Lý thuộc huyện Di Phong, Cư Phong thời Trần thuộc huyện Cổ lôi, thời Lê thuộc huyện Lôi Dương... Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng: về địa giới cơ bản không thay đổi, đồng thời thống nhất cao, đây là vùng địa lịnh, nhân kiệt, bao gồm huyện Thọ Xuân, phần lớn huyện Thường Xuân và một phần huyện Thiệu Hóa ngày nay.
Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi đem lại thái bình cho trăm họ, lập nên triều đại nhà Lê, tồn tại 360 năm với 27 đời vua ( 1428-1788) đã để lại trên đất Thọ Xuân ngày nay 2 ngôi điện:
1. Điện Lam Kinh tại xã Xuân Lam
2. Điện Càn Long tại xã Nam Giang
Đây là điều hiếm thấy trên vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt. Điện Lam Kinh tại xã Xuân Lam đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Còn điện Càn Long là ngôi điện bề thế thứ 2 duy nhất trên đất xứ Thanh đang được tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị tôn tạo, bảo tồn. Đây chính là quan tâm đến văn hóa tâm linh trong dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam đã trải qua trong tiến trình dựng nước, giữ nước.
Văn hóa nói chung, văn hóa tâm linh nói riêng, ở vùng đất này, vùng đất cổ Lôi Dương cũng được xác lập trong quá trình lập làng giữ nước xung quanh cái trục: Nhà- Làng- Nước. Lịch sử làng quê vùng đất này cũng như bao làng quê khác cho thấy, nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng làng cứ vẫn mãi tồn tại vĩnh hằng; làng đơn vị cấu thành nước, là nơi hội tụ của các thành viên trong làng trở về sau cơn biến loạn Nước mất - nhà tan . Trong tham luận ngắn ngủi này, tôi xin phép được trình bày: Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương, chủ yếu là tìm hiểu về không gian văn hóa tâm linh của vùng đất này với quần thể Điện Càn Long và khu lăng mộ vua và Mẫu Hậu đang có hiện nay trên địa bàn xã Nam Giang.
Cùng trong dòng chảy của không gian văn hóa nói chung, không gian văn hóa tâm linh được xác lập trong thực tiển cuộc sống của các cộng đồng người theo đức tin và quan điểm thẩm mỹ của công đồng cụ thể ấy, nó là qui luật tất yếu trong quá trình sinh tồn và phát triển của loài người. Đó là đức tin vào các vị thần, các đấng siêu nhiên... Hình tượng con rồng, cháu tiên sự tôn vinh các vị thần và tục thờ cúng ông bà, tổ tiên chính là đức tin, là không gian văn hóa tâm linh đã được xác lập từ cổ xưa của vùng đất Lôi Dương và người việt cổ. Từ không gian văn hóa tâm linh Lôi Dương xưa đã được xác lập đến anh hùng dân tộc Lê Lợi nhặt được gươm báu, sau khi hoàn thành việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, trả gươm về cho thần Kim Qui ở hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm ) ngày nay. Hay là truyền thuyết truyền miệng: Hai chị em Hiền và Hậu ăn ở có phúc gặp điềm lành, được ông thầy địa lý chỉ cho nơi táng mộ thân phụ, thân mẫu rồi một người trở thành vợ quan cận thần, một người vợ vua và mẫu hậu ... Trong thế giới tâm linh hư hư, thực thực... cho chúng ta thấy những bài học lớn .
Như vậy, không gian văn hóa tâm linh như là một thế giới ảo (Không có thật), thế mà con người vẫn tương tác, giao hòa để rồi trở thành một đức tin, đặc biệt, khi con người bất lực trước hiện thực cuộc sống, đức tin và thế giới tâm linh trở thành cứa cánh cho họ. Tìm hiểu để lý giải về không gian văn hóa tâm linh chính là cách để nhận biết và phân vạch biên giới mong manh, nhạy cảm giữa mê tín và tín ngưỡng; nhằm định hướng cho các cộng đồng dân cư phân biệt được giữa đức tin có cơ sở khoa học và đức tin mù quáng.
Nhìn lại quá trình lập làng dựng nước và giữ nước. cư dân vùng đất cổ Lôi Dương đã tìm và xác định cho cộng đồng một đức tin: Tín ngưỡng đa thần giáo, xuất phát từ đạo thờ Mẫu, tin ngưỡng cổ xưa nhất của người Việt cổ .
Quá trình khai khẩn vùng đất rừng núi hoang vu, luôn phải mở rộng lãnh địa và mưu sinh về hướng tây đã cho ra đời chuyện trăm trứng. Cư dân vùng Lôi Dương là một trong số 50 người con theo mẹ lên rừng. Cuộc chinh phục rừng núi bí hiểm đã ra đời chuyện Sơn tinh - Thủy Tinh. Trong cuộc hỗn chiến này, chàng Sơn Tinh đã chiến thắng Thủy Tinh; truyện phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên trong thời kỳ hoang sơ nhất của chế độ mẫu hệ. Trong đạo mẫu có Mẫu sơn, được thờ ở nơi sơn cao cùng cốc (Cửa Đặt xưa), Mẫu thiên và Mẫu thoải. Mẫu sơn là nữ thần núi, Mẫu thiên là nữ thần trên trời, Mẫu thoải là nữ thần cai quản dưới nước và đương nhiên Mẫu sơn hiện nay đang gọi là Chúa thượng ngàn, là hình tượng của truyền thuyết con rồng cháu tiên được cư dân Lôi Dương chọn thờ ở ngôi vị cao nhất và cũng chính như vậy hướng tây cũng trở thành hướng tâm linh của vùng đất cổ này. Đền thờ Chúa thượng ngàn ở vùng Cửa Đặt, huyện Thường Xuân ngày nay chính là nơi thờ Mẫu của cư dân vùng đất này. Tập tục đi lễ đầu năm ở vùng đát này đã lan tỏa đến nhiều nơi khác trên cả nước vào dịp đầu xuân (Tết Âm lịch) hàng năm. Người ta cho rằng; trước khi đi các chùa trong nước thì đầu năm phải đi chùa Cửa Đặt (Thường Xuân) để xin bà Chúa thượng ngàn ban phát lộc.
Từ xác định hướng tây là hướng của Mẫu sơn (Thần núi) ngự trị, hướng tâm linh, cho nên, khi đến một ngôi làng cổ đất Lôi Dương, người ta dễ dàng nhận thấy các bài trí trong nhà, cách sắp đặt sinh hoạt cộng đồng... đều mang tính ước lệ, nhưng luôn tuân theo một nguyên tắc nhất định trong tâm niệm: Chùa để thờ phật, đình để thờ thần, miếu để thờ thánh... Hầu hết các làng cổ đều có các yếu tố này, nhưng đình là yếu tố nổi bật nhất. Đình đều được bố trí phía tây của làng, tất cả các ngôi nhà cổ đều quay hướng chính, về phía nam nhưng thường lét tây từ 1 đến 2 độ ( Nhìn về hướng đình). Các ngôi nhà cổ thường nền chỉ cao hơn sân một bàn chân để nghiêng (không được cao hơn nền đình của làng) . Khảo sát các ngôi đình ở vùng đất này phần lớn đều thờ thiên thần (thần trong truyền thuyết), do dó việc bố trí xây dựng đình theo hướng tâm linh (hướng tây) của làng theo không gian văn hóa tâm linh là do chủ định. Đình làng Phong Lạc, xã Nam Giang là một ngôi đình to đẹp, bề thế nhất vùng. Đình thờ một nhân thần, tên Ngài là Lê Đức Đạt, tướng của nhà Lê, trên đường cất công từ Nghệ An ra Thanh Hóa để phù Lê diệt Mạc. Ông đã lâm bệnh trọng, trước khi trút hơi thở cuối cùng có sự chứng kiến của người cao tuổi nhất trong làng: cụ Lê Công Vàng, cùng các đại diện nhiều dòng tộc vào buổi chiều tối ngày 23 tháng 9 năm Quí tỵ (1533). Sau một đêm chuẩn bị mai táng cho người nghĩa sỹ, sáng hôm sau ngày 24/9 toàn bộ thi thể của ngài đã bị mối vùi thành nấm mộ. Dân làng đã để nguyên hiện trạng lập đền thờ (Thượng miếu hạ mộ ). Đó chính là vị trí đình - nơi thờ thành hoàng Lê Đức Đạt. Điều thú vị đến không ngờ đó là : nơi trút hơi thở cuối cùng của ngài Lê Đức Đạt đồng thời là ngôi đình của làng lại cũng là hướng chính tây của làng cổ lúc đó. rất tiếc ngôi đình đã bị phá dỡ năm 1962 để làm nhà kho, hiện nay chỉ còn lại phế tích.
Dòng họ Phạm Lê ở làng Kim Bảng là dòng họ lớn được mang 2 dòng máu trực hệ của dòng họ Lê thế phiệt trâm anh ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, nay là xã Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và Họ Phạm ở xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương- Trấn Thanh Hoa, được triều đình Lê Trung Hưng giao cho đốc thúc thi công và chăm sóc điện Càn Long cùng với phần mộ của vua Huyền Tông và Mẫu hậu. Từ trấn Nghệ an xa xôi ra trấn Thanh Hoa để thực thi nghĩa vụ, dòng họ Phạm Lê nhanh chóng phát triển thành dòng họ lớn ở làng Kim Bảng xưa và cũng là dòng họ có thế lực ở ngày nay. Song vì là dòng họ Thế phiệt trâm anh nên việc Nhập gia tùy tụcở vùng đất cổ Lôi này được coi trọng giữ gìn: 2 tập tục, 2 tính cách đã tạo nên một phong cách riêng của làng Kim Bảng ngày nay mà chính dòng họ Phạm Lê đã tạo dựng: Quyết đoán trong mưu sinh, nghĩa tình trong ứng xử, Tôn trọng quá khứ , biết lựa chọn mỹ tục riêng.
Tiếp cận một số dòng họ lớn ở các làng xung quanh Kim Bảng thuộc vùng đất cổ lôi xưa: Như dòng Họ Lê Đình ở làng Phong Lạc, dòng họ mang dòng máu vương triều của chữ Đình , Được vua cha cho ra trấn ải phía Bắc, rồi lại trở về Thanh Hóa lập nghiệp và trở thành 1 trong 3 dòng họ lớn của làng; nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đã kết giao với dòng họ Phạm Lê trên mọi phương diện và cũng chính là dòng họ hậu thuẫn cho chi Phạm Hữu được cử ra trông coi khu lăng mộ của Vua và Mẫu Hậu.
Họ Phạm Duy ở làng Cao Phong, họ Lê Viết ở làng Phúc Như, xã Nam Giang, họ Phạm Văn ở làng Cẩm Long xã Thọ Lộc, họ Lê Ngọc ở làng Mạnh Chư xã Xuân Phong... hầu như các ngôi nhà cổ xưa của tất cả các dòng họ lớn này đều có chung một không gian văn hóa tâm linh chung, cho dù, văn hóa , tập tục cổ đại... trong không gian văn hóa nhân sinh có thể khác nhau theo tập quán riêng của những vùng đất mà họ đã từng sống mang đến .
Quá trình sinh tồn, phát triển là cả một quá trình trăn trở để xác định một đức tin cho từng thanh viên trong cộng đồng làng - xóm. Đức tin đa thần giáo được chắt lọc qua thăng trầm của hiện thực cuộc sống. Con người là sinh linh của vũ trụ, nhưng, con người sở dĩ chinh phục và cai quản được các sinh vật khác vì con người có hồn linh (Hồn linh - Hồn sinh - Hồn bì). Trong ba hồn, chín vía đối với đàn bà và bảy vía đối với đàn ông. Con người sau khi chết, hồn thăng thiên, phách nhập địa, quan niệm của người Á Đông Sự tử là sự sinh, sự vong là sự tồn, tức là chết là sinh ra ở thế giới khác và chết là về với cõi vĩnh hằng. Do đó, mới có: Linh hồn, linh sàng, linh ứng ... Chỉ riêng con người mới có được điều này. Tiến hành giỗ chạp đối với người đã khuất chính là người ta kỷ niệm ngày chết, mà không kỷ niệm ngày sinh
Cư dân vùng đất này hành táng người chết theo tục ông Thọ Mai ( Thọ Mai gia lễ) trong quá trình chọn lọc, được cải biên theo cách riêng cùng với truyền thống ngày xưa. Con người sau khi tắt thở được tiến hành các bước: Mộc dục (tắm rửa), thay quần áo, phạm hàm bằng 3 đồng tiền và gạo, sau đó hoành vai, hoành bụng, hoành 2 chân, trước khi nhập quan, nam giới cần phải bịt kín, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, lỗ hậu môn, nữ giới cần bịt kín thêm lỗ âm đạo, để tránh tử khí thoát ra ngoài, trong thời gian đợi nhập quan. Khi nhập quan xong, người ta thường để đầu người đã khuất quay về hướng đông (hướng của cõi âm), nhưng khi ngồi dậy lại nhìn về hướng tâm linh (hướng tây). Người sau khi đã chết là về cõi vĩnh hằng, cõi thiên thu, nhưng quĩ thời gian tính cho người đã khuất trong vòng tang lại ngắn đi. Theo tục cũ, lễ tam nhật (3 ngày) tính từ ngày đi an táng, nhưng cư dân ở đây lại tính từ ngày chết (ngày tắt thở) từ đó tính lễ tam nhật, thất tuần, 49 ngày- 100 ngày, giỗ tiểu trường , đại trường trong vòng 24 tháng (hai năm ) nhưng đến năm thứ 3 tính từ tháng 25 trở đi chỉ có 3 tháng, tức 27 tháng là mãn tang, bình quân 1 năm của người chết là 9 tháng .
Nhạc cụ dùng để an táng người chết không cần đủ bát âm mà chỉ cần trống, kèn, nhị hoặc chỉ có trống và kèn
Cư dân vùng đất cổ Lôi Dương xây dựng và hình thành nên không gian văn hóa tâm linh theo trục đông- tây: phía đông hoặc đông nam là nghĩa địa, ở giữa là làng, phía tây là hướng thờ thần thánh và mẫu, song song tồn tại với đời sống nhân sinh chốn dương gian là cái trục; Nhà- làng - nước để sinh tồn và phát triển.
Điện Càn Long nơi thờ Mẫu hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh và 2 vị vua Lê Thần Tông (1619-1643, 1649-1662) và Lê Huyền Tông (1662-1671), đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông trên địa bàn xã Quả Nhuệ xưa, làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, ở vị trí phía tây làng Kim Bảng, phía nam giáp xã Thọ Lộc, phía bắc giáp làng Cao Phong; Cách thị trấn Thọ Xuân 5 km; Cách thành phố Thanh Hóa 31km
Ngôi Điện bề thế này đang còn ít nhất 7 hiện vật mà UBND xã Nam Giang đã thống kê, đó là :
1. Bia đá Công đức Trường Lưu, tấm bia là một trụ đá 4 mặt (hình vuông), trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện, trụ đá dựng đứng hình vuông là biểu tượng cổ xưa nhất của cư dân vùng đất Cổ Lôi; Trời tròn đất vuông, tấm bia là thể hiện ghi danh công đức cho các bậc thiên tử, con trời dưới mặt đất và cũng là để phân biệt giữa người và thần.
2. Hai pho chó đá, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện, là hiện vật chứng minh cho quan điểm thẩm mỹ của người xưa thời Lê Trung Hưng, thể hiện sự bình yên, sinh sôi, phát triển...
3. Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
4. Bốn hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong...để cho chúng ta thấy rõ hơn sự tồn tại của ngôi điện cách đây 350 năm về trước.
Cách điện 600m về phía đông là ngôi chùa 8 mái hoành tráng, uy nghi trên đất làng Cẩm Long do Thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh xây dựng và đặt tên Cẩm Long cho ngôi chùa này, cũng chính là tên làng ngày nay. Cẩm Long có nghĩa là rồng hoa
Xét về tổng thể, chúng ta thấy ngôi điện được hình thành theo sắc chỉ của triều đình Lê Trung hưng, nhưng vẫn phải phép vua thua lệ làng, tức là phải tuân thủ theo không gian văn hóa tâm linh vùng đất cổ này đã từng xác lập vùng đất cổ Lôi Dương nói chung, làng Kim Bảng và các làng xung quanh có liên quan đến không gian văn hóa tâm linh của Điện Càn Long nói riêng, được hình thành chủ yếu từ thời Trần. Triều đình lúc bấy giờ đã chu cấp đất đai, làm bổng lộc thái ấp cho quan lại. Thủ phủ vùng đất này được xác định là làng Căng Hạ, xã Thọ Nguyên ngày nay, quá trình từ thủ phủ khai khẩn về hướng tây đã đem lại phồn vinh, no ấm...
Như phần trên đã trình bầy, điện Càn Long tại làng Kim Bảng cũng nằm ở phía tây của làng, đồng thời cũng là phía tây của thủ phủ Lôi Dương. Ngôi Điện này được xây dựng vào năm 1671, tức là sau khi vua Lê Huyền Tông băng hà và cũng chính là thời kỳ hưng thịnh nhất của các triều vua Lê Trung Hưng, do Mẫu hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh được nhà vua sủng ái, tin dùng, chỉ đạo theo sắc chỉ của nhà vua. Ngôi điện bề thế, đứng thứ 2 và duy nhất sau điện Lam Kinh này cũng tuân thủ theo không gian văn hóa tâm linh của vùng đất cổ Lôi Dương; hướng chính cửa vào ngôi điện tọa chính tây hiện, đang còn đá tảng con giống.... Theo dư đồ địa chí của tổng Bất Náo, làng Phong lạc lúc mới hình thành, dân cư trú tại cánh đồng Đình Chùa hiện nay. Hướng tây của làng, tức khu vực táng Vua và Mẫu Hậu, làng đã hình thành và có đủ không gian văn hóa tâm linh đó là Đình và Chùa ... Đặc biệt, là lập đàn tế cáo trời đất vào các tiết Xuân thu nhị kỳ, rất tiếc đàn tế cáo trời đất đã bị phá hủy sau 1975. Vùng cánh đồng Phong lạc ngày nay, xưa kia là vùng sơn thủy hữu tình, trước làng có một quả đồi đất từ mặt ruộng lên cao trình 12m-13m, rộng gần 1000 m2. Trên đỉnh cao này, đầu thế kỷ thứ 14, nhà Minh (Trung Quốc) đã cho xây dựng một ngôi chùa lớn, do một ni cô người Trung quốc trụ trì, nhưng, mục đích chính là cảnh giới cho đồn Đa Căng và thu lượm tin tức của nhà Hồ. Từ đó đến nay, người dân ở khu vực này gọi là: Cồn Chùa cô. Ngôi chùa bị phá dỡ, chỉ còn lại phế tích. Sau năm 1975, trại giống lúa của tỉnh Thanh Hóa đã san ủi để kiến thiết khu làm việc hiện nay. Hai bên quả đồi này là 2 khe suối cổ (sau này gọi là khua), bình độ cao của khoảng giữa 2 khe suối cổ này là doi đất đồi thấp được trồng tre bây giờ vẫn để lại địa danh cổ là cồn pheo ( trong từ tre pheo), cả vùng bình nguyên rộng lớn lại có đường mòn gọi là đường cái quan (Đường dùng cho quan lại đi vi hành, tuần thú). Vùng đất này đã được triều đình nhà Lê Trung Hưng bí mật cho qui hoạch, khảo sát để an táng các Mẫu Hậu, nhà Vua và các triều chúa. Ý tưởng này được Mẫu hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh xúc tiến thực hiện sau khi vua Lê Huyền Tông băng hà. Mẫu Hậu đã cho táng thi hài Vua theo qui hoạch. Ngôi mộ hiện nay vẫn còn ở vị trí trại giống lúa (Trung tâm khảo nghiệm giống lúa) của tỉnh Thanh Hóa trên trục đường đi vào xã Xuân Phong ngày nay, khu đồng ruộng này được gọi là lăng vua, phía bắc của quả đồi, Mẫu Hậu đã tìm nơi an nghỉ cho mình (Ngôi mộ đã đã bị khai quật), hiện Họ Phạm Lê làng Kim Bảng đem vè táng tại khu vực Điện Càn Long. Khu đồng ruộng này được gọi là Lăng (tức là Lăng Mẫu Hậu). Cánh đồng phía ngoài lăng được gọi là đồng phủ, chính là nơi qui hoạch để đặt thi hài của các chúa (phủ chúa), cánh đồng hiện đang canh tác bên cạnh trục đường 47B, nay là đường Quốc lộ 506 đi nước bạn Lào ( trước kia gọi là đường cái quan). Cánh đồng ở hướng Tây của lăng vua, Lăng Mẫu Hậu và phủ chúa (Cửa vào) được gọi là đồng cửa, các địa danh này đang còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau khi mộ vua Lê Huyền Tông và Mẫu hậu được an vị, việc xây dựng Điện Càn Long theo chỉ dụ của nhà vua đã hoàn thành, dòng họ Phạm Lê được phép của triều đình cử một chi họ từ làng Kim Bảng chuyển cư sang làng Phong Lạc để trông coi các phần lăng mộ này, danh tính của chi họ này được lấy tên là Phạm Hữu ... hữu chữ nho theo nghĩa: được nhà vua bảo trợ bằng ruộng hương hỏa để trông coi. Được thần linh, hương linh của Vua- Hoàng Hậu sau khi băng hà phù hộ (Nghĩa là: bảo trợ và phù hộ). Sau Cách mạng tháng 8/1945, toàn bộ công việc này bị lãng quên, thời kỳ chống mê tín dị đoan, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cơ giới hóa nông nghiệp, cùng với việc nhận thức của lãnh đạo các cấp, ảnh hưởng của cách mạng văn hóa Trung Quốc... chúng ta đã sai lầm không phân biệt được mê tín và tín ngưỡng, tất cả dồn vào một bị để bài trừ, dẫn đến đình, chùa và các công trình văn hóa tâm linh khác bị triệt phá .
Số phận của lăng Vua, lăng Mẫu hậu, điện Càn Long và các ngôi đình bề thế trầm mặc, uy nghiêm của các ngôi làng ở vùng đất này cũng không nằm ngoài hoàn cảnh ấy .
Nếu như không gian văn hóa của một vùng đất, vùng quê phản ánh trình độ văn hóa , trình độ thẩm mỹ của cư dân vùng đất ấy thì không gian văn hóa tâm linh lại thể hiện chiều sâu về lý trí và đức tin vào những hiện tượng siêu nhiên của tự nhiên hay xã hội, của các thành viên trong cộng đồng, cộng cư mà họ đang sinh sống.
Nét đẹp thờ Mẫu được hình thành từ chế độ mẫu hệ (con không biết cha) cho đến thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ các vị thần, các anh hùng liệt sỹ của dân tộc ... có công với nước là nét đẹp văn hóa trong không gian văn hóa tâm linh của người Việt; đây là điều đã có từ rất cổ xưa, nó đã ăn sâu vào tiềm thức và đức tin của người dân Việt.
Các tôn giáo đang được Đảng và nhà nước Việt Nam công nhận, hoạt động theo phương châm tốt đời đẹp đạo. Tất cả đều được pháp luật Việt Nam công nhận đó là tự do tín ngưỡng. Nhưng, giữa tín ngưỡng và mê tín có khoảng cách vô cùng mong manh. Việc xây dựng, tôn tạo, giữ gìn, phát huy không gian văn hóa tâm linh chính là chúng ta đang tiến tới tích cực tách bạch gữa tín ngưỡng và mê tín, xây dựng và nuôi dưỡng đức tin tốt đẹp cho các thế hệ hậu sinh.
Đã qua rồi cái thời, cái gì không quản lý thì cấm. Ý muốn chủ quan của các nhà chức trách là chân lý, bắt mọi người phải tuân theo. Bài học nhỡn tiền của chúng ta trong nhận thức và xử lý giữa tín ngưỡng và mê tín của những năm 50 đếm những năm 70 của thế kỷ XX là rất lớn.
Sau giải phóng miền Nam 1975, tôi vinh dự được cùng đoàn quân giải phóng làm quân quản ở thành phố Sài Gòn, rồi chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam của Tổ quốc, dịp đi công tác ra ngoài Bắc, chúng tôi có ghé thăm kinh thành Huế, đoàn chúng tôi được một ông già ngoài 60 tuổi (gọi là thủ từ) rất nhiệt tình dẫn đi thăm quan giới thiệu các lăng tẩm.. . Khi tiễn chúng tôi ra về, ông có nói với chúng tôi : Rất may là hiệp định Giơ ne vơ phân chia Nam- Bắc tạm thời hồi đó lấy sông Hiền lương (vĩ tuyến 17) làm biên giới tạm thời, nếu lấy vĩ tuyến 15 làm biên giới thì chắc chắn hôm nay sẽ không còn khu lăng tẩm của kinh thành Huế để cho các ông tham quan. Là ngưới lính chiến, sau giải phóng, tiếp xúc và quản thúc Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh cùng nhiều quan chức cao cấp của chế độ Sài Gòn, gặp gỡ nhiều trí thức lớn ở thành phố Sài Gòn, đến thăm kinh thành Huế, lần đầu tiên nghe một ông già là thủ từ, công dân bình thường nhất nói về Cách mạng văn hóa ở miền Bắc và thực sự như vậy, tôi thật đau lòng. Rất may sau đổi mới 1986, chúng ta đã dần nhận ra sự thật ấy và tách bạch gữa mê tín và tín ngưỡng để đến hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Điện Càn Long tại làng Kim Bảng cũng đã được quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Trong tình hình nhận thức về lịch sử dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay còn nhiều điều phải bàn, vì nhiều lý do, trong đó có việc bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử.
Trước diễn đàn hội thảo khoa học này tôi xin kiến nghị đề xuất:
1. Trước mắt, cần có kế hoạc giữ gìn, tìm kíếm các hiện vật đang có và đang còn rải rác ở trong các khu dân cư có liên quan đến điện Càn long
2. Cần phải đưa ngôi mộ của bà Mẫu Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh về đúng vị trí đã khai quật để tôn tạo, giũ gìn cho muôn đời sau
3. Cần phải nhanh chóng khôi phục lại không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã được qui hoạch từ triều Lê Trung Hưng để tiếp tục xây dựng đức tin, lòng biết ơn của các thế hệ hậu sinh xứ Thanh, cũng như thế hệ trẻ cả nước đối với một triều đại đã từng tồn tại 360 năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta./.
Tài liệu tham khảo:
1) Đại Việt sử ký toàn thư (Phần tiền biên), Quốc sử quán triều Lê
2) Việt sử thông gián cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn)
3) Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú
4) Văn Bia công đức trường lưu (Bản dịch của Trịnh ngữ)
5) Gia phả dòng họ Lê Đình, làng Phong Lạc
6) Dư đồ địa chí tổng Bất Náo-1920
7) Kỷ yếu hội thảo khoa học Hội thề Lũng Nhai, khởi nghĩa Lam Sơn, Viện Sử học Việt Nam
8) Gia phả, thần phả của một só dòng họ lớn, thần phả các ngôi đình của các làng trên vùng đất cổ Lôi Dương
9) Tư liệu điền dã không gian văn hóa tâm linh vùng đất cổ Lôi Dương
10) Lịch sử văn hóa các làng Kim Bảng, Phong Lạc, Cao Phong, Phúc Như, Phú Gia, Phúc Thượng, Phúc Hạ và phố Neo của xã Nam Giang - Thọ Xuân, Thanh Hóa.
PHẦN II. DI SẢN VĂN HÓA ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
ĐIỆN CÀN LONG (THÔN KIM BẢNG, XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN) QUY MÔ KIẾN TRÚC
VÀ VIỆC THỜ PHỤNG TẠI ĐÂY
NNC. Phạm Tấn*
Điện Càn Long (Thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tức xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa) là tên gọi của khu miếu điện thờ vua Lê Huyền Tông thời Lê Trung Hưng.
Về việc lập điện Càn Long để thờ vua Lê Huyền Tông sau khi vị vua này mất vào mùa đông, tháng 10, ngày 15 năm Tân Hợi (1671), sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi chép rõ: Tháng 11, ngày 13 (năm Tân Hợi, 1671 PT) rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng đế về chôn ở lăng Quả Thịnh lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu1
Sự ghi chép trên đây của sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng trùng khớp với sự ghi chép trong tấm bia hộp có tên là công đức Trường lưu do nhóm danh sĩ thời Lê Trung hưng soạn (vào năm 1686) để dựng đặt tại điện Càn Long như:
Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông ND) ra sắc chỉ, cho phép bản, xã (xã quê ngoại nhà vua ND) giữ chức Chấp Thủ (chức quản lý điện miếu ND) Khi lăng và điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước.(2)
Cũng về thời gian lập điện Càn Long, trong bài văn ở bản khắc gỗ đặt trên bàn thờ tổ dòng họ Phạm - Lê ở thôn Quả Thượng, xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương) do nhà Hán Nôm Trịnh Ngữ dịch) thì lại có sự ghi chép hơi khác như: Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái Hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được vua Lê Huyền Tông. Sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà được thăng lên ngôi Hoàng Thái Hậu rồi về thôn Kim Bảng cho xây dựng điện Càn Long để thờ vọng Tiên Đế, đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật(3). Cũng theo bài văn khắc gỗ này, để hợp pháp hóa cho việc phối thờ họ ngoại trong điện Càn Long, bà Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua Lê Huyền Tông) đã bàn với phu nhân quan Tể tướng (họ Lê) cho người con thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ (họ Phạm) rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu (4)
Qua sự ghi chép này, chúng ta được biết rõ hơn bà Hoàng Thái Hậu (mà ông Trịnh Ngữ dịch là Phạm Thị Ngọc Huỳnh, còn Nguyễn Thị Măng và Nguyễn Văn Hải lai dịch là Phạm Thị Ngọc Oánh(5)) Mẹ của vua Lê Huyền Tông chính là người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là Lê Thần Tông) ở chính quê của mình (tức ở thôn Kim Bảng, Quả Nhuệ xưa) lúc vua con là Lê Huyền Tông còn chưa mất. Và khi Huyền Tông băng hà (1671), nhờ việc lo xa từ trước của bà lúc đang là Hoàng Thái Hậu đầy vị thế mà điện Càn Long đã được triều đình nhà Lê chính thức cho lập để thờ chồng bà là Lê Thần Tông và con là Lê Huyền Tông cùng bà và gia tộc họ Lê ở Kim Bảng. Vì thế, khu miếu điện Càn Long này được xây dựng theo quy mô, kiểu thức kiến trúc phổ biến của triều Lê Trung hưng là rất chỉnh chu, bề thế.
Mặc dù toàn bộ công trình kiến trúc của điện Càn Long đến nay đã trở thành phế tích và không còn nguyên vẹn nữa, nhưng với những gì còn lại trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu. 6 sào ở phía Nam thôn Kim Bảng như khối bia hộp bốn mặt, nền móng, gạch ngói, thềm bậc, chân tảng bằng đá cùng hai con giống chó ngao ở vị trí cổng tam quan v.v cũng đủ giúp chúng ta hình dung được quy mô, giá trị vốn có của di tích.
Về quy mô và kiến trúc cụ thể của điện Càn Long, rất may mắn đã được ghi chép, khảo tả khá cụ thể trong cuốn sách Lăng mộ các vua đời Hậu Lê của học giả người Pháp Louis Bazacier (xuất bản hồi trước 1945). Sau đây xin trích nguyên toàn văn về sự ghi chép, khảo tả này:
Thời gian tôi (tức Bazacier) đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ xưa), các hào mục cho biết là ngôi mộ Lê Huyền Tôn đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chư Thượng xưa kia thuộc Quả Nhuệ Thượng. Tôi chẳng khai thác được gì và những người giúp việc cho tôi đến tận nơi cũng chẳng báo cáo được vấn đề gì chính xác.
Tuy vậy, ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tôn gọi là Càn Long điện. Đền này dựng tháng Chạp năm Chính Hòa thứ 7 (tháng 1/ 1688) trên một đám đất hơi cao. Có một cửa tam quan đơn giản nay chỉ còn 4 chân cột. Trước cửa tam quan có hai con chó (đá) canh giữ, đến một cái sân hình chữ nhật, cuối sân có xây hai cái nhà. Nhà thứ nhất chỉ có 1 phòng gồm 3 gian dài và 2 gian ngang, trước mỗi gian có một cầu thang. Những tay vịn của cầu thang giữa chạm rồng và bề dài đo được 1m55, cao 0m60, các cầu thang hai bên thì thường không chạm. Trước cầu thang chính có 1 cái bình phong, sau bình phong có 2 con rùa đá, ngày xưa trên lưng có cắm 2 con hạc lớn nay không còn nữa. Đằng sau cái bình phong thứ nhất còn có phòng thứ 2 chính tẩm nền xây bằng đá, dài 10m, rộng 7m50 cũng chia làm 3 gian dọc và 3 gian ngang. Mỗi bên của lối đi vào có hai ông phỗng bằng đá sơn xanh, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm lại. Trong chính tẩm có xây ba cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tôn, bên phải là tượng vua cha Lê Thần Tôn, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoàn Thuần Hoàng Thái Hậu sinh ra ở làng Quả Nhuệ và mộ của bà ta hiện còn ở phía bắc làng Phong Lạc (xưa là Bật Não) cách đó 1km. Trong sân phía bên phải có dựng hai cái bia ghi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686).(6)
Như vậy, qua sự ghi chép mô tả của học giả người Pháp Bazacier, chúng ta có thể biết rõ, hồi trước năm 1945, ở điện Càn Long (làng Kim Bảng) vẫn còn nguyên 2 tòa miếu và một số kiến trúc, hiện vật ở xung quanh. Và chỉ cần như vậy cũng đủ cơ sở để chúng ta khẳng định quy mô kiến trúc của điện Càn Long là khá bề thế và có đủ tiêu chí mà triều đình Lê Trung hưng qui định khi lập một điện miếu để thờ vua. Nơi đây, với sự chỉ đạo trực tiếp của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm lúc còn quyền thế thì việc xây dựng ra điện Càn Long lại càng có sự ưu ái đặc biệt hơn, nhất là việc chọn đất, đến phong thủy và chọn thợ thi công v.v Vì vậy, điện miếu Càn Long đã từng tồn tại trong mấy thế kỷ liền một cách thiêng liêng gần gũi với dòng tộc nhà Lê nói chung và dòng tộc họ Phạm Lê ở Kim Bảng nói riêng. Đồng thời, với sự ra đời, tồn tại của điện Càn Long ở làng Kim Bảng, vị thế của dòng họ Phạm Lê và làng quê Ngoại thích của nhà Lê ở đây cũng có thêm sự ưu ái và vị thế hơn so với các làng xã xung quanh là một điều dễ hiểu. Cũng chính nhờ đó mà triều đình đã cho phép bản xã (tức quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ để, quản lý điện miếu như bia ký đã ghi chép).
Như sự ghi chép của tấm bia hộp Công đức Trường lưu và bản văn khắc gỗ còn lại, chúng ta biết rõ, miếu điện Càn Long ngoài thờ vua Lê Huyền Tông (là chính) và phối thờ vua Lê Thần Tông còn là nơi thờ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh (hoặc Oánh) cùng tiên tổ họ Phạm Lê ở Kim Bảng. Trong hai tòa miếu mà học giả người Pháp đã nêu, có một tòa thờ vua Lê Huyền Tông cùng Lê Thần Tông và Hoàng Thái Hậu họ Phạm. Còn tòa còn lại chắc chắn là thờ các vị tiên tổ họ Phạm Lê theo chủ ý của bà Hoàng Thái Hậu mà bia ký đều có ghi chép như: Khi lăng và điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước(7).
Bia công đức trường lưu đã ghi chép rất rõ về nghi thức thờ vua Lê Huyền Tông theo đúng điển lễ mà triều đình nhà Lê Trung hưng quy định như:
Nghi thức tế tự: Huyền Tông Mục Hoàng đế, 20 quan tiền, ngọc thự 3 mâm, thức ăn chính 12 mâm, thịt trâu 1 đĩa, thịt bò 2 đĩa, xôi 3 đĩa. Bản xã 4 quan 4 mạch tiền, 30 bát, phô xa, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 20 là ngày sinh lễ dùng 8 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chính 8 mâm, lợn, xôi, bánh vuông, bánh tròn, tương thịt, chuối xanh 20 quả. Bản xã 1 quan 2 mạch tiền, 10 bát gạo, lơn, xôi, rượu.
Ngày 11 tháng 11 tế mùa đông, sửa lễ 4 quan tiền. Ngày 22 tháng 12 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ khảo được gia phong Thiếu bảo, tước Hà Quận Công là Phạm Quý Công thụy là Lương Phúc phù quân 4 quan tiền. Bản xã 1 quan 8 mạch tiền, 50 bát gạo, lợn, xôi, rượu, trầu cau, tiền giấy. Ngày 20 tắm rửa sạch sẽ.
Thay áo thánh mua các vật 10 quan tiền. Lễ trừ tịch dùng 4 quan tiền.
Ngày sắc vọng các thánh quanh năm dùng trầu cau, đèn dầu, hương, mỗi tháng 5 đến 6 mạch(8).
Tấm bia cũng ghi rõ ngày tuần hàng năm, làng Kim Bảng và họ Phạm ngoại thích ở đây đều phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thờ phụng theo qui định như:
Đặt ruộng tế, ruộng huệ đồng ý cho thôn Kim Bảng 5 mẫu, xã Cảo Duệ Thượng 50 mẫu, chia nhau canh tác phụng thờ, các xứ sở của ruộng tế ghi ở bia. Ngày mồng 1 tháng Giêng là tết Nguyên đán, dùng 3 quan tiền, thôn Kim Bảng, lễ 5 mâm tiền giấy cùng 5 mạch tiền. Ngày mồng 2, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 3, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 7, khai hạ dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 1 tháng Giêng lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ khảo được gia phong là Thái Bảo, tước Vị Quận công là Phạm tướng công tự là Phúc Minh, Thụy Lương Tính phủ quân, sửa lễ tiền 7 quan, ngọc thực 3, thức ăn chín 5, phô xa 1, xôi 1.
Bản xã tiền 4 quan, gạo 30 bát, phô xa, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 2 tế mùa xuân, dùng 4 quan tiền. Ngày mồng 3 tháng 3 là tiết Thanh minh, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 7 tế kỵ.
Ngoại tổ Hiển cao tổ tỉ là Chánh phu nhân của Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu là Lê quý thị, thụy Từ Hi 3 quan tiền. Bản xã 1 quan, 4 mạch tiền, gạo 10 bát, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 29 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ khảo được gia phong là Đô đốc Đồng tri, tước Hải Triều hầu là Phạm quý công, thụy là Lương Tâm phủ quân 3 quan tiền. Bản xã sửa lễ 1 quan 4 mạch tiền, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 4 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ tỉ là phu nhân của Thiếu bảo Hà Quận công là Lê quý thị, thụy là Trừ Khánh, 4 quan tiền. Bản xã sửa lễ, 3 quan 8 mạch tiền, 15 bát gạo, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Tháng 5 tết Đoan ngọ, tiền 3 quan. Ngày mồng 6 tháng 6, tế hạ sửa lễ 4 quan tiền, thật y thật tài dùng 8 quan tiền. Ngày 29 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ tỉ là phu nhân của Thái Bảo, vị Quận công là Chu quý thị, thụy là Từ Đô sửa lễ 7 quan tiền làm 3 mâm ngọc thực, 5 mâm thức ăn chín, phô xa, vật tế, xôi.
Bản xã sửa lễ tiền 4 quan, gạo 30 bát, phô xa, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 8 tế thu dùng 4 quan tiền. Ngày 15 là ngày Trung thu, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày mồng 9 tháng 9 là ngày Trùng nguyên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày mồng 10 tháng 10 là Thường tiên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 14 là Tiến tiên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 15 là ngày lễ kỵ(9).
Như vậy, việc thờ vua ở điện miếu có kết hợp để thờ các vị tiên tổ bên họ ngoại nhà vua, chúng ta thấy chỉ có ở điện Càn Long. Sở dĩ có tình trạng thờ phụng như vậy vì hai lý do:
- Một là, điện Càn Long được lập ở chính quê ngoại của vua Lê Huyền Tông, đó là làng Kim Bảng.
- Hai là, vì chủ ý của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm (Mẹ đẻ của Lê Huyền Tông và là vợ của vua Lê Thần Tông - đức vua cha của Lê Huyền Tông. Sở dĩ sự lo liệu từ trước của bà được hoàn tất một cách dễ dàng vì bà là Hoàng Thái Hậu đầy vị thế. Thậm chí, ngoài việc cho làm miếu điện lúc vua con còn sống, bà còn xây dựng ở quê ngoại Kim Bảng một ngôi chùa (có tên là Cẩm Long) để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật. Vì vậy sau khi bà mất cũng được triều đình của vị vua kế vị (tức Lê Gia Tông) và họ Lê Phạm ở Kim Bảng đưa vào thờ chính thức ở điện Càn Long bên cạnh cả chồng (Lê Thần Tông) và vua con (Lê Huyền Tông), đồng thời được dựng bia công đức Trường lưu (do các danh sĩ nổi tiếng đương thời soạn) để lưu truyền tiếng thơm về công lao, đức độ cho đến mãi muôn đời.
Cũng nhờ có bà và sự ra đời, tồn tại của điện Càn Long mà làng Kim Bảng-Quả Nhuệ xưa cùng họ Phạm - Lê ở đây đã được thừa hưởng nhiều ân sủng của triều đình nhà Lê Trung hưng (như được cấp nhiều ruộng đất để hương khói thờ phụng hàng năm, hoặc được miễn lao dịch và nghĩa vụ đóng góp. Ngoài ra, trong họ Phạm Lê ở Kim Bảng cũng có nhiều người còn được ban cả chức tước từ đời này đến đời khác v.v ).
Có thể nói, điện Càn Long là một di tích miếu điện thờ vua điển hình hồi thế kỷ XVII, được xây dựng qui cũ theo thức kiến trúc cung đình tại vùng quê ngoại thích của đức vua Lê Huyền Tông. Vì vậy, việc thờ phụng ở đây cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo điển lễ quy định của nhà Lê. Mặc dù trải qua mấy thế kỷ trong điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan cùng các biến động lịch sử, đến nay điện Càn Long chỉ còn lại những dấu tích, hiện vật như đã nêu ở trên, nhưng dẫu sao, với những gì còn lại trên nền đất cũ vẫn có thể giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể cả về nguồn gốc ra đời và quy mô của di tích cùng với việc thờ phụng từng diễn ra ở đây. Trong số những hiện vật còn lại, quan trọng và đáng kể hơn cả, đó là tấm bia hộp, cùng bài văn khắc gỗ và một số sắc phong v.v Nhờ có các văn tự cổ ấy, chúng ta ngộ ra được rất nhiều vấn đề thú vị về lịch sử nhân vật, về kiến trúc điện miếu, về cả việc thờ phụng nhà vua theo điển lễ. Ngoài ra, nhờ những di vật và tài liệu còn lại cùng với toàn bộ khu đất đã lập miếu điện xưa vẫn còn đang hiện hữu sẽ là cơ sở để những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo một cách chuẩn xác về điện Càn Long để phát huy tác dụng.
Một lần nữa, chúng tôi - những nhà sử học kính đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm cho phục hồi lại điện Càn Long để đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong, ngoài tỉnh./.
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, Tr.286.
(2) Trích ở bia công đức Trường lưu (bản dịch của Trịnh Ngữ) tại phần phụ lục Hồ sơ lý lịch di tích Địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia Công đức Trường lưu thế kỷ XVII do Ban quản lý Di tích Danh thắng lập năm 2003.
(3) Trích ở bài văn khắc gỗ đặt trên bàn thờ tổ họ Phạm - Lê ( do Trịnh Ngữ dịch), phần phụ lục của hồ sơ di tích lập năm 2003.
(4) Trích ở bài văn khắc gỗ, TL đã dẫn
(5) Bia công đức Trường lưu do ông Trịnh Ngữ dịch thì nói tên tục của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm là Phạm Thị Ngọc Huỳnh, còn bản dịch của Nguyễn Thị Măng và Nguyễn Văn Hải công bố ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, Nxb Thanh Hóa, 2016 lại ghi là Phạm Thị Ngọc Oánh.
(6) Trích dẫn từ sách Lăng mộ các đời vua Hậu Lê (xuất bản trước 1945) của học giả người Pháp Louis Bazacier, bản dịch, tài liệu đánh máy của thư viện Thanh Hóa.
(7) Trích ở bia Công đức Trường lưu (Bản dịch Trịnh Ngữ)
(8) Trích ở bản dịch bia ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, Nxb Thanh Hóa, tr 416-417.
(9) Trích ở bản dịch bia ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, TL đã dẫn, tr 417-418.
MỘ CHÍ VĂN BIA THỜI LÊ TRUNG HƯNG Ở XÃ NAM GIANG
NNC. Lê Xuân Kỳ*
Những điều chúng ta bàn hôm nay đã được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi chép từ thời năm Nhâm Dần (1662), khi vua Lê Thần Tông băng hà, vua lê Huyền Tông lên ngôi, đến năm Tân Hợi (1671). Tất cả ghi trong 35 trang in (bản in năm 2003 của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin). Nhưng lại phải xem ngược lên từ thời Lê Thần Tông, Đại Việt sử ký Toàn thư ghi chép đến đây là những trang cuối cùng, chấm dứt ở năm Ất Mão (1675). Trên mảnh đất mà chúng ta có mặt hôm nay, có mộ chí, văn bia nói về Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oanh) và Hoàng đế Huyền Tông, có điện Càn Long, có gia phả gỗ, có chùa, có cả một kho huyền thoại...
· Mộ và bia vua Huyền Tông
Mộ vua Lê Huyền Tông được dân làng phát hiện năm 2008, khi đào mương dẫn nước trên cánh đồng giữa hai xã Nam Giang và Xuân Phong. Bà con đào đất gặp quách hợp chất. Khi thấy là mộ, đào tiếp thì rõ ra là ngôi mộ trong quan ngoài quách. Đối chiếu với sử liệu và chuyện kể, thì rõ là mộ vua Huyền Tông, được sở Văn hóa và Ủy ban nhân dân huyện, sau khi nghiên cứu đã cấp kinh phí để xây dựng lại như ngày nay.
Bà con cho biết, trước đây mộ có bia, nhưng bia được chuyển đi viện Viễn Đông Bác cổ. Đối chiếu với lưu trữ của viện Khảo cổ, thì bia hiện tại còn bản rập năm 1942, gọi là Bia lăng Quả Thịnh (Quả Nhuệ). Ở xã Quả Nhuệ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Phú Hồ, Hàn Lâm hiệu lý và Nguyễn Đình Xuân hàn lâm hiệu lý soạn. Nguyễn Danh Vọng, Lễ Bộ tả Thị Lang, tước Vĩnh ngạn Nam, nhuận chính, Phạm Thiềm, Tăng lục tá quốc hòa thượng, tước Diệm Cương Nam, khắc. Phạm Trừng, tước Dực Bình hầu, coi khắc. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê. Bia 1 mặt, khổ 77 x 120 cm, chạm mặt trời, rồng, mây, hoa cuộn. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 20 dòng, khoảng 500 chữ.
Văn bia lăng vua Lê Huyền Tông, gọi là lăng Quả Thịnh, ở xã Quả Nhuệ, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là quê của Hoàng Thái hậu (mẹ vua). Vua tên húy là Duy Vũ, sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1654), là con của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, mẹ là Hoàng Thái hậu họ Phạm. Sau khi vua Lê Thần Tông băng hà, Hoằng tổ Dương vương (tức chúa Trịnh Tạc) và các quan văn võ tôn Duy Vũ lên ngôi ( tức Huyền Tông), vào ngự ở chính điện để thừa nối đại thống. Từ năm Quý Mùi (1663) đổi niên hiệu là Cảnh Trị. Vua sửa sang kỷ cương, thi hành nhân chính, dân chúng khắp nơi trong nước ca ngợi là bậc thánh quân. Đáng tiếc là vua mất sớm, chỉ ở ngôi được 9 năm (1662 1671). Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671) vua băng hà, thọ 18 tuổi, thụy hiệu là Huyền Thông Mục hoàng đế.
Sách Khâm định Việt Sử thông giám cương mục ghi:
Vua tính trời nhân hậu, vẻ ngoài đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa cũng đáng là bậc vua hiền vậy. Nhưng ở ngôi không được lâu thật đáng tiếc.
· Mộ Hoàng Thái Hậu và văn bia Công đức Trường lưu
Từ Thành phố Thanh Hóa lên Thọ Xuân, đến cây số 42 là xã Nam Giang. Ở phía tay phải có một cơ quan là trại giống lúa Nam Giang. Chiều dài của trại là 1 km (tính từ đông sang tây), phía đông có mộ Lê Huyền Tông, phía tây là mộ Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Cách đây một phần tư thế kỷ, người dân đào đất đóng gạch đã phát hiện mộ của Hoàng Thái hậu đã dừng lại không đào nữa. Ban đêm, kẻ gian đã đào tung lên, phát hiện một bà già nằm trong quan tài nghi đang nằm ngủ. Vẻ mặt trầm ngâm có vẻ buồn việc trần thế. Khồng thấy mũ áo, không thấy một sợi tóc nào mà chỉ thấy một số đồ, như vải xô gai, một chuổi tràng hạt (đếm được 27 hạt) và một chiếc quạt giấy. Quạt có 15 nan còn nguyên vẹn.
Việc không thấy bà có tóc chứng tỏ bà đã xuống tóc đi tu, hơn nữa trang phục bà mặc và vải khâm liệm bà khi mất là vải xô gai, rồi đến chuỗi tràng hạt mang theo người cùng bằng hạt thảo quả chứng tỏ bà đã quy Phật, thực sự là một nhà sư. Những năm tháng cuối đời, bà lại sống ở quê, xây chùa Cẩm Long. Khi con trai mất, bà về sống với dân làng, ăn chay, niệm Phật 20 năm (1671 1691).
Về lai lịch Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, văn bia Công đức trường lưu hiện còn ở địa điểm điện Càn Long (do các danh sĩ nổi tiếng thời Lê Trung Hưng soạn theo lệnh của vị vua Lê Hy Tông, được khắc, dựng vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đã ghi chép một cách cụ thể rõ ràng như sau: Bà Hoàng Thái hậu của nước Đại Việt họ Phạm, tên là húy là Ngọc Huỳnh, là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, Hiền Khảo (bố) Phạm Tướng công tên là Phạm Đình Kiên lấy bà họ Chu tên Húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa huyện Văn Giang. Bà sinh ra người con gái thứ hai đó chính là Hoàng Thái hậu.
Bà Hoàng Thái hậu sinh vào giờ Mão ngày 22 - 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635) năm 19 tuổi. Do trời tác hợp, bà được làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng Đế. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo. Đó là nhờ sự giáo dục chu đáo mà nên. Nói về sự hiền tì và dung nhan thì Hoàng Thái hậu là người đáng kính đáng khen.
Năm Giáp Ngọ (1654), bà sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế, Hoàng Đế dung nhan mặt hồng, mắt phượng. Đạo lý thường có câu:Trời sinh ra Thánh mẫu, ắt sẽ sinh ra Thánh Tử.
3. Bia Hoàng Thái Hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ Hàn lâm viện đãi chế, Nguyễn Đình Thung, Hàn lâm viện hiệu thảo phụng soạn. Nguyễn Danh Thực đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659) bồi tụng; Ngự sử Đài Đô ngự sử, Tước hải sơn Tử nhuận sắc. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê.
Bia 4 mặt đều khổ 86 x135 cm, chạm 28 vòng mặt nguyệt, mây, hoa. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương 73 dòng, khoảng 1800 chữ.
Bia ghi tóm tắt tiểu sử của Hoàng Thái hậu, mẹ vua Lê Huyền Tông. Bà họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là con gái thứ của ông Tả hiệu, Vị Lộc hầu, nguyên quán xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Mẹ họ Chu, sinh bà vào giờ Mão (22/4 năm Đức Long 7 (1635). Năm 19 tuổi, được tuyển vào cung hầu vua Thần Tông, năm Giáp Ngọ (1654), 20 tuổi bà sinh ra Hoàng Đế Lê Duy Vũ ( sau nối ngôi vua tức vua Lê Huyền Tông), bà được sắc phong làm Hoàng Thái hậu. Xã Thanh Nga và thôn Nhân Lý từng được bà ban cấp ruộng đất làm ruộng tự điền. Sau khi bà mất, dân xã nhớ ơn dựng bia ghi công đức bà. Mặt sau bia ghi chi tiết 37 thửa ruộng tự điên cộng với 36 mẫu 9 sào 10 thước, ghi những điều quy định về thể lệ cúng tế bà hàng năm.
Qua nội dung bia trên chúng ta thấy công đức của bà Hoàng Thái hậu không những được ghi lại ở quê nội, mà còn được người dân quê ngoại của bà ghi nhớ, dựng bia lưu truyền mãi mãi.
· Gia phả khắc trên tấm gỗ và sắc phong
Ở nhà thờ họ Phạm Lê có tấm gỗ ghi tóm tắt gia phả họ Phạm Lê. Ngày xưa họ có gia phả ghi trên giấy bản, sau được ghi trên những tấm đồng. Đầu đời Thành Thái gia phả bằng đồng bị thất lạc. Họ làm gia phả mới khắc trên gỗ. Nội dung như sau:
Theo đạo lý thì mọi vật sinh ra là do trời đất, con người sin ra là do tổ tông. Người ta tế trời ở nhà Minh Đường, tổ tiên được phối tế ở đó chính là để tôn sung tổ tiên vậy.
Ông tổ họ ta vốn ở thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, tổng Quan Trung, huyện Đông Thành, phú Diễn Châu. Lê Tướng công vào năm đầu niên hiệu Phúc Thái (1643 -1649) thời vua Chân Tông Khoa Quý Mùi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Làm quan đến chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tá Lý Công Thần, được thăng đến chức Tể Tướng giữ chức Hình Bộ Thượng Thư, tước phong là Phương Quế hầu Thượng trụ quốc, sau ngày tạ thế được phong sắc là Nghiêm Minh Hùng Đoán Thông Đạt Đại Vương.
Tướng công lấy người con gái trưởng của Phạm Đình Công, bà là chị của Hoàng Thái hậu. Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được vua Lê Huyền Tông sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà được thăng lên ngôi vị Hoàng Thài hậu rồi bà về thôn Kim bảng cho xây dựng điện Càn Long để thờ vọng Tiên Đế đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để thờ các vị Phật.
Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái hậu bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu. Ông sinh ra được 4 người con trai chia làm 4 chi họ. Người chi trưởng sinh được 3 con trai, người con cả làm quan đến chức Thừa Chánh Sứ, tước phong là Quả Xuân Hầu. Quanh Chánh Sứ sinh được 12 người con. Ông tổ họ ta là Phạm Vinh.
Ngày 3 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 Triều Nguyễn (1900).
Hiện tại, dòng họ Phạm Lê ở Kim Bảng còn giữ lại hai đạo sắc phong của nhà vua cho ông Phạm Trừng, vì đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long. Nội dung hai bản sắc phong như sau:
Sắc phong 1:Sắc phong cho ông Nhuệ Trung Phạm Trừng ở thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc biệt ban thưởng cho chức Tả Trung Doãn, phong cho tước bá, làm các chức Quan Trung Trinh Đại Doãn, Nhuệ Trung Bá, Khuông Mỹ Doãn.
Ông Phạm Trừng khâm phụng sắc chỉ:
Năm Cảnh Hưng thứ 22 ngày 7 tháng 4 (1761)
Sắc phong 2: Sắc phong cho ông Quả Xuân Phạm Trừng ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Người được kế nghiệp giám thủ phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc ân thưởng cho chức quan Thừa Sứ, phong cho tước Hầu khá khen là một quan đại phu tốt và cho làm quan Tán Tự Thừa Chính Xứ ở Lạng Sơn, phong tước là Cảo Xuân Hầu.
Năm Cảnh Hưng thứ 32 ngày 7 tháng 4 (1771)
Cách đây hơn nửa năm, chúng tôi đã có một cuộc vi hành lý thú:Vào thăm mộ, nhà thờ, bà con họ Lê ở Yên Thành ( Nghệ An). Đoàn gồm 3 anh em: Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Đại tá Phan Văn Thanh và tôi. Chúng tôi được bà con cho đi viếng mộ hai vị tiến sĩ Lê Kính và Lê Hiệu, dâng hương ở đền thờ Phó bảng Lê Doãn Nhạ. Vào đền thờ mới thấy bà con còn giữ được nhiều di vật, dấu vết thời gian xa nhau, từ ngày ông Phạm Trừng rời Nghệ An ra Thanh Hóa để phụng thờ tiên tổ của Hoàng Thái hậu còn vẫn như xưa. Nhiều người, nhiều đoàn họ Phạm Lê ở Thanh Hóa đã vào đây thăm quê.
Phạm Lê Tuấn đỗ cử nhân khoa thi Ất Mão đời vua Tự Đức (1855) làm quan trải qua các chức: Tri huyện Tiên Minh (Vân Đình Sơn Tây, nay là Hà Nội) Giáo thụ Phủ Thọ Xuân. Ông người làng Kim Bảng, dòng dõi họ lê (nay là Phạm Lê) hậu duệ của tiến sĩ Lê Hiệu ( Nghệ An)và vợ là Phạm Thị Hiền. Phạm Tuấn là lớp con cháu của Lê Trừng (con của Lê Hiệu) ra ở Quả Nhuệ để lo việc thờ cúng tổ tiên của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc hậu.
Ra Thanh Hóa, ông Trừng lấy họ Phạm Lê. Ngày nay, con cháu của Phạm Trừng đông đúc. Theo gia phả của họ Lê (Nghệ An) thì họ Phạm Tuấn đã dẫn cả họ Phạm Lê (Nam Giang) vào Nghệ An thăm mồ mả, nhà thờ họ Lê.
Theo gia phả họ Lê, Phạm Lê Tuấn vào thăm quê 2 lần, lần đầu là năm 1855 khi ông đậu cử nhân sắp đi làm quan và lần thứ 2 khi ông được về quê dưỡng già.
Trên đây là những văn bản do người xưa để lại vô cùng quý giá, giúp chúng ta hiểu thêm về các nhân vật lịch sử lớn như vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Oanh (Hậu), nhân vật lịch sử Lê Trừng (Phạm Trừng) và các di tích lịch sử điện Càn Long, chùa Cẩm Long, nhà thờ họ Phạm Lê, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, lăng mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu là cơ sở khoa học giúp chúng ta trong việc bảo tồn phát huy và tu tạo di tích.
ĐIỆN CÀN LONG - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
BẢO TỒN, TÔN TẠO, PHÁT HUY GIÁ TRỊ
NNC. Hoàng Hùng*
1. Ngôi mộ cổ phát lộ ở xã Nam Giang
Vào trung tuần tháng 11 năm 1993, Phòng Văn hóa thông tin huyện Thọ Xuân nhận được tin báo phát hiện thấy mộ cổ thuộc địa phận làng Phong Lạc, xã Nam Giang. Chúng tôi về đến cánh đồng Phong Lạc thì trời đã nhá nhem tối, gần tới ngôi mộ mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, vải xô trắng ném tung tóc quanh mộ. Vì không có thiết bị vệ sinh và đèn chiếu sáng nên chúng tôi đành quay về.
Sáng hôm sau, chúng tôi cùng lãnh đạo xã Nam Giang theo chiều gió tiếp cận ngôi mộ. Đây là một ngôi mộ cổ trong quan, ngoài quách, lớp quách bao ngoài quan tài bằng vữa hợp chất có màu trắng sáng, những mảnh bị đập vỡ cứng sắc như đá bên trong quách là quan tài bằng gỗ (theo nhân dân là gỗ ngọc am) còn nguyên vẹn. Người nằm trong quan tài là một phụ nữ khoảng trên dưới 60 tuổi.
Các cụ cao tuổi họ Phạm Lê làng Kim Bảng, xã Nam Giang, như cụ Phạm Lê Câu (cụ Câu Đà), cụ Phạm Lê Oanh, trưởng họ Phạm Lê khẳng định, đây là mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, còn có tên là Oánh, lại có tên là Huỳnh, vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông. Trước năm 1945, nơi đây là một gò đất cao, nhiều cây to, hàng năm các cụ vẫn theo cha ông ra đây chạp lăng, cúng tế. Thời kỳ cải tạo đồng ruộng, hợp tác xã nông nghiệp đã cho đốn cây, san bằng cồn đất. Ngôi mộ phát lộ là do nhân dân hạ đất mặt ruộng để tiện việc lấy nước cho lúa, phát hiện thấy quách, tưởng là nơi để vàng, nên đập phá.
Nói là mộ Hoàng Thái hậu vợ vua, mẹ vua, nhưng người trong quan tài lại là một người theo đạo Phật, hoặc là một ni cô. Trong quan tài không thấy có tóc, đồ tùy táng không có gì thể hiện là người trong hoàng cung. Trong quan tài không có minh tinh, không có bia mộ (bia ghi lý lịch người chết để trên quan tài, hoặc trên quách, hoặc có bia mộ nhưng trước đây đã bị máy ủi xúc đi mất)
Theo những người chứng kiến khi bật nắp quan tài cho biết: Thi hài được quấn liệm bằng vải xô gai nhiều lần, trên thi hài có để một chiếc quạt giấy, nan tre, thứ quạt găm bằng đinh đồng và một chỏi tràng hạt bằng hạt thảo quả, thi hài được chèn bằng vải xô gai rộng 0,30m. Ngoài những thứ kể trên, trong ngôi mộ không còn gi khác. Căn cứ vào hiện trạng thực tế, chúng tôi khẳng định người dưới mộ là một người giàu có và có thế lực trong xã hội. Cụ Phạm Lê Oanh và Phạm Lê Câu cho biết: Trong cuốn gia phả bằng đồng của họ có ghi rõ năm bà Hoàng Thái hậu xuất cung về xây chùa Cẩm Long, qui y cửa phật. Rất tiếc, cuốn gia phả đồng này đã bị kẻ gian lấy mất.
Một nguồn tài liệu khác đáng tin chứng minh người nằm trong ngôi mộ cổ là Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đó là bài văn khắc trên gỗ để ở bàn thờ tổ họ Phạm Lê, làng Quả Thượng, nay thuộc xã Thọ Lộc huyện Thọ Xuân, có đoạn ghi: Hoàng Thái Hậu lấy vua Lê Thần Tông sinh ra vua Lê Huyền Tông. Khi Lê Huyền Tông lên ngôi bà được thăng là Hoàng Thái hậu. Sau khi vua Huyền Tông mất, bà về thôn Kim Bảng cho xây điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế (Lê Thần Tông) và vua Huyền Tông. Đồng thời xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị phật .. . Cũng theo các cụ trong họ Phạm Lê, điện Càn Long xưa, là nơi thờ cúng vua Lê Thần Tông, vua Lê Huyền Tông, Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và phối thờ tổ tiên họ ngoại (tức họ Phạm Đình). Các cụ còn nhớ rõ, nhà hậu cung, gian giữa thờ tượng vua Lê Huyền Tông, gian phải thờ tượng vua Lê Thần Tông, gian trái thờ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oánh), vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông.
Căn cứ vào lời kể lại của các cụ cao niên họ Phạm Lê, làng Kim Bảng, xã Nam Giang, căn cứ vào bản văn khắc trên gỗ đặt ở bàn thờ họ Phạm Lê, làng Quả Thượng, xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân và hiện trạng thực tế của ngôi mộ, phòng Văn hóa Thông tin huyện Thọ Xuân khẳng định, ngôi mộ cổ phát lộ ở làng Phong Lạc xã Nam Giang là mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oánh), sau đó, chính quyền địa phương xã Nam Giang và dòng họ Phạm Lê sang cát mai táng. Lúc đầu để ở nghĩa địa, sau dòng họ Phạm Lê đem về xây cất tại khu vực điện Càn Long ngày nay.
2. Dấu tích xưa và thực trạng ngày nay của điện Càn Long
Ngày 17 tháng 11 năm 1993, chúng tôi được các cụ họ Phạm - Lê làng Kim Bảng, xã Nam Giang dẫn ra thăm điện Càn Long xưa. Theo các cụ cao niên trong làng, điện Càn Long xưa gồm hai nhà: nhà bái đường và nhà hậu cung, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng 3 mẫu xung quanh có nhiều cây cổ thụ, sân điện lát gạch. Hai bên sân có dựng hai tấm bia, và cách sân điện vài chục mét là nhà nghinh môn. Điện Càn Long bị tháo dỡ vào những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, ngày nay đã thành ruộng lúa nhà dân, dấu tích còn lại là những viên tảng to và những phiến đá lân giai màu xanh. Rất may, tại bờ rào nhà dân còn lại một tấm bia trụ hình vuông, bốn mặt khắc chữ. Trán bia hình chóp kiêu, bia bị mất nhiều chữ do trước đây hợp tác xã đập nung vôi nhưng không vỡ. Văn bia còn đọc được không quá một ngàn chữ, nội dung ghi thân thế sự nghiệp của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Oanh (Hậu), vợ vua Thần Tông, mẹ vua Huyền Tông, ruộng đất dùng cho việc hương hỏa điện Càn Long, tuần tiết trong năm và nghi thức tế lễ. Bia được dựng vào năm Bính Dần, Chính Hòa năm thứ 7 (1686), đời vua Lê Hy Tông Chương Hoàng đế do các tiến sĩ Nguyễn Danh Thực, Nguyễn Công Vọng, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Phú Hồ, nhuận sắc và phụng soạn. Cùng năm ấy, nhóm tiến sĩ này còn phụng soạn và nhuận sắc văn bia Cao Thịnh lăng (bia lăng mộ Lê Huyền Tông).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông, tháng 10, ngày 15 năm Tân Hợi (Cảnh Trị thứ 9) 1671, vua Lê Huyền Tông băng hà.
Tháng 11, ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông mục hoàng đế về chôn ở lăng Quả Thịnh, lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Thật khó xác định vị trí, diện mạo cũng như kích thước của điện Càn Long xưa. Rất may, dấu tích cổng Tam Quan (nhà Nghinh môn) được một nhà dân (con cháu trong họ Phạm Lê) bảo vệ nguyên vẹn các chân tảng và hai con chó đá, từ đây có thể khẳng định được hướng của điện Càn Long xưa.
Chúng tôi cũng may mắn tìm được tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Louis Bazacier (L. Badaxie) ghi chép về các lăng mộ đời Hậu Lê (tài liệu được lưu trữ tại Thư viện Thanh Hóa). Theo sự ghi chép của L. Badaxie, điện Càn Long, ngoài cửa nghinh môn, còn 4 chân cột (tức 4 chân tảng) và hai con chó đá (điều này chứng tỏ trước năm 1940, nhà nghinh môn đã không còn (L. Badaxie về làng Kim Bảng năm 1940. Điện Càn Long gồm hai nhà: Nhà thứ nhất chỉ có một phòng (thông nhau) 3 gian dọc, 2 gian ngang ( tức là 3 gian 2 Chái) mỗi gian dọc có một cầu thang (tức thềm rồng) cầu thang giữa tay vịn bằng hai rồng đá, hai gian bên đơn giản hơn, gian giữa có tấm bình phong, chiều dài bậc thềm 1,65m, chiều cao 0,60 m. Như vậy, nền điện từ sân lên là 0.60 m. L. Badaxie không ghi kích thước của nhà tiền điện cũng như cấu trúc nội thất. Nhưng đến hậu điện, L. Badaxie gọi là nhà thứ 2, gồm một phòng (tức là thông suốt) gồm 3 gian dọc, hai gian ngang (ba gian hai chái). Có chiều dài 10 m, chiều rộng 7,5 m, nền xây bằng đá, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm (theo chúng tôi có lẽ là ba chuồng cửa chính tẩm). Trong chính tẩm, có xây ba cái bệ, bệ giữa đặt tượng vua Lê Huyền Tông, bệ bên phải đặt tượng vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bệ thờ mẹ vua, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu
L. Badaxie không ghi khoảng cách giữa nhà tiền điện và hậu điện, nhưng trong ghi chép của ông có đoạn mỗi bên của lối đi vào chính tẩm có hai ông phổng bằng đá sơn xanh
Như vậy, theo chúng tôi, nhà tiền đường và chính tẩm không kề mái mà cách nhau một khoảng sân.
Ở phần đầu của ghi chép nhà nghiên cứu L. Badaxie có ghi, điện Càn Long được xây dựng tháng Chạp, năm Chính Hòa thứ 7 ( tháng 1 năm 1687). Theo chúng tôi điện Càn Long được xây dựng từ tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1 năm 1672) thì hợp lý hơn. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
Tháng 11 ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng Đế về chôn ở lắng Quả Thịnh, lập điện Càn Long để thờ theo quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Ở mặt bia Công đức trường lưu có ghi Hoàng Thượng đi tuần du đến Thanh Chương (Nghệ An) dụ chỉ cho Tiến sĩ đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh khoa Kỷ Hợi, Đặc Tiến Kim Tử Vinh lộc đại phu, Bồi Tụng, Ngự Sử đài, Độ Ngự sử Nhập Thị Kinh Diên, tước Hải Sơn Tử, người xã Đại Bái huyện Gia Đinh là Nguyễn Danh Thực và Tiến sĩ Hội nguyên Khoa Bính Thìn, Bồi tụng lễ bộ tả thị lang, tước Vĩnh ngạn nam, người xã Vĩnh Cầu, huyện Đông Ngàn, là Nguyễn Công Vọng phụng mệnh nhuận sắc.
Các ông Tiến sĩ cập đệ tam danh khoa Quí Hợi, Hàn Lâm Viện thị chế là Quách Giai. Tiến sĩ xuất thân Hàn lâm Viện hiệu lý là Nguyễn Phú Hồ và tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu Thảo là Nguyễn Đình Xuân phụng mệnh soạn văn bia (ngày lành tháng cuối đông niên hiệu chính hòa thứ 7 (1686).
Như vậy, vua Lê Hy Tông dụ chỉ cho các Tiến sĩ soạn và nhuận sắc bia công đức trường lưu dựng ở điện Càn Long chứ không phải làm điện Càn Long. Cùng năm này, nhóm tiến sĩ trên còn nhuận sắc và phụng soạn bia lăng Quả Thịnh (Bia lăng mộ Lê Huyền Tông).
Ngoài những lầm lẫn do yếu tố khách quan, những thông tin mà nhà nghiên cứu người Pháp L. Badaxie để lại, tuy không nhiều, nhưng là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể về sự uy nghiêm, bề thế của điện Càn Long xưa, tuy đã bị tháo dỡ cách ngày nay hơn nửa thế kỷ, nhưng đây cũng là cơ sở khoa học cho việc trùng tu tôn tạo điện Càn Long sau này.
Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu nào nói rõ về sự tôn vinh, qui mô và hình thức thờ tự ở ba loại hình: Đền, miếu và điện. Ở Thanh Hóa, có nhiều di tích thờ tự lớn tầm cỡ quốc tế (nhà nước tế lễ như: Miếu Gia Miêu, Triệu Tường thờ các chúa và vua Triều Nguyễn). Miếu thờ vua Lê Đại Hành ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Đền thờ Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc. Đền Tép ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc thờ Trung Túc Vương Lê Lai Thanh Hóa có hai nơi thờ tự được gọi là điện, đó là điện Lam Kinh và điện Càn Long. Và chắc phải có nguyên do nào đó nhà Lê mới đặt tên nơi thờ tự vua Lê Huyền Tông, vua Lê Thần Tông và sau này là Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là điện Càn Long.
Theo chúng tôi xuất xứ của tên điện Càn Long có hai giả thiết sau:
Một là, nhà Lê rất coi trọng về địa lý và phong thủy, luôn lấy hướng Tây Bắc - Đông Nam làm trục. Thực chất nhà Lê Trung hưng qua ba đời chúa, Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, Bình An Vương Trịnh Tùng và Thanh đô Vương Trịnh Tráng, vua Lê chỉ là hư vị, mọi quyền điều hành đất nước, kể cả việc phế lập vua đều do nhà chúa quyết định. Đến thời Tây Đô Vương Trịnh Hạc, mối quan hệ cung vua phủ chúa đã ấm lên, nhân cái chết của vua Lê Huyền Tông, nhà Lê xây điện Càn Long để thờ, phía Tây bắc có điện Lam Kinh, Đông Nam có điện Càn Long, lấy sông Chu làm minh đường, thì tả có điện Lam Kinh, hữu có điện Càn Long. Cũng là để có mối quan hệ cung vua, phủ chúa ngày một nồng ấm, đồng thời từng bước nhà Lê giành lại quyền điều hành đất nước.
Hai là, đền thờ vua Lê Huyền Tông và vua Lê Thần Tông là đền của Hoàng tộc, do quốc thích cháu ngoại của Hoàng Thái Hậu là Cảo Xuân Hầu Lê Trừng (Phạm Trừng), người được kế nghiệp giám thủ thượng thờ tông tộc họ ngoại nhà vua, và chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, và để phân biệt với các đền miếu khác mà tôn vinh là điện Càn Long.
Trải qua hơn ba trăm năm, điện Càn Long chỉ còn là phế tích. Sau khi mộ Hoàng Thái hậu phát lộ và dịch bia Công đức Trường Lưu, chính quyền xã Nam Giang đã cắt 400m2 đất dòng họ dựng lại bia Công Đức Trường lưu và đưa mộ Hoàng Thái Hậu về táng trong khu vực điện Càn Long.
Năm 2004, chính quyền địa phương, dòng họ Phạm Lê và ngành Văn hóa đã tiến hành khảo sát lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố, trong quyết định công nhận điện Càn Long và bia Công đức trường lưu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo chúng tôi, di tích Điện Càn Long chỉ có hai điểm là điện Càn Long và bia Công đức trường lưu đối với hiện tại là chưa đủ hành lang pháp lý để bảo vệ và trùng tu tôn tạo, mà nên bổ sung: Quần thể di tích lịch sử điện Càn Long, gồm điện càn Long, Bia công đức Trường lưu, mộ Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, mộ vua Lê Huyền Tông Mục Hoàng Đế, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng. Như thế, sẽ hiện thực và đầy đủ hơn, và cũng mở ra một hành lang pháp lý trong việc bảo tồn và phát huy tôn tạo.
Qua nhiều lần khảo sát, chúng tôi cho rằng, việc phục dựng lại điện Càn Long sẽ không gặp trở ngại lớn và nhìn chung có nhiều thuận lợi như cơ sở pháp lý, tính lịch sử, giải phóng mặt bằng, kêu gọi nguồn vốn và quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.
Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, giao thông thuận lợi, thăm quan du lịch đã trở thành như cầu của nhân dân, nhất là du lịch văn hóa tâm linh. Điện Càn Long là cửa ngõ phía Đông Nam trước khi du khách đến thăm hai khu di tích quốc gia đặc biệt Lê Hoàn - Lam Kinh và nhiều di tích khác, như khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao vàng - Cảng Hàng Không quốc tế Thọ Xuân. Tất cả đã và đang trở thành hiện thực.
3. Một số đề xuất, kiến nghị về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích.
Từ thực trạng của di tích điện Càn Long, trong việc bảo tồn và tôn tạo, chúng tôi xin có vài đề xuất và kiến nghị như sau:
3.1. Chính quyền xã Nam Giang và dòng họ Phạm Lê cần hoàn táng mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu về chỗ cũ, đúng với phong thủy và địa lý mà người xưa đã chọn.
3.2. Ủy ban nhân dân xã Nam Giang, Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khảo sát, bổ sung thêm hồ sơ để quần thể di tích Điện Càn Long gồm: Điện Càn Long, Bia công đức Trường Lưu, Lăng mộ vua Lê Huyền Tông, chùa Cẩm Long, Nhà thờ và lăng mộ Phạm Trừng.
3.3. Chính quyền xã Nam Giang, Uy ban nhân dân huyện Thọ Xuân và các ngành ban có liên quan tiến hành khảo sát lập hồ sơ quy hoạch điện Càn Long, làm nền tảng cho việc phục dựng lại điện Càn Long và các di tích vệ tinh khác như: Lăng mộ Thái Hậu, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, chùa Cẩm Long
3.4. Dòng họ Phạm Lê, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Nam Giang, phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân hàng năm tổ chức một lễ hội vào ngày giỗ của vua Lê Huyền Tông, Lê Thần Tông, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu (bước đầu mỗi năm chỉ làm giỗ một người).
VỀ HAI NGÔI MỘ CHẤT VUA LÊ HUYỀN TÔNG VÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU Ở XÃ NAM GIANG VÀ XUÂN PHONG, HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA
ThS. Nguyễn Xuân Toán*
1. Đôi nét về mộ hợp chất
Mộ hợp chất là thuật ngữ dùng để chỉ những ngôi mộ cuối thời Lê, quan tài được bọc kín trong quách vôi cát rất rắn, xác người chết và mọi thứ chôn theo đều được giữ nguyên vẹn. Có người gọi đó là mộ xác khô hoặc mộ xác ướp (1). Khái niệm này được các nhà nghiên cứu xem như là định nghĩa cho loại hình mộ táng đặc thù, đồng thời còn nhiều vấn đề bí ẩn đang đặt ra trong giới nghiên cứu khảo cổ học và khoa học liên ngành hiện nay ở Việt Nam.
Các nhà khoa học như Phạm Huy Thông, Đỗ Văn Ninh, Đào Từ Khải, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Như Hồ đã có các bài nghiên cứu công bố trên Tạp chí Khảo cổ học những năm 70 của thế kỷ XX về trường hợp các ngôi mộ hợp chất được phát hiện trong cả nước (trên các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau). Dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể, nhà nghiên cứu Đào Từ Khải đã đưa ra kết luận được giới khoa học đồng tình dựa trên kết quả nghiên cứu tại thời điểm bấy giờ trên cả nước Về vị trí, thời gian [niên đại TG] thì chưa có một ngôi mộ nào có niên điểm vào giai đoạn đầu thời Lê. Niên điểm của chúng không thoát khỏi phạm vi thời gian Lê Trung Hưng về sau, có thể nói đây là một đặc điểm của thời vua Lê chúa Trịnh 2. Và nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh đã một lần nữa khẳng định thời gian tồn tại của loại mộ hợp chất ở Việt Nam cho mãi tới ít ra thời Tự Đức nhà Nguyễn, cuối thế kỷ 19.3
Theo thống kê của các nhà khảo cổ học, trong cả nước (tính đến năm 2014) đã phát hiện được khoảng 500 mộ hợp chất, căn cứ trên các kết quả nghiên cứu có thể nhận định Mộ hợp chất là đặc sản của truyền thống mai táng Việt dành cho tầng lớp trên của xã hội đương thời, dàn trải từ thời Lê đến thời Nguyễn trong khung niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX. Truyền thống này khởi phát từ vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ4
2. Vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu - nhân vật lịch sử được cho là chủ nhân trong hai ngôi mộ hợp chất ở xã Nam Giang và xã Xuân Phong huyện Thọ Xuân
Vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671), tên húy là Lê Duy Vũ, em của vua Lê Chân Tông, con thứ của vua Lê Thần Tông và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Vua Lê Huyền Tông sinh vào giờ Mùi ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ. Thuở nhỏ thông minh, lớn lên đôn từ mẫn tiệp, thuần hậu, từ nhân, khoan dung, giản dị, thực là một bậc quân vương đức độ (...) vua tỏ rõ tư chất và tài năng có thể khuông phù cơ nghiệp tổ tông. Năm Nhâm Dần (1662) được Hoằng tổ Dương Vương tôn lập kế trị thiên hạ, trong ngoài không một vị tôn thần nào không thuần phục, tất thảy đều kính trọng(5). Sách Đại Việt sử ký Toàn thư chép về vua như sau: Huyền Tông Mục Hoàng đế: tên húy là Duy Vũ, con của Thần Tông, em của Chân Tông, ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi thì băng, táng ở lăng Quả Thịnh. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người nghiêm tĩnh, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng được gọi là bậc vua hiền (6).
Năm Quý Mão (1663) vua Lê Huyền Tông đổi niên hiệu Cảnh Trị (1663 1671), nhà vua ban lệnh đại xá thiên hạ, đất nước được hưởng cảnh thái bình, kỷ cương đất nước được giữ vững. Vua Lê Huyền Tông được đánh giá là người có công trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của phong kiến phương Bắc trong văn hóa, năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) nhà vua đã ban sắc dụ cấm đàn bà, con gái mặc quần theo kiểu phương Bắc, phải trỏ lại mặc váy theo y phục dân tộc. Sắc dụ là một trong 47 điều giáo hóa khiến mọi người biết mà khuyên răn để tiến lên phong tục tốt đẹp. Đồng thời trong giai đoạn này, chế độ cung vua, phủ chúa (vua Lê, chúa Trịnh) cũng được đánh giá là có mối quan hệ tốt đẹp. Mối quan hệ ấy được minh chứng bằng quan hệ hôn nhân giữa cung vua và chúa Trịnh. Năm 1664, vua Lê Huyền Tông lấy con gái thứ của Vương là Trịnh Thị Ngọc Áng làm chính cung(7). Ngay năm sau, vào tháng 8 năm Ất Tỵ (9-1665), vua Lê Huyền Tông đã sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm Hoàng hậu8.
Trong những năm trị vì đất nước, vua Lê Huyền Tông thể hiện việc quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ 9. Ngoài việc quan tâm, lựa chọn nhân tài, dưới thời vua Lê Huyền Tông (cùng với chính quyền chúa Trịnh Tạc), bộ máy Nhà nước quân chủ đã sắp xếp lại, kiện toàn, bổ sung các chức quan đứng đầu quân đội (Ngũ phủ), và đứng đầu cơ quan hành chính (Lục bộ).
Tóm lại, mặc dù chỉ ở ngôi trong thời gian ngắn 9 năm (1663 - 1671), nhưng dưới sự trị vì của vua Huyền Tông (cùng với chính quyền của chú Trịnh Tạc [1657 1682]) đã đưa đất nước phát triển hòa bình, phát triển thì tiết hòa thuận, hằng năm được mùa, dân mạnh vật nhiều, hiệu lệch điển hình, rỡ ràng khá thuật. Hơn nữa bên trong bốn biển bình yên, bên ngoài các man sợ phục, đất đại rộng, nhân dân nhiều, so với đời trước có phần khác hẳn. (10)
Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh (Ngọc Hậu): Trong nội dung văn bia Công Đức Trường Lưu ghi rõ Bà Hoàng Thái Hậu của nước Đại Việt họ Phạm tên húy là Ngọc Huỳnh là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Hiển Khảo (bố) Phạm Tướng Công tên là Phạm Đình Kiên lây bà họ Chu tên húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang. Bà sinh ra người con gái thứ 2 đó chính là Hoàng Thái Hậu. Bà Hoàng Thái Hậu sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635), năm 19 tuổi, do trời hợp tác, bà được làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng Đế 11.
Theo gia phả của dòng họ và bia Công Đức Trường Lưu cho biết, vốn được cha mẹ giáo dục chu đáo nên từ thuở thiếu nữ bà đã đẹp người lại đẹp nết, dịu dàng, đoan trang, được mọi người quý mến. Năm 19 tuổi, nhờ duyên trời định bà đã trở thành vợ của Vua Lê Thần Tông (bố của vua Lê Huyền Tông). Khi trở thành Hoàng Thái Hậu, mẫu nghi thiên hạ, với đức tính tốt đẹp ấy nên được muôn người kính trọng. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn. Nhờ công đức và ơn dưỡng dục của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu mà Lê Huyền Tông đã trở thành vị vua hiền tài, anh minh.
Sau khi bà Phạm Thị Ngọc Hậu được vua Lê Huyền Tông tôn làm Hoàng Thái Hậu, thì triều đình đồng thời cũng truy phong cho các bậc tiền nhân bên họ ngoại: Hiền Khảo (bố của Hoàng Thái Hậu) được phong là Thái Bảo Quận Công; Hiền tỷ (mẹ của Hoàng Thái Hậu) được gia phong là Thái bảo vị quận công phu nhân; Hiền tổ khảo (ông nội Hoàng Thái hậu) tên húy là Đình Tiến, gia phong Thiếu bảo Hà quận công; Hiền tổ tỷ (bà nội Hoàng Thái hậu) họ Lê tên húy là Ý, gia phong Thiếu bảo Hà quận công phu nhân; Tiền tằng tổ khảo (cụ Hoàng Thái Hậu) tên húy là Đình Biểu, gia phong Đô đốc đồng tri Hải Triều hầu (12)
Như văn bia và sử sách đã ghi chép, khi vua Lê Huyền Tông băng và được đưa về an táng ở lăng Quả Thịnh (hay Nhuệ Doanh). Đồng thời với việc xây lăng cho vua, Điện Càn Long cũng được đồng thời xây dựng để thờ phụng vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Nhà vua (vua Lê Gia Tông) đã ra chỉ sắc cho phép bản xã (xã quê ngoại của nhà vua) được giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu Càn Long), đồng thời cấp cho xã việc thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ để tỏ lòng tôn kính với đức vua và hoàng tộc.
Bia công đức Trường Lưu ghi rằng Khi Lăng [lăng Quả Thịnh -TG] và điện [điện Càn Long - TG] đã hoàn tát, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tổ tiên bên ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước 13. Như vậy, căn cứ vào tài liệu văn bia cũng như thực tế hoàn cảnh lịch sử có thể nhận định, việc chủ trì cho xây dựng Lăng Quả Thịnh để chôn cất vua Lê Huyền Tông và xây dựng Điện Càn Long để thờ vua Lê Thần Tông (là chồng), vua Lê Huyền Tông (là con), bản thân sau khi mất và tổ tiên bên ngoại chính là chủ ý và công lao của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Ngoài ra, Hoàng Thái Hậu còn có công trong việc cho xây dựng ngôi chùa nổi tiếng thờ Phật ở quê nhà là thôn Kim Bảng, đó là chùa Cẩm Long. Đảng tiếc là ngôi chùa đã bị phá hỏng vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX.
2. Đặc điểm mộ hợp chất thời Lê Trung Hưng và trường hợp mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
Qua các kết quả nghiên cứu đã được công bố, chúng ta có thể khái quát về mộ hợp chất giai đoạn Lê Trung Hưng như sau: các ngôi mộ có cấu trúc trong quan ngoài quách, hai bộ phận này tạo nên cho ngôi mộ thành một khối vững chắc bảo vệ thi hài ở phía trong. Vật liệu để xây dựng quách thường rất mịn và rắn, nước không thể thấm vào được. Công dụng của quách là bảo đảm sự chống hủy hoại của môi trường, côn trùng bên ngoài đối vơi lớp áo quan (quan tài) và thi thể bên trong. Hay nói cách khác, quách đảm bảo cho xác chết được bảo quản độ kím với môi trường bên ngoài gần như tuyệt đối. Nó cách lý quan tài với môi trường bên ngoài. Vật liệu xây dựng quách thường là vôi, cát, mật (có trường hợp thay mật bằng nhựa cây trám), hợp chất này được nhà nghiên cứu Đào Từ Khải gọi là tam hợp, có trộn với giấy bản có pha với vỏ sò, vỏ ốc và hến được hun đốt và nghiền nhỏ.14 Quách có thể có dáng hình hộp chữ nhật, có mộ quách được làm phẳng, có quách hình vồm Nói chung, về loại hình thì có sự khác nhau về hình dáng bên ngoài của quách, nhưng chức năng của quách là hoàn toàn giống nhau.
Quan tài được xác định là nhân tố quan trọng nhất trong việc giữ xác, vì vậy việc chọn loại gỗ (chất liệu gỗ) để làm quan tài cũng đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Quan tài được sử dụng cho các mộ hợp chất có xác ướp thường được làm bằng gỗ Ngọc Am. Đây là loài cây thân gỗ thơm ngát, được các nhà thực vật xếp vào họ Hoàng đàn, bộ Thông. Ngọc am có tên La tinh là Cupressus funebris, nhưng dân gian quen gọi là cây Ngọc am, Hoàng đàn rủ. Người Trung Quốc gọi nó là San mộc. Trong các nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Đào Từ Khải đã khẳng định Nếu quan tài làm bằng một thứ gỗ khác, thì mặc dầu mọi quy cách mai tang đều theo đúng như yêu cầu của gia lễ Thọ Mai, thì xác vẫn sẽ bị tan rữa15. Trong mộ hợp chất, hầu hết các quan tài đều được ghép mộng sát sao và có 6 tấm ván mỏng lót 6 mặt phía trong. Tấm thất tinh được làm bằng gỗ hoặc bằng vải dày (nhiều lớp vải dán lại) lót trên lớp gạo rang, hay bã chè dưới đáy quan tài. Khi khâm liệm, giữa xác và quan tài được sắp xếp theo nguyên tắc không chừa chỗ trống. Việc chèn quan tài và xác được sử dụng bằng lụa, gấm, hay giấy bản. Nhựa thông cũng được sử dụng để đổ vào trong quan tài. Các vật dụng như quạt, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, túi trầu cau cũng thường được chôn theo. Năm 1964, khi khai quật khảo cổ học mộ hợp chất của vua Lê Dụ Tông (thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân), các nhà khảo cổ đã phát hiện hiện vật chôn theo nhà vua thuộc các phần khâm, đại liệm, tiểu liệm, trang phục (quần, áo, gối, mũ, khăn, giầy, tất), đồ dùng cá nhân và vải chèn
Sau khi làm thủ tục cho xác người chết nhập quan, quan tài được đậy kín bằng tấm ván thiên, gắn bằng một với sơn sống trộn với mạt cưa. Để quan tài không thể bật nắp, thì dùng cá bằng gỗ ở bốn góc tấm ván thiên đóng xuống (có trường hợp dùng đinh đồng); lúc này xác chết gần như cách ly với môi trường bên ngoài tuyệt đối.
Trở lại với trường hợp được xác định là mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Lăng mộ vua Lê Huyền Tông
Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện vua Lê Huyền Tông mất như sau Mùa đông tháng 10, ngày 15 [năm 1671. TG] vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh - TG), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu(16). Văn bia lăng Cảo Thịnh cho biết Vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), vua băng hà, dâng tôn hiệu là Huyền Tông Mục đế, lăng tẩm ở ngoài xã Cảo Nhuệ Thượng, chọn đất bằng 4 mẫu làm lăng, hiệu gọi là Cảo Thịnh (17). Sách Đại Nam nhất thống trí của Quốc Sử quán Triều Nguyễn ghi rằng Lăng Lê Huyền Tông ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương [nay là huyện Thọ Xuân TG], có đền thờ (18). Vị trí được chọn để an táng vua Huyền Tông được chọn cẩn trọng, đảm bảo các yếu tố phong thủy của lăng mộ hoàng đế Giờ Hợi chuyển quan vào quách, quan quay hướng cấn khôn. Sau lăng một dòng trường giang uốn lượn, trước lăng đỉnh Quan Sơn cao chót vót, cùng với trời đất làm vô cùng, cùng với núi sông làm vĩnh cửu, bèn lập bia [bia lăng Cảo Thịnh - TG] để lưu truyền (19).
Như vậy, Cảo Thịnh lăng, Quả Thịnh lăng, Lạc Thịnh lăng, Cảnh Trị là tên gọi khác nhau của lăng mộ vua Lê Huyền Tông.
Năm 1930, học giả người Pháp Louis. Bazacier khi nghiên cứu về lăng mộ các vua thời hậu Lê đã viết rằng Thời gian tôi đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ vưa) các hào mục cho biết là mộ Lê Huyền Tông đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn, nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chư Thượng, xưa kia thuộc làng Quả Nhuệ Thượng(20).
Sự tồn tại của lăng mộ của vua Lê Huyền Tông tại vùng đất Quả Nhuệ là một thực tế của lịch sử đã được chính sử và tài liệu văn bia ghi chép rõ ràng. Như vậy, địa điểm tồn tại lăng mộ của vua Lê Huyền Tông đã được khẳng định tuyệt đối.
Năm 2008, xã tiến hành san đất để làm trại giống và làm mương thủy lợi. Trong quá trình đào vét mương, nhân dân đã phát hiện ra ngôi mộ và báo chính quyền địa phương. Theo nhân dân địa phương cho biết, khi phát hiện ra mộ thì một phần quách của mộ đã bị vỡ. Hiện nay, khu lăng mộ được cho là của vua Lê Huyền Tông (ngày nay là mặt bằng đồng ruộng thuộc diện tích quản lý của Trại giống tỉnh Thanh Hóa), chỉ còn lại ngôi mộ. Khu mộ của vua nằm cạnh đường làng Mạnh Chư, xã Xuân Phong (nên còn có tên gọi là Lăng Mạnh Chư). Mộ được xây dựng đơn sơ bằng xi măng có kích thước dài 3,5m, rộng 2,2m, cao 1,0m được khoanh vùng bảo vệ trong khu tường bao rộng 12m x 6m. Khi khảo sát di tích, chúng tôi được biết trước đây (khoảng nửa đầu thế kỷ XX) khu lăng mộ vẫn tồn tại với diện tích khoảng 3 - 4 mẫu đất (thuộc diện tích đất của Trại giống Thanh Hóa ngày nay). Các thông tin về lăng mộ trước đây được nhân dân thông tin, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với dữ liệu trong chính sử và văn bia đã ghi lại.
Mặc dù chưa có đợt nghiên cứu khảo cổ học đối với mộ hợp chất này, tuy nhiên với những tư liệu ghi nhận và sự phản ánh của nhân dân, khu lăng mộ này trước đây có kiến trúc bề thế: đó là từ kiến trúc mộ (quan, quách), đến chất liệu gỗ làm quan tài, đồ khâm liệm và trang sức, kỹ thuật ướp xác Với tính chất đồng đại và sự tương đồng trong vai trò vị thế lịch sử (vua) có thể giúp ta khẳng định sự tương đồng về hình thức, kỹ thuật mai táng giữa mộ hợp chất của vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) và vua Lê Dụ Tông (1679- 1731). Mặc dù chưa có sự chứng minh bằng biện pháp khoa học thực chứng (khai quật khảo cổ), những bằng có cứ liệu, thông tin khoa học đã có, thì ngôi mộ hiện nay ở xã Xuân Phong có khả năng cao là của vua Lê Huyền Tông.?!
Lăng mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
Sau khi mất, Hoàng Thái hậu cũng được triều đình cho xây dựng lăng mộ bề thế, quy mô để tỏ lòng tôn kính với quốc mẫu. Lăng có vị trí ở cánh đồng Phong Lạc (nên nhân dân gọi là lăng Phong Lạc) thôn Hồng Lạc, xã Nam Giang ngày nay.
Vào năm 1993, trong khi nhân dân khai thác đất trên cánh đồng Phong Lạc để làm gạch thì làm xuất lộ ra khu mộ được cho là mộ của Hoàng Thái hậu. Theo các nhân chứng kể lại, thì mộ được an táng theo thức trong quan, ngoài quách; xác trong mộ được liệm bọc bằng vải lụa, xác trong mộ là nữ gần như còn nguyên vẹn, đồ tùy táng có quạt lụa, hạt chuỗi... Qua khảo sát, kiểm tra hiện nay chúng tôi thấy quạt lụa, nan bằng gỗ (kích thước nan cao 30cm, màu nâu); hạt chuỗi vòng đeo tay bằng chất liệu gỗ màu nâu. Các hiện vật này tương đối nguyên vẹn (hiện nay các hiện vật này đang được lưu giữ trong hòm sắc tại nhà văn hóa của thôn Kim Bảng).
Vào năm 2002, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ đã đưa mộ vào khu vực địa điểm lịch sử Điện Càn Long an táng và xây lăng mộ kiên cố theo hình thức xây dựng bằng xi măng, ốp đá, có mái che; mộ có kích thước 2,65m x 2,65m.
Với đặc điểm là mộ hợp chất, xác trong mộ là nữ, trang phục và các hiện vật chôn theo, cách thức táng xác, đồng thời căn cứ theo bia ký và chính sử ghi lại có thể khẳng định ngôi mộ trên là của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Việc chính quyền địa phương và nhân dân đưa mộ của Thái Hậu vào khu vực điện Càn Long để tu bổ, bảo vệ, quản lý như hiện nay khi chưa có quy hoạch cụ thể là hoàn toàn phù hợp.
3. Một số kiến nghị về giải pháp trong việc nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hai ngôi một hợp chất
Một lần nữa có thể đưa ra nhận định, mặc dù chưa được khai quật nghiên cứu, như với sự lộ thiên về kiến trúc mộ, hình thức liệm táng xác trong quan tài (qua phát hiện của nhân dân), đồng thời với vị thế của nhân vật và niên đại lịch sử, các tư liệu lịch sử Đồng thời, với sự xác nhận của chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) và gia phả họ Lê, văn bia, địa chí Thọ Xuân có thể thấy nhận định các ngôi mộ hợp chất ở xã Xuân Phong và xã Nam Giang đã đề cập ở trên là mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là có cơ sở khoa học và thực tiễn?!.
Với kiểu táng thức, các di vật của hai mộ hợp chất này bổ sung các tư liệu khoa học chính xác góp phần nghiên cứu về các vấn đề lịch sử, văn hóa thời Lê Trung Hưng. Hay nói cách khác, hai ngôi mộ hợp chất này chứa đựng nhiều giá trị, nhiều thông tin khoa học để chúng ta nghiên cứu về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của thời kỳ lịch sử phong kiến Lê Trung Hưng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Công tác nghiên cứu, bảo tồn mộ hợp chất thời kỳ này ở Thanh Hóa nói chung và vùng đất Thọ Xuân đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng so với thực tiễn di tích đang còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể là để tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở bảo tồn đối với trường hợp hai ngôi mộ hợp chất trên, chúng tôi đề nghị như sau:
1. Đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các vấn đề khoa học liên quan đến hai ngôi mộ hợp chất trên, đồng thời bổ sung những kiến giải khoa học về loại hình mộ hợp chất, các kỹ thuật liên quan đến mộ hợp chất ở nước ta nói riêng và bổ sung các vấn đề nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tâm linh của giai đoạn Lê Trung Hưng trong lịch sử dân tộc nói chung.
2. Chính quyền địa phương cần đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền thống nhất chủ trương cho lập dự án quy hoạch đối với hai di tích này, đồng thời thực hiện tự án trùng tu, tu bổ tôn tạo đối với di tích. Khi triển khai dự án trùng tu, tu bổ di tích, đề nghị cần hoàn quy lại các hiện vật (quạt giấy, hạt chuỗi) đã phát lộ hiện nay đang bảo quản tại nhà văn hóa thôn Kim Bảng vào mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương xem xét có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền xây dựng hồ sơ khoa học công nhận di tích lịch sử đối với hai ngôi mộ hợp chất trên để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.
3. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ cổ nói chung và các lăng mộ vua giai đoạn Lê Trung Hưng nói riêng trên địa bàn huyện Thọ Xuân một cách tốt nhất, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có đề xuất với các cấp, các cơ quan chức năng xây dựng đề án tổng thể nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ cổ trên địa bàn huyện; đề nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa bổ sung các địa điểm lăng mộ đã được phát hiện nhưng chưa được nghiên cứu, bảo tồn vào quy hoạch khảo cổ học của tỉnh; đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà khoa học thực hiện việc các phương án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ cổ, đặc biệt là các lăng mộ vua, hoàng tộc trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
4. Chính quyền địa phương cần phải tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ hai ngôi mộ hợp chất trên, đồng thời tuyên truyền để cán bộ, các tầng lớp nhân dân địa phương nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ di tích; bổ sung vào chương trình giáo dục của địa phương đối với học sinh về lịch sử, để thêm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương.
Chú thích:
(1). Đỗ Văn Ninh, Khai quật khảo cổ học một ngôi mộ hợp chất ở Vân Cát (Nam Hà), Bài đăng trong Tạp chí KCH, số 5 - 6, 1970, tr 144.
(2). Đào Từ Khải, Nhân công bố ngôi mộ Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát, Bài đăng trong Tạp chí Khảo cổ học, số 11 -12, năm 1971, tr144 - 145.
(3). (Đỗ Văn Ninh, Ý kiến bổ sung về loại mộ hợp chất, Bài đăng trong Tạp chí KCH, số 11- 12, năm 1971, tr 142.
(4). Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, Mộ hợp chất chợ Lách (Bến Tre), Tạp chí phát triển Khoa học & Công nghệ, tập 17, sô 2X (2014), tr 62.
(5) Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Kim Măng (Đồng chủ biên), Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3, Văn bia thời Lê Trung Hưng (quyển 1), Nxb Thanh Hóa, 2016, tr 425
(6). Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Thời Đại, tập 2, Hà Nội,2010, tr 839
(7) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 851
(8) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 854
(9) Khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 13 người; Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 3 người; Khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 31 người.
(10) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 875.
(11) Văn bia do Trịnh Ngữ dịch.
(12) Bia Công đức trường lưu do Đinh Công Vĩ dịch.
(13) Bia công đức Trường Lưu do Trịnh Ngữ dịch.
(14) Đỗ Xuân Hợp, Quay lại mộ có xác ướp, Tạp chí KCH, số 11- 12, 1971, tr 150
(15) Đào Từ Khải, Nhân công bố ngôi mộ Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát, Bài đăng trong Tạp chí Khảo cổ học, số 11 -12, năm 1971, tr 146
(16) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 874
(17) Đinh Khắc Thuân, sdd, tr 425
(18) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, năm 2006, tr 329.
(19) Đinh Khắc Thuân, sdd, tr 426
(20) Louis. Bazacier, Lăng mộ các vua đời hậu Lê, Bản dịch tìa liệu đánh máy của Thư viện Tổng hợp Thanh Hóa.
PHẦN III. VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ
KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
VIỆC QUẢNG BÁ, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC NHẰM BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG
TS. Nguyễn Thị Thu Hà*
1. Một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa- lịch sử độc đáo
Vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa địa linh nhân kiệt rất tự hào không chỉ là nơi phát tích của triều đại Hậu Lê kéo dài tới 360 năm (1428-1788), với 2 thời kỳ: Lê Sơ (1428- 1537) và Lê Trung hưng (1533-1789), mà còn là vùng đất thiêng, nơi chôn cất, thờ cúng nhiều vị vua và hoàng tộc của triều đại này. Vì vậy, trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa về triều Hậu Lê có tới 2 ngôi điện miếu thờ: Điện Lam Kinh, trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thờ Lê Thái Tổ, các vị vua thời Lê Sơ và điện Càn Long (xã Nam Giang), di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi thờ 2 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh và các vị tiên tổ dòng họ Phạm Lê, đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh từ năm 2013. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích có ý nghĩa to lớn nhiều mặt:
- Về tâm linh, khu di tích Điện Càn Long từ khi được đến nay, trong suốt gần 350 năm qua không nguôi hương khói, là nơi cộng đồng dân cư địa phương địa phương, con cháu dòng họ Phạm Lê và du khách thập phương trở về thờ cúng, tưởng nhớ đến các vị vua Lê, Hoàng Thái hậu, các bậc tiên tổ.
- Về giáo dục truyền thống, đến với khu di tích, các thế hệ con cháu được giáo dục sự tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân, bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, tự hào về dòng họ Phạm Lê, là một dòng họ phế thiệt trâm anh, có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa.1 Mặt khác, những hoạt động này còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ ý thức tôn trọng, giữ gìn các di sản văn hóa của địa phương, điều mà UNESCO đang khuyến cáo.
- Về nghiên cứu khoa học, khu di tích Điện Càn Long với những di vật gốc, chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm để các nhà khoa học, học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng rõ hơn, giải mã nhiều vấn đề lịch sử của thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533-1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc.
Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, về dòng họ Phạm Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại).
Khu di tích cũng góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam thời phong kiến. Đây là khu điện được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh. Những di vật còn lại, như khối bia đá bốn mặt là một tác phẩm điêu khắc đá điển hình, mà ở đó từ sự bài trí, bố cục đến nét khắc hình tinh xảo và hài hòa, cân đối, hay chiếc bể đá hình chữ nhật đang để ở sân của UBND xã Nam Giang chính là tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, mỗi mặt bên là một bức tranh trang trí vô cùng sinh động2.
- Về mặt kinh tế, nếu được bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt, khu di tích Điện Càn Long chắc chắn sẽ là điểm đến du lịch không thể bỏ qua đối với du khách thập phương, nhất là con cháu dòng họ Phạm Lê khi về với Thọ Xuân, về với Thanh Hóa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Khu di tích Điện Càn Long- một di tích điện- miếu thờ hiếm có ở Thanh Hóa và cả nước, với nền móng khu điện thờ, những di vật gốc hết sức quý hiếm chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá độc đáo. Vì vậy, sản phẩm du lịch ở đây có thể xây dựng là du lịch tâm linh, tưởng nhớ, tri ân tiên tổ và du lịch khám phá, nghiên cứu về các nhân vật, sự kiện lịch sử của một thời kỳ hết sức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh (1533-1788), với nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải đáp. Khả năng tiếp cận khu di tích Điện Càn Long lại khá thuận lợi. Vị trí khu di tích lại rất thuận lợi về giao thông, chỉ cách Thành phố Thanh Hóa hơn 30 km, cách Thị trấn Thọ Xuân, Thị trấn Sao Vàng, Thị trấn Lam Sơn... trên dưới 10 km, sát với đường giao thông tỉnh lộ, gần đường quốc lộ, gần cảng hàng không Thọ Xuân. Đặc biệt, khu di tích Điện Càn Long lại nằm trong không gian văn hóa đặc sắc vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân, với hệ thống di sản lịch sử văn hóa đậm đặc, nên khả năng kết nối dễ dàng với những khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng khác, như Lam Kinh (khoảng 10 km), Đền thờ Lê Hoàn, Kinh đô cổ Vạn Lại- Yên Trường (khoảng 5 km)
Những lợi thế trên chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi khu di tích Điện Càn Long được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng. Các cấp chính quyền và mỗi người dân có nhận thức đúng về bảo tồn và khai thác di sản lịch sử-văn hóa nói chung, di tích Điện Càn Long và các di tích khác của xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân nói riêng. Bảo tồn không phải chỉ là bảo vệ, đóng cửa để giữ di sản văn hóa, nhưng cũng không thể phục chế, làm mới để thay đổi giá trị ban đầu của di sản văn hóa, hoặc bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng sân khấu hóa, rồi lai căng, hiện đại hóa di sản vì mục đích thương mại. Những phương thức bảo tồn sai lệch trên đây thực tế đã tương đối phổ biến do nhận thức chưa đúng của cơ quan quản lý văn hóa du lịch, chính quyền hoặc chính người dân ở một số địa phương. Cần phải nhận thức rằng, bảo tồn di sản bằng cách khai thác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, giới thiệu cho du khách biết, đó chính là phương thức bảo tồn đúng đắn, hiệu quả nhất. Trong khai thác di sản lịch sử- văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, ngành quản lý di sản và ngành du lịch cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và đều hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đối với ngành quản lý di sản, trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa cần phải sáng tạo đồng thời các loại dịch vụ thích hợp để hấp dẫn du khách đến với di sản. Đối với ngành du lịch, cần nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng từ các loại hình di sản văn hóa nhưng cũng phải luôn quan tâm đến trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Nhìn chung, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triền du lịch là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng hai ngành chuyên môn là quản lý di sản và du lịch luôn đóng vai trò chủ động và sáng tạo. Đối với khu di tích Điện Càn Long, trước mắt cần xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo lại khu di tích, bằng hai nguồn kinh phí cơ bản, của Nhà nước và sự công đức, cung tiến của con cháu dòng họ. Các hiện vật có liên quan đến điện Càn Long còn rải rác ở trong các dân cư cần được sưu tầm bảo quản, nghiên cứu, trưng bày.... Ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh cần phải đưa về đúng vị trí đã khai quật. Không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã có từ thời Lê Trung hưng, như cá lễ hội, cúng tế cần được nghiên cứu khôi phục, duy trì.
Trong phát triển du lịch, xây dựng được hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo của một điểm đến du lịch đầy tiềm năng trong lòng du khách trong và ngoài nước là nhiệm vụ cần thiết với những cơ hội và thách thức nhất định. So với các địa phương khác, điểm yếu nói chung của du lịch Thanh Hóa là công tác quảng bá, tuyên truyền, maketing chưa thực sự tốt, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Khu di tích Điện Càn Long cũng trong tình trạng đó. Hình ảnh về khu di tích còn khá mờ nhạt. Rất buồn khi vào google tìm kiếm thông tin về khu di tích lại toàn hiển thị về điện vua Càn Long ở Trung Quốc. Trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và Việt Nam cũng chưa có điểm đến du lịch này. Vì vậy, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh khu di tích Điện Càn Long- Điểm đến du lịch hấp dẫn của xứ Thanh là hết sức quan trọng, nhất là trên mạng Internet, trên thông tin điện tử của xã, huyện và tỉnh, trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư với nhiều hình thức khác, như biên soạn sách, tờ gấp ... giới thiệu, để mọi tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, nhất là học sinh sinh viên nhận thức đúng giá trị lịch sử văn hóa, giá trị kinh tế - là điểm đến du lịch không thể bỏ qua của địa phương, từ đó có thái độ, hành động ứng xử trân trọng đối với khu di tích. Để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có hiệu quả cần khai thác tất cả các loại ấn phẩm thông tin du lịch được sử dụng tại Việt Nam do cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch, các doanh nghiệp ấn hành và cung cấp cho du khách; tổ chức các chuyến famtrip, presstrip; tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình; tham dự hội chợ, hội thảo và giao lưu các chương trình du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu về hình ảnh của của địa phương tới khách du lịch, đối tác và các nhà đầu tư; tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá
Hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa vùng miền là các yếu tố rất quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của một điểm đến. Điện Càn Long- Nam Giang không thể tách khỏi không gian văn hóa vùng đất cổ Thọ Xuân, đậm đặc các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Đây là điểm đến có thế mạnh về tài nguyên du lịch nhân văn, văn hóa, lịch sử. Do đó, huyện, xã cần tiếp tục triển khai một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân xây dựng hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa của điểm đến du lịch Thọ Xuân, cần tuyên truyền, giới thiệu để khách du lịch khi đến với Thọ Xuân, đến với Nam Giang là đến với vùng đất thiêng, làm cho người dân tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, từ đó có ý thức, trách nhiệm để bảo tồn và giới thiệu những giá trị đó đến với du khách thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa di tích lịch sử...
2. Một địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa hiệu quả.
Đối với sự nghiệp giáo dục trong các trường phổ thông ở Thanh Hóa nói chung, huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang nói riêng hiện nay, việc sử dụng, khai thác khu di tích Điện Càn Long là một nguồn sử liệu quý hiếm, một phương tiện dạy học hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân..., mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Chương trình môn lịch sử từ bậc Tiểu học (Lớp 4, 5), Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện hành đều quy định một số tiết lịch sử địa phương, với nội dung hết sức mềm dẻo, tự chọn, chủ yếu là tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử, các di sản lịch sử- văn hóa của địa phương. Việc dạy học môn lịch sử sắp tới cũng sẽ được đổi mới căn bản và toàn diện, theo hướng chú trọng đến phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tham quan, thực hành môn học, chú trọng những kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương. Các di tích lịch sử- văn hóa, địa danh lịch sử, lễ hội truyền thống của địa phương sẽ chính là nơi để tổ chức các hoạt động này hiệu quả nhất, thuận lợi nhất
Đầu năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chi hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân tiến hành biên soạn cuốn "Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi biên soạn và xuất bản, Ban Thường vụ đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng phân phối chương trình, hướng dẫn các trường phổ thông trên địa bàn huyện đưa vào giảng dạy ở các tiết lịch sử địa phương, lồng ghép dạy học liên môn và các chương trình hoạt động ngoại khóa. Cuốn Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa với mục tiêu làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong hệ thống trường học nên được viết ngắn gọn, súc tích với 2 phần: Phần sơ lược về lịch sử của huyện Thọ Xuân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và phần những nét văn hóa tiêu biểu của Thọ Xuân. Đây là tài liệu cơ bản, quan trọng giúp giáo viên tham khảo, dạy lồng ghép vào chương trình lịch sử địa phương; giúp học sinh học tập, tham khảo để có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng Thọ Xuân ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nên số lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử- văn hóa Điện Càn Long còn ít, chưa có hoạt động dạy học thực sự nào được tổ chức ở đây. Vì vậy, thời gian tới, khu di tích Điện Càn Long phải là địa điểm để Thầy - Trò lớp 4, 5, 6, 7, 8, 9 của các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nam Giang và các xã trong huyện tổ chức bài học lịch sử địa phương, các buổi tham quan ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo thường xuyên.
Để những hoạt động giáo dục nêu trên, nhất là tổ chức bài học lịch sử địa phương tại thực địa khu di tích đạt kết quả tốt, chúng tôi gợi ý một số điểm:
- Chủ đề bài học: Lịch sử hình thành và những giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tích lịch sử- văn hóa Điện Càn Long ( xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
- Mục tiêu bài học:
+ Học sinh hiểu được bối cảnh lịch sử ra đời, quá trình trùng tu, tôn tạo và những giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích.
+ Bồi đắp lòng tự hào truyền thống quê hương, tưởng nhớ, tri ân các vị tiên tổ, ý thức tôn trọng, giữ gìn các di sản lịch sử- văn hóa.
+ Phát triển các năng lực tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
- Nội dung bài học:
Tùy theo lứa tuổi các lớp, cấp học, Thầy, Cô giáo cần hướng dẫn HS quan sát địa điểm, di vật còn lại, tìm hiểu, thảo luận, hiểu, ghi nhớ những nội dung chủ yếu sau:
1) Vị trí của khu di tích: Khu điện Càn Long trước đây là một công trình có kiến trúc quy mô, bề thế, được xây dựng trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu 6, nằm ở vị trí phía nam thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trải qua hơn 350 năm, khu điện xưa chỉ còn lại nền móng, cùng với những di vật gốc, nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung ra một khu điện thờ bề thế, khang trang.
2) Thời gian và người đốc thúc xây dựng khu điện: Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông tháng 10, ngày 15 (năm Tân hợi: 1671) vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh ), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu3. Trong văn bia Công đức Trường Lưu cũng chép: Khi Huyền Tông mục Hoàng Đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng của Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện, miếu để tôn thờ, gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã giữ chức chấp thủ. Cấp cho xã Thanh Nghĩa, quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, thờ phụng, hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi Lăng và Điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy, Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước4.
Như vậy, người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là vua Lê Thần Tông) và thờ con là vua Lê Huyền Tông, cùng các vị tiên tổ của dòng họ Phạm Lê, và khi bà mất thì cũng được đưa vào thờ ở đấy, đó chính là bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh.
3) Những di vật quý hiếm còn lại:
Ngày nay, mặc dầu khu điện xưa bề thế không còn nữa, nhưng khu vực này vẫn còn lưu giữ những di vật gốc hết sức quý hiếm như:
- Tấm bia Công đức Trường Lưu là tấm bia đá 4 mặt, được dựng trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện rộng 0,48 m, trụ đá dựng đứng hình vuông. Xung quanh các mặt bia được trang trí bằng các gờ chỉ. Bia được soạn, khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Bài văn bia còn rất nguyên vẹn, nói về sự ra đời của Điện Càn Long, về bà Hoàng thái hậu và dòng họ Phạm -Lê. Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cữu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã (xã quê ngoại nhà vua) giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu). Cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ. Hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ sự tôn kính5.
- Hai pho chó đá thời Lê cao 0,60 m, rộng 0,25 m, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện.
- Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
- Các hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong...
4) Giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích:
- Điện Càn Long chính là điện miếu thờ 2 vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, cùng tiên tổ dòng họ Phạm Lê (Họ ngoại của 2 vị vua trên). Vì vậy, giá trị lịch sử lớn nhất của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm, cho phép chúng ta nghiên cứu, làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533-1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc. Về vua Lê Thần Tông, ngoài những điều đặc biệt như, là vị vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi, ở ngôi lâu nhất (38 năm), có đến 4 người con đều làm vua, là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây cũng như là vua có nhiều vợ là người các dân tộc khác thì trong thời gian trị vì 38 năm, ông đã có một số đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc, nhất là rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các. Vua Lê Huyền Tông, mặc dù ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng là vị vua cũng rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, nhà nước quân chủ đã tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ. Về bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đây là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo, Nói về sự hiền tài và dung nhan thì Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen. Khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, Bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Đặc biệt, khi con trai (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ, xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long, một điện miếu thờ 2 vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
- Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta, nhất là các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về dòng họ Phạm Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại), là một dòng họ phế thiệt trâm anh có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua6.
- Khu di tích Điện Càn Long được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh.
5) Một vài kiến nghị.
Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa nói chung, truyền thống của xã Nam Giang, dòng họ Phạm Lê nói riêng cho thế hệ trẻ học sinh phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng quan trọng, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ dừng lại ở các bài học lịch sử trong nhà trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Giáo dục huyện Thọ Xuân, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cần có quy định chọn khu di tích Điện Càn Long là một địa điểm tổ chức bài học lịch sử địa phương và các hoạt động tham quan, trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ khu di tích, nhất là học sinh các trường xã Nam Giang; tổ chức sâu rộng các hoạt động thi tìm hiểu về dòng họ Phạm Lê, về các di tích lịch sử văn hóa của xã, huyện trong các nhà trường. Khuyến khích các thầy cô giáo và học sinh tham gia sưu tầm các mẩu chuyện, tư liệu và hiện vật để biên soạn bài giảng; Mời các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương nói chuyện về khu di tích Chất lượng giáo dục truyền về Điện Càn Long chỉ thực sự có hiệu quả khi khu di tích được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo đúng với tầm vóc, giá trị lịch sử- văn hóa của nó.
Chú thích:
(1) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
(2) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 13.
(3), (4) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr 874.
(5) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Bia công đức trường lưu, Phạm Ngữ dịch, Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 15.
(6) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ
GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI
HUYỆN THỌ XUÂN
NNC. Nguyễn Hải Chúc*
Thọ Xuân là huyện tiếp nối giữa các huyện đồng bằng và miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên trên 30.000 ha, dân số trên 240.000 người, điều kiện địa lý, tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Có 30 đơn vị hành chính gồm 27 xã và 3 thị trấn, Đảng bộ huyện có 61 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với gần 13.000 đảng viên. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê; nơi ra đời Chi bộ Yên Trường - 1 trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (tại Yên Trường - Thọ Lập, ngày 29/7/1930), vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội là vấn đề cấp thiết và trở thành nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của Thọ Xuân.
Ở nước ta, vấn đề bảo tồn đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu đất nước độc lập. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích. Sắc lệnh này đã chỉ rõ: Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn.
Năm 1984, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2001, Luật Di sản văn hoá được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá X kỳ họp thứ 9 thông qua đã khẳng định: Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nhiệm vụ thứ tư là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Nghị quyết đã chỉ rõ nội dung của nhiệm vụ này như sau: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại.
Ngày 17/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 2060/2013/QĐ-UBND quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, năm 2017, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025. Kết luận đã chỉ rõ mục tiêu, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội để đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm bảo vệ, phục hồi, làm sáng rõ và phát huy mạnh mẽ giá trị của các di sản văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng của tỉnh, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, lòng tự hào của mỗi người dân về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa và người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Thực hiện Kết luận 82-KL/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 98-KH/HU, ngày 30 tháng 10 năm 2017, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện của các ngành chức năng và các địa phương có các loại hình di sản. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 55 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 01 di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia. Trong số các di tích được xếp hạng, có 04 di tích lịch sử cách mạng (02 di tích cấp Quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn huyện được quản lý và từng bước được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp nhằm khai thác giá trị văn hoá các di tích phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân và thu hút khách du lịch.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội đều gắn với các nhân vật lịch sử được thờ tại các di tích. Hàng năm các lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn nét văn hóa của địa phương, đồng thời tôn vinh công lao của các nhân vật lịch sử, tuyên truyền giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước, phát huy giá trị của di tích góp phần thu hút con em quê hương, nhân dân và du khách trên khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, tìm hiểu lịch sử. Một số lễ hội thu hút lượng khách lớn như: Lễ hội Lam Kinh (diễn ra từ ngày 21-22/8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (diễn ra từ ngày 07-08/3 âm lịch), lễ hội làng Xuân Phả (ngày 10/2 âm lịch)...
Thọ Xuân cũng đang duy trì một số làng nghề với các sản phẩm nổi tiếng như: Bánh gai Tứ Trụ (Thọ Diên); Bánh lá răng bừa (Xuân Lập); Kẹo lạc (Xuân Yên); Nem chua (Xuân Bái); Nem nướng (thị trấn Thọ Xuân); Nghề làm nón lá (Thọ Lộc); Đồ Mỹ nghệ (Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương). Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp khác như bưởi Luận Văn, tranh đá, tranh gạo rang... Các làng nghề, sản phẩm trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay có tác dụng thu hút khách du lịch, có thể khai thác để phát triển du lịch.
Như vậy, các di sản văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống, các làng nghề... là những giá trị văn hóa lịch sử cần được bảo tồn, phát huy gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thọ Xuân.
Trong những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp tập trung vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật, kể cả di tích đã xếp hạng hoặc chưa xếp hạng. Các di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ nghiêm ngặt; hầu hết các di tích trên địa bàn không xảy ra tình trạng mất cắp hay thất thoát, không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nhằm tăng cường quảng bá, phát huy các giá trị của các di tích, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Đầu năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chi hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân tiến hành biên soạn cuốn "Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi biên soạn và xuất bản, Ban Thường vụ đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng phân phối chương trình, hướng dẫn các trường phổ thông trên địa bàn huyện đưa vào giảng dạy ở các tiết lịch sử địa phương, lồng ghép dạy học liên môn và các chương trình hoạt động ngoại khóa. Cuốn Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa với mục tiêu làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong hệ thống trường học nên được viết ngắn gọn, súc tích với 2 phần: Phần sơ lược về lịch sử của huyện Thọ Xuân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và phần những nét văn hóa tiêu biểu của Thọ Xuân. Đây là tài liệu cơ bản, quan trọng giúp giáo viên tham khảo, dạy lồng ghép vào chương trình lịch sử địa phương; giúp học sinh học tập, tham khảo để có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng Thọ Xuân ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường.
Để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), năm 2015, Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo biên tập và xuất bản cuốn Thọ Xuân - Di tích và Danh thắng. Đây một ấn phẩm được in màu toàn bộ, nguồn tư liệu đa dạng, nhiều tư liệu lần đầu được công bố. Sách giới thiệu những di tích và danh thắng tiêu biểu của huyện Thọ Xuân với hệ thống hình ảnh phong phú, chất lượng cao, khắc họa đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa của Thọ Xuân và góp phần quảng bá hình ảnh Thọ Xuân với du khách gần xa. Đây thực sự là một ấn phẩm quý - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015 và làm tài liệu tham khảo, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân.
Từ đầu năm 2016, Ban Thường vụ chỉ đạo mở thêm chuyên mục Thọ Xuân trong tiến trình lịch sử dân tộc trong cuốn Thông tin nội bộ làm tài liệu sinh hoạt ở các chi bộ. Trong chuyên mục này lần lượt giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, những nhân vật lịch sử, truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương Thọ Xuân. Nội dung một vấn đề được chia làm nhiều phần, mỗi số biên tập, giới thiệu một phần thành một bài viết ngắn, phù hợp với thời lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.
Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thường xuyên quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, lịch sử. Huyện đã tạo điều kiện về chủ trương, cơ sở vật chất, nguồn ngân sách để Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định tiến hành các hoạt động nghiên cứu, biên soạn lịch sử, tổ chức các hội thảo khoa học Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần; Hội thảo khoa học Đồng chí Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Mậu Kiện với phong trào cách mạng Thọ Xuân - Thanh Hóa (1925 - 1945)
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện xây dựng chương trình, đưa vào giảng dạy và hướng dẫn học viên thảo luận nội dung lịch sử - văn hóa, truyền thống của Đảng bộ huyện, truyền thống của quê hương Thọ Xuân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ở các chương trình đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên của MTTQ và các đoàn thể, cán bộ lãnh đạo ở cơ sở
Ban Thường vụ cũng đã chỉ đạo Huyện đoàn tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc giáo dục lịch sử truyền thống với nhiều hình thức phong phú, tập trung vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn, ngày sinh nhật Bác, ngày cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9 Huyện đoàn đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ Đoàn tổ chức giao lưu, gặp mặt các thế hệ cán bộ huyện Thọ Xuân; tổ chức hoạt động về nguồn cho đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt các xã, thị trấn trong toàn huyện, báo công và tuyên dương Đảng viên trẻ, Đoàn viên, Đội viên, thiếu nhi tiêu biểu tại Khu di tích lịch sử cách mạng nhà Ông Lê Văn Sỹ - Thôn Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân và cũng là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Thọ Xuân. Phối hợp triển khai các chương trình giáo dục truyền thống, các hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn viên, đội viên mới và tổ chức vệ sinh môi trường tại các khu di tích lịch sử, di tích cách mạng: Khu di tích Lam Kinh, khu di tích đền thờ Lê Hoàn, nhà ông Lê Văn Sỹ - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, chăm sóc đài tưởng niệm liệt sỹ
Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chung kết Hội thi Khi tôi 18 cấp huyện năm học 2017 - 2018 với chủ đề Tuổi trẻ Thọ Xuân học tập và làm theo lời Bác; Hội thi Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa thông qua hình thức Rung chuông vàng tổ chức tại 83/83 Liên đội và chọn cử thiếu nhi xuất sắc nhất tham gia chung kết hội thi cấp huyện. Các câu hỏi của các hội thi đã lồng ghép, đan xen tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến thế hệ trẻ những kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương.
Các nhà trường, đặc biệt là ở các địa phương có di tích đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với việc giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đến với học sinh. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương có di tích cũng đã quan tâm, có ý thức gìn giữ, bảo quản và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thông qua việc tổ chức lễ hội, hội làng, các ngày lễ, ngày truyền thống tại địa phương mình.
Bằng sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang từng bước mang lại những kết quả cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Ngày nay, để xây dựng huyện Thọ Xuân ngày càng giàu mạnh, văn minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã xác định phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo và đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện, huy động tổng thể mọi nguồn lực, trong đó, một nguồn lực rất quan trọng là truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng lâu đời của Thọ Xuân - vùng đất địa linh nhân kiệt.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, huyện Thọ Xuân cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiên trì và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa thôn qua nhiều kênh khác nhau: Trong các nhà trường; trên cổng thông tin điện tử của huyện; qua cuốn Thông tin nội bộ; qua hệ thống Đài truyền thanh; qua hệ thống pano, áp phích, tờ rơi... Chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, học sinh các nhà trường; triển khai có hiệu quả khẩu hiệu Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ của UNESCO.
Hai là, triển khai thực hiện các chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng nhà trưng bày di tích, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử, về di tích... Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Ba là, xây dựng và triển khai Đề án Du lịch huyện Thọ Xuân gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử. Xác định du lịch là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Bốn là, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, các di tích. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Các giá trị văn hóa, lịch sử có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử là nền tảng, là nguồn động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Thọ Xuân nói riêng trong thời gian tới, đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và của cả cộng đồng.
BẢO TỒN, TỒN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ
ĐIỆN CÀN LONG - NƠI THỜ ĐỨC VUA LÊ HUYỀN TÔNG
TS. Phạm Văn Tuấn*
I. Tư liệu về Đức vua Lê Huyền Tông - Lăng mộ và điện thờ.
Đức vua Lê Huyền Tông (còn gọi là Huyền Tông Mục hoàng đế) là vị vua thứ 18 của vương triều Hậu Lê (1428 1789), tên là Duy Vũ, là con của vua Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông; mẹ là Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (giỗ ngày 2 tháng 6, táng ở bản xã) là người xã Quả Nhuệ huyện Lôi Dương (nay là xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Đức vua sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1654); khi Thần Tông mất, ông mới lên 9 tuổi, Tây Vương theo di mệnh vua trước lập ông lên làm vua, lấy ngày sinh làm Đoan minh thánh tiết. Vua thần thái nghiêm trang, tư chất khoan hậu, chắp tay giữ nghiệp trước, trong nước yên trị. Lại thông hiếu với Trung Quốc; Trung Quốc phong An Nam quốc vương. Vua ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi, đặt niên hiệu một lần là Cảnh Trị (1663 1671)1.
Năm Tân Hợi (1671), giờ Tỵ, ngày 15 tháng 10 vua băng hà, không có con nối dõi, táng ở lăng Cảnh Thịnh, huyện Lôi Dương, xây Điện Càn Long phụng thờ; dâng tên thụy là Khoát Đạt, Duệ Thông, Cương Minh, Trung Chính, Ôn Nhi, Hòa Lạc, Khâm Minh, Văn Tứ, Doãn cung Tắc nhượng, Mạc Hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tông2.
Về lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông, sách Đại Nam nhất thống chí chép: Lê Huyền Tôn lăng (lăng vua Huyền Tôn nhà Lê) ở xã Quả Đoài Thượng, hiện nay còn đền thờ3. Sách này chỉ chép vị trí của lăng mộ và điện thờ, không ghi chép về quy mô của các hạng mục công trình. Ngoài bộ sách Đại Nam nhất thống chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục lễ nghi chí cũng ghi chép khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông: Huyền Tông mất chôn ở lăng Quả Thịnh (ngày Quý Tỵ, tháng 10 mất, ngày Nhâm Thân tháng 11 chôn)1
Hiện nay, nguồn tư liệu có giá trị quan trọng ghi chép về khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông là của học giả người Pháp LouisBazacier đầu thế kỷ XX ở tập tài liệu Lăng mộ các vua đời Hậu Lê2: Thời gian tôi đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ xưa) các hào mục cho biết là ngôi mộ Lê Huyền Tông đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chu Thượng, xưa thuộc Quả Nhuệ Thượng3. Tôi chẳng khai thác được gì và những người giúp việc của tôi đến tận nơi cũng chẳng báo cáo được vấn đề gì chính xác.
Tuy vậy, ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tông gọi là Càn Long Điện. Đền này dựng tháng Chạp năm Chính Hòa thứ 7 (tháng 11 - 1688) trên một đám đất hơi cao. Có một cửa Tam Quan đơn giản nay chỉ còn 4 chân cột. Trước cửa Tam quan có hai con chó canh giữ, đến một cái sân hình chữ nhật, cuối sân có xây hai cái nhà: Nhà thứ nhất chỉ có một phòng gồm 3 gian dài và 2 gian ngang, trước mỗi gian có một cầu thang. Những tay vịn của cầu thang giữa chạm rồng và bề dài đo được 1,55m, cao 0,60m, các cầu thang hai bên thường thì không chạm. Trước cầu thang chính có một cái bình phong, sau bình phong có hai con rùa đá, ngày xưa trên lưng có cắm hai con hạc lớn nay không còn nữa. Đằng sau cái bình phong thứ nhất còn có phòng thứ 2 chính tẩm nền xây bằng đá, dài 10m, rộng 7,50m cũng chia làm 3 gian dọc và 3 gian ngang. Mỗi bên cửa lối đi vào có 2 phỗng bằng đá sơn xanh, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm lại. Trong chính tẩm có xây 3 cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tông, bên phải là tượng của vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu sinh ở làng Quả Nhuệ và mộ của bà là hiện còn ở phía bắc làng Phong Lạc (xưa là Bật Não) cách đó 1km. Trong sân phía bên phải có dựng hai cái bia ghi nên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686).
Từ những ghi chép trên đây, không cho chúng ta biết nhiều về kiến trúc và mỹ thuật của khu di tích này nhưng đây là nguồn tư liệu đặc biệt có giá trị cho biết ít nhiều về không gian của khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông, đấy chính là những cơ sở khoa học quan trọng để chúng ta có phương án phục hồi, tôn tạo khu lăng mộ và điện thờ này.
II. Bảo tồn, tôn tạo khu di tích Điện Càn Long.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, chúng ta không còn được chứng kiến sự hiện diện một cách toàn diện về hệ thống lăng tẩm và điện thờ của các vua nhà Lê, kể cả thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, nhưng chắc chắn mỗi khu lăng mộ và điện thờ của mỗi vị vua đều có một đặc điểm riêng, đấy không chỉ là một thành tựu của nền kiến trúc đương thời, mà còn là một tài sản văn hóa vật thể vô giá, phản ánh tài năng của kiến trúc sư và nghệ nhân qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc.
Từ những đặc điểm và giá trị của khu di tích đã tham luận, tại Hội thảo này tôi xin đề xuất một số phương án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ Hoàng đế Lê Huyền Tông gồm những nội dung sau:
1. Về giá trị của khu di tích.
Về mặt lịch sử: xã Nam Giang là một trong 41 xã, thị trấn thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trước kia cả vùng này nằm trong xã Quả Nhuệ, sau đổi thành Quả Nhuệ Thượng. Vùng đất Quả Nhuệ Thượng trước kia còn có đơn vị hành chính trực thuộc là làng Mạnh Chư Thượng - nơi có lăng mộ Hoàng Thái Hậu Ngọc Hậu. Vì vậy, vùng đất Quả Nhuệ Thượng được ghi dậm nét trong lịch sử là vùng đất sinh ra Đoan Thuần Thái hậu - mẹ của đức vua Lê Huyền Tông. Trải qua thời gian diên cách của các làng xã nêu trên đã bị thay đổi nhiều lần. Do đó, khi nghiên cứu để xác định các giá trị của khu di tích lịch sử nêu trên cũng như khi xây dựng phương án, tôn tạo, chúng ta không chỉ bó hẹp bởi đơn vị hành chính hiện tại mà nên nhìn nhận trong mối quan hệ địa lý và lịch sử của cả vùng tức là trong trong không gian lịch sử - văn hóa rộng hơn.
Trong cách nhìn đó, khu di tích Điện Càn Long nổi bật nên 3 công trình tiêu biểu đó là khu lăng mộ của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Lê Huyền Tông), lăng mộ vua Lê Huyền Tông và khu điện miếu (Điện Càn Long) thờ vua Lê Huyền Tông. Về tên Quả Nhuệ Thượng (hay Cảo Nhuệ) xuất hiện khá sớm, tất nhiên từ trước khi được chép vào sử sách từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Đây rõ ràng là một vùng đất cổ và qua tiến trình lịch sử, cư dân vùng này không những đã khai phá xóm làng, bảo tồn và phát triển cuộc sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung của dân tộc, mà còn cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, những danh nhân của dân tộc, trong đó nổi bật lên tên tuổi và sự nghiệp Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Về mặt văn hóa: trong phạm vi xã Nam Giang và xã Xuân Phong, cho đến nay đã bảo tồn được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó khu lăng mộ của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và khu lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông (nay thuộc xã Xuân Phong) là những kiến trúc lăng mộ có giá trị nghệ thuật cao mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Đó là chưa nói đến những kiến trúc cổ khác (đình, chùa, miếu, phủ) đã bị phá hủy.
Ngoài các kiến trúc nêu trên, các thôn của Nam Giang còn bảo lưu được nhiều dáng vẻ của những làng cổ vùng đồng bằng sông Mã như đường làng, cổng làng cùng với những ngôi nhà dân gian truyền thống Di sản văn hóa phi vật thể ở vùng Quả Nhuệ xưa cũng rất phong phú, đa dạng. Công việc sưu tầm vốn văn hóa dân gian ở đây cũng cần được triển khai, và chắc chắn sẽ đưa đến những kết quả khả quan.
Riêng tư liệu chữ viết cổ bao gồm gia phả, hương ước, thần tích, sắc phong, địa bạ, văn bia đã cho thấy trữ lượng ở đây khá dồi dào. Về văn bia, hiện nay tấm bia đá Công đức trường lưu ở điện thờ Lê Huyền Tông đã được phát hiện, sưu tầm và dịch thuật. Tuy nhiên, cần có một bản dịch chuẩn xác hơn nữa, để trên cơ sở đó chúng ta có thể tìm hiểu một cách đầy đủ hơn về lịch sử văn hóa cũng như truyền thống dân tộc qua văn bia.
Về văn hóa ẩm thực, lễ hội dân gian, cho đến phong tục tập quán, lối sống, kinh nghiệm sản xuất cũng cần được sưu tầm có hệ thống. Tất cả những kết quả sưu tầm này cần được xác minh, hệ thống và bảo tồn bằng công nghệ thông tin hiện đại, đồng thời có kế hoạch công bố, xuất bản, để cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và quảng bá tri thức trong nhân dân quê hương.
2. Phương hướng bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử
- Khu di tích lịch sử Điện Càn Long và khu lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, Lăng mộ đức vua Lê Huyền Tông cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương xã Nam Giang, xã Xuân Phong cần được bảo tồn và tôn vinh một cách xứng đáng không những trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà trên tầm cỡ quốc gia - dân tộc. Vì cho đến nay hệ thống di sản này vẫn chưa được bảo tồn và tôn vinh một cách xứng đáng.
- Cần đặt khu di tích Điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông trong mối quan hệ mật thiết với toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và các di sản lịch sử - văn hóa trong một khu vực rộng lớn của xã Quả Nhuệ xưa (hiện nay bao gồm 6 làng) để xây dựng một quy hoạch bảo tồn và tôn tạo toàn diện, lâu dài với kế hoạch triển khai từng bước theo một lộ trình gồm nhiều giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa.
Ở đây, theo tôi cần phải hình thành 03 quy hoạch chính gồm: Khu lăng mộ Phạm Thị Ngọc Hậu, khu lăng mộ đức vua Lê Huyền Tông và khu Điện Càn Long. Vì vậy mà việc giành quỹ đất cho những quy hoạch này là hết sức cần thiết để mọi khu di tích cần phải có một không gian cụ thể nhằm đảm bảo được cảnh quan thiên nhiên cũng như các công trình xây dựng (trong đó, việc cải tạo ruộng đồng, trồng cây, mở mang giao thông, tổ chức dịch vụ du lịch phải được đưa vào quy hoạch), nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trong mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo vệ di sản và phát huy tác dụng, khai thác lợi ích về kinh tế dịch vụ, trong một quy hoạch tổng thể của khu di tích lịch sử - văn hóa. Từng đơn vị công trình cũng cần được nghiên cứu kỹ và tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia trên những lĩnh vực khoa học, văn hóa liên quan trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thảo luận của Hội thảo khoa học lần này, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Điện Càn Long và khu vực lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, để từng bước triển khai có hiệu quả. Đây là một khu vực bảo tồn kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa các di tích với cuộc sống của cộng đồng dân cư nên sự tham gia tự nguyện của nhân dân hết sức quan trọng. Do đó trong xây dựng và triển khai dự án, cần nêu cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, cần bàn bạc với dân, cần nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trên cơ sở gắn liền việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản với lợi ích thiết thực của nhân dân.
- Riêng khu di tích lịch sử Điện Càn Long, căn cứ vào những tư liệu của học giả người Pháp LouisBazacier, phần nào chúng ta có thể xác định được những hạng mục công trình, cần có một đền thờ đức vua, và như vậy việc bảo tồn, tôn tạo khu vực này sẽ được triển khai trên một quy hoạch tổng thể riêng. Tại khu vực này chúng ta sẽ nghiên cứu tổng thể diện mạo của công trình gồm: Cổng điện thờ, điện thờ chính, Nhà che bia, Bình phong, đường nội bộ, nhà Sắp lễ và các công trình phù trợ khác, nhằm đảm bảo tối đa sự hoàn chỉnh của một điện thờ đức vua. Đối với lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu cần phải di chuyển về vị trí cũ ở làng Mạnh Chư xã Xuân Phong, nhằm bảo tồn yếu tố góc của di tích/.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ KHẢ NĂNG TRỞ THÀNH
ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH HẤP DẪN CỦA KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG ( NAM GIANG, THỌ XUÂN, THANH HÓA)
PGS.TS. Hoàng Thanh Hải*
Trong lịch sử Việt Nam, triều Hậu Lê bắt đầu từ triều vua Lê Thái Tổ, là triều đại kéo dài nhất: 360 năm (1428-1788) và có nhiều đời vua nhất: 27 đời (Thời kỳ Lê Sơ, 1428- 1537: 11 đời. Nhiều tài liệu chỉ chép 10 đời, vì không kể đến Lê Nghi Dân; thời kỳ Lê Trung hưng, 1533-1789: 16 đời). Vùng đất cổ Lôi Dương xưa, Thọ Xuân ngày nay rất tự hào là quê hương của Lê Lợi, nơi bùng phát của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và sau khi Lê Thái tổ mất, Lam Kinh lại trở thành nơi chôn cất, thờ cúng của các vị vua thời Lê Sơ và hoàng tộc. Thọ Xuân cũng rất tự hào có Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn của Đại Việt trong 47 năm (1546 - 1593). Từ đây, Bộ chỉ huy tối cao của cuộc chiến đấu, sau 47 năm đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng Thăng Long, chấm dứt cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng. Vì vậy, ngày nay trên mảnh đất Thọ Xuân địa linh nhân kiệt, trong tổng số 50 di tích lịch sử- văn hóa đã được xếp hạng, có hơn một nửa số đó là những di tích về triều Hậu Lê. Điều đặc biệt là, trong số mấy chục di tích trên, có 2 ngôi điện thờ các vị vua ở 2 thời kỳ: Điện Lam Kinh, trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thờ Lê Thái tổ và các vị vua thời Lê Sơ và điện Càn Long (xã Nam Giang- Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), nơi thờ 2 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh và các vị tiên tổ dòng họ Phạm Lê, đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông.
Trong phạm vi hội thảo khoa học này, chúng tôi trình bày về những giá trị lịch sử- văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu di tích lịch sử - văn hóa Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
1. Giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tích Điện Càn Long.
Khu điện Càn Long là một công trình có kiến trúc quy mô, bề thế, được xây dựng trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu 6, nằm ở vị trí phía nam thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông tháng 10, ngày 15 (năm Tân hợi: 1671) vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh ), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu(1). Trong văn bia Công đức Trường Lưu cũng chép: Khi Huyền Tông mục Hoàng Đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng của Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện, miếu để tôn thờ, gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã giữ chức chấp thủ. Cấp cho xã Thanh Nghĩa, quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, thờ phụng, hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi Lăng và Điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy, Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước(2).
Cũng theo văn bia trên và bản văn khắc trên gỗ đặt ở bàn thờ tổ dòng họ Lê-Phạm, người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là vua Lê Thần Tông) và thờ con là vua Lê Huyền Tông, cùng các vị tiên tổ của dòng họ Phạm Lê, và khi bà mất thì cũng được đưa vào thờ ở đấy, đó chính là bà Hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh. Ngoài việc xây Điện Càn Long, bà còn cho xây dựng ở quê nhà (thôn Kim Bảng) một ngôi chùa nổi tiếng để thờ Phật và tu thân lúc tuổi già, đó là chùa Cẩm Long, cách điện 600m về phía đông có kiến trúc 8 mái hoành tráng, uy nghi. Tên Cẩm Long (Rồng nở hoa) của ngôi chùa này cũng chính là tên làng ngày nay. Rất tiếc ngôi chùa này mới chỉ bị phá hủy sau hòa bình lập lại 1954. Ngày nay, mặc dầu khu điện xưa bề thế không còn nữa, nhưng khu vực này vẫn còn lưu giữ những di vật gốc hết sức quý hiếm như:
- Tấm bia Công đức Trường lưu là tấm bia đá 4 mặt, được dựng trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện rộng 0,48 m, trụ đá dựng đứng hình vuông. Xung quanh các mặt bia được trang trí bằng các gờ chỉ. Bia được soạn, khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Bài văn bia còn rất nguyên vẹn, nói về sự ra đời của Điện Càn Long, về bà Hoàng thái hậu và dòng họ Phạm -Lê. Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cữu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã (xã quê ngoại nhà vua) giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu). Cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ. Hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ sự tôn kính(3).
- Hai pho chó đá thời Lê cao 0,60 m, rộng 0, 25 m, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện.
- Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
- Các hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong... minh chứng về sự tồn tại của ngôi điện cách đây 350 năm về trước.
Từ những ghi chép trong sử cũ và đặc biệt những dấu vết, hiện vật từ hơn 350 năm trước còn lại khẳng định, điện Càn Long chính là điện miếu thờ 2 vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, cùng tiên tổ dòng họ Phạm Lê (Họ ngoại của 2 vị vua trên). Vì vậy, giá trị lịch sử lớn nhất của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm, cho phép chúng ta nghiên cứu, làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533 - 1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc. Về vua Lê Thần Tông, ngoài những điều đặc biệt như, là vị vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi, ở ngôi lâu nhất (38 năm), có đến 4 người con đều làm vua, là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây, cũng như là vua có nhiều vợ là người các dân tộc khác thì trong thời gian trị vì 38 năm, ông đã có một số đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc, nhất là rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các. Lịch sử thời Lê Trung hưng, có thể coi cặp vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng là một mẫu mực điển hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp gắn bó trong công việc trị quốc, an dân thời đó(4).
Vua Lê Huyền Tông, mặc dù ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng là vị vua cũng rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, nhà nước quân chủ đã tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ. Cặp vua Lê Huyền Tông - chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cũng có thể coi như một mẫu hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp trong công việc quốc gia đại sự thời bấy giờ(5)
Về bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đây là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo lé. Nói về sự hiền tài và dung nhan, Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen. Khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Đặc biệt, khi con trai (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ, xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long, một điện miếu thờ 2 vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta, nhất là các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về dòng họ Phạm -Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại), là một dòng họ phế thiệt trâm anh có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa(6).
Về giá trị văn hóa nổi bật của khu di tích Điện Càn Long, khu điện được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh. Những di vật còn lại, như khối bia đá bốn mặt là một tác phẩm điêu khắc đá điển hình, mà ở đó từ sự bài trí, bố cục đến nét khắc hình tinh xảo và hài hòa, cân đối, hay chiếc bể đá hình chữ nhật đang để ở sân của UBND xã Nam Giang cũng là tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, mỗi mặt bên là một bức tranh trang trí vô cùng sinh động(7)
2. Khả năng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của Thanh Hóa.
Với những giá trị lịch sử- văn hóa to lớn nêu trên của khu Điện Càn Long, vùng đất Quả Nhuệ (Nam Giang) được xem như là vùng đất quý, đất thiêng của nhà Lê Trung hưng trong nhiều thập kỷ liền(8). Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước, việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích điện Càn Long, cũng như các di tích khác ở Nam Giang sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch. Khu di tích Điện Càn Long thực sự có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, trong hành trình du lịch vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), điểm đến du lịch bao gồm các sản phẩm du lịch mà du khách nghỉ tại đó ít nhất một đêm. Quy mô của điểm đến du lịch rất đa dạng, rộng lớn như một quốc gia (Việt Nam), nhỏ hơn như một thành phố (Đà Nẵng), một hòn đảo (Phú Quốc), một thị trấn, làng, bản (bản Lác- Hòa Bình), hay thậm chí một khu, điểm du lịch (Pu Luông) Ở nước ta, khái niệm điểm đến du lịch chưa được xác định rõ. Điều 3 của Luật Du lịch Việt Nam 2017 chỉ mới ghi: Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia, còn điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch(9). Như vậy, điểm chung của hai khái niệm điểm đến du lịch và khu du lịch, điểm du lịch, đó là nơi có tài nguyên, có sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm cung cấp trải nghiệm du lịch cho du khách. Điểm khác là giới hạn về thời gian nghỉ lại của du khách ít nhất một đêm, thì trong Luật Du lịch Việt Nam 2017 không đề cập tới. Mặt khác, mô tả các thành phần của khu du lịch, điểm du lịch còn khá chung chung, thiên về ưu thế tài nguyên du lịch, chưa làm rõ các thành phần quan trọng khác của một khu du lịch, điểm du lịch như các dịch vụ bổ trợ, các yếu tố thu hút khách, khả năng tiếp cận điểm đến, hình ảnh và nguồn nhân lực. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý du lịch, các tiêu chí cơ bản của một điểm đến du lịch bao gồm: Một là Nguồn tài nguyên du lịch (Tự nhiên, nhân văn) phong phú, độc đáo; Hai là Các dịch vụ và tiện ích thuận tiện, thoải mái; Ba là Khả năng tiếp cận (truy cập, tìm hiểu, giao thông ) thuận lợi; Bốn là Hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo; Năm là Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt, kỹ năng thuần thục (10)
Từ những cơ sở lý luận nêu trên, qua điều tra khảo sát thực tiễn, khu di tích Điện Càn Long có tiềm năng, lợi thế căn bản để trở thành một điểm đến du lịch không thể bỏ qua của Thọ Xuân và Thanh Hóa, bởi vì:
Thứ nhất, những giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá độc đáo, một di tích điện- miếu thờ hiếm có ở Thanh Hóa và cả nước, với những nền móng, di vật gốc hết sức quý hiếm. Loại hình sản phẩm du lịch ở đây cần được xây dựng đó là du lịch tâm linh, tưởng nhớ, tri ân tiên tổ và du lịch khám phá, nghiên cứu về các nhân vật, sự kiện lịch sử của một thời kỳ hết sức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh (1533-1788), với nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải đáp.
Thứ hai, khả năng tiếp cận khu di tích Điện Càn Long là khá thuận lợi. Vị trí khu di tích chỉ cách Thành phố Thanh Hóa hơn 30 km, cách Thị trấn Thọ Xuân, Thị trấn Sao Vàng, Thị trấn Lam Sơn... trên dưới 10 km, sát với đường giao thông tỉnh lộ, gần đường quốc lộ, gần cảng hàng không Thọ Xuân. Đặc biệt, khu di tích Điện Càn Long lại nằm trong không gian văn hóa đặc sắc vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân, với hệ thống di sản lịch sử văn hóa đậm đặc, nên khả năng kết nối dễ dàng với những khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng khác, như Lam Kinh (khoảng 10 km), Đền thờ Lê Hoàn, Kinh đô cổ Vạn Lại- Yên Trường (khoảng 5 km)
Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến du lịch thực sự, khu di tích Điện Càn Long vẫn còn thiếu và yếu những tiêu chí sau:
Thứ nhất Các dịch vụ và tiện ích đối với khách du lịch, như ăn uống, nghỉ ngơi và các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách còn đơn giản.
Thứ hai Hình ảnh về khu di tích còn mờ nhạt. Rất buồn là vào google tìm kiếm thông tin về khu di tích toàn hiển thị về điện vua Càn Long ở Trung Quốc. Chắc chắn trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và Việt Nam cũng chưa có điểm du lịch này.
Thứ ba Nguồn nhân lực du lịch, từ cán bộ quản lý, đến các hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt, kỹ năng thuần thục cũng chưa sẵn sàng, chưa đáp ứng.
Ba tiêu chí còn yếu và thiếu nêu trên theo chúng tôi là thứ yếu và không khó để khắc phục khi đã có 2 tiêu chí đầu rất cơ bản.
Để khu di tích Điện Càn Long nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua, mỗi khi du khách về với Thanh Hóa, về với vùng đất hai vua Thọ Xuân, chúng tôi đề nghị chính quyền, nhân dân xã, huyện và các ngành chức năng:
Thứ nhất, cần phải có nhận thức đúng về bảo tồn và khai thác di sản lịch sử-văn hóa nói chung, di tích Điện Càn Long và các di tích khác của xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân nói riêng. Bảo tồn không phải chỉ là bảo vệ, đóng cửa để giữ di sản văn hóa, nhưng cũng không thể phục chế, làm mới để thay đổi giá trị ban đầu của di sản văn hóa, hoặc bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng sân khấu hóa, rồi lai căng, hiện đại hóa di sản vì mục đích thương mại. Những phương thức bảo tồn sai lệch trên đây thực tế đã tương đối phổ biến do nhận thức chưa đúng của cơ quan quản lý văn hóa/du lịch, chính quyền hoặc chính người dân ở một số địa phương. Cần phải nhận thức rằng, bảo tồn di sản bằng cách khai thác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, giới thiệu cho du khách biết, đó chính là phương thức bảo tồn đúng đắn, hiệu quả nhất.
Thứ hai, trong khai thác di sản lịch sử- văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, ngành quản lý di sản và ngành du lịch cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và đều hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đối với ngành quản lý di sản, trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa cần phải sáng tạo đồng thời các loại dịch vụ thích hợp để hấp dẫn du khách đến với di sản. Đối với ngành du lịch, cần nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng từ các loại hình di sản văn hóa nhưng cũng phải luôn quan tâm đến trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Nhìn chung, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triền du lịch là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng hai ngành chuyên môn là quản lý di sản và du lịch luôn đóng vai trò chủ động và sáng tạo. Đối với khu di tích Điện Càn Long, trước mắt cần xây dựng quy hoạch bảo tồn,tôn tạo lại khu di tích, bằng hai nguồn kinh phí cơ bản, của Nhà nước và sự công đức, cung tiến của con cháu dòng họ. Các hiện vật có liên quan đến điện Càn Long còn rải rác ở trong các dân cư cần được sưu tầm bảo quản, nghiên cứu, trưng bày.... Ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh cần phải đưa về đúng vị trí đã khai quật. Không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã có từ thời Lê Trung hưng, như cá lễ hội, cúng tế cần được nghiên cứu khôi phục, duy trì.
Thứ ba, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh khu di tích Điện Càn Long- Điểm đến du lịch hấp dẫn của xứ Thanh là hết sức quan trọng, nhất là trên mạng Internet, trên thông tin điện tử của xã, huyện và tỉnh, trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thứ tư, chính quyền và ngành Văn hóa- Du lịch của xã, huyện, tỉnh, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, mời gọi các doanh nghiệp du lịch về đầu tư, xây dựng các sản phẩm, các tua, tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng, trong tỉnh và cả nước
Thứ năm, đầu tư, bảo tồn tôn tạo, khai thác khu di tích Điện Càn Long để phát triển du lịch bền vững phải gắn với việc tạo công ăn, việc làm cho cư dân địa phương. Các dự án trùng tu, tôn tạo, các dự án du lịch ở đây cần phải có sự tham gia của cộng đồng nhân dân địa phương, đặc biệt của con cháu dòng họ Phạm- Lê.
Chú thích:
(1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr 874.
(3) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Bia công đức trường lưu, Phạm Ngữ dịch, Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 15.
(4) (5) Nguyễn Minh Tường (2019), Về các vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
(6) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
(7), (8) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 13.
(9) Luật Du lịch VN 2017, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.
(10) Ngô Hoài Chung (2019), Điểm đến, quản lý điểm đến và vấn đề xây dựng điểm đến du lịch tại Thanh Hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Lựa chọn địa danh lịch sử- văn hóa với việc biên soạn từ điển địa danh lịch sử- văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
* Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.
* Viện Sử học Việt Nam.
[1]. Thời kỳ Lê Trung hưng: được tính từ năm 1533, khi Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh, tức Lê Trang Tông (153301548) làm ngọn cờ chống lại nhà Mạc (1527-1592). Đến năm 1592, thì triều đình Lê Trịnh đánh thắng nhà Mạc và khôi phục Kinh đô Thăng Long.
[2]. Trong lịch sử Nhật Bản, từ thời kỳ Kamakura (1185-1333) đến hết thời kỳ Tukugawa (1600-1868) được coi là thời kỳ Mạc phủ (Bakyfu). Thời kỳ này, thực tế quyền hành đều tập trung trong tay Tướng quân (Shogun), còn Thiên hoàng (Tenno) chỉ là bù nhìn.
[3]. Xem: Antoshchenko Vladimir: Dòng họ các chúa Trịnh ở Việt Nam (thế kỷ XVI-XVIII). Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học, 1998, tập 1, tr.158-166.
[4]. Lê Kim Ngân (1974), Chế độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Sài Gòn, tr. 64, 65, 66.
[5]. Phan Huy Lê (chủ biên, 2012), Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.325.
[6]. Nam triều là chính quyền Lê Trịnh ở Thanh Nghệ, để đối sánh với Bắc triều (1527-1592) của triều Mạc.
[7]. Các Thái tử của vua Lê Trung hưng, thường được sắp xếp để lấy các Quận chúa của chúa Trịnh. Thí dụ: vua Lê Kính Tông (1600-1619) lấy Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái Trịnh Tùng (1570-1623); vua Lê Thần Tông (1619-1643) và (1649-1662), có mẹ đẻ (Đoan Từ Thái hậu) và vợ (Trịnh Thị Ngọc Trúc) là chị em và con gái của Trịnh Tráng (1623-1657), v.v
[8]. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, Hà Nội, tập 1, tr.41.
[9]. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) (2012), Nxb Hồng Bàng, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.116.
[10]. Bình An Vương: tức chúa Trịnh Tùng (1570-1623).
[11]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Nxb Khoa học xã hội, tập 3, Hà Nội, tr.222.
[12]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.323.
[13]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.323.
[14]. Thời Lê Trung hưng: kể từ vua đầu tiên là Lê Trang Tông (1533-1548) đến vua cuối cùng là Lê Mẫn đế (Chiêu Thống 1787-1788) có tất cả 16 đời vua. Vị vua ở ngôi lâu nhất thời này là Lê Hiển Tông (1740-1786): 46 năm, thứ hai là Lê Thần Tông (2 lần): 38 năm.
[15]. Lời Sách văn ngày mùng 2 tháng 9 năm Kỷ Hợi (1659): tôn phong Trịnh Tạc làm Đại Nguyên soái, Chưởng quốc chính Thượng sư, Tây vương (xem: Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.252, 253).
[16]. a. Mười một khoa thi Tiến sĩ chính thức thời Lê Thần Tông, là:
1. Khoa Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 7 người.
2. Khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 18 người.
3. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
4. Khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
5. Khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 20 người.
6. Khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640): có 6.000 thí sinh, lấy đỗ 22 người.
7. Khoa Canh Dần, niên hiệu Khánh Đức thứ 2 (1650): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 8 người.
8. Khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 9 người.
9. Khoa Bính Thân, niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 6 người.
10. Khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 20 người.
11. Khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661): có gần 3.000 thí sinh, lấy đỗ 13 người.
b. Một khoa Đông các, là:
1. Khoa Đông các: Tháng 10, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
(Xem: Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.222-238, tr.241-261).
[17]. Số người dự thi Hội cao dưới thời Lê sơ (1428-1527) và thời Mạc (1527-1592):
1. Khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 43 người.
2. Khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502): có 5.000 thí sinh, lấy đỗ 6 người.
3. Khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514): có 5.700 thí sinh, lấy đỗ 43 người.
4. Khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung: có 4.000 thí sinh, lấy đỗ 27 người.
[18]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.230, 231.
[19]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.234, 235.
[20]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.237.
[21]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[22]. Hai kỳ thi Hội dưới thời Lê Chân Tông là:
1. Khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái thứ 1 (1643): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 9 người.
2. Khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 17 người.
[23]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.239.
[24]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[25]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[26]. Ba kỳ thi Hội dưới thời Lê Huyền Tông là:
1. Khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 13 người.
2. Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 3 người.
3. Khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 31 người.
[27]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[28]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.272.
[29]. Sinh đồ là học vị của kỳ thi Hương dưới thời Lê Trịnh.
Thi Hương có 4 kỳ. Nếu đỗ cả 4 kỳ, thì được trao học vị Hương cống, còn nếu đỗ 3 kỳ (trượt kỳ 4), thì gọi là Sinh đồ. Đến triều Minh Mệnh (1820-1841), đổi Hương cống làm Cử nhân; Sinh đồ làm Tú tài.
[30]. Ám tả 暗 寫: còn gọi là viết trầm (dictée), sau này người ta gọi là viết chính tả.
[31]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.272.
[32]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.268.
[33]. Bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270 dịch thiếu tên Lê Thì Hiến. Ở đây, dịch bổ sung theo chính văn chữ Hán: Bản kỷ tục biên, Q.19, tờ 9b.
[34]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[35]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[36]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tập 2, tr.309.
* Viện Sử học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
* Viện Sử học Việt Nam.
* Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
* Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa.
[37] Văn bia 3 mặt, mặt chính ghi Hoàng Thái Hậu bi, mặt 2 ghi tế điền xứ sở, mặt 3 ghi phân canh phụng tự. Kí hiệu Thác bản 08745-46-47.
* Huyện ủy huyện Thọ Xuân.
* UV BCH Hội KH Lịch sử huyện Thọ Xuân- Yên Định
2 Ghi nguyên văn bản dịch được in trong sách văn bia Việt Nam- Bia Hoàng Thái Hậu Bi- số 1374. cũng được tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) lại soạn quê ngoại bà Hoàng Thái Hậu ở xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
* Hội KHLS huyện Thọ Xuân- Yên Định
* Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa
* Hội KHLS Thanh Hóa.
1 . Viện Nghiên cứu Hán Nôm Đồng Khánh dư địa chí do Ngô Đức Thọ - Nguyễn Văn Nguyên Philippe Papin Phan Văn Các Lê Việt Nga Dương Thị The dịch, Nxb Thế Giới, tr.1144).
1 . Vua Lê Thần Tông ở ngôi 2 lần: Lần 1: Từ năm 1619 đến năm 1643; lần 2: từ năm 1649 đến năm 1662. Đặt niên hiệu 7 lần: Vĩnh Tộ (1619-1628); Đức Long (1629-1634), Dương Hòa (1635-1643), Khánh Đức (1649-1652), Thịnh Đức (1653-1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662).
1 . 2. Ngôn, Công: Trong công, dung, ngôn, hạnh, là bốn đức tính cần thiết của người phụ nữ xưa, theo quan điểm Nho giáo.
3 . Phù dĩ: tức cây xa tiền, lá và hạt dùng để làm thuốc.
4 .Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, Tập 3 - Văn bia thời Lê Trung hưng, Quyển Một, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, 2016, tr.413.
5 . Lê Chân Tông: húy là Duy Hiệu, lên ngôi năm 13 tuổi, ở ngôi được 7 năm, không con nối dõi.
6 . Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, Tập 3, Sđd. tr.425.
1 .Tuyển tập văn bia Thanh Hóa Tập 3, Văn bia thời Lê Trung hưng, Sđd, tr. 425.
* Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Xuân.
* Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa.
* Chủ tịch danh dự Hội KHLS Thanh Hóa
* Chủ tịch Hội KHLS huyện Thọ Xuân Yên Định.
* PGĐ Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa.
* Trường Đại học Hồng Đức.
* Phó Chủ tịch Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân.
* Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa.
1 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí), Nxb Trẻ 2014, tr 53, 54.
2 Lê Triều Ngọc Phả, Nxb Thanh Hóa, 2008, tr 71.
3 Xã Quả Đoài Thượng: từ đầu thời Nguyễn trở về trước là Cảo Nhuệ; từ năm 1836 kiêng đồng âm chữ Cảo (biệt húy của vua Gia Long), đổi là Quả Nhuệ. Dưới thời vua Đồng Khánh (1885 1888), xã Quả Nhuệ gồm có 2 thôn là thôn Thượng xã Quả Nhuệ và thôn Hạ xã Quả Nhuệ. Đến thời vua Duy Tân, xã Quả Nhuệ được đổi là xã Quả Đoài Thượng.
1 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (lễ nghi chí), Nxb sử học 1960, tr 167
2 Louis Bazacier, Lăng mộ các vua đời Hậu Lê Bản dịch, tài liệu đánh máy của Thư viện khoa học tổng hợp Thanh Hóa.
3 Kim Bảng: kinh vĩ tuyến 220114 vĩ bắc và 114067,1 kinh đông. Mạnh Chu Thượng: kinh vĩ tuyến 22011,4 vĩ bắc và 114070 kinh đông.
Hội thảo Điện Càn Long
Xã Nam Giang đã tổ chức Hội thảo Điện Càn Long
ĐẢNG ỦY- HĐND- UBND MTTQ XÃ NAM GIANG
HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ THANH HÓA
KỶ YẾUHỘI THẢO KHOA HỌC
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY
GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG (XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA)
Thanh Hóa, tháng 1 năm 2020
MỤC LỤC
TT | Tác giả | Tên tham luận | Trang
| ||
1 | ĐC. Trần Quốc Tuấn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Giang | Phát biểu chào mừng Hội thảo: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) |
| ||
2 | TS. Lê Ngọc Tạo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa | Báo cáo đề dẫn Hội thảo: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) |
| ||
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ, QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ VÀ CÁC NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ CÚNG Ở ĐIỆN CÀN LONG
| |||||
3 | PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam | Thể chế chính trị đàng ngoài thời vua Lê Thần Tông trị vì (1619-1643; 1649-1662)
|
| ||
4 | PGS.TS. Nguyễn Minh Tường Viện Sử học Việt Nam | Về thân thế và sự nghiệp của 3 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông , Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông trong lịch sử dân tộc Việt Nam |
| ||
5 | PGS. TS. Vũ Duy Mền Viện Sử học Việt Nam | Vai trò của Trịnh Tùng (1570-1623) trong thời kỳ vua Lê Thần Tông ( 1619-1643) trị vì đất nước |
| ||
6 | TS. Nguyễn Hữu Tâm Viện Sử học Việt Nam | Về ba vị Hoàng đế triều Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông. |
| ||
7 | TS. Hoàng Bá Tường Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa | Chùa Đại Bi với vua Lê Thần Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (thế kỷ XVII) |
| ||
8 | TS. Nguyễn Văn Hải PGĐ phụ trách Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Khảo dịch thư tịch, xác định đúng tên của Hoàng Thái Hậu, qua đó liệt ghi các vị tiên tổ và quy định trong lễ tiết. |
| ||
9 | NNC. Phạm Lê Nguyễn Huyện ủy huyện Thọ Xuân
| Họ Phạm Lê và bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
|
| ||
10 | NNC. Đại tá. Phan Văn Thanh Hội KHLS huyện Thọ Xuân- Yên Định | Công đức của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và việc xây dựng chùa Cẩm Long |
| ||
11 | NNC. Hoàng Hùng- NNC. Đại tá. Phan Thanh Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định | Những thông tin quý giá rút ra từ phả tộc họ Lê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An |
| ||
12 | ThS. Lê Trí Duẩn Trưởng ban Nghiên cứu &Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa | Mối quan hệ dòng họ Phạm ở Nam Giang, Thọ Xuân và họ Lê ở Nghệ An. |
| ||
13 | NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu Chánh Văn phòng Hội KH Lịch sử Thanh Hóa | Làm rõ chân dung cuộc đời bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và vai trò, ảnh hưởng của Bà đối với vùng đất Quả Nhuệ-Kim Bảng (Nam Giang, Thọ Xuân) xưa và nay |
| ||
14 | NNC. Lê Đình Phùng Ban Tuyên giáo huyện ủy Thường Xuân | Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương |
| ||
15 | TS. Lê Thị Thảo Trưởng khoa Văn hóa cơ bản- Trường Đại học VH-TT-DL Thanh Hóa | Vùng đất Quả Nhuệ- Kim Bảng (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) dưới góc nhìn địa- chính trị, địa văn hóa hồi thế kỷ XVII |
| ||
II. DI SẢN VĂN HÓA ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
| |||||
16 | NNC. Phạm Tấn Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa | Điện Càn Long (thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân) Quy mô kiến trúc và việc thờ phụng tại đây. |
| ||
17 | NNC. Lê Xuân Kỳ Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa | Mộ chí, văn bia thời Lê Trung hưng ở xã Nam Giang |
| ||
18 | NNC. Hoàng Hùng Chủ tịch Hội KH LS Thọ Xuân- Yên Định | Điện Càn Long - Thực trạng và giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị. |
| ||
19 | ThS. Nguyễn Xuân Toán Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Về hai ngôi mộ chất vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa. |
| ||
III. VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG
| |||||
20 | TS. Nguyễn Thị Thu Hà Trường Đại học Hồng Đức | Việc quảng bá, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long |
| ||
21 | NNC. Nguyễn Hữu Chúc Phó Chủ tịch Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định, Chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy Thọ Xuân | Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội huyện Thọ Xuân
|
| ||
22 | TS. Phạm Văn Tuấn Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa | Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích điện Càn Long trong bối cảnh hiện nay |
| ||
23 | PGS.TS. Hoàng Thanh Hải Trường Đại học Hồng Đức | Giá trị lịch sử văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu DTLS Điện Càn Long (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa). |
| ||
PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG HỘI THẢO KHOA HỌC
Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Trần Quốc Tuấn
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Giang
Kính thưa PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam!
Kính thưa PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam!
Kính thưa TS. Hoàng Minh Tường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa!
Kính thưa AHLĐ Lê Văn Tam- Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam!
Kính thưa các ĐC Lãnh đạo ban, ngành của Tỉnh, các ĐC Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thọ Xuân!
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo và nhân dân xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý, đã về tham dự cuộc Hội thảo khoa học đầy ý nghĩa: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Nam Giang là một xã đồng bằng, cửa ngõ phía Đông- Nam huyện Thọ Xuân, được hình thành trên cơ sở 7 làng cổ thuộc 3 tổng: Nam Dương, Bất Não, Thượng Cốc, đến nay đã có bảy, tám trăm năm tuổi. Đặc biệt, Nam Giang còn là vùng đất thiêng, cách đây gần 350 năm, đã có khu Điện Càn Long bề thế, nơi thờ cúng các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, thời Lê Trung hưng, cùng nhiều công trình tâm linh quan trọng, như mộ vua Lê Huyền Tông, mộ bà Hoàng Thái hậu, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng là di tích lịch sử- văn hóa cấp Tỉnh từ năm 2013. Tuy nhiên, trải qua thời gian hơn 3 thế kỷ, vì nhiều lý do khác nhau, khu Điện Càn Long xưa chỉ còn nền móng, cùng hiện hữu tấm bia Công đức Trường lưu và một số di vật. Khu di tích Điện Càn Long hiện nay mới được tôn tạo lại, nhưng quy mô, kiến trúc mỹ thuật chưa xứng với tầm vóc và ý nghĩa của nó. Các khu mộ vua Lê Huyền Tông, bà Hoàng Thái hậu, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng chưa được chú ý trùng tu, tôn tạo, chưa được đề nghị xếp hạng. Công tác tuyên truyền, giáo dục quảng bá về những di sản trên chưa thực sự sâu rộng.
Trước yêu cầu của công cuộc cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nam Giang và con cháu dòng họ Phạm Lê luôn đau đáu, trăn trở cần phải có những đề án khả thi, nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị những di sản văn hóa- lịch sử nói trên. Đây thực sự là những di sản văn hóa - lịch sử quý báu, không chỉ là nơi thờ phụng, chốn đi về của con cháu dòng họ Phạm Lê, mà còn là điểm đến du lịch không thể bỏ qua đối với du khách thập phương, khi về với Thọ Xuân, về với Thanh Hóa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Vì vậy, trong cuộc Hội thảo hôm nay, Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân xã Nam Giang chúng tôi mong muốn được lắng nghe, được tiếp thu tất cả ý kiến quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhất là những giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích khác trên địa bàn xã.
Cuộc Hội thảo hôm nay cũng là một sự kiện văn hóa, khoa học lớn của xã, lần đầu tiên được chào đón đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của các cơ quan trung ương và địa phương.
Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2020, một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo và nhân dân xã Nam Giang, tôi xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các đồng chí Lãnh đạo, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý!
Xin trân trọng cảm ơn!
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY
GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG (XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA)
(Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học)
TS. Lê Ngọc Tạo
Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Từ những ý tưởng ban đầu của Hội Khoa học Lịch sử huyện Thọ Xuân- Yên Định, sự quyết tâm, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền xã Nam Giang, cũng như nguyện vọng thiết tha của bà con dòng họ Phạm Lê nhiều năm qua, sau một thời gian chuẩn bị tích cực, được sự cho phép của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, của Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Thọ Xuân, hôm nay, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, phối hợp với Đảng ủy- HĐND- UBND- MTTQ xã Nam Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Mục đích của Hội thảo là công bố, trao đổi những tư liệu mới, những nghiên cứu mới của các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa trung ương và tỉnh Thanh Hóa về bối cảnh ra đời, quá trình tôn tạo, các nhân vật thờ cúng, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn các giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật, thực trạng hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân. Những kết luận của hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học quan trọng để các cấp chính quyền xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân và ngành Văn hóa, Du lịch xây dựng các dự án trùng tu, bảo tồn khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan, xây dựng khu, điểm đến du lịch trong thời gian tới.
Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trong khuôn khổ một Hội thảo được tổ chức ở địa phương cấp xã, nhưng cho đến giờ phút này, Ban Tổ chức rất vui mừng đã nhận được 21 bản tham luận của các nhà khoa học từ nhiều cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương, như Viện Sử học Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Hội KHLS Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trung tâm bảo tồn DSVH Thanh Hóa, Ban NC&BS lịch sử Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học VH-TT-DL Thanh Hóa Điều đó chứng tỏ, chủ đề Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Thay mặt Ban Tổ chức, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học.
Với chủ đề đặt ra, nội dung và phạm vi Hội thảo xoay quanh trục chính là bối cảnh lịch sử, sự ra đời, các nhân vật được thờ cúng và việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tíchĐiện Càn Long và các di tích liên quan. Những vấn đề trên có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể, giữa lịch sử và di sản và cách ứng xử của chúng ta hôm nay. Vì vậy, khó có thể phân chia rạch ròi thành các vấn đề, hay nhóm vấn đề từ 21 bản báo cáo khoa họcđã gửi tới Hội thảo. Tuy nhiên, để các nhà khoa học có điều kiện trình bày và thảo luận chuyên sâu, chúng tôi chia một cách tương đối thành 3 nhóm vấn đề, như sau:
1. Bối cảnh lịch sử, quê hương, dòng họ và đóng góp của các nhân vật được thờ cúng ở Điện Càn Long.
Về nhóm vấn đề này, các báo cáo khoa học của các nhà khoa học thuộc Viện Sử học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, như: Về thể chế chính trị đàng ngoài thời Lê Thần Tông trị vì (1619-1643; 1649-1662) của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ; Về thân thế, sự nghiệp của 3 vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông trong lịch sử Việt Nam của PGS,TS. Nguyễn Minh Tường; Vai trò của Trịnh Tùng (1570-1623) trong thời kỳ vua Lê Thần Tông (1619-1643) trị vì đất nước của PGS.TS. Vũ Duy Mền; Các nguồn tư liệu Hán Nôm liên quan đến ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở thế kỷ XVII của TS. Nguyễn Hữu Tâm, đã làm rõ bối cảnh lịch sử nước ta hồi thế kỷ XVII, một thời kỳ hết sức đặc biệt:Vua Lê- Chúa Trịnh, từ đó đánh giá một cách xác đáng những đóng góp và vai trò của các nhân vật lịch sử nêu trên.
Ngoài các báo cáo đánh giá về các vị vua, Hoàng Thái hậu thời Lê Trung Hưng nêu trên đã được nghiên cứu theo quan điểm sử học hiện đại, được đối chiếu khá kỹ qua thư tịch, qua các trao đổi từ trước đến nay, còn có các báo cáo được nghiên cứu qua các tư liệu điền dã, chủ yếu của các nhà nghiên cứu địa phương, như: Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của NNC Phạm Lê Nguyễn; Những thông tin quý giá rút ra từ gia phả dòng họ Lê ở Nghệ An của NNC. Hoàng Hùng- NNC. Phan Thanh; Làm rõ chân dung cuộc đời bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu; Khảo dịch thư tịch, xác định đúng tên của bà Hoàng Thái hậu, qua đó liệt ghi các vị tiên tổ và quy định trong lễ tiết của TS. Nguyễn Văn Hải Các báo cáo này đều căn cứ vào hai tấm bia quý, liên quan đến Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, người có công đầu dựng điện Càn Long, đó là bia Phụng sự bi ký công đức trường lưu và bia Hoàng Thái hậu bi ký ở Thanh Hóa và Hưng Yên. Một số báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất trong các bản dịch về tên bà Hoàng Thái hậu. Đây cũng là vấn đề Hội thảo cần thảo luận, làm sáng rõ để có kết luận cụ thể.
Vùng đất Nam Giang là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, cũng là một vùng văn hóa đặc sắc trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương. Tính đến cuối năm 2019, trong tổng số 826 di tích đã được xếp hạng là di sản văn hóa thế giới, cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia và cấp Tỉnh của Thanh Hóa, Thọ Xuân đã có 55 di tích, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích cấp Tỉnh và 1 di sản phi vật thể cấp Quốc gia. Điều hết sức độc đáo, Thọ Xuân lại có 2 khu Điện thờ (Điện Lam Kinh và Điện Càn Long). Các báo cáo Vùng đất Quả Nhuệ- Kim Bảng (Nam Giang- Thọ Xuân) dưới cái nhìn địa chính trị, địa văn hóa hồi thế kỷ XVII của TS. Lê Thị Thảo; Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương của NNC. Lê Đình Phùng, đã phân tích khá sâu sắc về các vấn đề nêu trên.
2. Di sản Điện Càn Long và các di tích liên quan
Đây là một nội dung quan trọng của Hội thảo, được nhiều tác giả quan tâm, gồm các báo cáo: Sự ra đời của của điện Càn long (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa), quy mô, kiến trúc và việc thờ phụng của NNC. Phạm Tấn; Mộ chí và và văn bia thời Lê Trung Hưng ở xã Nam Giang của NNC. Lê Xuân Kỳ; Giá trị lịch sử- văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu di tích Điện Càn Long của PGS.TS. Hoàng Thanh Hải; Điện Càn Long- Thực trạng và giải pháp phát huy, bảo tồn của NNC. Hoàng Hùng; Liên quan đến nhóm vấn đề này còn có các báo cáo: Chùa Đại Bi với vua Lê Thần Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu của TS. Hoàng Minh Tường; Mộ chí và và văn bia thời Lê Trung Hưng ở xã Nam Giang của NNC. Lê Xuân Kỳ; Bàn về mộ hợp chất được cho là của vua Lê Huyền Tông và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở xã Nam Giang và Xuân Phong của ThS. Nguyễn Xuân Toán và một phần trong các báo cáo ở nhóm vấn đề 1 và 3 Trên cơ sở khảo sát thực trạng khu di tích, đối chiếu với các thư tịch, bia ký, các tài liệu của học giả người Pháp L. Badaxie, các tham luận đã thống nhất đánh giá, khu Điện Càn Long là một công trình tâm linh hoành tráng, bề thế, có giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật ở nước ta hồi thế kỷ XVII.
3. Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan.
Đây cũng là nhóm vấn đề quan trọng, là mục đích chính của Hội thảo. Các tham luận: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội huyện Thọ Xuân của NNC. Nguyễn Hải Chúc; Việc tuyên truyền, giáo dục , quảng bá rộng rãi giá trị khu di tích Điện Càn Long của TS. Nguyễn Thị Thu Hà; Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long của TS. Phạm Văn Tuấn; và một phần trong hầu hết các báo cáo đã nêu ở nhóm vấn đề 1, 2, đều đề cập đến vấn đề này. Từ nghiên cứu thực trạng, các tham luận đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích điện Càn Long và các di tích liên quan trên địa bàn xã Nam Giang. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bảo tồn di tích phải luôn gắn với khai thác, phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch của địa phương. Hy vọng, trong tương lai gần, Khu di tích Điện Càn Long sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, không thể bỏ qua của du khách thập phương khi về với Thanh Hóa, về với Thọ Xuân, một địa chỉ giáo dục truyền thống quê hương, truyền thống dòng họ hiệu quả cho các tầng lớp nhân dân, con cháu dòng họ Phạm Lê, nhất là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.
Thưa các quý vị!
Thưa Hội thảo!
Do thời gian Hội thảo hôm nay diễn ra trong một buổi, nên Đoàn Chủ tọa chỉ có thể chọn ra một số tham luận đại diện trình bày theo 3 nhóm vấn đề nêu trên. Chúng tôi muốn dành thời gian cho các ý kiến thảo luận của tất cả các nhà khoa học đã gửi tham luận và nhiều đại biểu tham dự, nhất là những vấn đề cần nhấn mạnh thêm, những vấn đề cần phải tranh luận, thống nhất Vì vậy, chúng tôi đề nghị, mỗi tác giả tham luận không quá 15 phút, mỗi ý kiến phát biểu không quá 5 phút. Các tham luận không nhất thiết trình bày toàn văn báo cáo, mà chỉ trình bày những kết quả nghiên cứu chính, những kiến nghị, đề xuất, những vấn đề cần trao đổi, vì Ban Tổ chức đã tập hợp, in đầy đủ trong tập Kỷ yếu Hội thảo, gửi đến tận tay các nhà khoa học, các quý vị đại biểu.
Với mục đích, ý nghĩa khoa học, thực tiễn to lớn của cuộc Hội thảo, với tình cảm, trách nhiệm đối với một vùng đất địa linh, nhân kiệt, với tinh thần khách quan, khoa học, chúng tôi tin tưởng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.
Xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc các nhà khoa học, các quý vị đại biểu.
Xin trân trọng cảm ơn!
Phần I: BỐI CẢNH LỊCH SỬ, QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ
VÀ CÁC NHÂN VẬT THỜ CÚNG
THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ ĐÀNG NGOÀI
THỜI VUA LÊ THẦN TÔNG TRỊ VÌ (1619-1643; 1649-1662)
PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ*
Lê Thần Tông là vua thứ 6 của triều Lê Trung hưng. Vị vua mở đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê là Lê Trang Tông (1533-1548), tiếp đó là Lê Trung Tông (1549-1557), Lê Anh Tông (1557-1572), Lê Thế Tông (1573-1599) và Lê Kính Tông (1600-1619).
Lê Thần tông là con trưởng của Lê Kính Tông. Mẹ là Thái hậu Đoan Từ họ Trịnh, con gái Bình An vương Trịnh Tùng. Như vậy, Lê Thần Tông là cháu ngoại Trịnh Tùng, gọi Thanh vương Trịnh Tráng là cậu ruột.
Lê Thần Tông lên ngôi năm 1619, ở ngôi lần đầu gồm 25 năm (1619-1643); nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Hựu (tức vua Chân Tông) 6 năm (1643-1649). Năm 1649, Lê Chân Tông băng hà, Lê Thần Tông trở lại ngôi 13 năm (1649-1662). Tổng cộng hai lần ở ngôi của Lê Thần Tông là 38 năm. Sử cũ chép về Ngài như sau: Vua mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, xứng đáng là bậc vua giỏi... Thời kỳ trị vì của vua Lê Thần tông gắn với thời gian cầm quyền của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (cp: 1599-1623); Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng (cq: 1623-1657) và Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc (cq: 1657-1682). Đây cũng là thờ kỳ bắt đầu hình thành định chế Cung Vua và Phủ Chúa kéo dài trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam trải gần 200 năm
Sự nghiệp trung hưng của nhà Lê bắt đầu từ năm 1533 và đến năm 1592 thì công nghiệp hoàn thành, vua Lê trở lại Thăng Long. Góp phần vào sự nghiệp trung hưng của nhà Lê ở xứ Thanh tiếp theo sau dòng họ Nguyễn (khởi đầu là Nguyễn Kim), dòng họ Trịnh có công lao rất lớn. Cùng với thời gian, thế lực của họ Trịnh bên cạnh vua Lê ngày càng được củng cố và khẳng định một cách vững chắc.
Ngày mùng 7 tháng Tư năm Kỷ Hợi niên hiệu Quang Hưng thứ 22 (1599) vua Lê Thế tông đặc sai Thái tử Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái đem kim sách phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương. Lời văn sách nói rằng:
(Bậc) vương giả dựng ngôi ban phúc, giữ đạo công rất rộng rất bình; làm tôi giúp nước lập công, phải hậu lễ để tôn để quý. Chọn ngày tốt hợp, ban sách vẻ vang, Suy trung Kiệt tiết Tuyên lực công thần Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Tả tướng Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng, đức vọng núi cao, gia đình văn võ, dựng đặt mưu kế cho yên xã tắc, công lao sáng tỏ giữa trời; giữ điều tín mục để thân láng giềng, hòa hiếu để êm bờ cõi. Công đã nêu cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu các thần liêu... Lại cho ngọc toán (thìa ngọc) làm vật báu lưu truyền; lại cho ruộng để phong ấp. Mong rằng chăm việc cẩn chức, luôn luôn giữ phép triều đình; giữ đức sánh hay, đời đời chịu ơn yêu quý. Vương kính theo đấy ....
Từ đây, họ Trịnh được thế tập tước vương, gọi là Chúa Trịnh. Trong gần hai thế kỷ, từ năm 1599 (Trịnh Tùng được phong là Bình An vương) đến sau cái chết của Đoan Nam vương Trịnh Khải - năm 1786, thì quyền cai trị đất nước (chủ yếu ở Đàng Ngoài) nằm trong tay 10 vị Chúa Trịnh, tương ứng với thời kỳ tại vị của 12 vị vua Lê. Với chức tước được phong là Đại nguyên súy Tổng quốc chính... trên thực tế, các Chúa Trịnh đã thâu tóm phần lớn quyền lực về quân sự, chính trị dân chính của cả nước. Công lao của các Chúa Trịnh được sử gia đương thời ca tụng hết mực, đặc biệt là trong các bài văn sách tiến phong tước vương cho Chúa Trịnh hay trong nội dung văn bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội) từ khoa thi Chế khoa năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 6 (1554) trở về sau. Nội dung bài ký bao giờ cũng có đoạn tán dương công đức của Chúa Trịnh như: "Thực nhờ Đại nguyên soái Thống quốc chính Thái thượng sư phụ công cao nhân thánh Thanh vương tự mình gánh vác thiên hạ, gắng sức sắp xếp đất trời cho nên kẻ sĩ bốn phương kéo về đông như mây họp... hay "Thực nhờ Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương dốc lòng tôn phù, ra công tham tán v.v...".
Từ năm Cảnh Trị thứ hai triều vua Lê Huyền tông (1664) trở đi, các Chúa Trịnh, bắt đầu là Trịnh Tạc được ban thêm nhiều ân điển: "Vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt chỗ ngồi bên tả chỗ ngồi của vua". Năm 1683 vua Lê xuống chiếu tôn Chúa Trịnh Căn với lễ đặc biệt: "Không phải viết tên vào tấu sớ, không phải lạy khi làm lễ bái yết, đặt chỗ ngồi bên tả điện Thị Triều..., còn đối với Trịnh Cương thì "Từ nay, trong các biểu chương, tấu sớ chỉ xưng vương, chứ không cần xưng tên, khi vào chầu yết không phải lạy để biểu thị sự tôn quý....
Đến lúc này thì quyền uy cũng như vai trò quản lý đất nước của Chúa Trịnh đã được khẳng định trên thực tế.
Như vậy, từ năm 1600 trở đi trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt, đó là chế độ "cung Vua" - "phủ Chúa ". Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của triều đường và phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước.
Triều đường (hay triều đình) vốn là nơi Vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự. Tuy nhiên, dưới thời Trung hưng thực quyền gần như nằm cả trong tay chúa Trịnh, nên khi cần bàn việc quốc sự công việc điều hành guồng máy cai trị, các quan thường sang bên Phủ đường hội họp với chúa Trịnh và triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kỳ. Theo lệ, hàng tháng trong 2 ngày sóc (mồng một) và vọng (ngày rằm), cùng những ngày đại lễ, khánh hạ bá quan văn võ từ nhất phẩm xuống đến cửu phẩm cùng những người được phong tước công, hầu, bá, tử... phải vào chầu vua tại điện Thị Triều đằng trước điện Kính Thiên. Mọi người đều phải đến dự đông đủ, ai vắng mặt thì bị phạt tiền tuỳ theo quan chức cao thấp có khác nhau. Những buổi lễ này thường diễn ra trang trọng nhưng hoàn toàn mang tính nghi thức mà không bàn gì về công việc quốc gia. Thành phần dự họp bên Triều đường gồm có: chủ trì là Vua Lê, phụ tá cho Vua Lê là chúa Trịnh ngồi bên tả. Đứng đầu hàng văn là quan Quốc sư hay Quốc lão. Những vị này được coi như chức tể tướng của Triều đường và thường kiêm nhiệm chức tham tụng ở Phủ liêu hay chức Chưởng phủ sự ở Ngũ phủ. Đứng đầu hàng võ thường là Tiết chế thủy bộ chư doanh (tức Vương thế tử) . Trước thì Chúa Trịnh dẫn đầu bách quan vào chầu vua sau dần cũng vắng mặt trong những ngày lễ này.
Việc chầu vua vào 2 ngày tiết trong tháng chứng tỏ các quan chỉ tụ hội ở nơi Triều đường để chúc mừng vua Lê chứ không phải để bàn quốc chính. Những phiên vua Lê ngự điện để nghe quần thần tâu bày chính sự không còn nữa mà đã chuyển qua Phủ đường dưới sự chủ trì của chúa Trịnh.
Phủ đường là nơi Chúa Trịnh họp các đại thần để bàn việc quân quốc trọng sự và điều hành guồng máy cai trị trong nước. Thành phần tham dự là các quan trong Ngũ phủ, Phủ liêu, trong đó Ngũ phủ gồm các chức võ quan: Tả hữu Đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc Thiêm sự, còn Phủ liêu.
Nhìn chung, những người đứng đầu các phủ quân đều thuộc tôn thất họ Trịnh hoặc là huân thần được chúa Trịnh đặc biệt tin cậy. Các chức quan trên cùng với Phủ liêu (gồm các chức Tham tụng, Bồi tụng và Tri Lục phiên) gọi là Ngũ phủ Phủ liêu. Đây là những quan lại cao cấp trực tiếp dự bàn công việc quốc gia cùng Chúa Trịnh tại Phủ đường.
Theo tác giả Phan Huy Chú "Tham tụng tức là tể tướng nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải là chức, cho nên khi dùng người không cứ phẩm thứ, có khi Thượng thư vào làm tham tụng, có khi Thị lang hành tham tụng" .
Như vậy giữ chức Tham tụng, Bồi tụng phải là những người tài giỏi, được Chúa Trịnh tin dùng mặc dù phẩm trật chỉ ở hàng tòng nhị phẩm hay tòng tam phẩm.
Về mặt nhân sự giữa Triều đường và Phủ đường không có sự tách biệt hoàn toàn. Phủ đường không phải là một triều đình riêng, không có hệ thống tổ chức và quan chức riêng từ trung ương đến địa phương. Các chức quan then chốt bên Triều đường đều được kiêm nhiệm những vị trí trọng yếu bên Phủ đường. Cách tổ chức như trên về danh nghĩa vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quan chế của vương triều, vừa đảm bảo uy thế của Vua Lê cũng như vai trò thần tử của chúa Trịnh. Nhưng trong thực tế, sử dụng những quan chức cao cấp bên Triều đường, kiêm nhiệm công việc bên Phủ đường, chúa Trịnh muốn thông qua đội ngũ quan lại này kiểm tra giám sát hoạt động của Triều đường cũng tức là kiểm tra giám sát Vua Lê. Đây chính là đầu mối mở đầu của việc phủ Chúa lấn át cung Vua.
Thời Trung hưng, ngay từ khi vừa hình thành Ngũ phủ Phủ liêu đã là cơ quan tối cao của Phủ đường, được Chúa Trịnh giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính, giải quyết mọi việc dân, binh, chính... Gặp khi có quốc sự trọng đại, Chúa Trịnh ban lệnh dụ triệu tập các quan đại thần tại Nghị sự đường để bàn bạc và quyết định. Những cuộc họp như thế gọi là đình nghị . Thành phần tham dự gồm có các quan trong Phủ liêu (Tham tụng, Bồi tụng) cùng các chức Tri phiên. Chúa Trịnh tuy không tham dự nhưng mọi kiến nghị trong buổi đình nghị sẽ được đệ trình lên Chúa để xin quyết định tối hậu.
Mặc dù về danh nghĩa Phủ đường là cơ quan phò tá cho Triều đường nhưng trên thực tế Phủ đường lại là nơi bàn bạc và quyết định những công việc hệ trọng của quốc gia. So với những lần hội họp bên Triều đường (2 ngày trong một tháng), thì các phiên trực hầu bên Phủ đường có mật độ dày hơn nhiều (9 ngày trong một tháng) không kể những phiên họp bất thường. Đồng thời thành phần dự họp bên Phủ đường cũng rất đặc biệt: chỉ những quan lại cao cấp thuộc hai ban văn võ ở kinh đô mới được tham dự. Theo quan chế thời Lê, chức quan được liệt vào hàng đại thần phải có hàm tòng tứ phẩm trở lên (văn quan từ chức Đông các đại học sĩ, Quốc tử giám Tế tửu, Thông chính sứ, Tham chính trở lên đến Tam thái; võ quan từ chức Chỉ huy sứ đồng tri, Tổng binh đồng tri, Đô tri lên đến Tam thái). Như vậy những buổi họp với Phủ đường chính là cuộc họp của triều đình thu hẹp với sự hiện diện của các quan cao cấp nhất bên triều đình kiêm nhiệm chức vụ bên Phủ đường. Cuộc họp diễn ra theo nghi thức đơn giản dưới sự chủ trì của chúa Trịnh, còn thành phần họp bên Triều đường mở rộng từ quan cửu phẩm đến các tước công, hầu, bá, tử, nam. Thường thì những cuộc họp ở Triều đường diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm với nghi lễ long trọng nhưng thực chất không phải để giải quyết công việc một cách cụ thể chi tiết, mà trong các buổi họp như vậy vua Lê cho ban những sắc chiếu, sắc dụ ban phẩm tước cho các quan hoặc nêu lên những chính sách lớn mang tính chất đại cương để Ngũ phủ Phủ liêu với tư cách là ban Thường vụ của Phủ đường vạch ra biện pháp thực thi sau khi bàn nghị ở Phủ đường và được Chúa Trịnh ban chỉ chuẩn.
Sự có mặt của Phủ đường đã làm mờ nhạt dần vai trò của Triều đường trong quá trình điều hành guồng máy cai trị, và cùng với thời gian, quyền lực chính trị và quyền lợi hưởng thụ của vua Lê cũng bị suy giảm. Tuy nhiên, từ thời điểm Phủ đường ra đời cho đến khi chính quyền Lê -Trịnh sụp đổ trước cơn bão táp của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, chúa Trịnh chưa bao giờ thâu tóm toàn bộ quyền hành của vua Lê mà giữa chúa Trịnh và vua Lê cũng như giữa Phủ đường và Triều đường chỉ diễn ra sự phân chia quyền lực với mức độ ngày càng gay gắt nhưng rốt cục vua Lê bao giờ cũng ở vị trí yếu thế hơn.
Sự phân chia quyền lực giữa vua Lê và chúa Trịnh được biểu hiện trên một số lĩnh vực sau:
- Về phương diện hành chính.
Vua Lê có toàn quyền quyết định đối với việc thăng giáng, tuyển bổ, cách bãi các quan lại cao cấp từ tam phẩm trở lên. Những quyết định hành chính này được ban bố dưới hình thức sắc chiếu hay sắc chỉ của vua do Hàn Lâm viện khởi thảo, Đông các nhuận sắc; Trung thư giám biên chép lại rồi chuyển những văn bản đã hoàn tất này qua Hoàng Môn tỉnh đóng dấu .
Với chức Tổng quốc chính do vua Lê phong, chúa Trịnh chính thức được công nhận có quyền tuyển bổ thăng giáng, cách bãi những quan lại từ tứ phẩm trở xuống và những chức quan ngoại nhiệm, đồng thời có quyền ban lệnh dụ, chỉ truyền cho những quan chức này thi hành những mệnh lệnh của Chúa. Tuy nhiên, với các chức quan từ tứ phẩm trở xuống khi thăng giáng, cách bãi hay bổ dụng, viên chức bên Phủ Chúa làm tờ trình rồi chuyển qua Triều đường bảo cử.
Về mặt nghi thức, mỗi khi chúa Trịnh muốn bổ nhiệm, gia phong phẩm tước cho quan lại từ tứ phẩm trở xuống và quan ngoại nhiệm hoặc ban hành những mệnh lệnh quan trọng thì hồ sơ thường chuyển qua Triều đường để Vua Lê ban sắc chiếu hay sắc dụ cho thi hành và đứng chủ tọa buổi lễ khâm ban hay ban chiếu tại điện Kính Thiên.
- Về phương diện lập pháp
Vua Lê có quyền ban hành những văn bản lập pháp mang tính phổ quát, đưa ra những nguyên tắc chính yếu dưới hình thức "dụ" hay "sắc dụ" (nếu quan trọng) hoặc "chỉ chuẩn" hay "chiếu"; "sắc chiếu" (nếu ít quan trọng). Lễ ban chiếu hay dụ được tổ chức trọng thể tại điện Kính Thiên với sự hiện diện của chúa Trịnh và đông đủ các đại thần.
Chúa Trịnh chỉ được quyền ban bố những văn bản lập pháp có tính chất ứng dụng dưới hình thức "lệnh" hay "lệnh dụ" (với nội dung nghiêm cấm hoặc khuyên răn) hoặc "chỉ" hay "chỉ truyền" (nội dung là những thể lệ, luật lệnh chung hay riêng). Lễ ban bố "lệnh dụ" hay "chỉ truyền" được tổ chức đơn giản ở Phủ đường dưới sự chủ trì của Chúa và các quan đại thần tham dự.
Như vậy, về phương diện lập pháp, vua Lê nắm quyền quyết định những nguyên tắc pháp lý chung, còn chúa Trịnh giữ nhiệm vụ ứng dụng những nguyên tắc chung này vào thực tế.
- Về phương diện tư pháp:
Hệ thống tổ chức tư pháp dưới thời Trung hưng gồm có các cấp như sau:
Cấp dưới cùng do Huyện quan xét xử. Tuỳ theo mức độ vụ án và kết quả xét xử công bằng hay không mà đương sự có thể kháng cáo lên cấp Phủ (do Phủ quan xét xử); lên Thừa ty; Hiến ty; Giám sát Ngự sử các đạo và cuối cùng lên Ngự sử đài. Ngự sử đài là tòa án cao cấp nhất trực thuộc triều đình của Vua Lê được quyền phúc thẩm lại các bản án từ địa phương chuyển lên. Nếu vụ án do Ngự sử đài xử xong rồi mà tụng nhân không chịu thì phải làm tờ cam kết chịu phạt (tử hình hay tội đồ tùy theo mức độ vụ kiện), lúc ấy chúa Trịnh mới giao vụ việc cho Phủ liêu xét xử lại. Tuy nhiên trường hợp này rất ít khi xảy ra. Trên thực tế Ngự sử đài được coi là Tòa chung thẩm cao cấp nhất, do vậy về phương diện tư pháp, ảnh hưởng quyền lực của Vua Lê vẫn còn khá mạnh.Trên lĩnh vực tinh thần như phong sắc cho bách thần, bao phong phúc thần cho các công thần, đứng chủ tế Nam giao, hay trên lĩnh vực ngoại giao (tiếp sứ, sai sứ v.v...) vua Lê vẫn còn một số thực quyền nhất định.
- Về phương diện tôn giáo, tín ngưỡng
Vua Lê là người duy nhất có quyền ban sắc phong hoặc thu hồi bằng sắc cho các thần được thờ ở địa phương (những vị vua tinh thần trong các làng xã).
Thời Lê Trung hưng, đặc biệt từ niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628) trở về sau các triều vua thường ban nhiều sắc phong cho bách thần (thiên thần - nhân thần v.v...), điển hình và phổ biến nhất là sắc phong đề niên hiệu Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển tông. Tất cả các đạo sắc đều ghi rõ niên hiệu vua và có bảo tỷ đóng ở lạc khoản dưới niên hiệu vua ban sắc, chứ chưa hề có một đạo sắc nào ghi vương hiệu Chúa Trịnh. Ngay cả việc quy định tế tự bách thần cũng do Triều đường quyết định. Phủ đường chỉ liên quan đến lĩnh vực này trong việc cấp phát tiền cho dân làng có thần được phong (đã được bên Triều đường ban hành sắc phong) để lo việc tế tự.
- Về phương diện ngoại giao
Trong các thế kỷ XVII-XVIII vấn đề quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Trung Quốc và các nước láng giềng, vua Lê là người đứng chủ. Vua Lê được triều đình Trung Hoa phong làm "An Nam quốc vương" cai quản quốc gia Đại Việt. Danh nghĩa là như vậy nhưng trên thực tế vua Lê là Hoàng đế của một quốc gia độc lập tự chủ (cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài). Mọi công văn giấy tờ giao thiệp với các nước đều rõ niên hiệu vua Lê. Trong quá trình bang giao, vua Lê là người có quyền duy nhất ban chiếu chỉ cử các đoàn sứ thần ra nước ngoài (cố nhiên có tham khảo ý kiến đề bạt của Chúa Trịnh), và Triều đường là nơi duy nhất tổ chức tiếp đón sứ thần ngoại quốc chứ không phải ở Phủ đường. Do vậy trong hệ thống chính trị ở Đàng Ngoài thời Lê Trung hưng vua Lê luôn ở ngôi vị chí tôn. Chúa Trịnh mặc dù đã xưng vương nhưng vẫn chỉ là một nguyên thần, đứng đầu bách quan. Như vậy, tước vương của chúa Trịnh do Vua Lê tấn phong chỉ có ý nghĩa trong đối nội mà chủ yếu ở Đàng Ngoài chứ không được triều đình Trung Hoa thừa nhận và cũng không tạo nên ảnh hưởng về quyền lực đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Quyền lực của Vua Lê và cũng là của Triều đường chỉ được biểu hiện rõ rệt nhất bằng những hoạt động và vai trò của bộ máy hành chính trung ương mà tập trung chủ yếu ở Lục bộ. Khi chức năng và nhiệm vụ của Lục bộ còn được khẳng định trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị xã hội và quân sự thì thế và lực của Vua Lê và Triều đường còn tồn tại trên thực tế.
Thời kỳ Lê Thần tông trị vì (1619-1642); (1643-1662), vấn đề nổi cộm nhất có lẽ là cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài gần 50 năm (1627-1672), tác động không nhỏ đến đời sống chính trị của đất nước. Năm 1672 chúa Trịnh Tạc huy động 18 vạn quân quyết định mở cuộc Nam chinh lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng nhưng không thành công, đành phải rước xa giá vua Lê về Thăng Long, để Lê Thời Hiến ở lại trấn thủ xứ Nghệ An kiêm Trấn thủ châu Bố Chính; Binh bộ Tả thị lang Bồi tụng Lê Sĩ Triệt làm Đốc thị; Tả thị lang Nguyễn Danh Thực làm Phó đốc thị, khống chế biên cương, giữ gìn an ninh cho dân địa phương. Hai bên Trịnh - Nguyễn lấy Đại Linh giang (sông Gianh) làm phân giới. "Tự đấy Nam Bắc không đánh nhau nữa". Mặc dù chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài gần 50 năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đàng Ngoài, tuy nhiên trên thực tế thời điểm này, nền kinh tế Đàng Ngoài đang dần được phục hồi và có những biểu hiện phát triển khá rõ nét, nhất là trên lĩnh vực: sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp... Mặc dù ở một số địa phương, đời sống kinh tế của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan đưa lại (chiến tranh, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... dẫn đến mất mùa đói kém) nhưng xét trên đại thể thực trạng kinh tế ở Đàng Ngoài bộc lộ những dấu hiệu tiến bộ, trật tự xã hội đang dần đi vào nền nếp. Đây chính là thời kỳ "kỷ cương được chấn hưng... quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn". Dưới thời Trịnh Tạc, một số chính sách kinh tế - xã hội tích cực đã được triển khai thực hiện và đạt được một số thành quả nhất định.
Vua Lê Thần tông có thể được coi là trường hợp đặc biệt, điển hình trong 15 vị vua thời Lê Trung hưng, nhất là việc kế thừa ngôi báu:
+ Bản thân nhà vua ở ngôi 26 năm, nhường ngôi, giữ vị trí Thượng hoàng 6 năm, rồi lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi.
+ Các vua kế nghiệp đều là con trai của Lê Thần Tông:
- Lê Chân Tông, tên huý là Duy Hựu, là con trưởng của Lê Thần tTông, được Lê Thần Tông nhường ngôi năm 1643 Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm liền được mùa .
- Lê Huyền Tông, tên huý là Duy Vũ, con thứ của Lê Thần Tông, lên nối ngôi năm 1662. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy.
- Lê Gia Tông tên huý là Duy Cối, con thứ của Thần Tông, lên ngôi năm 1671. Vua tướng mạo anh vĩ, tính trì khoan hoà, có đức độ của người làm vua, tiếc rằng ở ngôi không lâu, chưa thấy sự nghiệp gì.
- Lê Hy Tông, tên huý là Duy Hiệp, con út vua Lê Thần Tông, lên ngôi năm 1676, ở ngôi hơn 30 năm, nhường ngôi 12 năm. Vua tuân giữ cơ nghiệp có sẵn của tiên vương, rủ áo khoanh tay mà nước được trị, kỷ cương được chấn hưng, thưởng phạt nghiêm minh, các công khanh phần nhiều đều xứng chức, các quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn. Chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680), Chính Hoà (1681-1704) xứng được coi là đứng đầu đời Trung hưng.
VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA BA VỊ VUA THỜI
LÊ TRUNG HƯNG: LÊ THẦN TÔNG, LÊ CHÂN TÔNG, LÊ HUYỀN TÔNG TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường*
Thời Lê Trung hưng hay thời Lê Trịnh (1533-1788)[1] là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam. Trong thời Lê Trịnh, các chúa Trịnh (Vương phủ) luôn luôn tồn tại bên cạnh vua Lê (Triều đình). Từ chỗ mang danh nghĩa phù Lê, chúa Trịnh đã tiến lên nắm giữ thực quyền, vua Lê chỉ còn là một biểu tượng tinh thần của quốc gia. Nhiều nhà Nho, theo tư tưởng Tôn quân quyền của Nho giáo đã kịch liệt phê phán các chúa Trịnh chuyên quyền, biến vua Lê trở thành hư vị.
Một số học giả ngoại quốc và Việt Nam đương đại có ý muốn so sánh cục diện vua Lê chúa Trịnh với chế độ Thiên hoàng (Tenno) Tướng quân (Shogun)[2], kéo dài gần 7 thế kỷ (1185-1868) của Nhật Bản, tuy có sự khác nhau[3].
Có tác giả muốn đặt tên cho chế độ đó là Lưỡng đầu chế (diarchy) thể chế trong đó hai vị nguyên thủ quốc gia cùng cai trị, đã từng tồn tại ở một số nơi trong lịch sử thế giới. Theo tác giả thì phạm vi thời gian áp dụng lưỡng đầu chế tại nước ta dưới thời Lê Trung hưng là từ năm 1599 đến năm 1786[4].
Trong lịch sử chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam, cục diện vua Lê chúa Trịnh là một hiện tượng độc đáo, chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử. Các vua Lê thời Lê Trung hưng thường được đưa lên ngôi từ khi còn ít tuổi và cũng thường mất sớm. Trong khi đó, các chúa Trịnh (nhất là trong thời gian đầu) lại là những võ tướng xông pha nơi chiến trận, từng trải qua nhiều thử thách ác liệt, hoặc là những vị chúa già dặn kinh nghiệm nơi chính trường. Trong hoàn cảnh đó, sự vượt trội và uy thế của chúa Trịnh đối với vua Lê là điều có thể hiểu được. Như vậy, có thể thấy, sự tồn tại của phủ Chúa (Vương phủ) bên cạnh Triều đình vua Lê, nên được coi là sự điều phối giữa hai thiết chế và hai phương thức điều hành của một chính quyền thống nhất hơn là sự song song tồn tại và tranh chấp giữa hai quyền lực riêng rẽ[5].
Chúa Trịnh và vua Lê đã có nhiều lợi ích chung để liên kết, gắn bó với nhau trên nhiều khía cạnh. Họ cùng có chung quê hương (Thanh Hóa), cùng nương tựa nhau trong một thời gian dài khởi dựng sự nghiệp thời kỳ Nam triều[6] (1533-1592) ở vùng Thanh Nghệ, và có quan hệ hôn nhân ràng buộc bền chặt[7]. Vì vậy, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng suốt và có lý khi nhận định và khuyên nhủ rằng: Lê tồn Trịnh tại; Lê bại Trịnh vong, và nên giữ Chùa, thờ Phật, thì ăn oản. Sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX, thì cho rằng: Không chỉ có riêng một vua [Lê], cũng không chỉ có riêng một chúa [Trịnh], nhưng quyền lực của hai người bao trùm thiên hạ[8]. Thái thường Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm dùng hình ảnh so sánh, nhấn mạnh rằng: nhà vua và nhà chúa như bánh xe và thân xe nương dựa nhau, như cột nhà và kèo nhà cùng chống đỡ, nên phải giúp đỡ lẫn nhau như cùng một thân thể, mà không nên coi nhau như nước Tần, nước Việt, mặc cho kẻ béo, kẻ gầy[9].
Lịch sử thời Lê Trung hưng, có thể coi cặp vua Lê Thần Tông chúa Trịnh Tráng là một mẫu mực điển hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp gắn bó trong công việc trị quốc, an dân thời đó.
Trong bài luận văn này, thông qua thân thế, sự nghiệp của ba vị vua thời Lê Trung hưng, đó là Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, để tìm hiểu công trạng của các vị, đã đóng góp vào tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lê Thần Tông: Nhà vua ở ngôi hai lần: a. 1619-1643; b. 1649-1662.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ tục biên, Quyển XVIII chép về vua như sau: Thần Tông Uyên Hoàng đế: tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi thì mất, chôn ở lăng Quần Ngọc. Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi Mẹ vua là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, là con gái thứ của Thượng phụ Bình An Vương[10], sinh ra vua vào ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 8 (1607), đến khi Kính Tông (1600-1619) băng, Bình An Vương tôn lập làm vua [11]. Sách Đại Việt sử ký Bản kỷ tục biên, Quyển XXI, ngoài ghi lại những dòng vừa kể trên, còn nhận xét thêm về vua Lê Thần Tông như sau: Vua với nhà Chúa vui vẻ hòa hợp một nhà, dồi dào phong thái thuần hậu; ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời [12].
Ở đây, cần nhận rõ, câu bình phẩm của sử thần thời Lê Trịnh về vua Lê Thần Tông trên đây: Vua với nhà Chúa vui vẻ hòa hợp một nhà , thì lẽ đương nhiên, để có được mối thân tình ấy, phần lớn là do vị chúa Trịnh cầm quyền thời bấy giờ là Trịnh Tráng (1623-1657). Sử cũ chép về ông như sau: Chúa [Trịnh Tráng] tính trời hiếu thảo, thân ái mọi người, rộng lòng khoan thứ, khi cầm quyền tuổi 47. Bình xong nội nạn, hòa hợp nhân dân, trong nước yên ổn, tín nhiệm Nho thần, giảng cầu chính trị, chấn cử kỷ cương, mọi việc đều giao cho triều đường công luận, chúa cung kính khiêm nhường, cẩn thận giữ gìn pháp độ [13].
Vua Lê Thần Tông là một trong vài vị vua ở ngôi lâu năm dưới thời Lê Trung hưng[14]. Trong thời gian trị vì 38 năm, vua Lê Thần Tông đã có một số đóng góp quan trọng dưới đây đối với lịch sử dân tộc, đó là:
Thứ nhất, vì bản tính thông minh, thuần hậu hòa mục, nên vua Lê Thần Tông đã nhận được sự kính trọng, hết lòng phò tá của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657). Sau khi Trịnh Tráng mất, thì con ông là chúa Tây vương Trịnh Tạc (1657-1682) vẫn luôn luôn giữ lòng trung hậu theo nếp nhà, mà kính giữ tiếng hay, giúp đỡ nhà vua muôn năm bền mãi[15].
Thứ hai, vua Lê Thần Tông là một trong những vị vua dưới thời Lê Trung hưng rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các[16]. Nếu căn cứ vào số người đăng tên dự thi Hội, chúng ta có một nhận thức khá rõ về tình hình phát triển giáo dục dưới thời Lê Trung hưng. Đời Lê Trung hưng, có khoa thi chỉ khoảng 1.000 người, nhưng phần nhiều dao động trong khoảng 2.000 3.000 người, trong đó khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) đời Lê Thần Tông là 6.000 người, đạt kỷ lục cao nhất về số người dự thi Hội trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam[17].
Thứ ba, vua Lê Thần Tông cũng là một vị vua rất coi trọng và đề cao kỷ cương phép nước. Hầu hết các kỳ thi Hội, sau khi quan trường chấm đỗ những thí sinh Trúng cách, được vào thi Đình, nhà vua đều duyệt lại rất cẩn trọng. Và không phải mọi thí sinh Trúng cách thi Hội, đều được vào thi Đình, để nhận học vị Tiến sĩ. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631): Thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ Trúng cách 6 người, đỗ đầu là Nguyễn Minh Triết. Nhưng vua Lê Thần Tông duyệt lại các bài thi, phát hiện Nguyễn Văn Quang, người xã Đặng Xá, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), tuy thiếu điểm, mà quan trường vẫn lấy đỗ, nên nhà vua sai xóa tên, không cho vào thi Đình. Vì vậy, khoa Tân Mùi (1631) năm ấy, chỉ lấy đỗ 5 Tiến sĩ[18].
Đối với số quan lại phạm tội, vua Lê Thần Tông cũng xử lý hết sức nghiêm khắc. Năm 1633, triều thần hặc tội viên Tham nghị xứ Hưng Hóa là Trương Vũ làm quan không thận trọng, khiến cho dân chúng khiếu kiện nhiều lần, và viên Tri huyện Nguyễn Hàng đã ngầm đem vàng bạc hối lộ cấp trên để xin làm chức Lăng phó ở điện Tây Kinh (Thanh Hóa). Vua Lê Thần Tông bèn giao xuống xét tội Trương Vũ và thu lại sắc mệnh của Nguyễn Hàng[19].;
Lê Chân Tông: Nhà vua ở ngôi có 7 năm: 1643-1649. Vua tên húy là Lê Duy Hựu, con trai trưởng của Lê Thần Tông. Mùa đông, tháng 10 năm Quý Mùi (1643), ông được Lê Thần Tông truyền ngôi cho, bấy giờ nhà vua mới 13 tuổi. Khi lên ngôi, Lê Chân Tông tôn vua cha làm Thái Thượng hoàng, mẹ vua làm Hoàng Thái hậu[20].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về vua Lê Chân Tông như sau: Chân Tông Thuận Hoàng đế, tên húy là Duy Hựu, con trưởng của Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi thì băng, táng ở lăng Hoa Phố. Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm, liền năm được mùa [21].
Mặc dù ở ngôi quá ngắn, nhưng dưới triều Lê Chân Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 2 kỳ thi Hội, lấy đỗ được 26 tiến sĩ[22]. Giống như vua cha của mình (Lê Thần Tông), vua Lê Chân Tông cũng là vị vua luôn đề cao pháp luật, và tỏ rõ tấm lòng thương dân, khoan thư sức dân, giảm nhẹ thuế khóa cho người dân trong nước[23].
Lê Huyền Tông: Nhà vua ở ngôi có 9 năm (1663-1671). Vua tên húy là Lê Duy Vũ, con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông.
Ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), vua Lê Thần Tông qua đời. Mùa đông, tháng 11 năm ấy, Hoàng Thái tử Lê Duy Vũ lên ngôi hoàng đế, bấy giờ vua mới có 9 tuổi. Lấy năm sau (Quý Mão 1663) là niên hiệu Cảnh Trị thứ 1[24].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về nhà vua như sau: Huyền Tông Mục Hoàng đế: tên húy là Duy Vũ, con của Thần Tông, em của Chân Tông, ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi thì băng, táng ở lăng Quả Thịnh. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng được gọi là bậc vua hiền [25].
Giống như vua cha (Lê Thần Tông) và vua anh (Lê Chân Tông), vua Lê Huyền Tông cũng tỏ ra là vị vua rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ[26].
Mặc dù, ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng cặp vua Lê Huyền Tông chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cũng có thể coi như một mẫu hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp trong công việc quốc gia đại sự thời bấy giờ. Mối quan hệ tốt đẹp ấy có được, trước hết bởi quan hệ hôn nhân giữa nhà vua và chúa Trịnh. Năm 1664, vua Lê Huyền Tông lấy con gái thứ của Vương (chỉ Tây vương Trịnh Tạc TG) là Trịnh Thị Ngọc Áng làm chính cung[27]. Ngay năm sau, vào tháng 8 năm Ất Tỵ (9-1665), vua Lê Huyền Tông đã sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm Hoàng hậu[28].
Vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đều tỏ ra là những người hết sức nghiêm túc trong việc thi cử, tuyển chọn nhân tài. Sử cũ chép, vào tháng 4 năm Giáp Thìn (5-1664), triều đình Lê Trịnh sai Phó tướng Thiếu phó Tông Quận công Trịnh Hoành và Bồi tụng Lễ bộ Tả Thị lang Phong Lộc tử Ngô Tuấn phúc khảo sinh đồ các xứ ở bãi cát sông Nhị (tức sông Hồng TG). Trước đây, phép thi lỏng lẻo, còn cho mang sách. Từ năm Canh Tý (1660) đến nay (1664), tuy đã cấm chỉ, nhưng vẫn chưa được chặt chẽ, người thi đỗ phần nhiều dốt nát, nhờ người làm bài, dư luận xôn xao. Đến đây, sai quan phúc khảo sinh đồ[29], ba khoa Đinh Dậu (1657), Canh Tý (1660) và Quý Mão (1663). Đề thi dùng 1 bài thơ Đường và một bài ám tả[30] chính văn kiêm đại chú trong Kinh truyện[31]. Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập, cho miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về làm dân, chịu tạp dịch. Bấy giờ người hỏng đến quá nửa[32].
Để bộ máy Nhà nước quân chủ vận hành và hoạt động hữu hiệu hơn, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã sắp xếp lại, bổ sung các chức quan đứng đầu quân đội (Ngũ phủ), và đứng đầu cơ quan hành chính (Lục bộ).
Sử cũ chép, vào tháng 11 năm Giáp Thìn (1664), triều đình Lê Trịnh cho: Đặt quan Chưởng và Thự của Ngũ phủ là:
- Thái phó Khê Quận công Trịnh Trượng làm Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự.
- Thái phó Lỵ Quận công Trịnh Đống làm Đông quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự.
- Thiếu úy Vân Quận công Trịnh Kiền làm Nam quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự.
- Thiếu úy Hào Quận công Lê Thì Hiến làm Tây quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự[33].
- Thiếu phó Điện Quận công Trịnh Ốc làm Bắc quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự[34].
Cũng vào tháng 11 năm Giáp Thìn (1664), sử cũ còn cho biết triều đình Lê Trịnh cho: Đặt đủ viên số Thượng thư sáu bộ. Lấy:
- Tham tụng Phạm Công Trứ làm Lại bộ Thượng thư, thăng tước hầu.
- Bồi tụng Trần Đăng Tuyển làm Hộ bộ Thượng thư.
- Nguyễn Năng Thiệu làm Lễ bộ Thượng thư.
- Vũ Duy Chí làm Binh bộ Thượng thư.
- Phan Kiêm Toàn làm Hình bộ Thượng thư.
- Lê Hiện làm Công bộ Thượng thư[35].
Sự kiện nói trên vào năm 1664, được các sử thần triều Nguyễn nhận định như sau: Hồi đầu trung hưng sắp xếp quan chức, có tên 6 bộ, nhưng chức Thượng thư chưa được đủ số. Đến nay bổ sung cho đủ chức Thượng thư sáu bộ[36].
Thời Lê Trịnh, sự tồn tại của Triều đình và Phủ chúa là hai thiết chế tối cao của hệ thống chính quyền Nhà nước quân chủ. Vua Lê đứng đầu triều đình, thường xuyên ở cung cấm bên trong Hoàng thành, rất ít khi đi ra ngoài, trừ những dịp phải tiến hành các đại lễ (tế Nam giao, lễ Tịch điền, tế Khổng Tử ở Quốc Tử giám ). Vua truyền ngôi cho con trai trưởng (Thái tử), hoặc con trai thứ, phần lớn khi còn ít tuổi được dạy dỗ, huấn luyện khá bài bản ở Đông cung. Chúa Trịnh đứng đầu Vương phủ, sống ở Phủ chúa, bên ngoài phía Đông-nam Hoàng thành. Các chúa Trịnh, kể từ Trịnh Tùng (1570-1623), từ năm 1599 trở đi, đều được phong tước Vương, được quyền thế tập, truyền ngôi vị cho con trai trưởng (Thế tử), người này cũng có phủ đệ riêng (Lượng phủ).
Về mặt quốc tế, vua Lê được nhà Thanh (Trung Quốc) công nhận làm An Nam Quốc vương, còn chúa Trịnh làm An Nam Phó Quốc vương.
Về mặt đối nội, Triều đình vua Lê có vai trò như một Hội đồng Nhà nước mở rộng. Một tháng 2 kỳ (ngày Sóc mùng 1 và ngày Vọng ngày rằm, âm lịch), và những dịp đại lễ vua Lê họp chầu ở điện Thị Triều trong Cung thành, triệu tập đông đảo các quan chức đến dự, nghi thức rất long trọng. Chúa Trịnh ngồi bên tả, ngang hàng cạnh vua Lê, nhưng bệ ngồi thấp hơn một chút. Vua Lê ngự trên ngai vàng, nghe tấu sớ, ban thưởng phạt, sai công bố những chiếu dụ, nêu lên những đường hướng chính trong công việc trị nước. Trong khi đó, Phủ chúa Trịnh có chức năng như một chính phủ hành pháp, bàn bạc cụ thể những chủ trương chính sách, gọi là Tham nghị sự vụ, các biện pháp tổ chức và thực thi điều hành. Hàng tháng, chúa Trịnh thường chủ tọa 8 phiên họp (những ngày 5, 8, 11, 14, 22, 23, 26, 29), số lần họp nhiều hơn, nhưng thành phần tham dự lại ít hơn bên Triều đình. Vua Lê không tham dự các buổi họp này.
Qua sự phân công trách nhiệm trên đây giữa Triều đình - vua Lê và Vương phủ - chúa Trịnh, cho thấy rằng nếu hai bên có mối quan hệ tốt đẹp và sự phối hợp ăn ý, thì công việc trị quốc, an dân diễn ra sẽ tốt đẹp. Lịch sử thời Lê Trung hưng, cho thấy dưới sự trị vì của ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, đã tạo được mối quan hệ khá tốt đẹp với hai vị chúa Trịnh là Trịnh Tráng và Trịnh Tạc, khiến cho tình hình đất nước thời bấy giờ khá ổn định, liền năm được mùa, trong nước yên tĩnh, không xảy ra việc gì, như lời sử cũ nhận định. Và điều đó, có thể nói, đó là những đóng góp không nhỏ của ba vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, dưới thời Lê Trung hưng.
VAI TRÒ CỦA TRỊNH TÙNG (1570-1623) TRONG THỜI KỲ VUA LÊ THẦN TÔNG ( 1619 - 1643) TRỊ VÌ ĐẤT NƯỚC
PGS.TS. Vũ Duy Mền*
1. Vài nét về gia tộc và vương nghiệp của Trịnh Tùng trước khi Lê Thần Tông lên ngôi
Lịch sử gia tộc họ Trịnh ở Việt Nam hiện nay đã được một số nhà nghiên cứu cho biết về Sự hình thành sáu dòng lâu đời: sáu cành của cây gia phả họ Trịnh, trong đó, dòng lâu đời 3 là dòng chúa Trịnh Kiểm, ở Sóc Sơn - Biện Thượng, (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Cứ liệu mà họ dựa vào là tộc phả ghi từ thế kỷ XIV. Theo tác giả Họ Trịnh và Thăng Long, thì Khung thế thứ họ Trịnh vùng Sóc Sơn - Biện Thượng trước thời vương nghiệp, (gồm):
Đời trên: Hậu quận công Trịnh Xứng là thân phụ Trịnh Kỷ
Đời 1 Tuy nhân vương Trịnh Kỷ
Đời 2 Phúc ấm vương Trịnh Liễu
Đời 3 Phúc khánh vương Trịnh Lan
Đời 4 Dục đức vương Trịnh Lâu
Đời 5 Minh khang thái vương Trịnh Kiểm.
Thực tế đến Trịnh Kiểm là đời thứ 6 ở Sóc Sơn - Biện Thượng. Bằng tài năng và công lao trong sự nghiệp diệt nhà Mạc từ năm 1539 đến năm 1569, khôi phục lại nhà Lê (thời Lê trung hưng 1533 - 1787), Trịnh Kiểm là người đã đặt nền móng cho vương nghiệp của họ Trịnh. Trịnh Kiểm cũng được coi là chúa Trịnh đầu tiên. Sau khi Trịnh Kiểm qua đời, quyền lực được chuyển giao cho người con trưởng là Trịnh Cối. Nhưng các tướng sĩ không phục Trịnh Cối cả về tài năng và đức độ, đã kéo sang tôn phò thứ tử là Trịnh Tùng. Thấy mình không được các tướng sĩ ủng hộ, mà lại ủng hộ Trịnh Tùng, Trịnh Cối đã đem quân đánh lại Trịnh Tùng, bị thất bại. Do tình thế, buộc Trịnh Cối phải chạy sang đầu hàng và nhận quan chức của nhà Mạc. Quyền lực họ Trịnh được thứ tử Trịnh Tùng tiếp nối đến 10 đời chúa sau (từ năm 1539 đến năm 1787), gồm 249 năm. 12 đời chúa luôn song hành cùng vua Lê (nhiều khi lấn quyền) quản lý đất nước Đại Việt.
Trịnh Kiểm có 3 vợ, 5 con trai và 3 con gái.. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo.. (con gái An Thanh hầu Nguyễn Kim, là chị của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Năm 1599, Bình An vương Trịnh Tùng là cháu kết thông gia với cậu là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Trịnh Tùng xin Nguyễn Hoàng gả con gái nhỏ là Nguyễn Thị Ngọc Tú cho con trai Thế tử của mình là Trịnh Tráng), sinh ra Trịnh Tùng sau được phong Bình An vương, chính thất..Lại Thị Ngọc Trân, sinh ra Trịnh Cối (Trưởng tử), quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà là cháu 5 đời của Lê Lai...
Theo tác giả Phạm Khang cho biết rõ thêm: Ông (Trịnh Tùng) có 3 vợ: một bà họ Đặng [theo Đặng gia phả hệ toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên Lương Xá Hà Tây, người con gái thứ hai (của Thái úy Nghĩa quốc công Đặng Huấn, trước làm quan với nhà Mạc, sau theo về với nhà Lê, có nhiều công lao trong sự nghiệp phù Lê.. Đời thứ 5 có ứng quận công, Quốc lão Đặng Đình Ting, người xã Thụy Hưng, huyện Chương Mỹ). Đặng Thị Ngọc Dao là Thái phi của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng.., tên thụy là Từ Huy, sinh năm Bính Thìn, hưởng thọ 82 tuổi.. bà sinh ra Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng.. Cuối cùng (bà) đã giúp nên cơ nghiệp trung hưng..)], một bà họ Lại, một bà họ Bùi. Có 19 con trai và nhiều con gái. Một trong số những người con gái đó có Trịnh Thị Ngọc Trinh, sau là Đoan từ Hoàng thái hậu sinh ra vua Lê Thần Tông (Duy Kỳ 1619 - 1643 và 1649 - 1662). Vua Lê Thần Tông là cháu ngoại của Bình An vương Trịnh Tùng. Vì mối quan hệ thân thích này, Trịnh Tùng đặc biệt quan tâm đến vua Lê Thần Tông.
Như vậy, gia thế của Trịnh Tùng hai bên nội ngoại đều là họ tộc danh giá, đều là huân thần, danh tướng có công lao lớn trong sự nghiệp đánh nhà Mạc, trung hưng (khôi phục lại) triều Lê và duy tồn triều chính hơn hai trăm năm ở Thăng Long. Trịnh Tùng vốn là người được học hành chu đáo, được thừa hưởng và tiếp nối truyền thống gia tộc phụ nghiệp tử thừa, ông có công trong việc đánh diệt nhà Mạc, nhiều lần đem quân đánh nhau với đại quân của Mạc Kính Điển ở Thanh- Nghệ, Sơn Nam mà không phân thắng bại.. Cuối cùng, sau cái chết của Mạc Kính Điển, Trịnh Tùng cùng với các tướng sĩ đã đánh bại đại quân nhà Mạc, giành lại ngôi vị cho vua Lê ở Thăng Long vào năm 1592. Nhờ có công lao to lớn với triều Lê, năm Kỷ Hợi (1599), được tấn phong Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trưởng quốc công Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương. Không rõ, Bình An vương chính thức mở vương phủ vào năm nào? Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Sau khi Ngô Trí Hòa đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1592), buổi đầu ông làm Án sát sứ Sơn Tây, được Thành tổ (Trịnh Tùng) tri ngộ, không bao lâu được triệu vào làm Đô cấp Lại khoa, bàn chính sự ở phủ chúa. Qua đó cho thấy, vương phủ- cơ quan trung ương của chúa Trịnh (tương đương với cung vua) đã được mở từ năm 1592, hoặc sau đó. Theo các sử thần đời Nguyễn viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, Trịnh Tùng sau khi được phong vương càng lấn át quyền vua Lê.
Ngày 25 tháng 6, năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tùng (1549-1623) mất, hưởng thọ 74 tuổi, tham gia cầm quyền, giúp vua Lê trong 53 năm (1570- 1623). Đặc biệt trong 5 năm cuối đời, thời kỳ đầu của vua Lê Thần Tông (1619-1623), Bình An vương vẫn giữ vai trò chủ chốt, với những đóng góp quan trọng về chính sự và văn hóa xã hội.
2. Vai trò chính sự, ổn định xã hội, chú trọng giáo dục của Trịnh Tùng
- Thực thi chính sự ổn định xã hội.
Năm Canh Tý (1600), Thái úy Đoan quận công Nguyễn Hoàng ngầm sai Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu làm phản; rồi cùng với các quan bàn việc đánh dẹp; xin đem quân đi đuổi đánh; nhân cớ đó đã đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hóa.
Nhân sự kiện đó, Bình An vương sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử là Lê Nghĩa Trạch đem thư vào Quảng Nam trao cho Nguyễn Hoàng. Đại thể trong thư viết rằng: theo lệnh của triều đình, cậu (Nguyễn Hoàng) ở lại coi giữ đất Thuận Hóa, nhưng hàng năm phải đốc nộp đầy đủ thuế để cung việc chi tiêu của nước..Nếu cậu thuận theo, thì công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp mấy đời dài lâu không mất. Nếu không thế, thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình đem quân đánh có cớ lắm rồi, danh tiết của cậu sẽ ra sao?.. xin hãy nghĩ kỹ, chớ để hối hận về sau. Qua thư Bình An vương gửi Nguyễn Hoàng cho thấy: tưởng rằng Bình An vương, đứa cháu ngoại đang ra sức phò vua Lê giúp nước, nhưng thực chất lại lấn át cả quyền vua Lê lúc bấy giờ. Rút cuộc, Nguyễn Hoàng không nghe theo và vẫn tích cực thực hiện mưu đồ cát cứ, xây dựng một vương quốc riêng ở Đàng Trong..
Thời vua Lê Kính Tông (Duy Tân 1600-1619), Bình An vương Trịnh Tùng cùng với Thế tử là Trịnh Tráng tiếp tục phải đánh dẹp dư đảng của nhà Mạc và các cuộc nổi dậy ở Hải Dương, Yên Quảng, ổn định lại trật tự xã hội. Năm Nhâm Tý (1612), Thiêm đô ngự sử Ngự sử đài là Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát ngự sử 13 đạo, Phạm Trân và các đồng sự cùng dâng tờ khải lên Bình An vương rằng: Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi.., yêu cầu nhà vua và các quan phải sửa đức, triều đình phải chăm lo đến đời sống của người dân. Năm Bính Thìn (1616), Tả thị lang Hộ bộ Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ, Hữu thị lang Lại bộ Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An vương: can ngăn không nên tăng thêm việc tuyển lính ở xứ Thanh Hoa, bởi trong năm đã hai lần xảy ra hạn hán, đời sống của người dân trăm bề khó khăn.. Mùa đông, tháng 10 năm Mậu Ngọ (1618), Tả thị lang Lại bộ Phú Xuân hầu Ngô Trí Hòa, Tả thị lang Hộ bộ Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng Phạm Trân và các đồng sự lại dâng khải lên Bình An vương, gồm 6 việc: ..1. Xin sửa đức để cầu mệnh trời. 2. Ngăn quyền hào để nuôi sức dân. 3. Cấm phiền hà để dân sống khá. 4. Cấm xa xỉ để của dân phong túc. 5. Dẹp trộm cướp để dân ở yên. 6. Sửa quân chính để bảo hộ dân sinh. Bấy giờ vua đem hết mọi việc trong nước giao cho Bình An vương xử đoán, cho nên khải trình bày rõ ràng là muốn để cho vương biết rõ mà giúp làm nhân chính... Trong tờ khải của Lưu Đình Chất có viết rõ rằng: ..Phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một tệ gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi nhân chính cho dân... Với sự tin cậy, ủy thác của vua Lê Kính Tông, vì lợi ích của người dân và vương chính, những lời khải trên đều được Bình An vương khen ngợi và xem xét để thi hành, nhằm nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, đem lại cuộc sống an bình cho người dân trong nước.
- Việc phế bỏ Lê Kính Tông, đưa Lê Thần Tông lên ngôi vua
Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1619), khi Bình An vương đến bến Đông Tân (bến sông Nhị, ở phía Đông kinh thành Thăng Long) xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba? thì có người dùng súng nấp bắn vào chân voi vương đang cưỡi. Quan quân bắt được kẻ bắn lén. Thanh quận công Trịnh Tráng cùng với Nội giám là Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện, tra ra mới biết là vua Lê Kính Tông cùng với vương tử là Trịnh Xuân âm mưu giết Bình An vương.
Ngày 12 tháng 5, Trịnh Tùng bắt hiếp vua (Lê Kính Tông) tự thắt cổ chết. Vạn quận công Trịnh Xuân âm mưu bắn vương phụ, bị Lê Bật Tứ hặc tội và giam vào nội phủ.
Tháng 6, năm Kỷ Mùi (1619), Hoàng tử là Duy Kỳ (1608-1662), con Trưởng của Kính Tông và Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của Bình An vương) lên ngôi ở điện Cần Chính; đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ nguyên niên (Lê Thần Tông năm thứ nhất); đại xá thiên hạ.
Vua Lê Thần Tông tại vị 38 năm, nhường ngôi 6 năm, hưởng thọ 56 tuổi, mất an táng ở lăng Quần Ngọc; 7 lần đổi niên hiệu:
Vĩnh Tộ (1619- 1628), Đức Long (1639- 1634), Dương Hòa (1635- 1643), Phúc Thái (1643- 1649), Khánh Đức (1649- 1652), Thịnh Đức (1653- 1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662).
Sau khi lên ngôi, năm Canh Thân, Vĩnh Tộ thứ 2 (1620), sai Chánh sứ Nguyễn Thế Tiêu và Nguyễn Cung, Phó sứ gồm Bùi Văn Bưu, Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Khuê, Nguyễn Tuấn sang nước Minh dâng hai lễ cống, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ bang giao với nước Minh (Trung Quốc).
- Việc chọn Trịnh Tráng làm Thế tử
Tháng 6 năm Quý Hợi (1623), Bình An vương bị cảm, đã cho triệu tập các quan văn võ bàn chọn Thế tử. Ngày 17, triều thần kính tâu lấy Thế tử là Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng nắm giữ binh quyền; lấy con thứ là Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân chức Phó giữ binh quyền. Ngay hôm sau, Trịnh Xuân (phản ứng, có thể do không bằng lòng với chức vụ mới được phong) tự đem voi ngựa, khí giới, quân lính bản bộ dàn bày ở xứ Đình Ngang; sai bọn Điện quận công, Bàn quận công phá vào nội phủ, cướp lấy voi ngựa vàng bạc, tài vật bắt vương phải dời ra ngoại thành. Rồi phóng lửa đốt cháy lan đến các xứ ở kinh kỳ... Bình An vương phải chạy ra xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì; vào dinh của người em ruột là Phụng quốc công Trịnh Đỗ; rồi dụ Trịnh Xuân đến để trao đại quyền. Khi Trịnh Xuân đến, Bình An vương kể tội Xuân là kẻ loạn thần tặc tử, rồi sai Bùi Sĩ Lâm chặt chân cho chết. Bấy giờ, Trịnh Đỗ sai con trai là Thạc quận công (không rõ tên?) đi đón Thế tử Trịnh Tráng đến bản dinh. Biết được âm mưu phản nghịch của cha con Trịnh Đỗ muốn hại Trịnh Tráng, nên Lưu Đình Chất đã can ngăn Trịnh Tráng không nên đi theo.. Trịnh Tráng đã kịp tỉnh ngộ nên thoát nạn. ngày 20 tháng 6, Bùi Sĩ Lâm hộ vệ Bình An vương đến quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai. Ngày 25, vương mất, Thế tử Trịnh Tráng đưa về Ninh Giang, phát tang. Sai Trị quận công (không rõ tên ?), sắp sửa 13 chiếc thuyền rước linh cữu thuận đường thủy đem về chôn..
Tháng 7 năm Quý Hợi (1623), vua tấn phong vương Thế tử Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng làm hiệp mưu đồng đức công thần đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm quản nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái úy Thanh quốc công, giao cho xử quyết mọi việc. Như thế, Bình An vương đã chọn được người kế nghiệp, nối tiếp ngôi chúa xứng đáng của họ Trịnh.
- Chú ý đến Giáo dục và khoa cử Nho học (đào tạo nhân tài)
Trong 5 năm đầu, thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1623), (cũng là 5 năm cuối của Trịnh Tùng), Bình An vương tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và khoa cử Nho học, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long, vốn được mở năm 1070, thời Lý Thánh Tông (1054- 1072). Đây là một trường Nho học cao cấp của nhà nước quân chủ, từng được các vương triều từ Lý - Trần Hồ - Lê sơ - Mạc thường xuyên duy trì, nhằm đào tạo các Giám sinh - cung cấp nguồn thí sinh cùng với các Hương cống (người đỗ thi Hương 4 kỳ) trực tiếp tham gia vào các khoa thi Hội, thi Đình (thi Tiến sĩ). Thời kỳ Bình An vương (1592- 1623), trường Quốc Tử Giám vẫn được duy trì, đào tạo các Giám sinh, nhằm cung cấp Giám sinh (thí sinh) cho các khoa thi Hội mà triều đình Lê- Trịnh cứ 3 năm mở một khoa (thi Hội - thi Đình), chọn nhân tài cho Nhà nước sử dụng. Ngô Trí Hòa cùng bố mình là Ngô Trí Tri, người làng Lý Trai, huyện Đông Thành, Nghệ An, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn năm Quang Hưng 15 (1592). Năm 1608, vì có công đi sứ, Ngô Trí Hòa được thăng Thượng thư bộ Hộ, kiêm chức Tế tửu (tương đương chức Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám ở Thăng Long.
Từ khoa thi năm Ất Mùi (1595) đến khoa thi năm Bính Thìn (1616), theo định lệ triều đình Lê Trịnh cử 3 năm mở một khoa thi đại tị, đã mở được 8 khoa thi Hội.
Đến mùa xuân, tháng 2 năm Kỷ Mùi (1619), lại tổ chức thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ Trần Hữu Lễ cùng 6 người. Trần Hữu Lễ, người xã Cát Bi, huyện Thượng Phúc, (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội), đỗ Hội nguyên (đỗ đầu thi Hội). Đến khi thi Đình, Nguyễn Lại người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, (Thanh Hoa- Thanh Hóa) đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, Bùi Cầu và 5 người khác đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Mùa xuân năm Quý Hợi (1623), thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ Phạm Phi Kiến 7 người. Phạm Phi Kiến, người xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội), đỗ Hội nguyên.
Tháng 4, thi Điện (Đình), bấy giờ Nguyễn Trật, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoa), ngầm mượn người làm bài, việc bị phát giác. Vì thế, Bình An vương không bằng lòng; cho nên khoa đó không cho treo bảng vàng.
Trong mười khoa thi Hội thời Lê- Trịnh (1595 - 1623), trước khi Bình An vương qua đời đã lấy đỗ 65 Tiến sĩ, trong đó có 10 Hội nguyên, 6 Đình nguyên Hoàng giáp và 2 Đình nguyên Tiến sĩ. Hầu hết các vị Tiến sĩ đó đều được bổ quan chức trong triều đình Lê- Trịnh. Nhiều người trong số đó sau đã nắm những chức vụ trọng yếu của triều đình Đại Việt trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa.. đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giữ vững vương triều và đất nước Đại Việt..
Sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá cao công lao, sự nghiệp của Bình An vương Trịnh Tùng đối với việc trung hưng nhà Lê: Ông thực sự làm chúa cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy. Chúa từng giúp Kính Tông, Thần Tông, giữ việc chính 53 năm..; có nhiều đóng góp to lớn đối với vương triều Lê - Trịnh lúc bấy giờ.
Thay lời kết
Trịnh Kiểm là vương phụ của Trịnh Tùng, có công lớn trong những năm tháng đầu tiên khôi phục (trung hưng) lại quyền vị của nhà Lê ở miền Tây Thanh Hóa, đặt nền móng cho vương nghiệp của họ Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội) sau đó. Trịnh Tùng là Thế tử, đã kế nối xứng đáng vương nghiệp của cha mình. Bằng tài năng, mưu lược của Trịnh Tùng, được các tướng sĩ đồng lòng ủng hộ, qua nhiều cuộc giao tranh với tướng quân lão luyện Mạc Kính Điển của nhà Mạc không phân thắng bại, cuối cùng quân nhà Mạc đã bị đánh đuổi khỏi Thăng Long và bị tiêu diệt hoàn toàn. Tàn quân nhà Mạc phải chạy lên nương náu ở Cao Bằng 86 năm (sau năm 1592 đến năm1677), mong khôi phục lại cơ đồ, nhưng đã thất bại. Sau khi vua quan nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, Trịnh Tùng đã cho đón vua Lê Thế Tông (Duy Đàm 1573-1600) về trị vì tại kinh thành Thăng Long. Năm Kỷ Hợi (1599), chính nhờ vào công lao to lớn đó, Trịnh Tùng được tấn phong Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trưởng quốc công Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương. Vương đứng đầu trăm quan, công lao thật hiển hách. Mọi việc, vua Lê đều giao cho Bình An vương tự quyết đoán xử lý. Có lẽ cũng vì thế mà quyền của vương đã lấn át quyền của vua Lê. Bình An vương được mở vương phủ, cơ quan trung ương để điều hành chính sự, ngang hàng với cung vua, để khuông phò nhà Lê. Vương phủ được mở vào năm nào, chưa rõ? Quy mô ban đầu của vương phủ được thiết kế xây dựng ra sao tại kinh đô Thăng Long? Việc bố trí nhân sự buổi ban đầu, ngoài chức Bồi tụng (tương đương chức Phó tể tướng), Tham tụng (tương đương chức Tể tướng), Đô cấp sự lục khoa.. và các chức vị khác trong vương phủ ra sao? Có lẽ cần tìm thêm tài liệu để soi sáng. Trong vương nghiệp của mình trải qua 53 năm, đặc biệt trong 5 năm cuối đời, cũng là 5 năm đầu thời vua Lê Thần Tông (1619- 1623), Bình An vương đều đã tận lực với sự nghiệp phù Lê trên mọi mặt từ chính sự đến văn hóa, giáo dục, xã hội, quân sự, ngoại giao. Nhưng cũng chính thông qua các hoạt động đó, Bình An vương đã xây đắp nền móng vững chắc cho vương nghiệp các chúa Trịnh kế tiếp, nhằm duy trì một thể chế chính quyền đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử quân chủ Việt Nam, chế độ vừa có vua Lê, vừa có chúa Trịnh cùng song hành tồn tại hơn hai trăm năm ở Đại Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học. Hà Nội 1960-1961. Tập I và III.
2. Binh Di- Quang Vũ. Họ Trịnh & Thăng Long. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2008.
3. Đặng gia phả hệ toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên Lương Xá Hà Tây. Ngô Thế Long dịch và chú thích. Nxb Thế giới. Hà Nội 2006.
4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thăng Long thời Lê - Trịnh. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2012.
5. Ngô Sĩ Liên & các Sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1973. Tập IV.
6. Phạm Khang. Kể chuyện Lịch sử Việt Nam. Nxb Văn hóa- Thông tin.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục. Hà Nội 1998. Tập Hai.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1970. Tập II.
9. Trịnh Như Tấu (soạn - 1933). Trịnh gia chính phả. Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội 2008.
10. Vụ bảo tồn bảo tàng. Niên biểu Việt Nam (in lần thứ ba có chỉnh lý & bổ sung). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1984.
VỀ BA VỊ HOÀNG ĐẾ TRIỀU LÊ TRUNG HƯNG:
LÊ THẦN TÔNG, LÊ CHÂN TÔNG VÀ LÊ HUYỀN TÔNG
TS. Nguyễn Hữu Tâm*
Vào cuối thế kỷ XVI, sau khi đã lật đổ thế lực triều Mạc, triều Lê hoàn thành sự nghiệp Trung hưng, thống trị phía Bắc, đặt Kinh đô tại Thăng Long. Lúc này, thế lực họ Trịnh với những công lao to lớn trong việc tiêu diệt triều Mạc đã gây sức ép với vua Lê. Năm 1599, Trịnh Tùng buộc vua Lê Thế Tông (1573-1599) phải sai Thái tể Hoàng Đình Ái đem Sách thư tiến phong Tùng làm Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương. Bắt đầu từ đây, họ Trịnh thực hiện chế độ thế tập tước vương, hình thành một thể chế chính trị đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: Triều đình (Lê) và Phủ Chúa (Trịnh) song hành tồn tại. Giới nghiên cứu lịch sử thường gọi là thời kỳ Vua Lê Chúa Trịnh, cũng có nhà nghiên cứu đã định danh đây là thời kỳ Lưỡng đầu chế.
Bước vào cuối thập niên 20 cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII, quốc gia lại tiếp tục chìm đắm trong cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở miền Bắc và Nguyễn ở miền Nam. Thời gian nội chiến kéo dài suốt 45 năm, trải qua 7 cuộc chiến đấu tranh chấp dữ dội giữa hai bên, cuối cùng không phân thắng bại, hai bên cùng nhau thống nhất lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia địa giới 2 miền Nam Bắc. Nội chiến giữa họ Trịnh Đàng Ngoài và họ Nguyễn Đàng Trong vào thế kỷ XVII, giống như cuộc chiến tranh giữa Trịnh - Mạc ở thế kỷ XVI, cũng đưa lại hậu quả khủng hoảng xã hội, khiến cho cuộc sống dân chúng ngày càng lầm than, đất nước lâm vào tình cảnh kinh tế kiệt quệ.
Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông là ba vị hoàng đế trị vì Đại Việt trong giai đoạn Trung hưng của triều Lê, từ 1619 đến 1671, kéo dài 52 năm. Trong đó, Lê Thần Tông với hai lần làm vua vào các năm 1619-1643 và 1649-1662, tổng cộng 38 năm ở ngôi đặt 6 niên hiệu: Vĩnh Tộ (1619-1629), Đức Long (1629-1635), Dương Hòa (1635-1643), Khánh Đức (1649-1653), Thịnh Đức (1653-1658), Vĩnh Thọ (1658-1662). Thời gian nắm vương quyền của ba vị vua trên (1619-1671) ở giai đoạn Trung hưng của triều Lê, gần như nằm trọn vẹn trong thời kỳ nội chiến khốc liệt Đàng Trong Đàng Ngoài giữa hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn (1627-1672).
Có một điều cần nhấn mạnh đối với cả ba vị vua là khi lên nắm giữ cương vị cao nhất của vương triều đang còn rất trẻ, đều ở độ tuổi thiếu niên. Vua Thần Tông lên ngôi lúc 12 tuổi, vua Chân Tông lên ngôi năm13 tuổi, vua Huyền Tông lên ngôi khi có 9 tuổi. Tuy được nắm quyền trong bối cảnh xã hội mà họ Trịnh đang từng bước lấn át và thao túng vương triều, bản thân còn ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng ba vị vua ít nhiều cũng đã thể hiện được tư chất đức độ và năng lực điều hành đất nước của mỗi người. Sử thần đời sau đã giành các cụm từ bậc vua giỏi, có đức của người làm vua, hay bậc vua hiền để ngợi ca các vị.
Lê Thần Tông (1607-1662), một trong hai vị vua có thời gian ở ngôi dài nhất (tổng cộng hai lần là 38 năm, tương đương với thời kỳ Lê Thánh Tông trị (1460-1497) của lịch sử trung đại Việt Nam. Thời gian hai lần lên ngôi, vua Thần Tông đã góp phần công sức để tạo dựng vương triều Lê trong giai đoạn Trung hưng. Giới nghiên cứu thường nêu ra điều đặc biệt của Thần Tông là sau khi đã làm vua lần 1 được 25 năm (1619-1643), truyền ngôi rồi lui về làm Thái Thượng hoàng, nhưng đến khi vua con là Lê Chân Tông (1643-1649) chết, không người nối ngôi, lại tiếp tục đảm trách cương vị cao nhất của triều đình kéo dài thêm 13 năm nữa. Lê Thần Tông với 38 năm trị vì quốc gia đã trải ba đời vương bên phủ chúa Trịnh bắt đầu từ Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1623) qua Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657) đến Tây Đô vương Trịnh Tạc (1657-1682). Quan hệ giữa cung Vua (triều Lê) và phủ Chúa (Họ Trịnh) trong thời gian Thần Tông giữ ngôi vua được diễn ra khá hòa thuận, yên ổn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã giành những trang chép về Thần Tông như sau: Tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi thì mất, chôn ở lăng Quần Ngọc.
Nhà bác học Phan Huy Chú đã miêu tả một cách sâu sắc về vị vua này trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: Vua mũi cao, mặt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà chúa một nhà hòa vui yên ấm. Đoạn ghi chép này của bác học họ Phan hoàn toàn thống nhất như đánh giá của các sử thần triều Lê về Thần Tông: Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi.
Quốc sử chép về Lê Chân Tông (1630-1649) người kế vị Lê Thần Tông như sau: [Vua] tên húy là [Lê] Duy Hựu, con trưởng của [Lê] Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi thì băng, táng ở lăng Hoa Phố.
Các sử thần đánh giá về tính cách, tài đức cùng cống hiến trong thời kỳ nắm vương quyền của Chân Tông: Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm, liền năm được mùa. Bản Chế phong của triều Minh cũng công nhận đức độ, tài năng vua Chân Tông [Lê Duy Hựu] trong quá trình làm vua: Đô Thống ty sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức hay chinh phục cõi hoang, mà tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Sử quan triều Lê khẳng định tài trị nước của vua Chân Tông có thế so sánh với những vị vua giỏi của phương Bắc: Nếu trời cho sống lâu thì cũng được đông người, giàu của như tiếng tốt của Văn Đế nhà Hán vậy.
Trong thời gian Lê Chân Tông làm vua, sự kiện triều Minh công nhận Thái thượng hoàng Lê Thần Tông làm An Nam Quốc vương được Quốc sử chép đầy đủ. Các thư tịch cổ Việt Nam đều ghi lại, nội dung như sau: Bính Tuất, [niên hiệu] Phúc Thái thứ 4 [1646] , Vua Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang Sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang nước ta phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương. Đây có thể coi là một sự kiện vô cùng quan trọng vì từ khi triều Lê được trung hưng mở đầu là vua Lê Trang Tông (1533-1548), triều Minh chỉ mới phong cho các vua Lê thời Trung hưng là Đô thống sứ ty. Cho nên việc triều Minh ban phong An Nam Quốc vương là đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong quan hệ giữa triều Lê Trung hưng và các triều vua phương Bắc, khẳng định vai trò chính thống của triều Lê trong việc quản lý quốc gia Đại Việt.
Lê Huyền Tông tên thật là Lê Duy Vũ (1654-1671), còn có tên khác là Lê Duy Hy, con thứ hai của Lê Thần Tông và là em của Lê Chân Tông. Mẹ đẻ là Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Huyền Tông là vị vua thứ 8 triều Lê Trung hưng, lên ngôi lúc 9 tuổi, trị vì được 9 năm và mất năm vừa 18 tuổi. Bác học Phan Huy Chú chép về Lê Huyền Tông: Vua thần thái nghiêm trang, tư chất khoan hậu, ngồi chắp tay giữ nghiệp trước, trong nước yên trị. Lại thông hiếu với Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu phong An Nam Quốc vương.
Vua Gia Tông đã tổng kết cuộc đời làm vua, trị vì đất nước, ban bố luật lệnh, đối nhân xử thế trong gần 10 năm của Huyền Tông khiến cho đất nước thanh bình, liên tiếp nhiều năm được mùa, dân chúng no đủ, quốc gia giàu mạnh, nâng cao được uy thế của triều đình như sau: Khi còn ít tuổi lên ngôi, hun đúc thánh đức, luyện rèn học thuật, thanh danh xa khắp phương ngoài. Tín nghĩa vừa lòng thượng quốc, ân sủng được phong tước vương, vinh dự được ban ấn vàng, ở ngôi được gần 10 năm, thời tiết hòa thuận, liền năm được mùa, dân mạnh của giàu, hiệu lệnh điển chương rõ ràng đầy đủ. Hơn nữa, bên trong bốn bể bình yên, bên ngoài các man sợ phục. Đất đai rộng, nhân dân đông, so với thời trước thực khác hẳn.
Các sử thần triều Lê đánh giá cao cống hiến của Lê Huyền Tông đối với quốc gia trong những năm trị vì: Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy. Năm 1667, trong Sách văn của triều đình nhà Thanh, cũng phải viết những dòng khen ngợi vua: Nết giống ông cha, tôn người đức tốt, điển chương đã chép từ xưa, nối chức người trước, thờ phụng tổ tiên, sùng mệnh ban ra buổi sớm Xét ngươi, trung trinh mấy đời dốc chí, tiếng tốt xứ thường vẫn nối noi.
Trong cuộc đời ngắn ngủi làm vua của Lê Huyền Tông, ông cũng để lại dấu ấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa triều Lê với triều Thanh. Tháng Sáu năm 1663, tức là ngay khi vừa lên ngôi, Huyền Tông đã cử sứ bộ sang triều Thanh. Bình luận về việc này, nhà sử học Đặng Xuân Bảng trong tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu chép: Bấy giờ nhà Minh đã mất, người Thanh vào làm vua ở Yên Kinh [Bắc Kinh] mà nước ta chưa thông sứ. Năm trước, nhà Thanh có sắc dụ và tiền bạc đến tặng. Vì thế, sai Lê Hiệu, Dương Hậu, Đồng Tồn Trạch sang tuế cống nhà Thanh và báo tang vua Thần Tông.
Tháng Ba, mùa xuân, năm Đinh Mùi (1667) triều Thanh cử Nội quốc sử viện Thị độc Học sĩ là Trình Phương Triều làm Chánh sứ đoàn sứ bộ đem Sách văn phong cho vua [Huyền Tông] làm An Nam Quốc vương. Sau đó, đến tháng Bảy, mùa thu cùng năm (1667), triều Lê cử Chánh sứ Nguyễn Nhuận dẫn đầu đoàn sứ sang nộp tuế cống, đồng thời sai Nguyễn Quốc Trinh làm Chánh sứ đoàn sứ sang tạ ơn. Việc các đoàn sứ hai triều Lê, Thanh trao đổi qua lại, đã đánh dấu cho sự mở đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước, kể từ khi triều Thanh được thành lập năm 1645. Đồng thời, cũng ghi nhận những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và phương Bắc của Lê Huyền Tông khi cầm quyền.
Tháng Mười, năm Tân Hợi (1671), vua Huyền Tông băng chết, các sử thần thổ lộ lòng thương tiếc một vị vua tài giỏi như vậy mà đoản mệnh, không giữ ngôi vị được lâu dài Nhưng ở ngôi không được lâu, thật đáng tiếc. Tháng mười một, rước linh cữu của vua về chôn ở lăng Quả Thịnh, lập điện Càn (Kiền) Long để thờ theo về quê hương của thân mẫu vua là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bà là vợ của vua Lê Thần Tông, được ban là Thái hậu, năm Giáp Ngọ (1654), sinh được một hoàng tử, đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Khi Lê Duy Vũ lên ngôi (tức vua Lê Huyền Tông), đã tôn thân mẫu là Phạm Thị Ngọc Hậu làm Hoàng Thái hậu.
Sau khi Huyền Tông chết, Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất.
Tóm lại, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông đã nắm giữ vương quyền trong hơn năm mươi năm của thế kỷ XVII, mặc dù bị sự o ép của họ Trịnh, nhưng các vị vua đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Với những cống hiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa giáo dục các vị quân vương trên xứng đáng được kính trọng và được ghi nhận trong tiến trình lịch sử giữ nước hàng nghìn năm hào hùng của dân tộc Việt Nam.
CHÙA ĐẠI BI VỚI VUA LÊ THẦN TÔNG VÀ BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU (THẾ KỶ XVII)
TS. Hoàng Minh Tường*
Chùa Đại Bi còn gọi là chùa Mật Sơn, nằm dưới núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Ngọc Lữ) thuộc xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn xưa, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Bố Vệ xưa cũng được coi là nơi phát tích của dòng họ Lê. Chùa là nơi xây cất lăng tẩm của một số vị vua và hoàng hậu, cũng là nơi được lựa chọn đặt Thượng sàng hạ mộ của vua Lê Thần Tông. Đây là nét độc đáo của chùa, khi gắn liền với một vị vua. Chùa Đại Bi là địa danh lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy là một công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật, song sự hình thành và phát triển của chùa gắn liền với tên tuổi, đức nghiệp của vua Lê Thần Tông, vị vua duy nhất lên ngôi hai lần trong thời kỳ phong kiến tự chủ ở nước ta.
Lê Thần Tông sinh ngày ngày 19, tháng 11 âm lịch, năm Đinh Mùi -1607, là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Trịnh Tùng. Ông là cháu nội của Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng. Năm 1619, Hoàng tử Lê Duy Kỳ được lập lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thần tông. Ông là vị vua duy nhất triều Lê Trung hưng được lên làm vua tới hai lần (lần 1 từ năm 1619 đến 1643, lần 2 từ năm 1649 đến 1662) và trị vì đất nước tới 38 năm.
Ghi chép về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thần tông, sách Tường trình về Đàng ngoài (còn có tên là Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) của linh mục Alexandre de Rhodes, có ghi chuyện người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu, là Lê Duy Kỳ, cho biết, ông sinh ngày 19/11 năm Đinh Mùi 1607, con trưởng của vua Lê Kính Tông và bà Trịnh Thị Ngọc Trinh. Sau này, năm Kỷ Mùi 1617, Duy Kỳ lên ngôi vua với hiệu là Lê Thần Tông. Duy Kỳ là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng, được đưa lên làm vua lúc mới 12 tuổi, sống mũi cao, da trắng trẻo, lớn lên rất đẹp trai, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, làm vua được 24 năm thì nhường ngôi cho con trai mới 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Lê Chân Tông lên ngôi, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu . Thế nhưng, ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, chết, nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua. Đến năm Nhâm Dần 1662, Lê Thần Tông qua đời. Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ của ông, tên là Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông), ở ngôi 9 năm thì ốm, chết. Kế vị cũng là một con trai nữa của Lê Thần Tông tên là Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông). Lê Gia Tông ở ngôi 4 năm thì ốm, chết. Nối ngôi là con út của Lê Thần Tông, tên là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông). Như vậy, Lê Duy Kỳ là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa Việt Nam có hai lần lên ngai vàng làm vua. Lê Duy Kỳ (1607-1662) làm vua với hiệu Thần Tông, Lê Duy Kỳ (Thần Tông) còn có tới 4 người con liên tiếp lên làm vua.
Về niên đại khởi dựng ngôi chùa xưa, sách Từ điển di tích Việt Nam ghi: "Chùa dựng năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671) xây toàn bằng đá, có gác chuông hai tầng, treo quả chuông đúc năm 1679. Gác chuông này nguyên xưa ở phía sau chùa, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) gác chuông bị bão đổ. Khi dựng lại được dựng ra trước chùa. Trong chùa có 4 tượng A Di Đà cao gần 3 m, tượng Hộ pháp cao 2,3 m, bên tả có tượng Lê Thần tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ Thái hoàng Thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ Hoàng Thái hậu và bốn phi tần". Cũng ghi về niên đại khởi dựng chùa cổ, sách Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam còn ghi, chùa này do Lê Huyền Tông dựng vào năm 1761 thờ vua cha là Lê Thần Tông và các Hoàng thái hậu1.
Ghi chép về chùa Đại Bi, sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn viết: Vua Lê Thần Tông lên núi chơi, sai dựng chùa ở cạnh núi. Tạo chân dung nhà vua, nay dân sở tại thờ. Sách Thanh Hóa đẹp như tranh, Le Breton ghi chép cặn kẽ về ngôi chùa Đại Bi: Tại làng Mật Sơn, Vua Lê Thần tông đã cho dựng lên một ngôi chùa thờ mình. Trong chùa có 4 gian. Gian thứ nhất thờ Tam thế Phật, tượng trưng cho 3 vị Phật thuộc 3 kiếp: Quá khứ - Hiện tại Tương lai. Gian thứ hai thờ Quan thế âm Bồ tát mẹ từ bi. Ở gian thứ ba, phía bên phải thờ Thiên Phủ (tức là Phật bà nghìn tay nghìn mắt) và phía bên tay trái là tượng Vua Lê Thần tông. Ngay trước bệ thờ vua nhưng dưới cấp bậc thấp hơn, hai bên tả hữu phối thờ 6 pho tượng mặc quốc phục nhằm tượng trưng cho hoàng hậu và 5 vị phi tần của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Việt Nam, Trung Hoa, Ai Lao (Lào), Xiêm La, Mường và Hòa Lan (Hà Lan). Chính điều này đã khiến Vua Lê Thần tông được biết đến như là một trong những vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, khi có hai lần lên ngôi và có phi tần là người ngoại quốc.
Về tượng Vua Lê Thần tông, theo tài liệu khảo tả, được tạo bằng gỗ theo tỷ lệ 1/1, khắc họa chân dung vua với gương mặt trái xoan vừa có nét đôn hậu, lại vẫn giữ được sự tôn quý, uy nghi của bậc đế vương. Y phục được tạc theo nghi lễ thiết triều, không có đai vàng. Tượng ngồi trong tư thế tọa thiền, hai tay đặt nằm trước bụng và được che bởi ống tay áo rộng. Tượng ngồi trên bệ sen, với 3 lớp cánh hoa sen. Bệ sen được tạo dáng như ngai vàng của Hoàng đế.
Sử cũ cho biết: Lê Duy Kỳ - Vua Lê Thần Tông có sáu bà vợ. Bà vợ đầu tiên tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc này: Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt .
Sau bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông Lê Thần Tông còn có 5 bà vợ, mỗi bà thuộc một dân tộc: bà vợ thứ 2 là người Thái, bà vợ thứ 3 là người Mường, bà vợ thứ 4 là người Hán, bà vợ thứ 5 người Lào và bà vợ thứ 6 người Hà Lan. Bà phi người Hà Lan tên là là Orona, con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Lê Thần Tông là vị vua duy nhất Việt Nam lấy vợ người châu Âu! Sáu pho tượng này, mỗi người một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Tượng bà Orona -thờ trong chùa Mật Sơn, Thanh Hóa - có khổ người to hơn hẳn so với các tượng còn lại. Sáu bà hoàng là 6 dân tộc khác nhau: Kinh Thái Mường Hán Lào Hà Lan. Tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen hai lớp còn các bà khác đội vương miện trong tư thế toạ thiền. Giáo sĩ Alexandre de Rodes tới Thăng Long đã từng viết về bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc như sau: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Hiện nay tại chùa Bút Tháp vẫn còn tượng Bà bằng gỗ sơn son thếp vàng vào thế kỷ XVII.
Theo văn bia "Mật Sơn Đại Bi Tự", vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) vào cuối đời, năm Cảnh Trị 9 (1671) đã cho dựng ở núi Mật Sơn, ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông và các bà Hoàng hậu cùng phi tần của vua cha. "Trong chùa có tượng Phật Di Đà, tượng Hộ Pháp. Bên trái có tượng vua Lê Thần Tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ thái hoàng thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ hoàng thái hậu và 4 bà phi tần. Năm 1932, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thăm chùa Mật, thấy "Tượng vua Lê Thần Tông ngồi giữa, chung quanh là sáu bà vợ vua, mỗi bà một bệ mà bà nào cũng nghiêm chỉnh cả". Ba mươi năm sau -1962- quay trở lại, họa sĩ cho biết: "Bây giờ những tượng đó vẫn còn, chùa bị máy bay oanh tạc hồi đầu kháng chiến đã cháy mất nhẵn nhụi, nhưng những pho tượng được nhân dân bảo vệ đem vào để trong hang đá nay vẫn còn. Mặt phấn của tượng đã bị tô lại một cách tai hại, nhưng nó vẫn cho ta thấy một cách rõ ràng tại sao các cụ lại trau chuốt nó ở những nơi nhất định, tại sao đầu tượng lại to như vậy, chân lại ngắn, lưng lại sơ sài và thẳng sừng sững như vậy". Hiện nay, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; những tựợng còn lại đang thờ ở chùa Mật sơn. Đây có thể coi là những tượng chân dung đẹp của thời Lê- Trịnh và cũng là tư liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình và phục trang của thời kỳ này.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, chùa được xây dựng bố cục theo hình chữ Đinh (I). Bái đường gồm 5 gian, chính điện 3 gian, cách Kênh Vi chừng 200m. Dọc theo vào điện thờ chùa Đại Bi là hai dải Tả vu, Hữu vu. Trước kia, trong chùa có hàng trăm pho tượng Phật và các La Hán- những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm vào thế kỷ thứ XVII. Tuy nhiên, hiện nay những pho tượng này phần lớn đã bị thất lạc. Sân chùa bài trí rất nhiều hiện vật bằng đá như: voi, ngựa, nghê, bia đá, khánh đá. Tam quan xây theo kiểu chồng diêm ba tầng mái cong, phía trên cùng treo chuông đồng nặng 2 tạ. Ở khu vực điện thờ được bài trí gồm: gian thứ nhất (tính từ trong ra ngoài) là ba pho tượng Tam thế, gian thứ hai thờ tượng Quan Thế Âm, gian thứ ba chia làm hai: bên phải là tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, bên trái là tượng vua Lê Thần tông đặt cao, phía trước mặt thấp hơn, xếp theo tả hữu là tượng 6 bà hoàng phi mặc quốc phục.
Năm 1959, những pho tượng các bà vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê chỉ cách chùa Mật Sơn không xa, thuộc địa phận phường Đông Vệ. Năm 2010, chùa Đại Bi được phụng dưng, các pho tượng thờ vua Lê và các pho tượng sáu bà vợ vua Lê Thần Tông được rước về chùa để, mọi người thờ phụng và chiêm bái.
Một trong số các tượng thờ ở chùa Đại Bi là bà phi của vua Lê Thần Tông là Phạm Thị Ngọc Hậu, (còn có tên gọi khác là Phạm Thị Ngọc Oánh), về sau bà được phong làm Đoan Thuần Hoàng thái hậu và là mẹ vua Lê Huyền Tông.
Bà Phạm Thị Ngọc Hậu quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Thân sinh bà là ông Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, tức là làng Kim Bảng. Ông Kiên lấy bà Chu Thị Loan, người xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sinh ra hai con gái là Ngọc Hiền, Ngọc Hậu. Khi chị em Phạm Thị Ngọc Hậu, Phạm Thị Ngọc Hiền mới hơn 10 tuổi, cha lâm bệnh qua đời, có một thầy địa lý từng chịu ơn giúp đỡ của gia đình họ Phạm nghe tin tìm đến viếng và xin tìm một nơi đất tốt để táng ân nhân, coi đó như sự trả ơn đền nghĩa. Ngôi đất đó được coi là phúc địa, thầy địa lý tiên đoán đó là thế đất nhất giá công hầu, nhất giá vương (Một người lấy công hầu, một người lấy vua). Nhiều người không hiểu cho đó là chuyện tầm phào, ông thầy địa lý không tranh luận mà chỉ cười rồi ra đi.
Năm 18 tuổi, bà Hậu là một thiếu nữ xinh đẹp, đức hạnh đủ đầy. Năm 19 tuổi, bà theo người thân ra kinh đô Thăng Long chơi, đó cũng là lúc Lê Thần Tông đang ở ngôi lần thứ nhất (1619-1643), ông nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp từ phía nam đi đến, tự xưng là có duyên phận từ tiền kiếp. Giấc mộng đó lặp lại nhiều lần khiến Thần Tông lấy kinh ngạc. Ông mô tả lại dung nhan người trong mộng, sai họa quan trong triều vẽ thành tranh rồi cho người đi tìm kiếm. Đúng lúc các đại thần đang tìm thì họ bất ngờ gặp một cô gái giống hệt trong tranh đang đi dạo ở kinh đô. Vua liền cho người đưa cô gái vào cung hỏi chuyện thì được biết cô tên là Phạm Thị Ngọc Hậu, người xứ Thanh. Tin là ứng vào giấc mộng, Lê Thần Tông liền tuyển cô gái làm cung phi và rất sủng ái. Bà chị là Ngọc Hiền lấy được công hầu là ông Tiến sĩ họ Lê người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc Đại phu Tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phương Quế hầu.
Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Lê Duy Vũ được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm sau khi Lê Thần Tông qua đời, Thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, sử gọi là Lê Huyền Tông. Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Hoàng thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662-1670) thì mất, thọ 17 tuổi. Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất2.
Chùa Đại Bi - Mật Sơn, gắn với tên tuổi vị vua anh minh Lê Thần tông thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi, bốn lần xa giá xuất chinh, hai lần bước lên ngôi báu, đó cũng là điều xưa nay hiếm có. Ngôi chùa cổ cũng lưu danh tên tuổi và công đức của Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu - mẹ vua Lê Huyền Tông với việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo chùa, làm cho thuyết pháp và lời răn của Phật thấu tới chúng sinh, tích đức của phật tử ngày càng tỏa lan trên đất xứ Thanh xưa và nay.
Trải thăng trầm của thời gian và do chiến tranh tàn phá, ngôi chùa cổ chỉ còn lưu lại trong tâm thức của người dân. Dấu tích duy nhất còn lại chỉ là cái giếng cổ trong chùa được xây từ thế kỉ XVII, với những chạm khắc bằng đá Nhồi tinh hình con cua, con cá sống động và tinh xảo, thể hiện sự giao thoa kiến trúc và điêu khắc dân gian và bác học đương thời. Từ năm 2008, chùa được đầu tư tôn tạo lại, bao gồm nhà Đại sảnh, nhà Tổ, nhà Tăng, phủ Mẫu, khuôn viên, vườn hoa thu hút nhiều Phật tử đến chùa lễ Phật cũng như du khách gần xa thăm chùa, vãn cảnh. Hiện nay, quần thể các công trinh kiến trúc, công trình phụ trợ và cảnh quan chùa đã và đang được phục dựng , tôn tạo để ngôi chùa cổ Đại Bi vừa trang nghiêm, thanh tịnh, vừa đáp ứng nhu cầu, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh của Phật tử và du khách gần xa.
Trong diễn trình lịch sử, Chùa Đại Bi vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, chùa còn là nơi tập hợp các lực lượng yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Tại ngôi chùa cổ, sáng ngày 27/3/1927, học sinh, sinh viên và các nhân sĩ yêu nước bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền, hơn 200 học sinh các trường trong thị xã và các nhân sĩ yêu nước đã tụ hội về chùa Mật Sơn làm lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh, một chí sĩ yêu nước, người khởi xướng phong trào Duy Tân. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Đại Bi được dùng làm trụ sở làm việc và đóng quân của một số đơn vị lực lượng vũ trang. Vào những ngày sục sôi khí thế của cuộc Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), cũng như chùa Đại Bi, núi Kỳ Lân trở thành nơi ghi dấu sự kiện đặc biệt có ý nghĩa: Sáng sớm ngày 19-8, lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn phấp phới tung bay trên cột cờ ở đỉnh núi Mật, mở ra bước ngoặt quan trọng. Đó là sự mở đầu cho thời kỳ người dân Thanh Hóa được sống trong độc lập, tự do.
Núi Kỳ Lân và chùa Đại Bi, trước những biến cố lịch sử, đã không còn giữ được vẹn nguyên hiện trạng, kiến trúc ban đầu, song công đức của vị vua anh minh Lê Thần Tông cùng Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và các giá trị văn hóa lịch sử, thắng cảnh của nó vẫn mãi đậm sâu trong tâm thức người dân Thanh Hóa, phật tử và du khách gần xa./.
Ghi chú:
1. Nguyễn Văn Tân (1998), Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin Hà Nội, tr 311.
2. Lê Thần Tông, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
KHẢO DỊCH THƯ TỊCH
XÁC ĐỊNH ĐÚNG TÊN HOÀNG THÁI HẬU QUA ĐÓ LIỆT GHI CÁC VỊ TIÊN TỔ VÀ QUI ĐỊNH TRONG LỄ TIẾT
TS. Nguyễn Văn Hải*
Hiện nay, một số các các sách như Đại Việt sử ký Toàn thư - Bản kỷ quyển XIX - Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục- Bản kỷ quyển XXXIII; Lê triều Ngọc Phả (ghi về Lê Huyyền Tông) và một số các sách Phương chí đều ghi chép là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Trong khi đó, các tư văn bia như: Hoàng Thái hậu bi, hiện dựng tại xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên[37], Phụng sự bi ký dựng ở Nam Giang huyện Thọ Xuân đều ghi Hoàng Thái Hậu tên húy là Ngọc Oánh.
Xét về tự dạng chữ Hán, hai chữ Hậu 厚 và Oánh 塋 lại hoàn toàn khác nhau, do vậy tên gọi nào là chính xác, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tập hợp các nguồn thư tịch, đưa ra những kiến giải, hy vọng giúp độc giả và các nhà nghiên cứu xác minh một cách chính xác tên của Hoàng Thái hậu.
Thứ nhất là tư liệu liệu văn bia. Có hai văn bia ghi chép về Hoàng Thái hậu:
1. Văn bia hiện giữ tại quê ngoại có tên : Hoàng Thái hậu bi. Bia vuông 4 mặt, khắc chữ 3 mặt, Hoàng Thái hậu bi, tế điền xứ sở, phân canh phụng tự. dựng vào ngày tốt giữa thu niên hiệu Chính Hòa thứ 7(1686).
Lạc khoản văn bia do 2 vị nhuận sắc là Nguyễn Danh Thực đỗ Thám hoa năm Kỉ Hợi; chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Hải Sơn tử và Nguyễn Công Vọng; người Vịnh Cầu, Đông Ngàn, Hội nguyên khoa Quý Hợi, đỗ kì thi Đông các khoa Bính Thìn, giữ chức Quang tiến Thận lộc Đại phu, Bồi tụng, Lễ bộ Tả thị lang, Nhập thị Kinh diên, tước Vĩnh Ngạn nam.
Người soạn hai vị: Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Quý Hợi, Hàn lâm viện đãi chế Quách giai Hiệu lý là Nguyễn Phú Hồ và Hiệu thảo Nguyễn Đình Xuân.
Nội dung ghi tóm tắt về bà như sau: Bà Hoàng Thái hậu nước Việt, họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh. Cha Phạm Tướng công, chức Tả hiệu Điểm tước Vị Lộc hầu, tiến phong hàm Thái Bảo tước Vị Quận công. Ông là người Quả Nhuệ huyện Lôi Dương, lấy bà họ Chu người đất Ngọc Tiềm, Thanh Nga, Văn Giang. Vợ chồng cầm sắt uyên ương, sinh người con gái thứ 2 là Hoàng Thái Hậu.
2. Văn bia hiện lưu giữa tại địa phương có tên: Phụng sự bi ký. Bia hình trụ 4 mặt, mặt trước khắc phụng sự bi ký, mặt 2 khắc công đức trường lưu, mặt 3 khắc Biên niên tuần nhật, mặt 4 khắc Tế tự thường nghi. Văn bia này cũng được soạn lập vào niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), và cũng do hai vị nhuận sắc và hai vị soạn giả như văn bia trên. Có lẽ hai văn bia này này đều được chạm cùng một thời điểm. Ký hiệu N0 1208/1209/1210/1211.
Nội dung ghi tên tuổi, quê quán và gia thất Hoàng Thái hậu: Bà họ Phạm, húy Ngọc Oánh, người xã Cảo Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương (nay là Nam Giang). Cha của bà là Phạm tướng công, húy Đình Kiên, chức Tả hiệu điểm, tước Vị Lộc hầu, gia phong làm Thái bảo Vị Quận công. Mẹ họ Chu, húy Loan người xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, Gia phong Quận phu nhân.
Thứ 2. Về các bộ chính sử: Đại Việt Sử ký toàn Thư, Bản kỷ - quyển XIX trang 693 ghi: Năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3(1665)... Tháng 8, sách lập chính cung Trịnh ThịNgọc Áng làm hoàng hậu. Tôn mẹ thân sinh ra vua [Lê Huyền Tông] là Phạm Thị Ngọc Hậu là Hoàng thái hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương).
Khâm định Việt sử Thống giám cương mục - Chính biên quyển XXXIII, trang 727, ghi lời chua: Tôn mẹ là Phạm Thị làm Hoàng Thái hậu. Lời chua: Thái hậu tên là Ngọc Hậu, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương.
Các sách Lê triều Ngọc phả, Địa chí huyện Thọ xuân đều ghi tên bà là Phạm Thị Ngọc Hậu
Như vậy, theo tôi việc ghi chép hai tên gọi khác nhau giữa tài liệu văn bia với các tài liệu chính sử, cả hai loại tài liệu này đều đúng. Việc đúng ở đây là bởi lẽ:
Đối với tài liệu văn bia, ghi chép Hoàng Thái hậu tên húy là Ngọc Oánh, ở đây các soạn giả đã sử dụng tên húy (Tên cúng cơm của bà).
Đối với việc ghi chép bà là Ngọc Hậu, các sử gia đều sử dụng phương pháp Kị húy trong qui định của lễ giáo phong kiến nên đều sử dụng tên hiệu (tên thường gọi để ghi chép). Sở dĩ hiện tượng này xảy ra là bởi, trong thực tế của lịch sử, kỵ húy là một hiện tượng văn hóa đặc thù của người Việt Nam trong giai đoạn nhà nước phong kiến, tập tục này phù hợp với tâm lý ứng sử của người Việt, thể hiện tình cảm tôn kính đối với bề trên, kính trọng người già, cũng cố những quan hệ tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng làng xã. Dưới thời Việt Nam nội thuộc Trung Quốc, chữ Hán được truyền dạy ở Việt Nam, các sách Kinh truyện và Bắc sử thông quan các nhà trí thức người Việt có ảnh hửng đáng kể trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu nếp sống văn hóa theo tinh thần Nho Giáo. Vì vậy, trong giai đoạn nhà nước giành được quyền độc lập tự chủ, kỵ húy đã trở thành một phong tục, tập quán của người Việt Nam. Từ đấy, nội dung kiêng húy là thực hiện các định lệ kiêng húy tên vua và những người trong hoàng tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hình thức kiêng húy không chỉ kiêng âm đọc mà kiêng cả chữ viết trong văn bản, điều đó đã được qui định trong mọi lĩnh vực, từ biểu tấu, đơn thư, cho đến việc học tập thi cử, chép ghi sử liệu, soạn lập văn bia...Những người liên quan phải chú ý đến việc qui định của triều đình về việc kiêng húy. Ở Việt Nam trải qua nhiều triều đại Phong kiến, cho đến cuối giai đoạn nhà Nguyễn (1802-1945), lệ kiêng húy vẫn được thi hành ở mức độ phổ biến, cho đến kỳ thi chữ Hán cuối cùng (1918) đời vua Khải Định, chữ Hán Nôm không còn là ngôn ngữ được sử dụng trong thi cử, thay vào đó là chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thì lệ kị húy dần dần bị phai mờ.
Kỵ húy được biểu hiện cụ thể đối với tên của hoàng đế, các vị trong hoàng tông, nó được thể hiện rõ tay không thể viết chữ tên, miệng không thể đọc âm tên. Kỵ húy thông thường được phân biệt làm hai loại, "tư húy và quốc húy". Tư húy bao gồm (gia húy, tộc húy, hương húy); Công húy hay còn là Quốc húy
Ở Việt Nam, lệ kị húy đến triều nhà Trần thì thấy chép ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại 8 điều lệnh của triều Trần qui định về việc kiêng húy.
Đời Lê sơ, khi Nho giáo độc tôn, tục lệ kỵ húy được chặt chẽ hơn, Lê Lợi ngay khi lên ngôi đã ban bố ban bố các chữ Miếu húy và ngự danh xin liệt kê dưới đây:
Tháng 6 năm Thuận Thiên 1(1428) ban bố chữ: Miếu húy: 汀 Đinh, 郭 Quách, 曠 Khoáng, 蒼 Thương. Ngự danh利Lợi,陳Trần, 學 Học, phàm chính tự của các chữ húy khi làm văn đều không được dùng. Nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải kiêng húy.
Đời Lê Thái Tông 1 lần.
Tháng 2 biên hiệu Thiệu Bình 2(1435) ban tên húy của quốc triều, phàm gặp chữ chính của miếu húy, ngự danh khi viết không được dùng. Ai có họ tên cùng với chữ húy phải đổi. Như cung Từ Quốc Thái mẫu húy 陈 Trần thì cho đổ thành Trình 程 .
Đời vua Lê Nhân Tông 1 lần.
Tháng 3 niên hiệu Thái Hòa thứ 1(1443) ban bố thêm hai chữ húy, tên húy của vua là 基 Cơ, Tên húy của Hoàng thái hậu là 英 Anh .
Đời vua Lê Thánh tông 4 lần ban lệnh.
- Tháng 8 năm Quang Thuận 1 (1460) Lê Thánh tông ban lệnh, người nào nguyên họ 陈 thì cho đổ thành Trình .
- Tháng giêng năm Quang Thuận thứ 2(1461) ban vố các chữ miếu húy, ngự danh: Miếu húy gồm 9 chữ : 显祖讳汀 (Hiển tổ húy Đinh), 显慈讳郭 (Hiển từ Húy Quách), 宣祖讳曠 (Tuyên tổ húy Khoáng),贞慈讳蒼 (Trinh từ húy Thương), 太祖讳利 (Thái tổ húy Lợi) , 宫慈讳陳 (Cung từ húy Trần), 太宗讳龍 (Thái tong húy Long), 宣慈讳英 (Tuyên từ húy Anh) , 仁宗讳基 (Nhân Tông húy Cơ) . Ngự danh 2 chữ, tên vua đương triều là 誠 (Thành), quang thục hoàng thái hậu húy 瑤 (Dao) .
- Tháng 4 năm Quang Thuận thứ 3(1462) trong 5 điều qui định về phép thi hương: Chữ húy của quốc triều, nếu hai chữ liền nhau đều không được dùng, nếu rời từng chữ một thì cũng cho dùng bằng cách lấy chữ khác thay vào chữ khuyên ở bên ngoài.
- Tháng 7 năm Quang Thuận thứ 7(1466) định rõ lại lệnh kiêng húy (không thấy sử ghi qui định cụ thể)
Đời Lê Hiến Tông 1 lần.
- Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1497) ban bố ngự húy của vua lê Hiến Tông là (Tăng), tên húy của Hoàng thái hậu 暄 (Huyên) .
Đời vua Lê Chiêu Tông, 1 lần ban lệnh húy.
Mùa xuân năm Quang Thiệu thứ 2 (1517) nhà vua sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận húy hiệu định miếu húy 20 chữ, ngự danh 2 chữ 椅 (Kỳ) và 惠 (Huệ).
Triều Lê Trung hung lệ kiêng húy vẫn được duy trì, đến nhà Nguyễn lệnh kiêng húy được nghiêm ngặt hơn, có rất nhiều vua ban lệnh lệ cấm húy, thậm chí năm Minh Mạng thứ 6 (1825) lệnhkỵ húy nói rõ nếu ai vi phạm sẽ chiếu luật vi phạm chế xử tội nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Những chữ liên quan đến tên Vua - Chúa trở thành quốc huý, nghĩa là cả nước phải kiêng.
Như vậy trường hợp ghi chép của Bà là tránh húy theo miếu húy, nó cũng như tên gọi bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị, vì trách quốc húy nên mới đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa. Việc các sử gia ghi chép tên bà là Ngọc Hậu là tên hiệu thường gọi, còn tên Ngọc Oánh là tên húy, chỉ sử dụng trong lúc tế tự lễ nghi.
Văn bia còn ghi thêm: Hoàng Thái Hậu sinh vào giờ Mão ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi niên hiệu Long Đức 7 (1635). Năm 19 tuổi tác hợp cùng Thần tông Uyên Hoàng đế.
Thái hậu là người đức hạnh, lúc sang quí vẫn kiệm cần giữ lẽ kiệm ước, tỏ đức thuần mỹ khó ai sánh sánh bằng. Nói năng nhẹ nhàng, công việc cẫn thận, ấy cũng nhờ sự giáo dưỡng từ nhỏ mà thành vậy Năm Giáp Ngọ sinh Huyền tông Mục Hoàng đế, vua dung mạo tựa rồng phượng nên thười nói có mẹ thánh ắt có con thánh là vậy. Huyền Tông Mục Hoàng Đế nối ngôi làm sáng rõ cơ đồ, ứng được mệnh lớn. Lại dựa vào Hoằng Tổ Dương Vương được hưởng lấy việc nuôi nấng làm công lao của bậc thánh, trở về đối với em gái thì luôn luôn hiền dịu, giúp đất nước trị yên lễ văn đầy đủ để hưng khởi. Năm Kỉ Tị sách vàng tôn bà làm Hoàng Thái hậu, làm nhiệm vụ cai quản dạy bảo trong cung, là mẹ của thiên hạ.
Ông nội Đình Tiến được gia phong Thiếu bảo Hà Quận công. Bà nội họ Lê, tên húy Y được gia phong Quận Phu nhân.
Ông tổ 3 đời: húy Đình Biểu được gia phong Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu. Bà tằng tổ họ Lê húy Tín được gia phong Quận Phu nhân
Ngày sinh, ngày giỗ bốn mùa tám tiết, đồ thờ cúng tốt lành, hanh thông hương thơm mãi mãi ở đấy để tôn kính vậy. Phàm lăng điện đã yên ổn, năm tháng phụng thờ muốn linh thiêng ở trời, ở các vị tổ tiên sẽ có chỗ trở về để nương cậy phối hưởng vậy. Hoàng Thái Hậu ta sáng rõ cúng tế trước tiên suy nghĩ vậy.
Mặt thứ 2: Ghi công đức trường lưu (Công đức lưu mãi)
Ở mặt này, văn bia ghi nối thêm phần văn của mặt thứ nhất, nói thêm qui định đặt ruộng tế ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế. Đồng thời ghi rõ qui định hằng năm vào ngày sinh ngày giỗ thì phụng mệnh cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất như nghi thức, mãi làm tự điển.
Hết phần này ghi lạc khoản niên đại, người nhuận sắc, người soạn, người khắc.
Mặt thứ 3: Biên niên tuần nhật, ghi hoàn toàn nội dung mới, ngày tuần hàng năm:
Văn bia ghi rõ số ruộng tế điền, ruộng huệ điền của Tiên đế ở các xã Bố Vệ - Đông Sơn, Động Bàng - Yên Định, Thủ Hộ - Quảng Xương. Và cấp đủ thuể cuối năm cho quê ngoại xã Thanh Nga -Văn Giang
Ở phần này văn bia ghi rất rõ qui định lễ nghi tuần tiết, số tiền sắm biện lễ vật:
Ngày mồng 1 tháng Giêng là tết Nguyên đán dùng 3 quan tiền, thôn Kim Bảng lễ 5 mâm tiền giấy cùng 5 mạch tiền.
Ngày mồng 2 dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 3 dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 7 khai hạ dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 1 tháng giêng lễ kị.
Mặt này còn liệt ghi các vị Ngoại tổ
Ngoại tổ Hiển tổ khảo Thái bảo, tước Vị Quận công là Phạm tướng công(ông ngoại ông Kiên), tên tự là Phúc Minh, thụy Lương Tính phủ quân, sắp lễ tiền 7 quan, ngọc thực 3, thức ăn chín 5, phô sa 1, xôi 1.
Bản xã tiền 4 quan, gạo 30 bát, bày trên nền xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 2 tế mùa xuân dùng 4 quan tiền. Ngày mồng 3 tháng 3 là tiết Thanh minh dùng 3 quan tiền.
Ngày mồng 7 lễ kị.
Ngoại tổ, Hiển Cao tổ tỉ là Chánh phu nhân của Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu (Bà 4 đời bên ngoại ông Đình Biếu) là Lê quý thị, thụy Từ Hỉ: Sắp lễ 3 quan tiền. Bản xã 1 quan 4 mạch tiền, gạo 10 bát, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 29 lễ kị.
Ngoại tổ của Hiển tổ khảo là Đô đốc Đồng tri, tước Hải Triều hầu (Bà ngoại ngoại ông Đình Biếu) là Phạm quý công, thụy là Lương Tâm phủ quân 3 quan tiền. Bản xã sửa lễ 1 quan 4 mạch tiền, lợn, xôi, rượu, tiền giấy.
Ngày mồng 8 tháng 4 lễ kị.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ tỉ là phu nhân của Thiếu bảo Hà Quận công hầu (Bà cố ngoại ngoại ông Đình Tiến) là Lê quý thị, thụy là Từ Khánh 4 quan tiền. Bản xã sửa lễ 3 quan 8 mạch tiền, 15 bát gạo, lợn, xôi, rượu, tiền giấy.
Tháng 5 tết Đoan Ngọ tiền 3 quan.
Ngày mồng 6 tháng 6 Tế hạ sửa lễ 4 quan tiền.
Ngày 15 tháng 7 là Trung nguyên sửa lễ 4 quan tiền, thật y thật tài dùng 8 quan tiền.
Ngày 29 lễ kị.
Ngoại tổ Hiển tổ tỉ (Mẹ vợ ông Đình Kiên, bà ngoại Hoàng Thái hậu) là phu nhân của Thái bảo, Vị Quận công là Chu quý thị, thụy là Từ Độ
Sắm lễ 7 quan tiền làm 3 mâm ngọc thực, 5 mâm thức ăn chín, phô sa, vật tế, xôi.
Bản xã biện lễ tiền 4 quan, gạo 30 bát, bày trên nền vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 8 tế, dùng 4 quan tiền.
Ngày 15 là Trung thu sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày mồng 9 tháng 9 là Trùng nguyên sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày mồng 10 tháng 10 là Thường tiên sửa lễ 3 quan tiền.
Ngày 14 là Tiến tiên lễ sửa lễ 3 quan tiền,
Ngày 15 là lễ kị.
Mặt 4: Ghi rõ việc chế định chi phí, ngày tháng, nghi thức tế lễ đối với vua Huyền Tông. Đồng thời ghi thêm tổ ngoại của ông Đình Tiến bao gồm:
Huyền tông Mục Hoàng đế Ngày 11 tháng 11 tế mùa đông sửa lễ 4 quan tiền.
Ngày 22 tháng 12 lễ kị chi 20 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chín 12 mâm, thịt trâu 1 đĩa, thị bò 2 đĩa, xôi 3 đĩa.
Bản xã bỏ 4 quan 4 mạch tiền, 30 bát bày trên nền, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy.
Ngày 20 là ngày sinh, lễ dùng 8 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chín 8 mâm, lợn, xôi, bánh vuông, bánh tròn, tương thịt, chuối xanh 20 quả. Bản xã 1 quan 2 mạch tiền, 10 bát gạo, lợn, xôi, rượu.
Ngoại tổ, Hiển tằng tổ khảo được gia phong Thiếu bảo, tước Hà Quận công là Phạm quý công thụy là Lương Phúc phủ quân 4 quan tiền. Bản xã 1 quan 8 mạch tiền, 50 bát gạo, lợn, xôi, rượu, trầu cau, tiền giấy.
Ngày 27 là Sám lăng sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 20 tắm rửa sạch sẽ.
Thay áo thánh mua các vật 10 quan tiền. Lễ Trừ tịch dùng 4 quan tiền.
Ngày sóc vọng các tháng quanh năm dùng trầu cau, đèn dầu, hương, mỗi tháng 5 đến 6 mạch.
Như vậy, văn bia ngoài việc ghi tên tuổi công lao đức hạnh của bà còn ghi thêm tên tuổi các vị liệt tổ liệt tông nội ngoài và các qui ước định rõ việc mua sắp lễ nghi. Rất tiếc văn bia không chép rõ về nghi thức tế lễ. Chúng tôi thấy đây là thề loại văn bia bia cung đình, những việc tế lễ thường niên đều gắn đến vua và hoàng tông, nên nó phải được tổ chức một cách nghiêm ngặt, có cả giám quant ham gia. Để giúp giúp địa phương có một cái nhìn tổng quát về nghi thức trong buổi lễ, xin trích dịch phần nghi tiết được ghi chép trong văn bia Hậu Đức cung bi ghi chép về Trịnh Thị Ngọc Lung, vương phi của chúa Trịnh Tạc, cũng là thể loại văn bia cung đình để tham khảo.
Nghi tiết.
Tựu vị. Tham thần tứ bái - hưng - bình thân.
Thượng hương - qụy. Phủ phục nhị bái - hưng - bình thân.
Sơ hiến lễ.
Qụy- hiến tửu. Phủ phục hưng- bình thân.
Độc chúc - qụy. Phủ phục nhị bái- hưng- bình thân.
Á hiến lễ.
Qụy - hiến tửu. Phủ phục - hưng - bình thân.
Chung hiến lễ.
Qụy - hiến tửu. Phủ phục - hưng - bình thân.
Hựu thực. Từ thần tứ bái - hưng - bình thân.
Phần chúc.
Triệt soạn. Lễ tất.
Nghĩa là
Nghi lễ.
Vào vị trí. Lễ thần bốn vái, đứng dậy ngay ngắn.
Dâng hương, quỳ. Cúi lễ hai vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần đầu.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồ đứng dậy ngay ngắn.
Quỳ đọc chúc văn. Cúi lễ hai vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần hai.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồi đứng dậy ngay ngắn.
Dâng lễ lần cuối.
Quỳ dâng rượu. Cúi lễ rồi đứng dậy ngay ngắn.
Mời ăn. Từ biệt thần bốn vái rồi đứng dậy ngay ngắn.
Đốt chúc văn
Bê cỗ ra.
Lễ xong.
Tài liệu tham khảo.
1. Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí Toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
5. Ngô Đức Thọ chủ biên Nghiên cứu chữ tị húy Việt Nam qua các đời Nxb Hà Nội, 1997.
HỌ PHẠM LÊ VÀ BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU
NNC. Phạm Lê Nguyễn*
Họ Phạm Lê là một dòng họ phế thiệt trâm anh, có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Quốc triều khoa bảng nhiều lần nhắc đến tuổi các vị tiền bối của dòng họ. Bia tiến sĩ trong Quốc tử giám ghi tên các vị tiến sĩ triều Lê có hai lần lưu lại tên tuổi tổ tiên.
Thật là vẻ vang, thật là vinh hạnh, rất đỗi tự hào!
Mỗi người hãy ghi nhớ về dòng tộc của mình, nguồn gốc của mình để làm cho họ Phạm - Lê lớp cha trước, lớp con sau xứng đáng với tiền nhân, với dân, với nước. Thực như chim có tổ, người có tông; như sông có nguồn, như cây có gốc.
Họ Phạm Lê là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm. Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc, gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa.
Ông tổ của họ Lê là Lê Kính, quê ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An (nay là xã Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Sinh năm Đinh Hợi (1587), mất năm Kỷ Mão (1669), thọ 73 tuổi. Ông đậu Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628), đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công Bộ Thượng Thư, Tước Hầu. Khi mất được thăng làm Thái Bảo, tước Thạc Quận Công
Đời thứ 2 là ông Lê Hiệu, sinh năm Đinh Tỵ (1617), đậu đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, năm 27 tuổi (Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643), đời Lê Thần Tông. Ông làm quan trải qua các chức: Hình Bộ Thượng Thư; Lễ Bộ Thượng Thư, Binh Bộ Thượng Thư Tước Hầu sau thăng đến chức Tham tụng Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tá Lý Công Thần, Thượng Trụ Quốc. Từng được cử đi sứ thay mặt nhà vua đối đáp với triều đình nhà Thanh, được người Bắc quốc nể phục. Khi qua đời, vua sắc phong là: Nghiêm Minh, Hùng Đoán Thông Đạc Đại Vương.
Hai cha con làm quan cùng triều đình, hiếm có trong lịch sử. Cả hai đều lần lượt làm Thượng thư các bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ rồi lên Tham Tụng, được phong tước Vương, tước Công, tước hầu. Đây là tước cao nhất của đời Lê Trung Hưng.
Ông tổ của họ ngoại là Phạm Đình Kiên, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa, lấy bà Chu Thị Loan, người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang (Bắc Ninh) sinh ra hai người con gái.
Người con đầu là vợ tể tướng Lê Hiệu, con trai của ông Lê Kính, người thứ hai là Phạm Thị Ngọc Huỳnh là quý phi của vua Lê Thần Tông. Bà sinh ngày 22/4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635). Đời vua Lê Thần Tông vào cung năm 19 tuổi (1654) và năm sau sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế . Bà tuy giàu sang phú quý hết mực, nhưng nếp sống cần kiệm, phong thái dịu dàng khéo léo. Đó là nhờ được sự giáo dục chu đáo của gia đình, học hành từ khi còn nhỏ. Lịch sử ghi lại bà là người tài sắc vẹn toàn, đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lời nói của vua Lê Thần Tông khi bệnh trọng. Hoàng Đế bảo Thượng Sư Tây Vương (Trịnh Hạc): Nay con đích là Duy Vũ đã lên 9 tuổi, dần đã trưởng thành nhờ Vương giúp đỡ cho được nên người có đức có tài để nối nghiệp lớn yên long thần dân.
Hoàng Thái Tử Lê Duy Vũ là con của vua Lê Thần Tông và Phạm Thị Ngọc Huỳnh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Trị (1662). Vua tính trời nhân hậu, vẽ người nghiêm tĩnh, những năm ở ngôi, trong nước trị yên, thóc lúa được mùa, cũng đáng là bậc vua hiền. Ở ngôi không được lâu, đáng tiếc.
Sách Việt Sử ký còn ghi: Tôn mẹ thân sinh ra vua Phạm Thị Ngọc Hậu là Hoàng Thái Hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, Huyện Lôi Dương). Đó là năm Ất Tỵ năm Cảnh Trị thứ 3 (1665).
Văn bia công đức Trường Lưu ghi: Khi Huyền Tông Hoàng Đế kế ngôi nối nghiệp cơ đồ, mọi việc đều tôn theo di mệnh trị nước của vua cha một cách nghiêm túc. Thực đó là nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu làm cho Huyền Tông hoàng đế trở thành vị vua hiền tài. Quốc gia được bình yên, văn lễ được chu toàn..
Bài văn trong bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ của họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với phu nhân quan Tể tướng cho người con trai thứ của Phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại và Hoàng Thái hậu. Ông sinh ra được 4 người con trai chia làm 4 chi. Người chi trưởng được 3 con trai, người con trai cả làm quan đến chức Thừa Chánh Sứ, tước phong là Quả Xuân Hầu. Quan Chánh Sứ sinh được 12 người con. Ông tổ chi họ Phạm là Phạm Trừng.
Khi vua Lê Huyền Tông băng hà, triều đình rước về táng ở lăng Quả Thịnh, xây điện Càn Long để làm nơi thờ cúng. Đối với các vị tiên tổ của họ Phạm cũng được quy về Điện miếu phối thờ. Sách Đaị Việt Sử ký toàn thư ghi: Tháng 11 ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng Đế về chôn ở Lăng Quả Thịnh, lập điẹn Càn Long để thờ về quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Bà Thái Hậu Phạm Ngọc Huỳnh là người vẹn sắc, vẹn toàn. Năm 19 tuổi, vào cung sống cùng Hoàng Đế Lê Thần Tông 8 năm. Năm 27 tuổi, vua băng hà, bà cùng triều thần tôn lập con trai lên trị vì đất nước. Năm 30 tuổi bà trở thành Hoàng Thái hậu của nước Việt. Ở ngôi tuyệt đỉnh vinh quang bà Hoàng Thái hậu họ Phạm vẫn luôn quan tâm đến quê nhà, đến việc thờ cúng tổ tiên. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái hậu đã lo xa từ trước.
Trên đất Quả Nhuệ ngày xưa, bây giờ là Kim Bảng và Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa còn mộ bà Hoàng Thái Hậu và Hoàng Đế Lê Huyền Tông. Điện Càn Long đã bị thời gian tàn phá chỉ còn lại trong ký ức của con cháu dòng họ. Một di tích rất có giá trị còn lại là một khối bia 4 mặt Công đức Trường lưu.
Bia do một nhóm danh sĩ thời Hậu Lê soạn theo lệnh của Hoàng Đế kế vị, khắc và dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Đó là: Một khối đá ghi công đức được dựng lên để muôn đời ghi nhớ. Hoàng Thượng đi tuần du đến địa hạt huyện Thanh Chương dụ chỉ cho:
Nguyễn Thanh Thực tước phong là Hải Sơn Tử thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh khoa Kỷ Hợi làm quan đến chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Lễ Bộ Tả Thị Lang nhập tại kinh diên vâng mệnh nhuận sắc văn bia.
Các ông Quách Giai thi đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh làm quan đến chức Hàn Lâm Viện Đãi Chế; Nguyễn Phú Minh thi đỗ tiến sĩ xuất thêm làm quan đén chức Hàn Lâm Viện Hiệu Lý và ông Nguyễn Đình Xuân thi đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Hàn Lâm Hiệu Thảo vâng mệnh soạn văn bia.
Nguyễn Hạc phó cai hợp đồng tri phủ Tước Phong là Văn Học Nam người ở Đông Ngàn, Phù Chẩn vâng Mệnh viết chữ.
Mặt chính của bia ghi bài ký Công đức Trường lưu, các mặt còn lại ghi về việc: Tế tự thường nghi, Ký bi sự phụng . Bia cùng ghi cho làng Kim Bảng 5 mẫu, làng Quả Nhuệ 50 mẫu ruộng chia nhau cày cấy để phụng thờ. Những ngày phải tế lễ trong năm là các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 và mùng 7 tết; Tết thanh minh mùng 3 tháng 3; ngày kỵ ông ngoại, ngayg 7 tháng 3; bà ngoại ngày 7 tháng 3; ngày kỵ ông cố ngoại ngày 29 tháng 3; bà cố ngoại mùng 8 tháng 4 và các lễ Đoan Ngọ, Trung nguyên, trùng cửu, song thập.
Từ ngày ông tổ họ Lê chuyển sang họ Phạm - Lê và dời cư từ Nghệ An ra đến nay đã gần 350 năm. Nhiều thế hệ được phong tước hầu, tước bá, trao cho trọng chức để trông coi các xứ và nơi thờ cúng.
Trải bao vật đổi, sao dời, lớp cha trước lớp sau, dòng họ Phạm - Lê trước sau trung thành với dân với nước. Ngày nay dẫu có người giàu, có người còn nghèo, có người làm nên công ích, có người cày cấy làm ăn vẫn không quên mình cùng một gốc. Nhiều người ra đi lập nghiệp ở mọi miền đất nước vẫn ngày đêm trông ngóng về quê nhà, nơi có bàn thờ tổ và mộ Hoàng Thái Hậu, mộ Hoàng Đế Huyền Tông.
CÔNG ĐỨC BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU
VÀ VIỆC XÂY DỰNG CHÙA CẨM LONG
NNC. Đại tá. Phan Văn Thanh*
Về lai lịch bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Ngọc Huỳnh - Ngọc Oánh), Văn bia Công đức Trường lưu hiện còn ở địa điểm Điện Càn Long do nhóm danh sĩ nổi tiếng thời Lê Trung hưng soạn, theo lệnh của vị vua kế vị được khắc, dựng vào năm Chính hòa thứ 7 (1686) đã ghi chép một cách rất cụ thể rõ ràng như sau:
Bà Hoàng Thái Hậu của nước Đại Việt họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Hiển khảo (bố) là Tả hiệu điểm, Tước vị Lộc hầu là Phạm tướng công, húy là Đình Kiên, lấy Hiển tỷ người họ Chu, húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh được hai người con gái, trong đó có Thái Hậu vậy.
Bà sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635). Năm bà 19 tuổi tác hợp cùng Thần Tông Uyên Hoàng đế. Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước, đấy là đức thuần mỹ đệ nhất vậy. Ngôn2 không thiếu, cũng không giản lược đó là do giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng Hậu, lời nói như cây Phù dĩ3 đó là sự tốt đẹp của Hoàng Hậu.
Vào năm Giáp Ngọ bà sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế, dáng dấp như Rồng phượng, chỗ ấy bảo là: có mẹ thánh ắt có con thánh là vậy. Kịp đến Thần Tông Uyên Hoàng đế đang đầy vận hội, trông lại di mệnh cẩn khắc trong lòng. Đúng lúc lên đến ngày xa, tình thương sót nhiều càng ở trong chế3, một lòng thành thực ấy đến cùng cực vậy. Huyền Tông mục Hoàng Đế nối ngôi làm sáng rõ cơ đồ, ứng được mệnh lớn, lại dựa vào Hoàng Tổ Dương Vương được hưởng lấy việc nuôi nấng làm công lao của bậc Thánh 1.
Có thể nói, khi Huyền Tông Hoàng đế kế ngôi nối nghiệp cơ đồ, mọi việc đều tuân theo di mệnh trị nước của vua cha một cách nghiêm túc. Thực đó cũng là được nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái hậu và công lao vun đắp phù trì của Hoàng Tổ Dương Vương (Trịnh Tạc) làm cho Huyền Tông Hoàng đế trở thành một vị vua hiền tài, quốc gia được bình yên, văn lễ đến chu toàn. Đến năm Ất Tỵ, trên sách vàng của triều đình bà được tôn làm Hoàng Thái Hậu - khi đó bà mới 30 tuổi. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn làm Mẫu nghi thiên hạ, được người đương thời rất tôn kính.
Theo văn bia Công đức Trường lưu, nhờ vào vị thế của bà Hoàng Thái Hậu nên triều đình đã truy phong những tước hiệu cao quý cho các tiền nhân của bà, đồng thời cho phép đưa vào phối thờ ở Điện Càn Long - Nơi thờ vua và Hoàng Thái Hậu đó là:
- Hiển khảo (bố) được phong là Thái bảo vị Quận công.
- Hiển tỷ (mẹ) được phong là Thái bảo vị Quân công phu nhân.
- Hiển tổ khảo (ông) tên húy là Đình Tiền được truy phong Thiếu bảo Hà quận công.
- Hiển tằng tổ (cố) tên húy là Đình Biểu được truy phong là Đô Đốc Đồng Tri Hảo triều hầu.
- Hiển tằng tổ tỷ (cố bà) họ tên là Lê Thị Tín được truy phong là Đô Đốc Đồng Tri Hảo triều hầu chính phu nhân.
Và theo nhóm tác giả văn bia nhận định thì Việc thờ phụng như vậy thì Hoàng Thái hậu đã lo xa từ trước. Vì thế cho nên tổ tiên bên họ ngoại nhà vua mới được thờ phối ở Điện Càn Long. Đấy cũng là vinh dự lớn của dòng họ Phạm Lê ở Quả Nhuệ thời bấy giờ.
Công Đức lưu mãi: Vì lo xa, bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là, để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
Như vậy, theo văn bia thì Tiếng thơm tu nhân tích đức dòng tộc của bà Hoàng Thái Hậu đã được đáp đền thỏa đáng- Đó chẳng phải là công đức của Hoàng Thái Hậu đó sao.
Về dòng họ Phạm Lê và mối liên hệ gắn bó giữa họ Lê ở Yên Thành (Nghệ An) và họ Phạm ở Quả Nhuệ xưa (nay là xã Nam Giang) huyện Thọ Xuân đã có bài tham luận riêng rồi, do vậy trong khuôn khổ bài viết này tôi không trình bày nữa, mà chỉ đi sâu vào chủ đề Công đức của bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đối với dòng họ Phạm Lê nói riêng, xã Quả Nhuệ xưa nói chung và đối với quê ngoại của bà ở xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Công đức của bà đối với dòng họ, đối với ông bà cha mẹ bên ngoại đã trình bày ở trên. Với vị thế và sự quan tâm đặc biệt của bà Hoàng Thái Hậu mà vùng đất Kim Bảng - Quả Nhuệ xưa ở thế kỷ thứ XVII đã được thừa hưởng nhiều ân huệ. Điện Càn Long cùng ngôi chùa Cẩm Long do chính bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm bỏ tiền và trực tiếp điều hành xây dựng. Đây là hai công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, quy mô vô cùng có giá trị ở thế kỷ thứ XVII.
Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long, nhà vua (tức vua Lê Gia Tông) ra sắc chỉ cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ (chức quản lý điện miếu), cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi được phân công viết bài này, tôi đã trao đổi với thầy Lê Xuân Kỳ, nguyên là chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa, thầy đã cho tôi xem cuốn Văn Bia Việt Nam, trong đó có Văn bia Hoàng Thái Hậu Bi- số 1374 được phụng soạn ở quê ngoại của Hoàng Thái Hậu, cùng thời gian soạn Bia công đức Trường lưu (1686) ở quê nội. Bia có nội dung như sau2:
Bia Lăng Hoàng Thái hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng yên.
Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ Hàn lâm viện đãi chế, Nguyễn Đình Thung hàn lâm viện hiệu thảo phụng soạn. Nguyễn Danh Thực thám hoa năm Kỷ Hợi (1659) bồi tụng; Ngự sử Đài Đô ngự sử, Tước hầu sơn tử nhuận sắc. Không ghi tên người khắc bia. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê.
Bia 4 mặt đều khổ 86 x 135 cm, chạm 28 vòng mặt nguyệt, mây, hoa. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương 73 dòng, khoảng 1800 chữ.
Bia ghi tóm tắt tiểu sử của Hoàng Thái Hậu, mẹ vua Lê Huyền Tông. Bà họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là con gái thứ của ông Tả hiệu, vị lộc hầu, nguyên quán xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Mẹ họ Chu, sinh bà vào giờ Mão (22/4 năm Đức Long 7 (1635). Năm 19 tuổi được tuyển vào cung hầu vua Thần Tông, năm Giáp Ngọ (1654), 20 tuổi bà sinh ra Hoàng Đế Lê Duy Vũ (sau nối vua, tức vua Lê Huyền Tông), bà được sắc phong làm Hoàng Thái Hậu. Xã Thanh Nga và thôn Nhân Lý từng được bà ban cấp ruộng đất làm ruộng tự điền. Sau khi bà mất dân xã nhớ ơn dựng bia công đức bà. Mặt sau bia ghi chi tiết 37 thửa ruộng tự điền cộng với 36 mẫu 9 sào 10 thước, ghi những điều quy định về thể lệ cúng tế bà hàng năm.
Qua nội dung văn bia trên chúng ta thấy công đức của bà Hoàng Thái hậu không những được ghi lại ở quê nội mà còn được người dân quê ngoại của bà ghi nhớ, dựng bia để lưu truyền mãi mãi.
Song qua nội dung văn bia thì có một số nội dung chúng tôi thấy không thống nhất, như:
- Thứ nhất: Văn bia tại quê ngoại ghi: Bia lăng Hoàng Thái Hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trong khi đó Văn bia công đức Trường lưu: tại quê nội lại ghi quê ngoại Hoàng Thái Hậu ở xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
- Thứ hai: Bia ghi xã Thanh Nga từng được bà chu cấp ruộng đất, sau khi bà mất, để nhớ công đức của bà nhân dân bản xã đã lập bia ghi công đức Như vậy, Bia lập năm Chính Hòa thứ 7 (1686) là không đúng vì thời gian này bà đang còn sống.
Công đức của bà không chỉ thể hiện ở việc xây Điện Càn long và việc quan tâm đến đời sống người dân nơi thôn dã, bà còn quan tâm đến việc xây dựng cho quê hương bà một ngôi chùa - chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật, để cho bà con quê hương mình và dân trong vùng thực hành tín ngưỡng
Qua các nội dung trình bày ở trên chúng tôi rút ra vài nhận xét như sau:
Thứ nhất là: Bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Song không vì quyền cao mà nhủng nhương nhiếp chính, ăn chơi xa xỉ, mà bà vẫn giữ đức tính cần kiệm, như văn bia Công đức Trường lưu chép: Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước, đấy là đức thuần mỹ đệ nhất vậy. Ngôn2 không thiếu, cũng không giản lược (là do) giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng Hậu, lời nói như cây Phù dĩ 3 đó là sự tốt đẹp của Hoàng Hậu. Có nghĩa là: Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo, đó là nhờ sự giáo dục chu đáo mà nên. Nói về sự hiền tài và dung nhan thì Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen.
Thứ hai là: khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, Bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Do vậy khi bà qua đời, dân làng quê ngoại ở Thanh Nghĩa, Văn Giang (Hưng Yên) đã lập bia đá ghi nhớ công ơn của bà để lưu truyền mãi mãi.
Thứ ba là: mặc dù được phong là Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ, nhưng khi con trai bà (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ - một chức vị biết bao nhiêu cung tần mỹ nữ trong cung mơ tưởng mà không được, Bà xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long. Đây là một điện miếu thờ vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
Hơn nữa, vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với người chị gái là Phạm Thị Hiền, phu nhân quan tể tướng Lê Hiệu cho người con trai thứ của phu nhân là Lê Trừng về Quả Nhuệ đổi theo họ mẹ để chăm lo việc thờ cúng bên ngoại. Trong văn bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý - 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự cho nên bà Hoàng Thái Hậu đã bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc, để chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu
Vì lo xa mà bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
Như vậy, có thể nói bà Hoàng Thái Hậu là một nhân vật lịch sử tài đức vẹn toàn và rất nổi tiếng ở thời Lê Trung hưng. Tiếng thơm và công đức của bà sẽ được lưu truyền mãi mãi.
VỀ VIỆC XÂY DỰNG CHÙA CẨM LONG
Rời chốn cung đình trở về quê, ngoài việc chuyên tâm lo xây dựng Điện Càn Long (như đã trình bày ở trên), bà còn rất chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất. Một việc làm vô cùng có ý nghĩa đó là bà đã cùng chị gái Phạm Thị Hiền. (bà Hiền là người lấy Tiến sĩ Lê Hiệu thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vĩnh lộc Đại phu tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phương Quế hầu). Hai chị em đã đầu tư xây dựng một ngôi chùa - gọi là Chùa Cẩm Long5.
Chùa được xây dựng từ năm nào, cùng thời điểm với việc xây dựng Điện Càn Long hay sau khi Điện Càn Long được hoàn tất mới tiến hành việc xây chùa, thì không có tài liệu nào ghi chép, chỉ biết chưa xây xong chùa thì Hoàng Thái Hậu đã mất, công việc còn lại là do con cháu bà tiếp tục lo liệu.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, và theo lịch sử xã Thọ Lộc biên soạn và xuất bản năm 2015 cho biết:
Để chuẩn bị cho việc xây Điện Càn Long và Chùa Cẩm Long, Hoàng Thái Hậu và bà Hiền đã cho người vào rừng chặt gỗ Lim mang về ngâm ở đồng Nẵn (làng Quả Thượng), mở lò gạch ngói ở cồn Am (làng Cẩm Long) - gọi là cồn lò ngói Nơi đây vẫn còn dấu tích của sự tồn tại một lò gạch, ngói như: còn nhiều gạch, ngói mũi hài vỡ được chôn lấp, đường móng khuôn hình lò đốt gạch, ngói .v.v. Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long, và tên làng Cẩm Long cũng được Hoàng Thái Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ ở quê. Cẩm Long có nghĩa là con Rồng hoa.
Chùa Cẩm Long được xây dựng cách Điện Càn Long chừng năm trăm mét. Chùa là một công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng, Chùa có hai tầng, 8 mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài.
Chùa được xây dựng trong một khu đất cao, rộng, tọa lạc chính đầu con Rồng hoa, trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước ( miệng Rồng) quanh năm không bao giờ cạn nước. Theo các cụ truyền lại, ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai Tổng Bất Nạo, Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.
Trong khuôn viên của chùa được trồng nhiều hoa, cây cảnh, cây ăn trái. Hoa và cây cảnh được trồng trước sân và quanh bờ ao, cây ăn trái được trồng ven đường vào chùa và xung quanh vườn chùa, hàng năm có người trông coi và thu hoạch bán trái lấy tiền mua sắm lễ thắp hương hàng ngày tại chùa.
Cổng chùa được xây dựng theo kiểu Tam quan, cổng vòm gồm 2 tầng 4 mái, mỗi tầng đều có 4 mái cong, hình dáng bề thế. Các cửa vòm của cổng Tam quan có một cửa lớn ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên thông thoáng dể đi. Đi qua cổng Tam quan là đến khoảng đất rộng trồng hoa và cây cảnh, tiếp đến là hai cái ao nước sâu nằm hai bên đường đi vào sân chùa, mỗi cái ao rộng chừng 400m2, tiếp đến là sân chùa được lát bằng gạch đỏ, đi lên bậc tam cấp là chùa chính. Chùa có nhà tiền đường, có hậu cung: Tiền đường có 5 gian (3 gian chính và hai gian chái hai bên), tiếp đến là hậu cung
Chùa thờ Phật Thích ca Mâu ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc) Sau khi bà Hiền và bà Hậu mất, dân làng đã đúc tượng hai bà đặt ở hậu cung để lễ cúng.
Khi bà Hoàng Thái Hậu mất, nhà chùa đã làm các thủ tục mai táng bà theo nghi lễ nhà chùa Trong quá trình nghiên cứu, khảo cứu và đi gặp gỡ một số cụ cao niên trong làng sưu tầm tư liệu viết bài được biết: Hàng năm cứ đến Rằm tháng 5 năm âm lịch, làng tổ chức lễ Khánh Tán (Lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hoa cầu phúc lộc chen chân nhau mấy ngày liền.
Việc tổ chức Lễ Khánh Tán hàng năm là vì: Chùa là do bà Hoàng Thái Hậu đứng ra lo liệu làm, tiếc thay, chùa chưa làm xong thì bà mất, do vậy hàng năm phải làm lễ Khánh Tán vừa để báo công với bà, vừa cầu mát cầu may cho dân làng. Buổi lễ có các nhà sư ở các nhà chùa quanh vùng, thầy Phù thủy về làm lễ trong 7 đêm liên tục.
Thời gian cứ thế trôi đi, phần mộ của bà cũng từ lâu không còn ai nhớ được táng ở nơi nào, rồi một hôm cách đây hơn hai thập kỷ, qua tình cờ của việc sản xuất nhân dân đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ, qua bàn tán của người dân chính quyền đã biết được và đã báo cáo lên cơ quan chức năng huyện. Với những cứ liệu sử sách còn ghi chép, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng đã xác định đó là mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, sau đó đã về cùng chính quyền địa phương tiến hành cất bốc và cải táng bà.
Khi cải táng không thấy mũ, áo Hoàng tộc, không thấy một sợi tóc nào, mà chỉ thấy một số đồ trong mộ như vãi xô gai, một chuổi Tràng hạt thảo quả (đếm được 27 hạt) và một chiếc quạt giấy (giấy gió), quạt có 15 nan còn nguyên vẹn. Với những hiện vật còn lại theo mộ như vậy chúng tôi có một vài nhận định như sau:
Việc không thấy bà có tóc chứng tỏ bà đã xuống tóc đi tu, hơn nữa trang phục bà mặc và vãi khâm liệm bà khi mất là vãi xô gai, rồi đến chuổi tràng hạt mang theo người chứng tỏ bà đã hoàn toàn quy phật, thực sự là một nhà sư, không phải là một Mẫu nghi thiên hạ khi qua đời.
Nhưng có một điều khi tìm hiểu, sưu tầm tư liệu để viết bài này chúng tôi mới biết, vị trí mộ bà an táng trước đây không phải ở vị trí Điện Càn Long (xưa và nay), mà là ở phía Tây Bắc làng Quả Thượng chừng 1000 mét (nay thuộc cánh đồng của Trung tâm thực nghiệm giống lúa huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Do vậy, thông qua bài viết này chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, đặc biệt là con cháu dòng họ Phạm Lê nghiên cứu nên đưa trả bà về chính nơi đã an táng bà trước đây, đồng thời cho xây lại lăng mộ bà chu đáo, xứng tầm với vị thế một Mẫu nghi của thiên hạ, xứng tầm với công đức của bà đối với con cháu dòng tộc và nhân dân địa phương.
Tiếc thay, cũng như các làng quê khác ở Thanh Hóa nói chung, Thọ Xuân nói riêng, vào những năm 60 của thế kỷ XX, do hoàn cảnh lịch sử và đất nước có chiến tranh, cùng với sự nhận thức lệch lạc của một số người, các di tích lịch sử ở địa phương đã xuống cấp nên đã giải hạ để lấy vật liệu làm trường học, kho tàng .v.v. Chùa Cẩm Long xưa cũng nằm trong tình trạng đó. Khi chùa bị giải hạ, một số tượng phật và đồ thờ quý đã được con cháu một số gia đình có công xây dựng và trông coi chùa mang về cất giữ. Hiện nay không còn dấu tích gì của chùa nữa. Nhưng trong tâm thức của các cụ cao niên trong làng vẫn hiện hữu một ngôi chùa đẹp ở chốn quê như chưa bao giờ bị mất cả. Và ước muốn của nhiều người dân bản địa muốn được xây dựng lại ngôi chùa Cẩm Long, phần để tri ân công đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, phần để nhân dân địa phương và bà con quanh vùng thực hành tín ngưỡng ngay tại quê hương mình trong quần thể di tích Điện Càn Long xưa và nay.
Chú thích:
1) Tuyển tập Văn Bia Thanh Hóa- Tập 3, Văn bia thời Lê trung Hưng, NXB Thanh Hóa- 2016, trang 413.
2) Ngôn, công: Trong công, dung, ngôn, hạnh, là 4 đức tính của người phụ nữ xưa, theo quan điểm Nho giáo.
3) Phù dĩ: Tức cây xa tiền, lá và hạt dùng để làm thuốc.
4) Chế: là lời của vua.
5) Chùa Cẩm Long: Cẩm có nghĩa là Hoa, Long có nghĩa là Rồng. Cẩm Long tức là con Rồng Hoa
NHỮNG THÔNG TIN QÚY GIÁ RÚT RA TỪ PHẢ TỘC HỌ LÊ
Ở XÃ SƠN THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN
NNC. Hoàng Hùng - NNC. Phan Văn Thanh*
1. Nguồn gốc dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân
Trong bản văn khắc gỗ đặt trên bàn thờ nhà thờ họ Phạm Lê làng Quả Thượng, xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân có ghi:
Tướng công lấy người con gái trưởng của Phạm Đình Công (Phạm Đình Kiện), bà là chị của Hoàng thái hậu (Phạm Thị Ngọc Hậu, có chỗ ghi là Oanh, là vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông) sau khi vua Lê Huyền Tôn lên ngôi, bà được thăng lên ngôi vị Hoàng Thái hậu, rồi bà về thôn Kim Bảng cho xây điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế (vua Thần Tông) đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng, tôn thờ các vị Phật.
Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự cho nên Hoàng thái hậu bàn với phu nhân quan Tể tướng (Lê Hiệu đậu đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643) đời vua Lê Thần Tông, từng giữ các chức vụ Thượng thư các bộ: Hình bộ, Lễ bộ, Binh bộ được phong tước hầu, sau thăng đến chức Tham tụng, Đặc Tiến Kim Tử Vinh lộc đại phu, tả lý công thần thượng trụ quốc) cho người con trai thứ của phu nhân là Lê Trừng về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ phong làm hoàng tộc để chuyên lo việc phụng thờ tổ tiên họ ngoại và Hoàng thái hậu.
Hiện nay, họ Phạm Lê còn giữ được hai đạo sắc phong thời Cảnh Hưng cho ông Phạm Trừng.
Đạo thứ nhất:
Sắc phong cho ông Phạm Trừng thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc biệt ban thưởng cho chức tả trung Doãn, phong cho tước bá, làm các chức quan Trung Trinh, Đại Doãn, Nhuệ Trung bá, Khuông Mỹ Doãn.
Ông Phạm Trừng khâm phụng sắc chỉ.
Năm Cảnh Hưng thứ 22 ngày 7 tháng 4 (1761)
Đạo thứ hai:
Sắc phong cho ông Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. người được kế nghiệp giám thủ thượng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất nay đặc ân thưởng cho chức quan thừa xứ, phong cho tước hầu, khá khen là một quan đại phu tốt cho làm tán tự thừa chính sứ ty, thừa chính sứ ở xứ Lạng Sơn, phong cho tước Cảo Xuân Hầu.
Năm Cảnh Hưng thứ 32 ngày 7 tháng 4 (1771)
Hai đạo sắc này được ông Trịnh Ngữ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh dịch.
Theo Cảo Thịnh lăng bị ký, ở xã Quả Nhuệ Thượng, Tổng Thượng Cốc, phủ Thọ Xuân, nay thuộc địa phận xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân (Bia đã bị thất lạc chỉ còn lại thác bản được lưu trữ tại Viện Hán Nôm, mang mã số VNCHN.N01915), bia một mặt, khoảng 450 chữ, được lập vào mùa đông năm Chính Hòa thứ 7 (1686). phần lạc khoản ghi: Giám sát chính lăng Phạm Trừng, cháu ngoại vua tước Dực bình Hầu (sau đổi là Cảo Xuân Hầu).
Từ ba loại hình văn bản kể trên, đối chiếu với lời kể của các cụ cao niên họ Phạm Lê ở Thọ Xuân đều trùng khớp nhau, bởi vậy chúng tôi có thể khẳng định: Phạm Trừng tên thật là Lê Trừng, người xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, nay là xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là con trai thứ của Tiến sỹ ... cập đệ, đệ nhất giáp, đệ tam danh khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái nguyên niên (1643) đời vua Lê Thần Tông, làm quan từng giữ các chức thượng thư các bộ: Lễ, Công, Hình, thăng đến chức Tham tụng, tá lý công thần. Lê Hiệu lấy bà Phạm Thị Hiền (chị Hòang thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu) đẻ ra Lê Trừng.
Lê Trừng ra thôn Kim Bảng, huyện Lôi Dương, sau khi vua Lê Huyền Tông chết, đổi thành họ Phạm để coi việc thờ cúng tổ tiên bên ngoại đồng thời là người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, giám sát việc dựng bia lăng Cảo Thịnh, Phạm Trừng được giữ chức quan, Tán Tỵ thừa chính sử Ty, thừa chính sử xứ Lạng Sơn Tước Cảo Xuân hầu. Lê Trừng cũng là ông tổ của dòng họ Phạm Lê ở các xã Xuân Phong, Thọ Lộc, Nam Giang Thọ Xuân Thanh Hóa. Đây là một dòng họ lớn, có truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Ngày nay con cháu họ Phạm Lê sinh sống ở mọi miền đất nước nhân đinh lên đến hàng ngàn người.
Đúng như người xưa từng nói: Cây bền tại gốc, nước sâu tại nguồn là vậy.
2. Những thông tin quí giá rút ra từ cuốn gia phả họ Lê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Sưu tầm nghiên cứu về một nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, hay một dòng họ có nhiều nhân vật lịch sử, đôi khi phải mất vài chục năm, nếu không có cái duyên với lịch sử.
Cũng đã hơn hai mươi năm, kể từ ngày mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu phát lộ, chúng tôi vẫn chưa biết một cách cụ thể về gốc tích, hành trạng của nhân vật lịch sử Phạm Trừng, cháu ngoại của Đoan Thuần Hoàng Thái hậu, người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, trông coi thờ phụng tổ tiên bên ngoại.
Năm 2015, được sự giúp đỡ của ông Phạm Mai Anh và ông Phạm Lê Thưởng người làng Kim Bảng, xã Nam Giang, chúng tôi vào huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An đi tìm gốc tích ông Lê Trừng, tức Phạm Trừng. Đây là lần đầu tiên, sau 160 con cháu họ Phạm Lê về thăm quê tổ, tính từ khi ông Phạm Tuấn, đổ Cử nhân năm Tự Đức thứ 8 (1855) về vinh qui bái tổ. Do ông Phạm Mai Anh liên hệ trước, nên về đến huyện Yên Thành, chúng tôi đã có người trong họ ra đón. Năm đó, nhân dân Yên Thành nói riêng còn nghèo, nhưng rất chân thành và hiếu khách, họ đương lần đầu gặp gỡ nhau nhưng tình cảm như ruột thịt. Chúng tôi vào Yên Thành đúng hôm dòng họ tiến hành tôn tạo mộ cụ Lê Kính. Lê Kính là người xã Quan Trung, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, ông sinh năm 1587, mất năm 1599, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức Công bộ Thượng Thư, Tước Thạc Trung Hầu. Khi mất, được tặng hàm Thái Bảo, Tước Thạc quận Công. Lê Kính là cha của Lê Hiệu, và là ông nội của Lê Trừng, tức Phạm Trừng ở Thanh Hóa.
Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng có dịp ra thăm lăng mộ Lê Hiệu cách xã Sơn Thành 7 km. Lê Hiệu sinh năm Canh Ngọ (1690) đỗ Hoàng giáp khoa Quí Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643) năm 27 tuổi, làm quan đến chức Thượng Thư, thắng đến Tham Tụng (tương đương Tể Tướng). Ông và cha là Lê Kính đều giữ chức Thượng Thư cùng triều. Mộ Lê Hiệu đặt trên một gò đất cao, rộng chừng 500 m2, theo gia phả trước đây là 2 mẫu (10.000m2), xung quanh có tường đất làm ranh giới. Trong cuốn Lê Tộc Đại Tôn, hiện lưu giữ trong nhà thờ ở thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện yên Thành, Lê Hiệu là thế tổ đời thư 7. Theo lời dẫn thì cuốn gia phả do cháu đời thứ 14 là Tú tài Lê Văn Đăng, căn cứ vào bản cựu phả có bổ sung ghi thành bản phả này vào năm Tự Đức thứ 24 (1871).
Theo thế thứ, ông tổ đời thứ nhất không ghi họ, húy là Quy, người giáp Ngọc Long Hạ, tổng Vân Trụ huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, dời cư đến ấp Tràng Sơn, nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đời thứ 2: Húy là Văn Đạo, tên chữ là Trọng Nguyên, lấy bà Hồ Thị Vụ, sinh ra con trai là thứ Bá Chước (con trai cả là Văn Điện chết sớm).
Đời thứ ba: Húy là Văn Chước, tên chữ là Diên Huyền, lấy vợ họ Cao, sinh ba con trai, con cả chết sớm, con thứ hai Húy là Bính, trai thứ ba Húy là Giản.
Đời thứ tư:
1. Húy là Bính (con trai thứ 2 của ông Chước). Ông lấy vợ người họ Thái sau phân chi về thôn Ngọc Hiên xã Hiến Lạng, tổng Đại Đồng, Huyện Nam Đàn Phủ Anh Sơn.
2. Thế tổ húy là Giản (con trai thứ 3 của ông Chước) lấy vợ họ Nguyễn, sinh ba con trai, người con đầu là Nhật Chiếu chết sớm, con trai thứ là Đậu Nghi, thứ ba là Đậu Nghiêm.
Đời thứ năm:
1. Thế tổ là Đậu Nghi, lấy vợ người người Yên Dũng, Kinh Bắc, có một người con gái.
2. Thế tổ là Đậu Nghiệm, là con trai ông Giản, lấy vợ họ Nguyễn cùng ấp sinh được một con trai là Lê Kính; Ông Nghiệm mất sớm, vợ ở góa nuôi con.
Thế tổ đời thứ sáu Lê Kính.
Lê Kính mồ côi cha từ nhỏ, mẹ góa con côi, nhà nghèo, nên phải gửi thân nhà họ Nguyễn trong ấp. Mẹ ông mở quán cháo ở cạnh đường quan lộ phía Tây của ấp. Bấy gời gia đình Nguyễn Công nuôi thầy dạy học trông nhà, khi rỗi việc lê Kính ra chăm chú nghe thấy giảng đọc. Thầy dạy học trông thấy nói với ông họ Nguyễn rằng: Tôi xem thằng bé này đỉnh ngộ không nên bắt nó làm việc vặt mà nên cho nó học hành. Ông họ Nguyễn nghe lời thầy, từ đấy Lê Kính chăm chỉ học hành, ngày một giỏi giang. Sau lại tới xã Vân Trụ theo học Giám Sinh Nguyễn Đại Đức. Năm Nhâm Tý, Hoằng Định năm thứ ba (1602), Lê Kính đỗ Hương cống, lúc này ông 24 tuổi, mẹ ông 45 tuổi. Năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông (1628) Lê Kính đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng Thư, Tước Thạc Trung Hầu, khi chết được thăng Thái Bảo Tước Thạc quận công, Lê Kính có hai người con trai là: Lê Hiệu và Lê Huy.
Thế tổ đời thứ bảy:
Thế Tổ Lê Hiệu: Lê Hiệu là con trai đầu của Lê Kính, Lê Hiệu lấy ba người vợ, có 4 người con trai, bà cả sinh được Lê Mai và Lê Kiều. Bà thiếp thứ nhất sinh được một con trai là Lê Dương, bà thiếp thứ hai tức bà Phạm Thị Hiền, bà là con gái đầu của quan tặng phong Thái Bảo Vi quận công Phạm Định Kiên, chị gái của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, sinh ra Lê Trừng, tức Phạm Trừng ông tổ dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Từ đời thứ 6 là Lê Kính, đỗ Khai Khoa Tiến sĩ, hậu duệ về sau đời nào cũng có người học hành đỗ đạt, làm quan giúp đời, giúp nước, con cháu ngày một đông. Bên cạnh yếu tố thông thường của một cuốn phả ghi thế thứ, phân chi trong dòng họ, trong phả có nhiều doạn ký mang yếu tố tâm linh, như thầy địa lý để mộ vào đất phát phúc, chuyện các vị thần ở đền Cao Sơn, chuyện nằm mộng của thầy Nguyễn Đại Đức ở xã Vân Trụ Tựu chung, ở các đoạn ký này là tấm lòng thật thà nhân hậu, tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động, học tập của những người trong gia đình, dòng tộc họ Lê ở xã Sơn Thành, Yên Thành tỉnh Nghệ An và chính đây cũng là kết cấu cho sự phát triển vững bền của các dòng họ ở nông thôn Việt Nam.
Để chuẩn bị cho Hội thảo này, tháng 6 năm2019, chúng tôi lại vào Yên Thành, Nghệ An, được ông trưởng họ đón tiếp nhiệt tình và cho biết nhiều thông tin thú vị:
Từ hai tiến sĩ khai khoa và là hai cha con làm quan cùng triều, dòng họ Lê ở thôn Tràng Sơn còn có rất nhiều người đỗ cử nhân, hương cống. Cuối thế kỷ XIX, lại có một người dỗ đại khoa nữa đó là Lê Doãn Nhạ (có tài liệu ghi chép là Nhã), ông là hậu duệ đời thứ 13 của Lê Quy, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức thứ 20 (1867) đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871), năm 35 tuổi làm quan Sơn phòng xứ Nghệ An. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885), Lê Doãn Nhạ đem thuộc hạ gia nhập nghĩa quân của Nguyễn Xuân Ôn chống Pháp ở vùng núi Yên Thành Nghệ An. Một lòng chống địch đến cùng, được sĩ phu và nhân dân kính trọng.
Theo lời ông trưởng họ, Lê Hiệu và Lê Kính trước đây được thờ ở đình làng, nhà thờ họ Lê to và bề thế, khi quân Tây Sơn đi qua vùng này, nơi thờ tự các cựu thần nhà Lê bị đốt phá, dân làng phiêu tán, đến đầu Gia Long, triều Nguyễn, nhân dân mới quay về dựng lại thôn làng. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, vì trả thù những người tham gia Cần Vương, Nhà thờ họ Lê một lần nữa lại bị đốt phá. Con cháu họ Lê và nhân dân thôn Tràng Sơn lại ly tán.
Cuốn Lê Tộc Đại Tôn mà chúng tôi có trên tay do Bảo tàng tỉnh Nghệ An sao chép lại, nguyên do trước đây, bản phả chính được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Năm 1968, máy bay Mỹ đánh vào bảo tàng, toàn bộ kho lưu trữ Hán Nôm bị cháy, riêng hai cuốn gia phả họ Lê Doãn Nhạ và Nguyễn Xuân Ôn bay ra ngoài mà không hề hư hỏng. Năm 1992, khi xếp hạng di tích, bảo tàng đã chép lại, giao cho dòng họ và xin giữ lại bản gốc.
Nghiên cuốn Lê Tộc Đại Tôn, thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An và đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu khác chúng tôi rút ra mấy thông tin quí giá sau:
1. Phạm Trừng, ông tổ họ Phạm Lê ở Thọ Xuân Thanh Hóa, họ tên Thực là Lê Trừng, con trai thứ 4 của quan Tham Tụng Tá Lý Công Thần thượng trụ quốc, phương quế hầu, Lê Hiều, gốc người xã Quan Trung huyện Đông Thành trấn Nghệ An, nay là thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Theo đề nghị của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu, Lê Trừng ra Thanh Hóa, đổi thành họ Phạm để trông coi việc thờ phụng tổ tiên bên ngoại, ông cũng là người chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, giám sát dựng bia lăng Cảo Thịnh. Phạm Trừng từng đảm nhận chức quan Tán Tự Thừa Chính sứ Ty, Thừa Chính sứ ở Lạng Sơn, tước Cảo Xuân Hầu. Như vậy Phạm Trừng là một nhân vật lịch sử cần được tôn vinh.
2. Dòng họ Lê ở thôn Tràng Sơn xã Sơn Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và dòng họ Phạm Lê ở Thọ Xuân Thanh Hóa là một dòng họ lớn, có truyền thống trung nghĩa, yêu nước, truyền thống hiếu học, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
3.Từ những cứ liệu trên, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan, nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng nhà thờ họ Phạm Lê ở làng Quả Thượng xã Thọ Lộc huyện Thọ Xuân và Lăng mộ Phạm Trừng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
MỐI QUAN HỆ DỒNG HỌ PHẠM Ở NAM GIANG, THỌ XUÂN
VÀ HỌ LÊ Ở NGHỆ AN
ThS Lê Trí Duẩn*
Nghiên cứu dòng họ thông qua gia phả, các mối quan hệ đã góp phần làm sáng tỏ thêm sự phát triển của dòng họ, do đâu mà có ? hay những đóng góp quan trọng cho quê hương đất nước. Truyền thống tốt đẹp nào được con cháu nuôi dưỡng, phát huy. Chúng ta thử đi tìm hiểu mối quan hệ của dòng họ Phạm ở Nam Giang, Thọ Xuân và dòng họ Lê ở Nghệ An thông qua cuốn gia phả họ Lê Doãn Nhã thôn Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và một số tài liệu có liên quan.
Theo gia phả họ Lê ở xã Quan Trung, nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cho biết:
Tổ đời thứ 6 là Lê Kính sinh năm 1587, mất năm 1659. Năm 42 tuổi ông thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn - Vĩnh Tộ 10 (1628), đời vua Lê Thần Tông. Làm quan đến Công bộ Thượng thư, tước Thạc Trung hầu. Khi mất được tặng Thái bảo, Thạc Quận công. Ông là cha của Lê Hiệu, 2 cha con đều thi đậu Tiến sĩ và làm quan Thượng thư triều Lê.
Tổ đời thứ 7 là Lê Hiệu sinh năm 1617, chưa rõ năm mất. Năm 27 tuổi, ông thi đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa Quý Mùi - Phúc Thái năm thứ nhất (1643), đời vua Lê Chân Tông. Làm quan đến Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư, tước hầu. Ông từng được cử đi sứ nhà Thanh và được tôn vinh là Lưỡng quốc Tể tướng, bị bãi chức, sau được phụng dụng. Khi mất được tặng Tả Thị lang. Lê Hiệu đã kết duyên với bà Phạm Thị Ngọc Hiền làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là
__________________
* Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa
huyện Thọ Xuân) và cũng chính từ mối kết duyên này đã mở ra sự phát triển mới trong mối quan hệ dòng họ ở đây.
Theo các tư liệu lịch sử cho biết ông tổ họ Phạm là Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ huyện Lôi Dương, tức là làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay. Ông Phạm Đình Kiên lấy bà Chu Thị Loan người xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sinh ra hai người con con gái là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu.
Khi ông Phạm Đình Kiên mất, ba mẹ con bà Chu Thị Loan nhờ đặt được hài cốt của ông vào phúc địa nên đúng như lời tiên tri: Bà chị là Ngọc Hiền lấy được công hầu là ông Tiến sĩ họ Lê người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (Lê Hiệu), còn bà em thì năm 19 tuổi duyên trời sắp đặt ra kinh đô gặp dịp Lê Thần Tông mộng thấy người đẹp có tiền duyên, sai quan đi tìm, gặp được bà giống hệt người trong mộng, liền lấy làm vợ.
Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Lê Duy Vũ được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm sau khi Lê Thần Tông qua đời, Thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, sử gọi là Lê Huyền Tông.
Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Hoàng thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662 - 1670) thì mất, thọ 18 tuổi, chưa có con nối dõi. Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm nghiên cứu phật giáo, tịnh tâm, sống an nhàn và chăm lo làm việc thiện, tạo phước lành.
Sử sách cũng như Ngọc phả nhà Lê cho biết: Vua Huyền Tông băng táng ở Lôi Dương, xây Lạc Thịnh lăng và Triều long điện để phụng sự. Lạc Thịnh lăng còn gọi là Quả Thạnh lăng, cũng có thể gọi là Cảnh Trị lăng theo niên hiệu của Huyền Tông. Còn Triều Long điện tức Càn Long điện theo nghĩa đen chỉ điện của nhà vua. Mộ vua cha (Thần Tông) và mẫu hậu vua Huyền Tông cũng được táng ở gần đấy.
Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long, được vua Lê Gia Tông ban sắc cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ, chăm lo thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính. Bà Phạm Thị Ngọc Hậu đã quan tâm đến việc hương hỏa nên đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ.
Trong văn bản khắc gỗ trên bàn thờ tổ họ Lê viết năm Thành Thái thứ 12 triều Nguyễn (Canh Tý - 1900) ghi: Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên thiếu người thờ tự cho nên bà Hoàng Thái Hậu đã bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc, để chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu . Vì thế tổ tiên bên họ ngoại nhà vua mới được thờ phối ở Điện Càn Long. Đây là vinh dự lớn của dòng họ Phạm Lê ở Quả Nhuệ thời bấy giờ. Một việc làm vô cùng có ý nghĩa nữa đó là bà Phạm Thị Ngọc Hậu đã cùng chị gái Phạm Thị Hiền đã đầu tư xây dựng một ngôi chùa - gọi là Chùa Cẩm Long.
Qua mối quan hệ này cho chúng ta biết, ông tổ ngoại là Phạm Đình Kiên không có người thờ tự nên bà Hoàng Thái Hậu bàn với người chị gái là Phạm Thị Hiền cho người con trai thứ là Lê Trừng về Quả Nhuệ đổi theo họ mẹ để chăm lo việc thờ cúng bên ngoại. Chính vậy ở Qủa Nhuệ có thêm chi họ Phạm Lê. Các sắc phong vào những năm Cảnh Hưng 22 và 32 (1761 - 1771) cho biết triều đình đã đặc biệt ân thưởng cho Phạm Trừng tước Quả Xuân hầu vì đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, kế thừa việc thừa tự bên ngoại nhà vua
Với việc kết hợp hai dòng họ trong việc đặt tên cho ta thấy rằng đó là một cách để giáo dục ý thức nguồn cội cho con cháu, tôn vinh vai trò của họ Phạm, họ Lê trong việc xây dựng điện thờ, chăm lo hương hỏa cho tổ tiên và mối kết duyên của hai dòng họ Phạm - Lê.
Như vậy, mối quan hệ của họ Phạm ở Qủa Nhuệ, Nam Giang, Thọ Xuân và họ Lê ở Nghệ An được gắn bó bởi việc kết duyên giữa Bà chị là Ngọc Hiền lấy ông Lê Hiệu người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An sinh ra Lê Trừng đã có nhiều đóng góp cho họ ngoại ở Kim Bảng và là Chi trưởng Phạm Lê ở Qủa Nhuệ, Nam Giang, Tho Xuân ngày nay.
LÀM RÕ CHÂN DUNG BÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU VÀ VAI TRÒ ẢNH HƯỞNG CỦA BÀ ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢ NHUỆ - KIM BẢNG (NAM GIANG, THỌ XUÂN) XƯA VÀ NAY
NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu*
1. Về tên gọi của bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ - quyển XIX, trang 693 ghi: Năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665), tháng 8, sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm hoàng hậu. Tôn mẹ thân sinh ra vua (Lê Huyền Tông) là Phạm Thị Ngọc Hậu làm Hoàng Thái hậu (Thái hậu người làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương).
Sách Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục Chính biên quyển XXXIII, trang 727, ghi lời chua: Tôn mẹ là Phạm Thị làm Hoàng Thái hậu. Lời chua: Thái hậu tên là Ngọc Hậu, người xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương.
Sách Lê triều Ngọc phả (chép về Lê Huyền Tông) ghi là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Trong 2 tấm bia: Phụng sự bi ký, Công đức trường lưu, Đệ niên tuần nhật, Tế tự thường nghi (Bia ghi phụng thờ, Công đức lưu mãi, Ngày tuần hàng năm, Nghi thức cúng tế, dựng vào niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), ở làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Bia vuông, khắc chữ cả 4 mặt) và tấm bia Hoàng Thái hậu bi, dựng vào ngày tốt giữa thu niên hiệu Chính Hòa thứ 7(1686) (bia vuông 4 mặt, khắc chữ 3 mặt) ở xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (quê ngoại của Bà). Lạc khoản văn bia hai tấm bia trên đều do 2 vị nhuận sắc là Nguyễn Danh Thực, người xã Đại Bái, huyện Gia Định, đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh khoa Kỷ Hợi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Hải Sơn tử và Nguyễn Công Vọng - người Vịnh Cầu, Đông Ngàn, Tiến sĩ Hội nguyên khoa Quý Hợi, đỗ kỳ thi Đông các khoa Bính Thìn, giữ chức Quang tiến Thận lộc Đại phu, Bồi tụng, Lễ bộ Tả thị lang, Nhập thị Kinh diên, tước Vĩnh Ngạn nam. Người phụng mệnh soạn là hai vị: Quách Giai, Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Quý Hợi, Hàn lâm viện Thị chế và Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu lý và Nguyễn Đình Xuân, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu thảo. Người viết chữ là Nguyễn Hạo, Phó Cai hợp, tri phủ, tước Văn Hợp nam, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn. Cả hai văn bia trên đều ghi Hoàng Thái hậu tên húy là Ngọc Oánh.
Về việc xác định rõ tên gọi của bà Hoàng Thái hậu, Tiến sĩ Hán nôm Nguyễn Văn Hải Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Thanh Hóa đã khảo dịch thư tịch và cho rằng: Việc ghi chép hai tên gọi khác nhau giữa tài liệu văn bia với các tài liệu chính sử, cả hai loại tài liệu này đều đúng. Bởi vì các sử gia ghi chép tên bà là Ngọc Hậu là tên hiệu thường gọi, còn tên Ngọc Oánh là tên húy (tên cúng cơm của bà), chỉ sử dụng trong lúc tế tự lễ nghi.
2. Về quê hương, gia đình, dòng họ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu:
Theo cuốn Lịch sử xã Nam Giang, xuất bản năm 2019 cho biết: Làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay được thành lập vào thế kỷ XIII (thời Trần), ban đầu có tên gọi là trại Quả, sau đổi thành làng Cảo Nhuệ (thường gọi là Quả Nhuệ). Dân cư ngày một đông đúc làng Cảo Nhuệ chia thành 2 làng: Cảo Nhuệ Thượng và Cảo Nhuệ Hạ. Đến đầu thế kỷ XIX, thôn Cảo Nhuệ Thượng, thôn Cảo Nhuệ Hạ thuộc xã Thượng Cốc, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, trấn Thanh Hóa. Đến niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1836), do kiêng biệt húy của vua Gia Long (1802 - 1819), nên tên gọi Cảo Nhuệ đổi thành Quả Nhuệ. Sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Từ đầu Nguyễn về trước là Cảo Nhuệ, từ năm 1836 kiêng đồng âm chữ Cảo (biệt húy của Gia Long), đổi là Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương(1).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Quả Nhuệ Thượng đổi tên thành Kim Bảng. Đến năm 1954, xã Nam Giang được thành lập gồm 6 làng: Phúc Thượng, Phúc Hạ, Phú Gia, Phúc Như, Cao Phong và Kim Bảng. Tên gọi các làng được giữ nguyên đến nay.
Trong sử sách, văn bia Phụng sự bi ký, Công đức trường lưu, Đệ niên tuần nhật, Tế tự thường nghi và Hoàng Thái hậu bi, ghi rõ: Bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là người xã Cảo Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương (nay là làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Theo Lê kỷ tục biên - một cuốn sử của dòng họ cho biết: Ông Phạm Đình Kiên ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (tức làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay). Ông Phạm Đình Kiên lấy bà Chu Thị Loan - người xã Thanh Nga, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh ra hai người con gái là Phạm Thị Ngọc Hiền và Phạm Thị Ngọc Oánh (tức Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu).
Khi ông Phạm Đình Kiên mất, ba mẹ con nhờ đặt được mộ ông vào đất phát phúc về sau đúng như lời tiên tri trước đây nhất giá công hầu, nhất giá vương (nghĩa là: một người lấy công hầu, một người lấy vua). Bà chị là Phạm Thị Ngọc Hiền làm vợ ông tiến sĩ Lê Hiệu (con tiến sĩ đương triều thứ của Lê Kính) - người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, làm quan tới chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phong Quế hầu. Còn bà Phạm Thị Ngọc Oánh lấy vua Lê Thần Tông được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Bà Phạm Thị Ngọc Oánh sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635) đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643) (lần thứ nhất)(1). Đến năm 19 tuổi, duyên trời dun dủi ra Kinh đô, bà được tuyển vào cung làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng đế. Bà có đức tính Lúc sang bà vẫn cần cù, giàu vẫn kiệm ước đấy là đức thuần mĩ đệ nhất vậy; Ngôn(1) không thiếu, công(2) không giản lược (là do) giáo dục đầy đủ mà thành vậy. Lời nói phát ra đó là hiền đức của Hoàng hậu, lời nói như cây phù dĩ (3) đó là sự tốt đẹp của Hoàng hậu. Bà được vua Lê Thần Tông thương yêu hết mực. Năm Giáp Ngọ (1654), Bà sinh ra Hoàng tử Duy Phúc (tức Huyền Tông Mục Hoàng đế), dáng dấp như rồng phượng, chỗ ấy bảo là: mẹ có thánh ắt có con thánh là vậy(4). Thuở nhỏ thông minh, khi lớn lên đôn từ mẫn tiệp, thuần hậu, từ nhân, khoan dung, giản dị, thực là một bậc quân vương đức độ. Gặp khi Thần tông Uyên Hoàng đế ngự yến, vua tỏ rõ tư chất và tài năng có thể khuông phù cơ nghiệp tổ tông. Năm Nhâm Dần (1662) được Hoằng tổ Dương vương (tức chúa Trịnh Tạc 1657 - 1682) tôn lập kế trị thiên hạ, trong ngoài không một vị tôn thân nào không thuần phục, tất thảy đều kính trọng. Năm Quý Mão, vua đổi niên hiệu Cảnh Trị (1663 - 1671), đại xá thiên hạ, người người trong nước đều lau nước mắt, nghểnh cổ trông nền thái bình. Bấy giờ quy mô trong nước được đầy đủ, kỷ cương sáng tỏ. Bắc quốc sợ uy, tôn trời nam lẫm liệt, sức mạnh thực lớn lao rường mối hưng thịnh, vua tôi hiền năng đức độ. Dấy uy linh mà tiêu trừ con vợ lẽ(5), Vũ công cất bỏ, đức ngày một dày thay ! Công ngày một cao thay ! Nổi danh là một ông vua hiền đức(6). Đó cũng là được nhờ sự nuôi dưỡng của bà Phạm Thị Ngọc Oánh.
Đến năm Kỷ Tỵ, triều đình nhà Lê tôn bà là Hoàng Thái hậu. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn làm nhiệm vụ cai quản dạy bảo trong cung, là mẫu nghi thiên hạ. Triều đình đã truy tôn ấm phong cho các vị tiền nhân của Bà như sau: Hiển khảo (cha) được gia phong Thái bảo Vị Quận công. Hiển tỉ (mẹ) được phong là Thái bảo Vị Quận công phu nhân. Hiển tổ khảo (ông) húy Đình Tiến được gia phong Thiếu bảo Hà quận công. Hiển tổ tỉ họ Lê húy là Y được được gia phong Thiếu bảo Hà Quận công phu nhân. Hiển tằng tổ khảo (cố) húy là Đình Biểu được gia phong là Quận Đô đốc Đồng tri Hải Triều hầu. Hiển tằng tổ tỷ (cố bà) họ Lê, húy là Tín được gia phong Đô đốc Đồng tri Hải Triều hầu Chính thất phu nhân.
Sau khi vua Lê Huyền Tông mất, Bà xin triều đình trở về quê hương bản quán để di dưỡng tuổi già, thờ chồng con và cho đến ngày mất. Sau khi Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu mất, mộ táng ở đất Phong Lạc, xã Nam Giang ngày nay. Ngôi mộ Hoàng Thái hậu trong quan ngoài quách nhưng đã bị kẻ gian đập phá nát năm 1993 nên chính quyền địa phương và dòng họ Phạm Lê đã cải táng đem về chôn cất trong khu đất Điện Càn Long trước đây.
3. Vai trò của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đối với vùng đất Quả Nhuệ - Kim Bảng:
Có thể nói, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một người tài sắc vẹn toàn và rất nổi tiếng thời Lê Trung hưng. Tài năng, đức độ phẩm hạnh của Bà đã tạo cho mình một vị thế khiến mà cả triều đình phải kính trọng. Mặc dù ở nơi quyền quý cao sang như vậy, Bà luôn luôn nghĩ về quê hương bản quán, về tổ tông nội ngoại.
Đối với quê hương Quả Nhuệ (Kim Bảng) bà có sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ khi còn là Hoàng Thái hậu bà đã nghĩ đến việc xây điện miếu phụng thờ Tiên đế nơi quê hương bản quán của mình. Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), vua Huyền Tông băng hà, dâng tôn hiệu là Huyền Tông Mục Hoàng đế được đưa về táng ở ngoài xã Cảo Nhuệ Thượng, chọn đất bằng 4 mẫu làm lăng, hiệu là Cảo Thịnh(1). Từ đây, bà xin về quê để xây dựng điện miếu thờ cúng Lê Huyền Tông. Theo văn bia Công đức Trường lưu thì Điện miếu tôn thờ gọi là Điện Càn Long.
Điện Càn Long làm nơi thờ cúng vua Lê Huyền Tông cùng các vị tiên tổ bên họ ngoại nhà vua. Cũng thời gian này, Bà còn xây dựng cho quê hương ngôi chùa thờ Phật, gọi là Cẩm Long tự (chùa Cẩm Long). Chùa Cẩm Long có nghĩa là con Rồng hoa, thuộc làng Cẩm Long và tên làng Cẩm Long cũng được Hoàng Thái hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ ở quê. Chùa thờ Phật Thích ca Mâu ni và nhiều tượng Phật. Sau khi bà Ngọc Hiền và bà Ngọc Hậu mất, dân làng đã đúc tượng hai bà đặt ở hậu cung để lễ cúng. Hàng năm cứ đến Rằm tháng 5 năm âm lịch, làng tổ chức lễ Khánh tán vừa để báo công với bà, vừa cầu mát cầu may cho dân làng. Gọi là Lễ cầu mát, cầu may.
Điện Càn Long và chùa Cẩm Long do đích thân bà Hoàng Thái hậu họ Phạm điều hành chính là hai công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, quy mô to lớn có giá trị ở thế kỷ XVII.
Không những thế, bà đã lấy ruộng của riêng đặt làm ruộng tế, ban cho thôn xã phân công cày cấy để lưu giữ việc cúng tế tiên tổ, gia phong các vị theo việc thờ cúng tế ở miếu đình để vạn năm sau phụng thờ cũng thống nhất theo nghi thức, mãi làm tự điền. Huống chi lại được lòng dân noi theo, khắc công dạy bảo (để được) sự hâm mộ của muôn đời. Bà còn đặt ruộng tế, ruộng huệ đồng ý cho thôn Kim Bảng 5 mẫu, xã Cảo Duệ Thượng 50 mẫu, chia nhau canh tác phụng thờ, các xứ sở của ruộng tế ghi ở bia và quy định nghi thức tế tự Huyền Tông Mục Hoàng đế và các vị tiên tổ ngoại (tức họ Phạm Lê).
Ngoài ra, đối với ruộng phụng thờ, nguyên Tiên đế vốn chia ruộng ở các làng Bố Vệ, Động Bàng tổng cộng 80 mẫu. Nay kính phụng sắc chỉ chuẩn cấp giúp đồn điền sở quan Tĩnh Gia ở ruộng xã Thủ Hộ, huyện Quảng Xương. Lệnh cấp cho dân huyện Văn Giang phụng thờ quê ngoại ở xã Thanh Nga, đủ thuế cuối năm. Về sau, vua Lê Gia Tông (1672-1675) ra sắc chỉ cho phép bản, xã quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ (chức quản lý điện miếu); cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ, hương hỏa 4 mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Đối với dòng họ Phạm - Lê:
Theo bài văn khắc trên gỗ để ở bàn thờ tổ họ Phạm Lê (soạn khắc vào ngày mùng 3 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 (1900) ghi rõ việc đổi họ Lê thành họ Phạm - Lê như sau: Vì ông tổ họ ngoại là Phạm Đình Kiên (Công) thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái hậu bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái hậu. Cũng nhờ vào vị thế của Hoàng Thái hậu mà các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được triều đình nhà Lê truy tôn ấm phong theo lệ và được phối thờ ở Điện Càn Long.
Hiện tại, dòng họ Phạm Lê còn lưu giữ 2 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (ngày 22/4/1761) và Cảnh Hưng thứ 33 (ngày 7/4/1771) đời vua Lê Hiển Tông (1740 1780). Sắc phong cho ông Nhuệ Trung Phạm Trừng ở thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng Điện Càn Long, công việc hoàn tất .
Có thể nói, bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là một nhân vật lịch sử tài sắc vẹn toàn. Với 8 năm làm quý phi vua Lê Thần Tông, bằng tài trí và sự vận động khôn khéo, đã tạo được một vị thế mà cả triều đình nhà Lê Trung hưng phải kính trọng và được người đương thời rất tôn kính, rất đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ. Đến khi vua Lê Thần Tông băng hà, Đối với quê hương Quả Nhuệ - Kim Bảng, bà đã dành ân huệ đặc biệt,Tiếng thơm tu nhân tích đức dòng tộc của bà Hoàng Thái hậu đã được đáp đền thỏa đáng. Do đó từ nay về sau, núi sông cao ngất dựng bia to lớn. Một là, để làm rạng rỡ sự tốt đẹp của tổ tiên, một là để làm sáng rõ công đức khiến cho hôm nay và ngày sau công đức ấy sáng như sao, sáng như mặt trời, càng để lâu mà không quên vậy.
4.Một vài kiến nghị:
- Khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Vì vậy, đề nghị chính quyền các cấp và ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch xúc tiến việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử Điện Càn Long theo quy mô kiến trúc xưa.
- Về mộ bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu an táng ở phía Tây Bắc làng Quả Thượng chừng 1000 mét (nay thuộc cánh đồng của Trung tâm thực nghiệm giống lúa huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân). Ngôi mộ được xây dựng trong quan ngoài quách. Năm 1993, nhân dân địa phương sản xuất tình cờ phát hiện ra một ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu, sau đó bị kẻ gian đào bới. Do vậy, chính quyền địa phương tiến hành cải táng đưa về chôn cất ở địa điểm Điện Càn Long trước đây. Do vậy, đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng dời chuyển hài cốt của Bà trở lại vị trí cũ và xây lăng chu đáo.
- Về ngôi chùa Cẩm Long hiện nay chỉ còn lại trong ký ức của người dân trong vùng. Song ngôi chùa Cẩm Long gắn liền với tên tuổi bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Hiện tại, nhân dân địa phương có nguyện vọng thiết tha được xây dựng lại ngôi chùa Cẩm Long để tri ân công đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, cũng là để nhân dân địa phương được thực hành tín ngưỡng Phật giáo trong quần thể di tích Điện Càn Long.
ĐIỆN CÀN LONG TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA
VÙNG ĐẤT CỔ LÔI DƯƠNG
NNC. Lê Đình Phùng*
Văn hóa là một thuật ngữ rất rộng, trong đó nó bao hàm cả học vấn. Do vậy, người có học vấn chưa hẳn đã có văn hóa là lẽ thường tình. Văn hóa truyền thống của một dòng tộc, gia đình hay làng quê, đất nước ... là cả một quá trình tích lũy, chắt lọc... Qua thử thách của thời gian, có thể hàng mấy ngàn năm trong lịch sử, văn hóa truyền thống vùng đất cổ Lôi Dương cũng không nằm ngoài qui luật ấy.
Vùng đất cổ Lôi Dương thời Lý thuộc huyện Di Phong, Cư Phong thời Trần thuộc huyện Cổ lôi, thời Lê thuộc huyện Lôi Dương... Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng: về địa giới cơ bản không thay đổi, đồng thời thống nhất cao, đây là vùng địa lịnh, nhân kiệt, bao gồm huyện Thọ Xuân, phần lớn huyện Thường Xuân và một phần huyện Thiệu Hóa ngày nay.
Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi đem lại thái bình cho trăm họ, lập nên triều đại nhà Lê, tồn tại 360 năm với 27 đời vua ( 1428-1788) đã để lại trên đất Thọ Xuân ngày nay 2 ngôi điện:
1. Điện Lam Kinh tại xã Xuân Lam
2. Điện Càn Long tại xã Nam Giang
Đây là điều hiếm thấy trên vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt. Điện Lam Kinh tại xã Xuân Lam đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Còn điện Càn Long là ngôi điện bề thế thứ 2 duy nhất trên đất xứ Thanh đang được tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị tôn tạo, bảo tồn. Đây chính là quan tâm đến văn hóa tâm linh trong dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam đã trải qua trong tiến trình dựng nước, giữ nước.
Văn hóa nói chung, văn hóa tâm linh nói riêng, ở vùng đất này, vùng đất cổ Lôi Dương cũng được xác lập trong quá trình lập làng giữ nước xung quanh cái trục: Nhà- Làng- Nước. Lịch sử làng quê vùng đất này cũng như bao làng quê khác cho thấy, nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng làng cứ vẫn mãi tồn tại vĩnh hằng; làng đơn vị cấu thành nước, là nơi hội tụ của các thành viên trong làng trở về sau cơn biến loạn Nước mất - nhà tan . Trong tham luận ngắn ngủi này, tôi xin phép được trình bày: Điện Càn Long trong không gian văn hóa vùng đất cổ Lôi Dương, chủ yếu là tìm hiểu về không gian văn hóa tâm linh của vùng đất này với quần thể Điện Càn Long và khu lăng mộ vua và Mẫu Hậu đang có hiện nay trên địa bàn xã Nam Giang.
Cùng trong dòng chảy của không gian văn hóa nói chung, không gian văn hóa tâm linh được xác lập trong thực tiển cuộc sống của các cộng đồng người theo đức tin và quan điểm thẩm mỹ của công đồng cụ thể ấy, nó là qui luật tất yếu trong quá trình sinh tồn và phát triển của loài người. Đó là đức tin vào các vị thần, các đấng siêu nhiên... Hình tượng con rồng, cháu tiên sự tôn vinh các vị thần và tục thờ cúng ông bà, tổ tiên chính là đức tin, là không gian văn hóa tâm linh đã được xác lập từ cổ xưa của vùng đất Lôi Dương và người việt cổ. Từ không gian văn hóa tâm linh Lôi Dương xưa đã được xác lập đến anh hùng dân tộc Lê Lợi nhặt được gươm báu, sau khi hoàn thành việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, trả gươm về cho thần Kim Qui ở hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm ) ngày nay. Hay là truyền thuyết truyền miệng: Hai chị em Hiền và Hậu ăn ở có phúc gặp điềm lành, được ông thầy địa lý chỉ cho nơi táng mộ thân phụ, thân mẫu rồi một người trở thành vợ quan cận thần, một người vợ vua và mẫu hậu ... Trong thế giới tâm linh hư hư, thực thực... cho chúng ta thấy những bài học lớn .
Như vậy, không gian văn hóa tâm linh như là một thế giới ảo (Không có thật), thế mà con người vẫn tương tác, giao hòa để rồi trở thành một đức tin, đặc biệt, khi con người bất lực trước hiện thực cuộc sống, đức tin và thế giới tâm linh trở thành cứa cánh cho họ. Tìm hiểu để lý giải về không gian văn hóa tâm linh chính là cách để nhận biết và phân vạch biên giới mong manh, nhạy cảm giữa mê tín và tín ngưỡng; nhằm định hướng cho các cộng đồng dân cư phân biệt được giữa đức tin có cơ sở khoa học và đức tin mù quáng.
Nhìn lại quá trình lập làng dựng nước và giữ nước. cư dân vùng đất cổ Lôi Dương đã tìm và xác định cho cộng đồng một đức tin: Tín ngưỡng đa thần giáo, xuất phát từ đạo thờ Mẫu, tin ngưỡng cổ xưa nhất của người Việt cổ .
Quá trình khai khẩn vùng đất rừng núi hoang vu, luôn phải mở rộng lãnh địa và mưu sinh về hướng tây đã cho ra đời chuyện trăm trứng. Cư dân vùng Lôi Dương là một trong số 50 người con theo mẹ lên rừng. Cuộc chinh phục rừng núi bí hiểm đã ra đời chuyện Sơn tinh - Thủy Tinh. Trong cuộc hỗn chiến này, chàng Sơn Tinh đã chiến thắng Thủy Tinh; truyện phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên trong thời kỳ hoang sơ nhất của chế độ mẫu hệ. Trong đạo mẫu có Mẫu sơn, được thờ ở nơi sơn cao cùng cốc (Cửa Đặt xưa), Mẫu thiên và Mẫu thoải. Mẫu sơn là nữ thần núi, Mẫu thiên là nữ thần trên trời, Mẫu thoải là nữ thần cai quản dưới nước và đương nhiên Mẫu sơn hiện nay đang gọi là Chúa thượng ngàn, là hình tượng của truyền thuyết con rồng cháu tiên được cư dân Lôi Dương chọn thờ ở ngôi vị cao nhất và cũng chính như vậy hướng tây cũng trở thành hướng tâm linh của vùng đất cổ này. Đền thờ Chúa thượng ngàn ở vùng Cửa Đặt, huyện Thường Xuân ngày nay chính là nơi thờ Mẫu của cư dân vùng đất này. Tập tục đi lễ đầu năm ở vùng đát này đã lan tỏa đến nhiều nơi khác trên cả nước vào dịp đầu xuân (Tết Âm lịch) hàng năm. Người ta cho rằng; trước khi đi các chùa trong nước thì đầu năm phải đi chùa Cửa Đặt (Thường Xuân) để xin bà Chúa thượng ngàn ban phát lộc.
Từ xác định hướng tây là hướng của Mẫu sơn (Thần núi) ngự trị, hướng tâm linh, cho nên, khi đến một ngôi làng cổ đất Lôi Dương, người ta dễ dàng nhận thấy các bài trí trong nhà, cách sắp đặt sinh hoạt cộng đồng... đều mang tính ước lệ, nhưng luôn tuân theo một nguyên tắc nhất định trong tâm niệm: Chùa để thờ phật, đình để thờ thần, miếu để thờ thánh... Hầu hết các làng cổ đều có các yếu tố này, nhưng đình là yếu tố nổi bật nhất. Đình đều được bố trí phía tây của làng, tất cả các ngôi nhà cổ đều quay hướng chính, về phía nam nhưng thường lét tây từ 1 đến 2 độ ( Nhìn về hướng đình). Các ngôi nhà cổ thường nền chỉ cao hơn sân một bàn chân để nghiêng (không được cao hơn nền đình của làng) . Khảo sát các ngôi đình ở vùng đất này phần lớn đều thờ thiên thần (thần trong truyền thuyết), do dó việc bố trí xây dựng đình theo hướng tâm linh (hướng tây) của làng theo không gian văn hóa tâm linh là do chủ định. Đình làng Phong Lạc, xã Nam Giang là một ngôi đình to đẹp, bề thế nhất vùng. Đình thờ một nhân thần, tên Ngài là Lê Đức Đạt, tướng của nhà Lê, trên đường cất công từ Nghệ An ra Thanh Hóa để phù Lê diệt Mạc. Ông đã lâm bệnh trọng, trước khi trút hơi thở cuối cùng có sự chứng kiến của người cao tuổi nhất trong làng: cụ Lê Công Vàng, cùng các đại diện nhiều dòng tộc vào buổi chiều tối ngày 23 tháng 9 năm Quí tỵ (1533). Sau một đêm chuẩn bị mai táng cho người nghĩa sỹ, sáng hôm sau ngày 24/9 toàn bộ thi thể của ngài đã bị mối vùi thành nấm mộ. Dân làng đã để nguyên hiện trạng lập đền thờ (Thượng miếu hạ mộ ). Đó chính là vị trí đình - nơi thờ thành hoàng Lê Đức Đạt. Điều thú vị đến không ngờ đó là : nơi trút hơi thở cuối cùng của ngài Lê Đức Đạt đồng thời là ngôi đình của làng lại cũng là hướng chính tây của làng cổ lúc đó. rất tiếc ngôi đình đã bị phá dỡ năm 1962 để làm nhà kho, hiện nay chỉ còn lại phế tích.
Dòng họ Phạm Lê ở làng Kim Bảng là dòng họ lớn được mang 2 dòng máu trực hệ của dòng họ Lê thế phiệt trâm anh ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, nay là xã Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và Họ Phạm ở xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương- Trấn Thanh Hoa, được triều đình Lê Trung Hưng giao cho đốc thúc thi công và chăm sóc điện Càn Long cùng với phần mộ của vua Huyền Tông và Mẫu hậu. Từ trấn Nghệ an xa xôi ra trấn Thanh Hoa để thực thi nghĩa vụ, dòng họ Phạm Lê nhanh chóng phát triển thành dòng họ lớn ở làng Kim Bảng xưa và cũng là dòng họ có thế lực ở ngày nay. Song vì là dòng họ Thế phiệt trâm anh nên việc Nhập gia tùy tụcở vùng đất cổ Lôi này được coi trọng giữ gìn: 2 tập tục, 2 tính cách đã tạo nên một phong cách riêng của làng Kim Bảng ngày nay mà chính dòng họ Phạm Lê đã tạo dựng: Quyết đoán trong mưu sinh, nghĩa tình trong ứng xử, Tôn trọng quá khứ , biết lựa chọn mỹ tục riêng.
Tiếp cận một số dòng họ lớn ở các làng xung quanh Kim Bảng thuộc vùng đất cổ lôi xưa: Như dòng Họ Lê Đình ở làng Phong Lạc, dòng họ mang dòng máu vương triều của chữ Đình , Được vua cha cho ra trấn ải phía Bắc, rồi lại trở về Thanh Hóa lập nghiệp và trở thành 1 trong 3 dòng họ lớn của làng; nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đã kết giao với dòng họ Phạm Lê trên mọi phương diện và cũng chính là dòng họ hậu thuẫn cho chi Phạm Hữu được cử ra trông coi khu lăng mộ của Vua và Mẫu Hậu.
Họ Phạm Duy ở làng Cao Phong, họ Lê Viết ở làng Phúc Như, xã Nam Giang, họ Phạm Văn ở làng Cẩm Long xã Thọ Lộc, họ Lê Ngọc ở làng Mạnh Chư xã Xuân Phong... hầu như các ngôi nhà cổ xưa của tất cả các dòng họ lớn này đều có chung một không gian văn hóa tâm linh chung, cho dù, văn hóa , tập tục cổ đại... trong không gian văn hóa nhân sinh có thể khác nhau theo tập quán riêng của những vùng đất mà họ đã từng sống mang đến .
Quá trình sinh tồn, phát triển là cả một quá trình trăn trở để xác định một đức tin cho từng thanh viên trong cộng đồng làng - xóm. Đức tin đa thần giáo được chắt lọc qua thăng trầm của hiện thực cuộc sống. Con người là sinh linh của vũ trụ, nhưng, con người sở dĩ chinh phục và cai quản được các sinh vật khác vì con người có hồn linh (Hồn linh - Hồn sinh - Hồn bì). Trong ba hồn, chín vía đối với đàn bà và bảy vía đối với đàn ông. Con người sau khi chết, hồn thăng thiên, phách nhập địa, quan niệm của người Á Đông Sự tử là sự sinh, sự vong là sự tồn, tức là chết là sinh ra ở thế giới khác và chết là về với cõi vĩnh hằng. Do đó, mới có: Linh hồn, linh sàng, linh ứng ... Chỉ riêng con người mới có được điều này. Tiến hành giỗ chạp đối với người đã khuất chính là người ta kỷ niệm ngày chết, mà không kỷ niệm ngày sinh
Cư dân vùng đất này hành táng người chết theo tục ông Thọ Mai ( Thọ Mai gia lễ) trong quá trình chọn lọc, được cải biên theo cách riêng cùng với truyền thống ngày xưa. Con người sau khi tắt thở được tiến hành các bước: Mộc dục (tắm rửa), thay quần áo, phạm hàm bằng 3 đồng tiền và gạo, sau đó hoành vai, hoành bụng, hoành 2 chân, trước khi nhập quan, nam giới cần phải bịt kín, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, lỗ hậu môn, nữ giới cần bịt kín thêm lỗ âm đạo, để tránh tử khí thoát ra ngoài, trong thời gian đợi nhập quan. Khi nhập quan xong, người ta thường để đầu người đã khuất quay về hướng đông (hướng của cõi âm), nhưng khi ngồi dậy lại nhìn về hướng tâm linh (hướng tây). Người sau khi đã chết là về cõi vĩnh hằng, cõi thiên thu, nhưng quĩ thời gian tính cho người đã khuất trong vòng tang lại ngắn đi. Theo tục cũ, lễ tam nhật (3 ngày) tính từ ngày đi an táng, nhưng cư dân ở đây lại tính từ ngày chết (ngày tắt thở) từ đó tính lễ tam nhật, thất tuần, 49 ngày- 100 ngày, giỗ tiểu trường , đại trường trong vòng 24 tháng (hai năm ) nhưng đến năm thứ 3 tính từ tháng 25 trở đi chỉ có 3 tháng, tức 27 tháng là mãn tang, bình quân 1 năm của người chết là 9 tháng .
Nhạc cụ dùng để an táng người chết không cần đủ bát âm mà chỉ cần trống, kèn, nhị hoặc chỉ có trống và kèn
Cư dân vùng đất cổ Lôi Dương xây dựng và hình thành nên không gian văn hóa tâm linh theo trục đông- tây: phía đông hoặc đông nam là nghĩa địa, ở giữa là làng, phía tây là hướng thờ thần thánh và mẫu, song song tồn tại với đời sống nhân sinh chốn dương gian là cái trục; Nhà- làng - nước để sinh tồn và phát triển.
Điện Càn Long nơi thờ Mẫu hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh và 2 vị vua Lê Thần Tông (1619-1643, 1649-1662) và Lê Huyền Tông (1662-1671), đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông trên địa bàn xã Quả Nhuệ xưa, làng Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, ở vị trí phía tây làng Kim Bảng, phía nam giáp xã Thọ Lộc, phía bắc giáp làng Cao Phong; Cách thị trấn Thọ Xuân 5 km; Cách thành phố Thanh Hóa 31km
Ngôi Điện bề thế này đang còn ít nhất 7 hiện vật mà UBND xã Nam Giang đã thống kê, đó là :
1. Bia đá Công đức Trường Lưu, tấm bia là một trụ đá 4 mặt (hình vuông), trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện, trụ đá dựng đứng hình vuông là biểu tượng cổ xưa nhất của cư dân vùng đất Cổ Lôi; Trời tròn đất vuông, tấm bia là thể hiện ghi danh công đức cho các bậc thiên tử, con trời dưới mặt đất và cũng là để phân biệt giữa người và thần.
2. Hai pho chó đá, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện, là hiện vật chứng minh cho quan điểm thẩm mỹ của người xưa thời Lê Trung Hưng, thể hiện sự bình yên, sinh sôi, phát triển...
3. Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
4. Bốn hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong...để cho chúng ta thấy rõ hơn sự tồn tại của ngôi điện cách đây 350 năm về trước.
Cách điện 600m về phía đông là ngôi chùa 8 mái hoành tráng, uy nghi trên đất làng Cẩm Long do Thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh xây dựng và đặt tên Cẩm Long cho ngôi chùa này, cũng chính là tên làng ngày nay. Cẩm Long có nghĩa là rồng hoa
Xét về tổng thể, chúng ta thấy ngôi điện được hình thành theo sắc chỉ của triều đình Lê Trung hưng, nhưng vẫn phải phép vua thua lệ làng, tức là phải tuân thủ theo không gian văn hóa tâm linh vùng đất cổ này đã từng xác lập vùng đất cổ Lôi Dương nói chung, làng Kim Bảng và các làng xung quanh có liên quan đến không gian văn hóa tâm linh của Điện Càn Long nói riêng, được hình thành chủ yếu từ thời Trần. Triều đình lúc bấy giờ đã chu cấp đất đai, làm bổng lộc thái ấp cho quan lại. Thủ phủ vùng đất này được xác định là làng Căng Hạ, xã Thọ Nguyên ngày nay, quá trình từ thủ phủ khai khẩn về hướng tây đã đem lại phồn vinh, no ấm...
Như phần trên đã trình bầy, điện Càn Long tại làng Kim Bảng cũng nằm ở phía tây của làng, đồng thời cũng là phía tây của thủ phủ Lôi Dương. Ngôi Điện này được xây dựng vào năm 1671, tức là sau khi vua Lê Huyền Tông băng hà và cũng chính là thời kỳ hưng thịnh nhất của các triều vua Lê Trung Hưng, do Mẫu hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh được nhà vua sủng ái, tin dùng, chỉ đạo theo sắc chỉ của nhà vua. Ngôi điện bề thế, đứng thứ 2 và duy nhất sau điện Lam Kinh này cũng tuân thủ theo không gian văn hóa tâm linh của vùng đất cổ Lôi Dương; hướng chính cửa vào ngôi điện tọa chính tây hiện, đang còn đá tảng con giống.... Theo dư đồ địa chí của tổng Bất Náo, làng Phong lạc lúc mới hình thành, dân cư trú tại cánh đồng Đình Chùa hiện nay. Hướng tây của làng, tức khu vực táng Vua và Mẫu Hậu, làng đã hình thành và có đủ không gian văn hóa tâm linh đó là Đình và Chùa ... Đặc biệt, là lập đàn tế cáo trời đất vào các tiết Xuân thu nhị kỳ, rất tiếc đàn tế cáo trời đất đã bị phá hủy sau 1975. Vùng cánh đồng Phong lạc ngày nay, xưa kia là vùng sơn thủy hữu tình, trước làng có một quả đồi đất từ mặt ruộng lên cao trình 12m-13m, rộng gần 1000 m2. Trên đỉnh cao này, đầu thế kỷ thứ 14, nhà Minh (Trung Quốc) đã cho xây dựng một ngôi chùa lớn, do một ni cô người Trung quốc trụ trì, nhưng, mục đích chính là cảnh giới cho đồn Đa Căng và thu lượm tin tức của nhà Hồ. Từ đó đến nay, người dân ở khu vực này gọi là: Cồn Chùa cô. Ngôi chùa bị phá dỡ, chỉ còn lại phế tích. Sau năm 1975, trại giống lúa của tỉnh Thanh Hóa đã san ủi để kiến thiết khu làm việc hiện nay. Hai bên quả đồi này là 2 khe suối cổ (sau này gọi là khua), bình độ cao của khoảng giữa 2 khe suối cổ này là doi đất đồi thấp được trồng tre bây giờ vẫn để lại địa danh cổ là cồn pheo ( trong từ tre pheo), cả vùng bình nguyên rộng lớn lại có đường mòn gọi là đường cái quan (Đường dùng cho quan lại đi vi hành, tuần thú). Vùng đất này đã được triều đình nhà Lê Trung Hưng bí mật cho qui hoạch, khảo sát để an táng các Mẫu Hậu, nhà Vua và các triều chúa. Ý tưởng này được Mẫu hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh xúc tiến thực hiện sau khi vua Lê Huyền Tông băng hà. Mẫu Hậu đã cho táng thi hài Vua theo qui hoạch. Ngôi mộ hiện nay vẫn còn ở vị trí trại giống lúa (Trung tâm khảo nghiệm giống lúa) của tỉnh Thanh Hóa trên trục đường đi vào xã Xuân Phong ngày nay, khu đồng ruộng này được gọi là lăng vua, phía bắc của quả đồi, Mẫu Hậu đã tìm nơi an nghỉ cho mình (Ngôi mộ đã đã bị khai quật), hiện Họ Phạm Lê làng Kim Bảng đem vè táng tại khu vực Điện Càn Long. Khu đồng ruộng này được gọi là Lăng (tức là Lăng Mẫu Hậu). Cánh đồng phía ngoài lăng được gọi là đồng phủ, chính là nơi qui hoạch để đặt thi hài của các chúa (phủ chúa), cánh đồng hiện đang canh tác bên cạnh trục đường 47B, nay là đường Quốc lộ 506 đi nước bạn Lào ( trước kia gọi là đường cái quan). Cánh đồng ở hướng Tây của lăng vua, Lăng Mẫu Hậu và phủ chúa (Cửa vào) được gọi là đồng cửa, các địa danh này đang còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau khi mộ vua Lê Huyền Tông và Mẫu hậu được an vị, việc xây dựng Điện Càn Long theo chỉ dụ của nhà vua đã hoàn thành, dòng họ Phạm Lê được phép của triều đình cử một chi họ từ làng Kim Bảng chuyển cư sang làng Phong Lạc để trông coi các phần lăng mộ này, danh tính của chi họ này được lấy tên là Phạm Hữu ... hữu chữ nho theo nghĩa: được nhà vua bảo trợ bằng ruộng hương hỏa để trông coi. Được thần linh, hương linh của Vua- Hoàng Hậu sau khi băng hà phù hộ (Nghĩa là: bảo trợ và phù hộ). Sau Cách mạng tháng 8/1945, toàn bộ công việc này bị lãng quên, thời kỳ chống mê tín dị đoan, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cơ giới hóa nông nghiệp, cùng với việc nhận thức của lãnh đạo các cấp, ảnh hưởng của cách mạng văn hóa Trung Quốc... chúng ta đã sai lầm không phân biệt được mê tín và tín ngưỡng, tất cả dồn vào một bị để bài trừ, dẫn đến đình, chùa và các công trình văn hóa tâm linh khác bị triệt phá .
Số phận của lăng Vua, lăng Mẫu hậu, điện Càn Long và các ngôi đình bề thế trầm mặc, uy nghiêm của các ngôi làng ở vùng đất này cũng không nằm ngoài hoàn cảnh ấy .
Nếu như không gian văn hóa của một vùng đất, vùng quê phản ánh trình độ văn hóa , trình độ thẩm mỹ của cư dân vùng đất ấy thì không gian văn hóa tâm linh lại thể hiện chiều sâu về lý trí và đức tin vào những hiện tượng siêu nhiên của tự nhiên hay xã hội, của các thành viên trong cộng đồng, cộng cư mà họ đang sinh sống.
Nét đẹp thờ Mẫu được hình thành từ chế độ mẫu hệ (con không biết cha) cho đến thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ các vị thần, các anh hùng liệt sỹ của dân tộc ... có công với nước là nét đẹp văn hóa trong không gian văn hóa tâm linh của người Việt; đây là điều đã có từ rất cổ xưa, nó đã ăn sâu vào tiềm thức và đức tin của người dân Việt.
Các tôn giáo đang được Đảng và nhà nước Việt Nam công nhận, hoạt động theo phương châm tốt đời đẹp đạo. Tất cả đều được pháp luật Việt Nam công nhận đó là tự do tín ngưỡng. Nhưng, giữa tín ngưỡng và mê tín có khoảng cách vô cùng mong manh. Việc xây dựng, tôn tạo, giữ gìn, phát huy không gian văn hóa tâm linh chính là chúng ta đang tiến tới tích cực tách bạch gữa tín ngưỡng và mê tín, xây dựng và nuôi dưỡng đức tin tốt đẹp cho các thế hệ hậu sinh.
Đã qua rồi cái thời, cái gì không quản lý thì cấm. Ý muốn chủ quan của các nhà chức trách là chân lý, bắt mọi người phải tuân theo. Bài học nhỡn tiền của chúng ta trong nhận thức và xử lý giữa tín ngưỡng và mê tín của những năm 50 đếm những năm 70 của thế kỷ XX là rất lớn.
Sau giải phóng miền Nam 1975, tôi vinh dự được cùng đoàn quân giải phóng làm quân quản ở thành phố Sài Gòn, rồi chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam của Tổ quốc, dịp đi công tác ra ngoài Bắc, chúng tôi có ghé thăm kinh thành Huế, đoàn chúng tôi được một ông già ngoài 60 tuổi (gọi là thủ từ) rất nhiệt tình dẫn đi thăm quan giới thiệu các lăng tẩm.. . Khi tiễn chúng tôi ra về, ông có nói với chúng tôi : Rất may là hiệp định Giơ ne vơ phân chia Nam- Bắc tạm thời hồi đó lấy sông Hiền lương (vĩ tuyến 17) làm biên giới tạm thời, nếu lấy vĩ tuyến 15 làm biên giới thì chắc chắn hôm nay sẽ không còn khu lăng tẩm của kinh thành Huế để cho các ông tham quan. Là ngưới lính chiến, sau giải phóng, tiếp xúc và quản thúc Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh cùng nhiều quan chức cao cấp của chế độ Sài Gòn, gặp gỡ nhiều trí thức lớn ở thành phố Sài Gòn, đến thăm kinh thành Huế, lần đầu tiên nghe một ông già là thủ từ, công dân bình thường nhất nói về Cách mạng văn hóa ở miền Bắc và thực sự như vậy, tôi thật đau lòng. Rất may sau đổi mới 1986, chúng ta đã dần nhận ra sự thật ấy và tách bạch gữa mê tín và tín ngưỡng để đến hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Điện Càn Long tại làng Kim Bảng cũng đã được quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Trong tình hình nhận thức về lịch sử dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay còn nhiều điều phải bàn, vì nhiều lý do, trong đó có việc bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử.
Trước diễn đàn hội thảo khoa học này tôi xin kiến nghị đề xuất:
1. Trước mắt, cần có kế hoạc giữ gìn, tìm kíếm các hiện vật đang có và đang còn rải rác ở trong các khu dân cư có liên quan đến điện Càn long
2. Cần phải đưa ngôi mộ của bà Mẫu Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh về đúng vị trí đã khai quật để tôn tạo, giũ gìn cho muôn đời sau
3. Cần phải nhanh chóng khôi phục lại không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã được qui hoạch từ triều Lê Trung Hưng để tiếp tục xây dựng đức tin, lòng biết ơn của các thế hệ hậu sinh xứ Thanh, cũng như thế hệ trẻ cả nước đối với một triều đại đã từng tồn tại 360 năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta./.
Tài liệu tham khảo:
1) Đại Việt sử ký toàn thư (Phần tiền biên), Quốc sử quán triều Lê
2) Việt sử thông gián cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn)
3) Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú
4) Văn Bia công đức trường lưu (Bản dịch của Trịnh ngữ)
5) Gia phả dòng họ Lê Đình, làng Phong Lạc
6) Dư đồ địa chí tổng Bất Náo-1920
7) Kỷ yếu hội thảo khoa học Hội thề Lũng Nhai, khởi nghĩa Lam Sơn, Viện Sử học Việt Nam
8) Gia phả, thần phả của một só dòng họ lớn, thần phả các ngôi đình của các làng trên vùng đất cổ Lôi Dương
9) Tư liệu điền dã không gian văn hóa tâm linh vùng đất cổ Lôi Dương
10) Lịch sử văn hóa các làng Kim Bảng, Phong Lạc, Cao Phong, Phúc Như, Phú Gia, Phúc Thượng, Phúc Hạ và phố Neo của xã Nam Giang - Thọ Xuân, Thanh Hóa.
PHẦN II. DI SẢN VĂN HÓA ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
ĐIỆN CÀN LONG (THÔN KIM BẢNG, XÃ NAM GIANG,
HUYỆN THỌ XUÂN) QUY MÔ KIẾN TRÚC
VÀ VIỆC THỜ PHỤNG TẠI ĐÂY
NNC. Phạm Tấn*
Điện Càn Long (Thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tức xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa) là tên gọi của khu miếu điện thờ vua Lê Huyền Tông thời Lê Trung Hưng.
Về việc lập điện Càn Long để thờ vua Lê Huyền Tông sau khi vị vua này mất vào mùa đông, tháng 10, ngày 15 năm Tân Hợi (1671), sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi chép rõ: Tháng 11, ngày 13 (năm Tân Hợi, 1671 PT) rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng đế về chôn ở lăng Quả Thịnh lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu1
Sự ghi chép trên đây của sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng trùng khớp với sự ghi chép trong tấm bia hộp có tên là công đức Trường lưu do nhóm danh sĩ thời Lê Trung hưng soạn (vào năm 1686) để dựng đặt tại điện Càn Long như:
Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông ND) ra sắc chỉ, cho phép bản, xã (xã quê ngoại nhà vua ND) giữ chức Chấp Thủ (chức quản lý điện miếu ND) Khi lăng và điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước.(2)
Cũng về thời gian lập điện Càn Long, trong bài văn ở bản khắc gỗ đặt trên bàn thờ tổ dòng họ Phạm - Lê ở thôn Quả Thượng, xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương) do nhà Hán Nôm Trịnh Ngữ dịch) thì lại có sự ghi chép hơi khác như: Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái Hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được vua Lê Huyền Tông. Sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà được thăng lên ngôi Hoàng Thái Hậu rồi về thôn Kim Bảng cho xây dựng điện Càn Long để thờ vọng Tiên Đế, đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật(3). Cũng theo bài văn khắc gỗ này, để hợp pháp hóa cho việc phối thờ họ ngoại trong điện Càn Long, bà Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua Lê Huyền Tông) đã bàn với phu nhân quan Tể tướng (họ Lê) cho người con thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ (họ Phạm) rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu (4)
Qua sự ghi chép này, chúng ta được biết rõ hơn bà Hoàng Thái Hậu (mà ông Trịnh Ngữ dịch là Phạm Thị Ngọc Huỳnh, còn Nguyễn Thị Măng và Nguyễn Văn Hải lai dịch là Phạm Thị Ngọc Oánh(5)) Mẹ của vua Lê Huyền Tông chính là người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là Lê Thần Tông) ở chính quê của mình (tức ở thôn Kim Bảng, Quả Nhuệ xưa) lúc vua con là Lê Huyền Tông còn chưa mất. Và khi Huyền Tông băng hà (1671), nhờ việc lo xa từ trước của bà lúc đang là Hoàng Thái Hậu đầy vị thế mà điện Càn Long đã được triều đình nhà Lê chính thức cho lập để thờ chồng bà là Lê Thần Tông và con là Lê Huyền Tông cùng bà và gia tộc họ Lê ở Kim Bảng. Vì thế, khu miếu điện Càn Long này được xây dựng theo quy mô, kiểu thức kiến trúc phổ biến của triều Lê Trung hưng là rất chỉnh chu, bề thế.
Mặc dù toàn bộ công trình kiến trúc của điện Càn Long đến nay đã trở thành phế tích và không còn nguyên vẹn nữa, nhưng với những gì còn lại trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu. 6 sào ở phía Nam thôn Kim Bảng như khối bia hộp bốn mặt, nền móng, gạch ngói, thềm bậc, chân tảng bằng đá cùng hai con giống chó ngao ở vị trí cổng tam quan v.v cũng đủ giúp chúng ta hình dung được quy mô, giá trị vốn có của di tích.
Về quy mô và kiến trúc cụ thể của điện Càn Long, rất may mắn đã được ghi chép, khảo tả khá cụ thể trong cuốn sách Lăng mộ các vua đời Hậu Lê của học giả người Pháp Louis Bazacier (xuất bản hồi trước 1945). Sau đây xin trích nguyên toàn văn về sự ghi chép, khảo tả này:
Thời gian tôi (tức Bazacier) đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ xưa), các hào mục cho biết là ngôi mộ Lê Huyền Tôn đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chư Thượng xưa kia thuộc Quả Nhuệ Thượng. Tôi chẳng khai thác được gì và những người giúp việc cho tôi đến tận nơi cũng chẳng báo cáo được vấn đề gì chính xác.
Tuy vậy, ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tôn gọi là Càn Long điện. Đền này dựng tháng Chạp năm Chính Hòa thứ 7 (tháng 1/ 1688) trên một đám đất hơi cao. Có một cửa tam quan đơn giản nay chỉ còn 4 chân cột. Trước cửa tam quan có hai con chó (đá) canh giữ, đến một cái sân hình chữ nhật, cuối sân có xây hai cái nhà. Nhà thứ nhất chỉ có 1 phòng gồm 3 gian dài và 2 gian ngang, trước mỗi gian có một cầu thang. Những tay vịn của cầu thang giữa chạm rồng và bề dài đo được 1m55, cao 0m60, các cầu thang hai bên thì thường không chạm. Trước cầu thang chính có 1 cái bình phong, sau bình phong có 2 con rùa đá, ngày xưa trên lưng có cắm 2 con hạc lớn nay không còn nữa. Đằng sau cái bình phong thứ nhất còn có phòng thứ 2 chính tẩm nền xây bằng đá, dài 10m, rộng 7m50 cũng chia làm 3 gian dọc và 3 gian ngang. Mỗi bên của lối đi vào có hai ông phỗng bằng đá sơn xanh, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm lại. Trong chính tẩm có xây ba cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tôn, bên phải là tượng vua cha Lê Thần Tôn, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoàn Thuần Hoàng Thái Hậu sinh ra ở làng Quả Nhuệ và mộ của bà ta hiện còn ở phía bắc làng Phong Lạc (xưa là Bật Não) cách đó 1km. Trong sân phía bên phải có dựng hai cái bia ghi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686).(6)
Như vậy, qua sự ghi chép mô tả của học giả người Pháp Bazacier, chúng ta có thể biết rõ, hồi trước năm 1945, ở điện Càn Long (làng Kim Bảng) vẫn còn nguyên 2 tòa miếu và một số kiến trúc, hiện vật ở xung quanh. Và chỉ cần như vậy cũng đủ cơ sở để chúng ta khẳng định quy mô kiến trúc của điện Càn Long là khá bề thế và có đủ tiêu chí mà triều đình Lê Trung hưng qui định khi lập một điện miếu để thờ vua. Nơi đây, với sự chỉ đạo trực tiếp của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm lúc còn quyền thế thì việc xây dựng ra điện Càn Long lại càng có sự ưu ái đặc biệt hơn, nhất là việc chọn đất, đến phong thủy và chọn thợ thi công v.v Vì vậy, điện miếu Càn Long đã từng tồn tại trong mấy thế kỷ liền một cách thiêng liêng gần gũi với dòng tộc nhà Lê nói chung và dòng tộc họ Phạm Lê ở Kim Bảng nói riêng. Đồng thời, với sự ra đời, tồn tại của điện Càn Long ở làng Kim Bảng, vị thế của dòng họ Phạm Lê và làng quê Ngoại thích của nhà Lê ở đây cũng có thêm sự ưu ái và vị thế hơn so với các làng xã xung quanh là một điều dễ hiểu. Cũng chính nhờ đó mà triều đình đã cho phép bản xã (tức quê ngoại nhà vua giữ chức chấp thủ để, quản lý điện miếu như bia ký đã ghi chép).
Như sự ghi chép của tấm bia hộp Công đức Trường lưu và bản văn khắc gỗ còn lại, chúng ta biết rõ, miếu điện Càn Long ngoài thờ vua Lê Huyền Tông (là chính) và phối thờ vua Lê Thần Tông còn là nơi thờ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh (hoặc Oánh) cùng tiên tổ họ Phạm Lê ở Kim Bảng. Trong hai tòa miếu mà học giả người Pháp đã nêu, có một tòa thờ vua Lê Huyền Tông cùng Lê Thần Tông và Hoàng Thái Hậu họ Phạm. Còn tòa còn lại chắc chắn là thờ các vị tiên tổ họ Phạm Lê theo chủ ý của bà Hoàng Thái Hậu mà bia ký đều có ghi chép như: Khi lăng và điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước(7).
Bia công đức trường lưu đã ghi chép rất rõ về nghi thức thờ vua Lê Huyền Tông theo đúng điển lễ mà triều đình nhà Lê Trung hưng quy định như:
Nghi thức tế tự: Huyền Tông Mục Hoàng đế, 20 quan tiền, ngọc thự 3 mâm, thức ăn chính 12 mâm, thịt trâu 1 đĩa, thịt bò 2 đĩa, xôi 3 đĩa. Bản xã 4 quan 4 mạch tiền, 30 bát, phô xa, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 20 là ngày sinh lễ dùng 8 quan tiền, ngọc thực 3 mâm, thức ăn chính 8 mâm, lợn, xôi, bánh vuông, bánh tròn, tương thịt, chuối xanh 20 quả. Bản xã 1 quan 2 mạch tiền, 10 bát gạo, lơn, xôi, rượu.
Ngày 11 tháng 11 tế mùa đông, sửa lễ 4 quan tiền. Ngày 22 tháng 12 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ khảo được gia phong Thiếu bảo, tước Hà Quận Công là Phạm Quý Công thụy là Lương Phúc phù quân 4 quan tiền. Bản xã 1 quan 8 mạch tiền, 50 bát gạo, lợn, xôi, rượu, trầu cau, tiền giấy. Ngày 20 tắm rửa sạch sẽ.
Thay áo thánh mua các vật 10 quan tiền. Lễ trừ tịch dùng 4 quan tiền.
Ngày sắc vọng các thánh quanh năm dùng trầu cau, đèn dầu, hương, mỗi tháng 5 đến 6 mạch(8).
Tấm bia cũng ghi rõ ngày tuần hàng năm, làng Kim Bảng và họ Phạm ngoại thích ở đây đều phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thờ phụng theo qui định như:
Đặt ruộng tế, ruộng huệ đồng ý cho thôn Kim Bảng 5 mẫu, xã Cảo Duệ Thượng 50 mẫu, chia nhau canh tác phụng thờ, các xứ sở của ruộng tế ghi ở bia. Ngày mồng 1 tháng Giêng là tết Nguyên đán, dùng 3 quan tiền, thôn Kim Bảng, lễ 5 mâm tiền giấy cùng 5 mạch tiền. Ngày mồng 2, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 3, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 7, khai hạ dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 1 tháng Giêng lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ khảo được gia phong là Thái Bảo, tước Vị Quận công là Phạm tướng công tự là Phúc Minh, Thụy Lương Tính phủ quân, sửa lễ tiền 7 quan, ngọc thực 3, thức ăn chín 5, phô xa 1, xôi 1.
Bản xã tiền 4 quan, gạo 30 bát, phô xa, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 2 tế mùa xuân, dùng 4 quan tiền. Ngày mồng 3 tháng 3 là tiết Thanh minh, dùng 3 quan tiền. Ngày mồng 7 tế kỵ.
Ngoại tổ Hiển cao tổ tỉ là Chánh phu nhân của Đô đốc Đồng tri, Hải Triều hầu là Lê quý thị, thụy Từ Hi 3 quan tiền. Bản xã 1 quan, 4 mạch tiền, gạo 10 bát, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày 29 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ khảo được gia phong là Đô đốc Đồng tri, tước Hải Triều hầu là Phạm quý công, thụy là Lương Tâm phủ quân 3 quan tiền. Bản xã sửa lễ 1 quan 4 mạch tiền, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 4 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tằng tổ tỉ là phu nhân của Thiếu bảo Hà Quận công là Lê quý thị, thụy là Trừ Khánh, 4 quan tiền. Bản xã sửa lễ, 3 quan 8 mạch tiền, 15 bát gạo, lợn, xôi, rượu, tiền giấy. Tháng 5 tết Đoan ngọ, tiền 3 quan. Ngày mồng 6 tháng 6, tế hạ sửa lễ 4 quan tiền, thật y thật tài dùng 8 quan tiền. Ngày 29 lễ kỵ.
Ngoại tổ Hiển tổ tỉ là phu nhân của Thái Bảo, vị Quận công là Chu quý thị, thụy là Từ Đô sửa lễ 7 quan tiền làm 3 mâm ngọc thực, 5 mâm thức ăn chín, phô xa, vật tế, xôi.
Bản xã sửa lễ tiền 4 quan, gạo 30 bát, phô xa, vật tế, xôi, rượu, tiền giấy. Ngày mồng 8 tháng 8 tế thu dùng 4 quan tiền. Ngày 15 là ngày Trung thu, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày mồng 9 tháng 9 là ngày Trùng nguyên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày mồng 10 tháng 10 là Thường tiên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 14 là Tiến tiên, sửa lễ 3 quan tiền. Ngày 15 là ngày lễ kỵ(9).
Như vậy, việc thờ vua ở điện miếu có kết hợp để thờ các vị tiên tổ bên họ ngoại nhà vua, chúng ta thấy chỉ có ở điện Càn Long. Sở dĩ có tình trạng thờ phụng như vậy vì hai lý do:
- Một là, điện Càn Long được lập ở chính quê ngoại của vua Lê Huyền Tông, đó là làng Kim Bảng.
- Hai là, vì chủ ý của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm (Mẹ đẻ của Lê Huyền Tông và là vợ của vua Lê Thần Tông - đức vua cha của Lê Huyền Tông. Sở dĩ sự lo liệu từ trước của bà được hoàn tất một cách dễ dàng vì bà là Hoàng Thái Hậu đầy vị thế. Thậm chí, ngoài việc cho làm miếu điện lúc vua con còn sống, bà còn xây dựng ở quê ngoại Kim Bảng một ngôi chùa (có tên là Cẩm Long) để kính ngưỡng tôn thờ các vị Phật. Vì vậy sau khi bà mất cũng được triều đình của vị vua kế vị (tức Lê Gia Tông) và họ Lê Phạm ở Kim Bảng đưa vào thờ chính thức ở điện Càn Long bên cạnh cả chồng (Lê Thần Tông) và vua con (Lê Huyền Tông), đồng thời được dựng bia công đức Trường lưu (do các danh sĩ nổi tiếng đương thời soạn) để lưu truyền tiếng thơm về công lao, đức độ cho đến mãi muôn đời.
Cũng nhờ có bà và sự ra đời, tồn tại của điện Càn Long mà làng Kim Bảng-Quả Nhuệ xưa cùng họ Phạm - Lê ở đây đã được thừa hưởng nhiều ân sủng của triều đình nhà Lê Trung hưng (như được cấp nhiều ruộng đất để hương khói thờ phụng hàng năm, hoặc được miễn lao dịch và nghĩa vụ đóng góp. Ngoài ra, trong họ Phạm Lê ở Kim Bảng cũng có nhiều người còn được ban cả chức tước từ đời này đến đời khác v.v ).
Có thể nói, điện Càn Long là một di tích miếu điện thờ vua điển hình hồi thế kỷ XVII, được xây dựng qui cũ theo thức kiến trúc cung đình tại vùng quê ngoại thích của đức vua Lê Huyền Tông. Vì vậy, việc thờ phụng ở đây cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo điển lễ quy định của nhà Lê. Mặc dù trải qua mấy thế kỷ trong điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan cùng các biến động lịch sử, đến nay điện Càn Long chỉ còn lại những dấu tích, hiện vật như đã nêu ở trên, nhưng dẫu sao, với những gì còn lại trên nền đất cũ vẫn có thể giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể cả về nguồn gốc ra đời và quy mô của di tích cùng với việc thờ phụng từng diễn ra ở đây. Trong số những hiện vật còn lại, quan trọng và đáng kể hơn cả, đó là tấm bia hộp, cùng bài văn khắc gỗ và một số sắc phong v.v Nhờ có các văn tự cổ ấy, chúng ta ngộ ra được rất nhiều vấn đề thú vị về lịch sử nhân vật, về kiến trúc điện miếu, về cả việc thờ phụng nhà vua theo điển lễ. Ngoài ra, nhờ những di vật và tài liệu còn lại cùng với toàn bộ khu đất đã lập miếu điện xưa vẫn còn đang hiện hữu sẽ là cơ sở để những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo một cách chuẩn xác về điện Càn Long để phát huy tác dụng.
Một lần nữa, chúng tôi - những nhà sử học kính đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm cho phục hồi lại điện Càn Long để đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong, ngoài tỉnh./.
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, Tr.286.
(2) Trích ở bia công đức Trường lưu (bản dịch của Trịnh Ngữ) tại phần phụ lục Hồ sơ lý lịch di tích Địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia Công đức Trường lưu thế kỷ XVII do Ban quản lý Di tích Danh thắng lập năm 2003.
(3) Trích ở bài văn khắc gỗ đặt trên bàn thờ tổ họ Phạm - Lê ( do Trịnh Ngữ dịch), phần phụ lục của hồ sơ di tích lập năm 2003.
(4) Trích ở bài văn khắc gỗ, TL đã dẫn
(5) Bia công đức Trường lưu do ông Trịnh Ngữ dịch thì nói tên tục của bà Hoàng Thái Hậu họ Phạm là Phạm Thị Ngọc Huỳnh, còn bản dịch của Nguyễn Thị Măng và Nguyễn Văn Hải công bố ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, Nxb Thanh Hóa, 2016 lại ghi là Phạm Thị Ngọc Oánh.
(6) Trích dẫn từ sách Lăng mộ các đời vua Hậu Lê (xuất bản trước 1945) của học giả người Pháp Louis Bazacier, bản dịch, tài liệu đánh máy của thư viện Thanh Hóa.
(7) Trích ở bia Công đức Trường lưu (Bản dịch Trịnh Ngữ)
(8) Trích ở bản dịch bia ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, Nxb Thanh Hóa, tr 416-417.
(9) Trích ở bản dịch bia ở sách Văn bia Thanh Hóa tập III, TL đã dẫn, tr 417-418.
MỘ CHÍ VĂN BIA THỜI LÊ TRUNG HƯNG Ở XÃ NAM GIANG
NNC. Lê Xuân Kỳ*
Những điều chúng ta bàn hôm nay đã được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi chép từ thời năm Nhâm Dần (1662), khi vua Lê Thần Tông băng hà, vua lê Huyền Tông lên ngôi, đến năm Tân Hợi (1671). Tất cả ghi trong 35 trang in (bản in năm 2003 của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin). Nhưng lại phải xem ngược lên từ thời Lê Thần Tông, Đại Việt sử ký Toàn thư ghi chép đến đây là những trang cuối cùng, chấm dứt ở năm Ất Mão (1675). Trên mảnh đất mà chúng ta có mặt hôm nay, có mộ chí, văn bia nói về Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oanh) và Hoàng đế Huyền Tông, có điện Càn Long, có gia phả gỗ, có chùa, có cả một kho huyền thoại...
· Mộ và bia vua Huyền Tông
Mộ vua Lê Huyền Tông được dân làng phát hiện năm 2008, khi đào mương dẫn nước trên cánh đồng giữa hai xã Nam Giang và Xuân Phong. Bà con đào đất gặp quách hợp chất. Khi thấy là mộ, đào tiếp thì rõ ra là ngôi mộ trong quan ngoài quách. Đối chiếu với sử liệu và chuyện kể, thì rõ là mộ vua Huyền Tông, được sở Văn hóa và Ủy ban nhân dân huyện, sau khi nghiên cứu đã cấp kinh phí để xây dựng lại như ngày nay.
Bà con cho biết, trước đây mộ có bia, nhưng bia được chuyển đi viện Viễn Đông Bác cổ. Đối chiếu với lưu trữ của viện Khảo cổ, thì bia hiện tại còn bản rập năm 1942, gọi là Bia lăng Quả Thịnh (Quả Nhuệ). Ở xã Quả Nhuệ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Phú Hồ, Hàn Lâm hiệu lý và Nguyễn Đình Xuân hàn lâm hiệu lý soạn. Nguyễn Danh Vọng, Lễ Bộ tả Thị Lang, tước Vĩnh ngạn Nam, nhuận chính, Phạm Thiềm, Tăng lục tá quốc hòa thượng, tước Diệm Cương Nam, khắc. Phạm Trừng, tước Dực Bình hầu, coi khắc. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê. Bia 1 mặt, khổ 77 x 120 cm, chạm mặt trời, rồng, mây, hoa cuộn. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 20 dòng, khoảng 500 chữ.
Văn bia lăng vua Lê Huyền Tông, gọi là lăng Quả Thịnh, ở xã Quả Nhuệ, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là quê của Hoàng Thái hậu (mẹ vua). Vua tên húy là Duy Vũ, sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1654), là con của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, mẹ là Hoàng Thái hậu họ Phạm. Sau khi vua Lê Thần Tông băng hà, Hoằng tổ Dương vương (tức chúa Trịnh Tạc) và các quan văn võ tôn Duy Vũ lên ngôi ( tức Huyền Tông), vào ngự ở chính điện để thừa nối đại thống. Từ năm Quý Mùi (1663) đổi niên hiệu là Cảnh Trị. Vua sửa sang kỷ cương, thi hành nhân chính, dân chúng khắp nơi trong nước ca ngợi là bậc thánh quân. Đáng tiếc là vua mất sớm, chỉ ở ngôi được 9 năm (1662 1671). Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671) vua băng hà, thọ 18 tuổi, thụy hiệu là Huyền Thông Mục hoàng đế.
Sách Khâm định Việt Sử thông giám cương mục ghi:
Vua tính trời nhân hậu, vẻ ngoài đoan nghiêm, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa cũng đáng là bậc vua hiền vậy. Nhưng ở ngôi không được lâu thật đáng tiếc.
· Mộ Hoàng Thái Hậu và văn bia Công đức Trường lưu
Từ Thành phố Thanh Hóa lên Thọ Xuân, đến cây số 42 là xã Nam Giang. Ở phía tay phải có một cơ quan là trại giống lúa Nam Giang. Chiều dài của trại là 1 km (tính từ đông sang tây), phía đông có mộ Lê Huyền Tông, phía tây là mộ Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Cách đây một phần tư thế kỷ, người dân đào đất đóng gạch đã phát hiện mộ của Hoàng Thái hậu đã dừng lại không đào nữa. Ban đêm, kẻ gian đã đào tung lên, phát hiện một bà già nằm trong quan tài nghi đang nằm ngủ. Vẻ mặt trầm ngâm có vẻ buồn việc trần thế. Khồng thấy mũ áo, không thấy một sợi tóc nào mà chỉ thấy một số đồ, như vải xô gai, một chuổi tràng hạt (đếm được 27 hạt) và một chiếc quạt giấy. Quạt có 15 nan còn nguyên vẹn.
Việc không thấy bà có tóc chứng tỏ bà đã xuống tóc đi tu, hơn nữa trang phục bà mặc và vải khâm liệm bà khi mất là vải xô gai, rồi đến chuỗi tràng hạt mang theo người cùng bằng hạt thảo quả chứng tỏ bà đã quy Phật, thực sự là một nhà sư. Những năm tháng cuối đời, bà lại sống ở quê, xây chùa Cẩm Long. Khi con trai mất, bà về sống với dân làng, ăn chay, niệm Phật 20 năm (1671 1691).
Về lai lịch Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, văn bia Công đức trường lưu hiện còn ở địa điểm điện Càn Long (do các danh sĩ nổi tiếng thời Lê Trung Hưng soạn theo lệnh của vị vua Lê Hy Tông, được khắc, dựng vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đã ghi chép một cách cụ thể rõ ràng như sau: Bà Hoàng Thái hậu của nước Đại Việt họ Phạm, tên là húy là Ngọc Huỳnh, là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, Hiền Khảo (bố) Phạm Tướng công tên là Phạm Đình Kiên lấy bà họ Chu tên Húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa huyện Văn Giang. Bà sinh ra người con gái thứ hai đó chính là Hoàng Thái hậu.
Bà Hoàng Thái hậu sinh vào giờ Mão ngày 22 - 4 năm Ất Hợi, niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635) năm 19 tuổi. Do trời tác hợp, bà được làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng Đế. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo. Đó là nhờ sự giáo dục chu đáo mà nên. Nói về sự hiền tì và dung nhan thì Hoàng Thái hậu là người đáng kính đáng khen.
Năm Giáp Ngọ (1654), bà sinh ra Huyền Tông Mục Hoàng Đế, Hoàng Đế dung nhan mặt hồng, mắt phượng. Đạo lý thường có câu:Trời sinh ra Thánh mẫu, ắt sẽ sinh ra Thánh Tử.
3. Bia Hoàng Thái Hậu nhà Lê ở xã Thanh Nga, tổng Đồng Tham, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Nguyễn Phú Hồ, Tiến sĩ Hàn lâm viện đãi chế, Nguyễn Đình Thung, Hàn lâm viện hiệu thảo phụng soạn. Nguyễn Danh Thực đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659) bồi tụng; Ngự sử Đài Đô ngự sử, Tước hải sơn Tử nhuận sắc. Tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) nhà Lê.
Bia 4 mặt đều khổ 86 x135 cm, chạm 28 vòng mặt nguyệt, mây, hoa. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương 73 dòng, khoảng 1800 chữ.
Bia ghi tóm tắt tiểu sử của Hoàng Thái hậu, mẹ vua Lê Huyền Tông. Bà họ Phạm, tên húy là Ngọc Oánh, là con gái thứ của ông Tả hiệu, Vị Lộc hầu, nguyên quán xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Mẹ họ Chu, sinh bà vào giờ Mão (22/4 năm Đức Long 7 (1635). Năm 19 tuổi, được tuyển vào cung hầu vua Thần Tông, năm Giáp Ngọ (1654), 20 tuổi bà sinh ra Hoàng Đế Lê Duy Vũ ( sau nối ngôi vua tức vua Lê Huyền Tông), bà được sắc phong làm Hoàng Thái hậu. Xã Thanh Nga và thôn Nhân Lý từng được bà ban cấp ruộng đất làm ruộng tự điền. Sau khi bà mất, dân xã nhớ ơn dựng bia ghi công đức bà. Mặt sau bia ghi chi tiết 37 thửa ruộng tự điên cộng với 36 mẫu 9 sào 10 thước, ghi những điều quy định về thể lệ cúng tế bà hàng năm.
Qua nội dung bia trên chúng ta thấy công đức của bà Hoàng Thái hậu không những được ghi lại ở quê nội, mà còn được người dân quê ngoại của bà ghi nhớ, dựng bia lưu truyền mãi mãi.
· Gia phả khắc trên tấm gỗ và sắc phong
Ở nhà thờ họ Phạm Lê có tấm gỗ ghi tóm tắt gia phả họ Phạm Lê. Ngày xưa họ có gia phả ghi trên giấy bản, sau được ghi trên những tấm đồng. Đầu đời Thành Thái gia phả bằng đồng bị thất lạc. Họ làm gia phả mới khắc trên gỗ. Nội dung như sau:
Theo đạo lý thì mọi vật sinh ra là do trời đất, con người sin ra là do tổ tông. Người ta tế trời ở nhà Minh Đường, tổ tiên được phối tế ở đó chính là để tôn sung tổ tiên vậy.
Ông tổ họ ta vốn ở thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, tổng Quan Trung, huyện Đông Thành, phú Diễn Châu. Lê Tướng công vào năm đầu niên hiệu Phúc Thái (1643 -1649) thời vua Chân Tông Khoa Quý Mùi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Làm quan đến chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tá Lý Công Thần, được thăng đến chức Tể Tướng giữ chức Hình Bộ Thượng Thư, tước phong là Phương Quế hầu Thượng trụ quốc, sau ngày tạ thế được phong sắc là Nghiêm Minh Hùng Đoán Thông Đạt Đại Vương.
Tướng công lấy người con gái trưởng của Phạm Đình Công, bà là chị của Hoàng Thái hậu. Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được vua Lê Huyền Tông sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà được thăng lên ngôi vị Hoàng Thài hậu rồi bà về thôn Kim bảng cho xây dựng điện Càn Long để thờ vọng Tiên Đế đồng thời cho xây chùa Cẩm Long để thờ các vị Phật.
Vì ông tổ ngoại là Phạm Đình Công thiếu người thờ tự, cho nên bà Hoàng Thái hậu bàn với phu nhân quan tể tướng cho người con trai thứ của phu nhân về nguyên quán thôn Kim Bảng đổi theo họ mẹ, rồi phong cho cháu ngoại Hoàng tộc để chuyên chăm lo việc hương hỏa thờ phụng lâu dài về sau đối với ông ngoại và Hoàng Thái Hậu. Ông sinh ra được 4 người con trai chia làm 4 chi họ. Người chi trưởng sinh được 3 con trai, người con cả làm quan đến chức Thừa Chánh Sứ, tước phong là Quả Xuân Hầu. Quanh Chánh Sứ sinh được 12 người con. Ông tổ họ ta là Phạm Vinh.
Ngày 3 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 Triều Nguyễn (1900).
Hiện tại, dòng họ Phạm Lê ở Kim Bảng còn giữ lại hai đạo sắc phong của nhà vua cho ông Phạm Trừng, vì đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long. Nội dung hai bản sắc phong như sau:
Sắc phong 1:Sắc phong cho ông Nhuệ Trung Phạm Trừng ở thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương, người kế nghiệp phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua, đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc biệt ban thưởng cho chức Tả Trung Doãn, phong cho tước bá, làm các chức Quan Trung Trinh Đại Doãn, Nhuệ Trung Bá, Khuông Mỹ Doãn.
Ông Phạm Trừng khâm phụng sắc chỉ:
Năm Cảnh Hưng thứ 22 ngày 7 tháng 4 (1761)
Sắc phong 2: Sắc phong cho ông Quả Xuân Phạm Trừng ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Người được kế nghiệp giám thủ phụng thờ tông tộc bên ngoại nhà vua đã có công chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, công việc hoàn tất, nay đặc ân thưởng cho chức quan Thừa Sứ, phong cho tước Hầu khá khen là một quan đại phu tốt và cho làm quan Tán Tự Thừa Chính Xứ ở Lạng Sơn, phong tước là Cảo Xuân Hầu.
Năm Cảnh Hưng thứ 32 ngày 7 tháng 4 (1771)
Cách đây hơn nửa năm, chúng tôi đã có một cuộc vi hành lý thú:Vào thăm mộ, nhà thờ, bà con họ Lê ở Yên Thành ( Nghệ An). Đoàn gồm 3 anh em: Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Đại tá Phan Văn Thanh và tôi. Chúng tôi được bà con cho đi viếng mộ hai vị tiến sĩ Lê Kính và Lê Hiệu, dâng hương ở đền thờ Phó bảng Lê Doãn Nhạ. Vào đền thờ mới thấy bà con còn giữ được nhiều di vật, dấu vết thời gian xa nhau, từ ngày ông Phạm Trừng rời Nghệ An ra Thanh Hóa để phụng thờ tiên tổ của Hoàng Thái hậu còn vẫn như xưa. Nhiều người, nhiều đoàn họ Phạm Lê ở Thanh Hóa đã vào đây thăm quê.
Phạm Lê Tuấn đỗ cử nhân khoa thi Ất Mão đời vua Tự Đức (1855) làm quan trải qua các chức: Tri huyện Tiên Minh (Vân Đình Sơn Tây, nay là Hà Nội) Giáo thụ Phủ Thọ Xuân. Ông người làng Kim Bảng, dòng dõi họ lê (nay là Phạm Lê) hậu duệ của tiến sĩ Lê Hiệu ( Nghệ An)và vợ là Phạm Thị Hiền. Phạm Tuấn là lớp con cháu của Lê Trừng (con của Lê Hiệu) ra ở Quả Nhuệ để lo việc thờ cúng tổ tiên của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc hậu.
Ra Thanh Hóa, ông Trừng lấy họ Phạm Lê. Ngày nay, con cháu của Phạm Trừng đông đúc. Theo gia phả của họ Lê (Nghệ An) thì họ Phạm Tuấn đã dẫn cả họ Phạm Lê (Nam Giang) vào Nghệ An thăm mồ mả, nhà thờ họ Lê.
Theo gia phả họ Lê, Phạm Lê Tuấn vào thăm quê 2 lần, lần đầu là năm 1855 khi ông đậu cử nhân sắp đi làm quan và lần thứ 2 khi ông được về quê dưỡng già.
Trên đây là những văn bản do người xưa để lại vô cùng quý giá, giúp chúng ta hiểu thêm về các nhân vật lịch sử lớn như vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Oanh (Hậu), nhân vật lịch sử Lê Trừng (Phạm Trừng) và các di tích lịch sử điện Càn Long, chùa Cẩm Long, nhà thờ họ Phạm Lê, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, lăng mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu là cơ sở khoa học giúp chúng ta trong việc bảo tồn phát huy và tu tạo di tích.
ĐIỆN CÀN LONG - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
BẢO TỒN, TÔN TẠO, PHÁT HUY GIÁ TRỊ
NNC. Hoàng Hùng*
1. Ngôi mộ cổ phát lộ ở xã Nam Giang
Vào trung tuần tháng 11 năm 1993, Phòng Văn hóa thông tin huyện Thọ Xuân nhận được tin báo phát hiện thấy mộ cổ thuộc địa phận làng Phong Lạc, xã Nam Giang. Chúng tôi về đến cánh đồng Phong Lạc thì trời đã nhá nhem tối, gần tới ngôi mộ mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, vải xô trắng ném tung tóc quanh mộ. Vì không có thiết bị vệ sinh và đèn chiếu sáng nên chúng tôi đành quay về.
Sáng hôm sau, chúng tôi cùng lãnh đạo xã Nam Giang theo chiều gió tiếp cận ngôi mộ. Đây là một ngôi mộ cổ trong quan, ngoài quách, lớp quách bao ngoài quan tài bằng vữa hợp chất có màu trắng sáng, những mảnh bị đập vỡ cứng sắc như đá bên trong quách là quan tài bằng gỗ (theo nhân dân là gỗ ngọc am) còn nguyên vẹn. Người nằm trong quan tài là một phụ nữ khoảng trên dưới 60 tuổi.
Các cụ cao tuổi họ Phạm Lê làng Kim Bảng, xã Nam Giang, như cụ Phạm Lê Câu (cụ Câu Đà), cụ Phạm Lê Oanh, trưởng họ Phạm Lê khẳng định, đây là mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, còn có tên là Oánh, lại có tên là Huỳnh, vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông. Trước năm 1945, nơi đây là một gò đất cao, nhiều cây to, hàng năm các cụ vẫn theo cha ông ra đây chạp lăng, cúng tế. Thời kỳ cải tạo đồng ruộng, hợp tác xã nông nghiệp đã cho đốn cây, san bằng cồn đất. Ngôi mộ phát lộ là do nhân dân hạ đất mặt ruộng để tiện việc lấy nước cho lúa, phát hiện thấy quách, tưởng là nơi để vàng, nên đập phá.
Nói là mộ Hoàng Thái hậu vợ vua, mẹ vua, nhưng người trong quan tài lại là một người theo đạo Phật, hoặc là một ni cô. Trong quan tài không thấy có tóc, đồ tùy táng không có gì thể hiện là người trong hoàng cung. Trong quan tài không có minh tinh, không có bia mộ (bia ghi lý lịch người chết để trên quan tài, hoặc trên quách, hoặc có bia mộ nhưng trước đây đã bị máy ủi xúc đi mất)
Theo những người chứng kiến khi bật nắp quan tài cho biết: Thi hài được quấn liệm bằng vải xô gai nhiều lần, trên thi hài có để một chiếc quạt giấy, nan tre, thứ quạt găm bằng đinh đồng và một chỏi tràng hạt bằng hạt thảo quả, thi hài được chèn bằng vải xô gai rộng 0,30m. Ngoài những thứ kể trên, trong ngôi mộ không còn gi khác. Căn cứ vào hiện trạng thực tế, chúng tôi khẳng định người dưới mộ là một người giàu có và có thế lực trong xã hội. Cụ Phạm Lê Oanh và Phạm Lê Câu cho biết: Trong cuốn gia phả bằng đồng của họ có ghi rõ năm bà Hoàng Thái hậu xuất cung về xây chùa Cẩm Long, qui y cửa phật. Rất tiếc, cuốn gia phả đồng này đã bị kẻ gian lấy mất.
Một nguồn tài liệu khác đáng tin chứng minh người nằm trong ngôi mộ cổ là Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đó là bài văn khắc trên gỗ để ở bàn thờ tổ họ Phạm Lê, làng Quả Thượng, nay thuộc xã Thọ Lộc huyện Thọ Xuân, có đoạn ghi: Hoàng Thái Hậu lấy vua Lê Thần Tông sinh ra vua Lê Huyền Tông. Khi Lê Huyền Tông lên ngôi bà được thăng là Hoàng Thái hậu. Sau khi vua Huyền Tông mất, bà về thôn Kim Bảng cho xây điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế (Lê Thần Tông) và vua Huyền Tông. Đồng thời xây chùa Cẩm Long để kính ngưỡng tôn thờ các vị phật .. . Cũng theo các cụ trong họ Phạm Lê, điện Càn Long xưa, là nơi thờ cúng vua Lê Thần Tông, vua Lê Huyền Tông, Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và phối thờ tổ tiên họ ngoại (tức họ Phạm Đình). Các cụ còn nhớ rõ, nhà hậu cung, gian giữa thờ tượng vua Lê Huyền Tông, gian phải thờ tượng vua Lê Thần Tông, gian trái thờ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oánh), vợ vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Huyền Tông.
Căn cứ vào lời kể lại của các cụ cao niên họ Phạm Lê, làng Kim Bảng, xã Nam Giang, căn cứ vào bản văn khắc trên gỗ đặt ở bàn thờ họ Phạm Lê, làng Quả Thượng, xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân và hiện trạng thực tế của ngôi mộ, phòng Văn hóa Thông tin huyện Thọ Xuân khẳng định, ngôi mộ cổ phát lộ ở làng Phong Lạc xã Nam Giang là mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (Oánh), sau đó, chính quyền địa phương xã Nam Giang và dòng họ Phạm Lê sang cát mai táng. Lúc đầu để ở nghĩa địa, sau dòng họ Phạm Lê đem về xây cất tại khu vực điện Càn Long ngày nay.
2. Dấu tích xưa và thực trạng ngày nay của điện Càn Long
Ngày 17 tháng 11 năm 1993, chúng tôi được các cụ họ Phạm - Lê làng Kim Bảng, xã Nam Giang dẫn ra thăm điện Càn Long xưa. Theo các cụ cao niên trong làng, điện Càn Long xưa gồm hai nhà: nhà bái đường và nhà hậu cung, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng 3 mẫu xung quanh có nhiều cây cổ thụ, sân điện lát gạch. Hai bên sân có dựng hai tấm bia, và cách sân điện vài chục mét là nhà nghinh môn. Điện Càn Long bị tháo dỡ vào những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, ngày nay đã thành ruộng lúa nhà dân, dấu tích còn lại là những viên tảng to và những phiến đá lân giai màu xanh. Rất may, tại bờ rào nhà dân còn lại một tấm bia trụ hình vuông, bốn mặt khắc chữ. Trán bia hình chóp kiêu, bia bị mất nhiều chữ do trước đây hợp tác xã đập nung vôi nhưng không vỡ. Văn bia còn đọc được không quá một ngàn chữ, nội dung ghi thân thế sự nghiệp của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Oanh (Hậu), vợ vua Thần Tông, mẹ vua Huyền Tông, ruộng đất dùng cho việc hương hỏa điện Càn Long, tuần tiết trong năm và nghi thức tế lễ. Bia được dựng vào năm Bính Dần, Chính Hòa năm thứ 7 (1686), đời vua Lê Hy Tông Chương Hoàng đế do các tiến sĩ Nguyễn Danh Thực, Nguyễn Công Vọng, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Phú Hồ, nhuận sắc và phụng soạn. Cùng năm ấy, nhóm tiến sĩ này còn phụng soạn và nhuận sắc văn bia Cao Thịnh lăng (bia lăng mộ Lê Huyền Tông).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông, tháng 10, ngày 15 năm Tân Hợi (Cảnh Trị thứ 9) 1671, vua Lê Huyền Tông băng hà.
Tháng 11, ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông mục hoàng đế về chôn ở lăng Quả Thịnh, lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Thật khó xác định vị trí, diện mạo cũng như kích thước của điện Càn Long xưa. Rất may, dấu tích cổng Tam Quan (nhà Nghinh môn) được một nhà dân (con cháu trong họ Phạm Lê) bảo vệ nguyên vẹn các chân tảng và hai con chó đá, từ đây có thể khẳng định được hướng của điện Càn Long xưa.
Chúng tôi cũng may mắn tìm được tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Louis Bazacier (L. Badaxie) ghi chép về các lăng mộ đời Hậu Lê (tài liệu được lưu trữ tại Thư viện Thanh Hóa). Theo sự ghi chép của L. Badaxie, điện Càn Long, ngoài cửa nghinh môn, còn 4 chân cột (tức 4 chân tảng) và hai con chó đá (điều này chứng tỏ trước năm 1940, nhà nghinh môn đã không còn (L. Badaxie về làng Kim Bảng năm 1940. Điện Càn Long gồm hai nhà: Nhà thứ nhất chỉ có một phòng (thông nhau) 3 gian dọc, 2 gian ngang ( tức là 3 gian 2 Chái) mỗi gian dọc có một cầu thang (tức thềm rồng) cầu thang giữa tay vịn bằng hai rồng đá, hai gian bên đơn giản hơn, gian giữa có tấm bình phong, chiều dài bậc thềm 1,65m, chiều cao 0,60 m. Như vậy, nền điện từ sân lên là 0.60 m. L. Badaxie không ghi kích thước của nhà tiền điện cũng như cấu trúc nội thất. Nhưng đến hậu điện, L. Badaxie gọi là nhà thứ 2, gồm một phòng (tức là thông suốt) gồm 3 gian dọc, hai gian ngang (ba gian hai chái). Có chiều dài 10 m, chiều rộng 7,5 m, nền xây bằng đá, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm (theo chúng tôi có lẽ là ba chuồng cửa chính tẩm). Trong chính tẩm, có xây ba cái bệ, bệ giữa đặt tượng vua Lê Huyền Tông, bệ bên phải đặt tượng vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bệ thờ mẹ vua, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu
L. Badaxie không ghi khoảng cách giữa nhà tiền điện và hậu điện, nhưng trong ghi chép của ông có đoạn mỗi bên của lối đi vào chính tẩm có hai ông phổng bằng đá sơn xanh
Như vậy, theo chúng tôi, nhà tiền đường và chính tẩm không kề mái mà cách nhau một khoảng sân.
Ở phần đầu của ghi chép nhà nghiên cứu L. Badaxie có ghi, điện Càn Long được xây dựng tháng Chạp, năm Chính Hòa thứ 7 ( tháng 1 năm 1687). Theo chúng tôi điện Càn Long được xây dựng từ tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1 năm 1672) thì hợp lý hơn. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
Tháng 11 ngày 13 rước linh cửu Huyền Tông Mục Hoàng Đế về chôn ở lắng Quả Thịnh, lập điện Càn Long để thờ theo quê hương của Hoàng Thái Hậu.
Ở mặt bia Công đức trường lưu có ghi Hoàng Thượng đi tuần du đến Thanh Chương (Nghệ An) dụ chỉ cho Tiến sĩ đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh khoa Kỷ Hợi, Đặc Tiến Kim Tử Vinh lộc đại phu, Bồi Tụng, Ngự Sử đài, Độ Ngự sử Nhập Thị Kinh Diên, tước Hải Sơn Tử, người xã Đại Bái huyện Gia Đinh là Nguyễn Danh Thực và Tiến sĩ Hội nguyên Khoa Bính Thìn, Bồi tụng lễ bộ tả thị lang, tước Vĩnh ngạn nam, người xã Vĩnh Cầu, huyện Đông Ngàn, là Nguyễn Công Vọng phụng mệnh nhuận sắc.
Các ông Tiến sĩ cập đệ tam danh khoa Quí Hợi, Hàn Lâm Viện thị chế là Quách Giai. Tiến sĩ xuất thân Hàn lâm Viện hiệu lý là Nguyễn Phú Hồ và tiến sĩ xuất thân, Hàn lâm viện Hiệu Thảo là Nguyễn Đình Xuân phụng mệnh soạn văn bia (ngày lành tháng cuối đông niên hiệu chính hòa thứ 7 (1686).
Như vậy, vua Lê Hy Tông dụ chỉ cho các Tiến sĩ soạn và nhuận sắc bia công đức trường lưu dựng ở điện Càn Long chứ không phải làm điện Càn Long. Cùng năm này, nhóm tiến sĩ trên còn nhuận sắc và phụng soạn bia lăng Quả Thịnh (Bia lăng mộ Lê Huyền Tông).
Ngoài những lầm lẫn do yếu tố khách quan, những thông tin mà nhà nghiên cứu người Pháp L. Badaxie để lại, tuy không nhiều, nhưng là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể về sự uy nghiêm, bề thế của điện Càn Long xưa, tuy đã bị tháo dỡ cách ngày nay hơn nửa thế kỷ, nhưng đây cũng là cơ sở khoa học cho việc trùng tu tôn tạo điện Càn Long sau này.
Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu nào nói rõ về sự tôn vinh, qui mô và hình thức thờ tự ở ba loại hình: Đền, miếu và điện. Ở Thanh Hóa, có nhiều di tích thờ tự lớn tầm cỡ quốc tế (nhà nước tế lễ như: Miếu Gia Miêu, Triệu Tường thờ các chúa và vua Triều Nguyễn). Miếu thờ vua Lê Đại Hành ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Đền thờ Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc. Đền Tép ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc thờ Trung Túc Vương Lê Lai Thanh Hóa có hai nơi thờ tự được gọi là điện, đó là điện Lam Kinh và điện Càn Long. Và chắc phải có nguyên do nào đó nhà Lê mới đặt tên nơi thờ tự vua Lê Huyền Tông, vua Lê Thần Tông và sau này là Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là điện Càn Long.
Theo chúng tôi xuất xứ của tên điện Càn Long có hai giả thiết sau:
Một là, nhà Lê rất coi trọng về địa lý và phong thủy, luôn lấy hướng Tây Bắc - Đông Nam làm trục. Thực chất nhà Lê Trung hưng qua ba đời chúa, Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, Bình An Vương Trịnh Tùng và Thanh đô Vương Trịnh Tráng, vua Lê chỉ là hư vị, mọi quyền điều hành đất nước, kể cả việc phế lập vua đều do nhà chúa quyết định. Đến thời Tây Đô Vương Trịnh Hạc, mối quan hệ cung vua phủ chúa đã ấm lên, nhân cái chết của vua Lê Huyền Tông, nhà Lê xây điện Càn Long để thờ, phía Tây bắc có điện Lam Kinh, Đông Nam có điện Càn Long, lấy sông Chu làm minh đường, thì tả có điện Lam Kinh, hữu có điện Càn Long. Cũng là để có mối quan hệ cung vua, phủ chúa ngày một nồng ấm, đồng thời từng bước nhà Lê giành lại quyền điều hành đất nước.
Hai là, đền thờ vua Lê Huyền Tông và vua Lê Thần Tông là đền của Hoàng tộc, do quốc thích cháu ngoại của Hoàng Thái Hậu là Cảo Xuân Hầu Lê Trừng (Phạm Trừng), người được kế nghiệp giám thủ thượng thờ tông tộc họ ngoại nhà vua, và chủ trì việc xây dựng điện Càn Long, và để phân biệt với các đền miếu khác mà tôn vinh là điện Càn Long.
Trải qua hơn ba trăm năm, điện Càn Long chỉ còn là phế tích. Sau khi mộ Hoàng Thái hậu phát lộ và dịch bia Công đức Trường Lưu, chính quyền xã Nam Giang đã cắt 400m2 đất dòng họ dựng lại bia Công Đức Trường lưu và đưa mộ Hoàng Thái Hậu về táng trong khu vực điện Càn Long.
Năm 2004, chính quyền địa phương, dòng họ Phạm Lê và ngành Văn hóa đã tiến hành khảo sát lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố, trong quyết định công nhận điện Càn Long và bia Công đức trường lưu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo chúng tôi, di tích Điện Càn Long chỉ có hai điểm là điện Càn Long và bia Công đức trường lưu đối với hiện tại là chưa đủ hành lang pháp lý để bảo vệ và trùng tu tôn tạo, mà nên bổ sung: Quần thể di tích lịch sử điện Càn Long, gồm điện càn Long, Bia công đức Trường lưu, mộ Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, mộ vua Lê Huyền Tông Mục Hoàng Đế, chùa Cẩm Long, nhà thờ và lăng mộ Cảo Xuân Hầu Phạm Trừng. Như thế, sẽ hiện thực và đầy đủ hơn, và cũng mở ra một hành lang pháp lý trong việc bảo tồn và phát huy tôn tạo.
Qua nhiều lần khảo sát, chúng tôi cho rằng, việc phục dựng lại điện Càn Long sẽ không gặp trở ngại lớn và nhìn chung có nhiều thuận lợi như cơ sở pháp lý, tính lịch sử, giải phóng mặt bằng, kêu gọi nguồn vốn và quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.
Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, giao thông thuận lợi, thăm quan du lịch đã trở thành như cầu của nhân dân, nhất là du lịch văn hóa tâm linh. Điện Càn Long là cửa ngõ phía Đông Nam trước khi du khách đến thăm hai khu di tích quốc gia đặc biệt Lê Hoàn - Lam Kinh và nhiều di tích khác, như khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao vàng - Cảng Hàng Không quốc tế Thọ Xuân. Tất cả đã và đang trở thành hiện thực.
3. Một số đề xuất, kiến nghị về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích.
Từ thực trạng của di tích điện Càn Long, trong việc bảo tồn và tôn tạo, chúng tôi xin có vài đề xuất và kiến nghị như sau:
3.1. Chính quyền xã Nam Giang và dòng họ Phạm Lê cần hoàn táng mộ Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu về chỗ cũ, đúng với phong thủy và địa lý mà người xưa đã chọn.
3.2. Ủy ban nhân dân xã Nam Giang, Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khảo sát, bổ sung thêm hồ sơ để quần thể di tích Điện Càn Long gồm: Điện Càn Long, Bia công đức Trường Lưu, Lăng mộ vua Lê Huyền Tông, chùa Cẩm Long, Nhà thờ và lăng mộ Phạm Trừng.
3.3. Chính quyền xã Nam Giang, Uy ban nhân dân huyện Thọ Xuân và các ngành ban có liên quan tiến hành khảo sát lập hồ sơ quy hoạch điện Càn Long, làm nền tảng cho việc phục dựng lại điện Càn Long và các di tích vệ tinh khác như: Lăng mộ Thái Hậu, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, chùa Cẩm Long
3.4. Dòng họ Phạm Lê, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Nam Giang, phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân hàng năm tổ chức một lễ hội vào ngày giỗ của vua Lê Huyền Tông, Lê Thần Tông, Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu (bước đầu mỗi năm chỉ làm giỗ một người).
VỀ HAI NGÔI MỘ CHẤT VUA LÊ HUYỀN TÔNG VÀ HOÀNG THÁI HẬU PHẠM THỊ NGỌC HẬU Ở XÃ NAM GIANG VÀ XUÂN PHONG, HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA
ThS. Nguyễn Xuân Toán*
1. Đôi nét về mộ hợp chất
Mộ hợp chất là thuật ngữ dùng để chỉ những ngôi mộ cuối thời Lê, quan tài được bọc kín trong quách vôi cát rất rắn, xác người chết và mọi thứ chôn theo đều được giữ nguyên vẹn. Có người gọi đó là mộ xác khô hoặc mộ xác ướp (1). Khái niệm này được các nhà nghiên cứu xem như là định nghĩa cho loại hình mộ táng đặc thù, đồng thời còn nhiều vấn đề bí ẩn đang đặt ra trong giới nghiên cứu khảo cổ học và khoa học liên ngành hiện nay ở Việt Nam.
Các nhà khoa học như Phạm Huy Thông, Đỗ Văn Ninh, Đào Từ Khải, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Như Hồ đã có các bài nghiên cứu công bố trên Tạp chí Khảo cổ học những năm 70 của thế kỷ XX về trường hợp các ngôi mộ hợp chất được phát hiện trong cả nước (trên các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau). Dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể, nhà nghiên cứu Đào Từ Khải đã đưa ra kết luận được giới khoa học đồng tình dựa trên kết quả nghiên cứu tại thời điểm bấy giờ trên cả nước Về vị trí, thời gian [niên đại TG] thì chưa có một ngôi mộ nào có niên điểm vào giai đoạn đầu thời Lê. Niên điểm của chúng không thoát khỏi phạm vi thời gian Lê Trung Hưng về sau, có thể nói đây là một đặc điểm của thời vua Lê chúa Trịnh 2. Và nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh đã một lần nữa khẳng định thời gian tồn tại của loại mộ hợp chất ở Việt Nam cho mãi tới ít ra thời Tự Đức nhà Nguyễn, cuối thế kỷ 19.3
Theo thống kê của các nhà khảo cổ học, trong cả nước (tính đến năm 2014) đã phát hiện được khoảng 500 mộ hợp chất, căn cứ trên các kết quả nghiên cứu có thể nhận định Mộ hợp chất là đặc sản của truyền thống mai táng Việt dành cho tầng lớp trên của xã hội đương thời, dàn trải từ thời Lê đến thời Nguyễn trong khung niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX. Truyền thống này khởi phát từ vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ4
2. Vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu - nhân vật lịch sử được cho là chủ nhân trong hai ngôi mộ hợp chất ở xã Nam Giang và xã Xuân Phong huyện Thọ Xuân
Vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671), tên húy là Lê Duy Vũ, em của vua Lê Chân Tông, con thứ của vua Lê Thần Tông và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Vua Lê Huyền Tông sinh vào giờ Mùi ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ. Thuở nhỏ thông minh, lớn lên đôn từ mẫn tiệp, thuần hậu, từ nhân, khoan dung, giản dị, thực là một bậc quân vương đức độ (...) vua tỏ rõ tư chất và tài năng có thể khuông phù cơ nghiệp tổ tông. Năm Nhâm Dần (1662) được Hoằng tổ Dương Vương tôn lập kế trị thiên hạ, trong ngoài không một vị tôn thần nào không thuần phục, tất thảy đều kính trọng(5). Sách Đại Việt sử ký Toàn thư chép về vua như sau: Huyền Tông Mục Hoàng đế: tên húy là Duy Vũ, con của Thần Tông, em của Chân Tông, ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi thì băng, táng ở lăng Quả Thịnh. Vua tính trời nhân hậu, vẻ người nghiêm tĩnh, những năm ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng được gọi là bậc vua hiền (6).
Năm Quý Mão (1663) vua Lê Huyền Tông đổi niên hiệu Cảnh Trị (1663 1671), nhà vua ban lệnh đại xá thiên hạ, đất nước được hưởng cảnh thái bình, kỷ cương đất nước được giữ vững. Vua Lê Huyền Tông được đánh giá là người có công trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của phong kiến phương Bắc trong văn hóa, năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) nhà vua đã ban sắc dụ cấm đàn bà, con gái mặc quần theo kiểu phương Bắc, phải trỏ lại mặc váy theo y phục dân tộc. Sắc dụ là một trong 47 điều giáo hóa khiến mọi người biết mà khuyên răn để tiến lên phong tục tốt đẹp. Đồng thời trong giai đoạn này, chế độ cung vua, phủ chúa (vua Lê, chúa Trịnh) cũng được đánh giá là có mối quan hệ tốt đẹp. Mối quan hệ ấy được minh chứng bằng quan hệ hôn nhân giữa cung vua và chúa Trịnh. Năm 1664, vua Lê Huyền Tông lấy con gái thứ của Vương là Trịnh Thị Ngọc Áng làm chính cung(7). Ngay năm sau, vào tháng 8 năm Ất Tỵ (9-1665), vua Lê Huyền Tông đã sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm Hoàng hậu8.
Trong những năm trị vì đất nước, vua Lê Huyền Tông thể hiện việc quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, Nhà nước quân chủ cũng tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ 9. Ngoài việc quan tâm, lựa chọn nhân tài, dưới thời vua Lê Huyền Tông (cùng với chính quyền chúa Trịnh Tạc), bộ máy Nhà nước quân chủ đã sắp xếp lại, kiện toàn, bổ sung các chức quan đứng đầu quân đội (Ngũ phủ), và đứng đầu cơ quan hành chính (Lục bộ).
Tóm lại, mặc dù chỉ ở ngôi trong thời gian ngắn 9 năm (1663 - 1671), nhưng dưới sự trị vì của vua Huyền Tông (cùng với chính quyền của chú Trịnh Tạc [1657 1682]) đã đưa đất nước phát triển hòa bình, phát triển thì tiết hòa thuận, hằng năm được mùa, dân mạnh vật nhiều, hiệu lệch điển hình, rỡ ràng khá thuật. Hơn nữa bên trong bốn biển bình yên, bên ngoài các man sợ phục, đất đại rộng, nhân dân nhiều, so với đời trước có phần khác hẳn. (10)
Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh (Ngọc Hậu): Trong nội dung văn bia Công Đức Trường Lưu ghi rõ Bà Hoàng Thái Hậu của nước Đại Việt họ Phạm tên húy là Ngọc Huỳnh là người ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương. Hiển Khảo (bố) Phạm Tướng Công tên là Phạm Đình Kiên lây bà họ Chu tên húy là Thị Loan người xã Thanh Nghĩa, huyện Văn Giang. Bà sinh ra người con gái thứ 2 đó chính là Hoàng Thái Hậu. Bà Hoàng Thái Hậu sinh vào giờ Mão, ngày 22 tháng 4 năm Ất Hợi niên hiệu Đức Long thứ 7 (1635), năm 19 tuổi, do trời hợp tác, bà được làm vợ Thần Tông Uyên Hoàng Đế 11.
Theo gia phả của dòng họ và bia Công Đức Trường Lưu cho biết, vốn được cha mẹ giáo dục chu đáo nên từ thuở thiếu nữ bà đã đẹp người lại đẹp nết, dịu dàng, đoan trang, được mọi người quý mến. Năm 19 tuổi, nhờ duyên trời định bà đã trở thành vợ của Vua Lê Thần Tông (bố của vua Lê Huyền Tông). Khi trở thành Hoàng Thái Hậu, mẫu nghi thiên hạ, với đức tính tốt đẹp ấy nên được muôn người kính trọng. Bà thường ngự ở cung Từ Huấn. Nhờ công đức và ơn dưỡng dục của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu mà Lê Huyền Tông đã trở thành vị vua hiền tài, anh minh.
Sau khi bà Phạm Thị Ngọc Hậu được vua Lê Huyền Tông tôn làm Hoàng Thái Hậu, thì triều đình đồng thời cũng truy phong cho các bậc tiền nhân bên họ ngoại: Hiền Khảo (bố của Hoàng Thái Hậu) được phong là Thái Bảo Quận Công; Hiền tỷ (mẹ của Hoàng Thái Hậu) được gia phong là Thái bảo vị quận công phu nhân; Hiền tổ khảo (ông nội Hoàng Thái hậu) tên húy là Đình Tiến, gia phong Thiếu bảo Hà quận công; Hiền tổ tỷ (bà nội Hoàng Thái hậu) họ Lê tên húy là Ý, gia phong Thiếu bảo Hà quận công phu nhân; Tiền tằng tổ khảo (cụ Hoàng Thái Hậu) tên húy là Đình Biểu, gia phong Đô đốc đồng tri Hải Triều hầu (12)
Như văn bia và sử sách đã ghi chép, khi vua Lê Huyền Tông băng và được đưa về an táng ở lăng Quả Thịnh (hay Nhuệ Doanh). Đồng thời với việc xây lăng cho vua, Điện Càn Long cũng được đồng thời xây dựng để thờ phụng vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Nhà vua (vua Lê Gia Tông) đã ra chỉ sắc cho phép bản xã (xã quê ngoại của nhà vua) được giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu Càn Long), đồng thời cấp cho xã việc thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ để tỏ lòng tôn kính với đức vua và hoàng tộc.
Bia công đức Trường Lưu ghi rằng Khi Lăng [lăng Quả Thịnh -TG] và điện [điện Càn Long - TG] đã hoàn tát, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tổ tiên bên ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước 13. Như vậy, căn cứ vào tài liệu văn bia cũng như thực tế hoàn cảnh lịch sử có thể nhận định, việc chủ trì cho xây dựng Lăng Quả Thịnh để chôn cất vua Lê Huyền Tông và xây dựng Điện Càn Long để thờ vua Lê Thần Tông (là chồng), vua Lê Huyền Tông (là con), bản thân sau khi mất và tổ tiên bên ngoại chính là chủ ý và công lao của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Ngoài ra, Hoàng Thái Hậu còn có công trong việc cho xây dựng ngôi chùa nổi tiếng thờ Phật ở quê nhà là thôn Kim Bảng, đó là chùa Cẩm Long. Đảng tiếc là ngôi chùa đã bị phá hỏng vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX.
2. Đặc điểm mộ hợp chất thời Lê Trung Hưng và trường hợp mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
Qua các kết quả nghiên cứu đã được công bố, chúng ta có thể khái quát về mộ hợp chất giai đoạn Lê Trung Hưng như sau: các ngôi mộ có cấu trúc trong quan ngoài quách, hai bộ phận này tạo nên cho ngôi mộ thành một khối vững chắc bảo vệ thi hài ở phía trong. Vật liệu để xây dựng quách thường rất mịn và rắn, nước không thể thấm vào được. Công dụng của quách là bảo đảm sự chống hủy hoại của môi trường, côn trùng bên ngoài đối vơi lớp áo quan (quan tài) và thi thể bên trong. Hay nói cách khác, quách đảm bảo cho xác chết được bảo quản độ kím với môi trường bên ngoài gần như tuyệt đối. Nó cách lý quan tài với môi trường bên ngoài. Vật liệu xây dựng quách thường là vôi, cát, mật (có trường hợp thay mật bằng nhựa cây trám), hợp chất này được nhà nghiên cứu Đào Từ Khải gọi là tam hợp, có trộn với giấy bản có pha với vỏ sò, vỏ ốc và hến được hun đốt và nghiền nhỏ.14 Quách có thể có dáng hình hộp chữ nhật, có mộ quách được làm phẳng, có quách hình vồm Nói chung, về loại hình thì có sự khác nhau về hình dáng bên ngoài của quách, nhưng chức năng của quách là hoàn toàn giống nhau.
Quan tài được xác định là nhân tố quan trọng nhất trong việc giữ xác, vì vậy việc chọn loại gỗ (chất liệu gỗ) để làm quan tài cũng đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Quan tài được sử dụng cho các mộ hợp chất có xác ướp thường được làm bằng gỗ Ngọc Am. Đây là loài cây thân gỗ thơm ngát, được các nhà thực vật xếp vào họ Hoàng đàn, bộ Thông. Ngọc am có tên La tinh là Cupressus funebris, nhưng dân gian quen gọi là cây Ngọc am, Hoàng đàn rủ. Người Trung Quốc gọi nó là San mộc. Trong các nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Đào Từ Khải đã khẳng định Nếu quan tài làm bằng một thứ gỗ khác, thì mặc dầu mọi quy cách mai tang đều theo đúng như yêu cầu của gia lễ Thọ Mai, thì xác vẫn sẽ bị tan rữa15. Trong mộ hợp chất, hầu hết các quan tài đều được ghép mộng sát sao và có 6 tấm ván mỏng lót 6 mặt phía trong. Tấm thất tinh được làm bằng gỗ hoặc bằng vải dày (nhiều lớp vải dán lại) lót trên lớp gạo rang, hay bã chè dưới đáy quan tài. Khi khâm liệm, giữa xác và quan tài được sắp xếp theo nguyên tắc không chừa chỗ trống. Việc chèn quan tài và xác được sử dụng bằng lụa, gấm, hay giấy bản. Nhựa thông cũng được sử dụng để đổ vào trong quan tài. Các vật dụng như quạt, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, túi trầu cau cũng thường được chôn theo. Năm 1964, khi khai quật khảo cổ học mộ hợp chất của vua Lê Dụ Tông (thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân), các nhà khảo cổ đã phát hiện hiện vật chôn theo nhà vua thuộc các phần khâm, đại liệm, tiểu liệm, trang phục (quần, áo, gối, mũ, khăn, giầy, tất), đồ dùng cá nhân và vải chèn
Sau khi làm thủ tục cho xác người chết nhập quan, quan tài được đậy kín bằng tấm ván thiên, gắn bằng một với sơn sống trộn với mạt cưa. Để quan tài không thể bật nắp, thì dùng cá bằng gỗ ở bốn góc tấm ván thiên đóng xuống (có trường hợp dùng đinh đồng); lúc này xác chết gần như cách ly với môi trường bên ngoài tuyệt đối.
Trở lại với trường hợp được xác định là mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Lăng mộ vua Lê Huyền Tông
Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện vua Lê Huyền Tông mất như sau Mùa đông tháng 10, ngày 15 [năm 1671. TG] vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh - TG), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu(16). Văn bia lăng Cảo Thịnh cho biết Vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), vua băng hà, dâng tôn hiệu là Huyền Tông Mục đế, lăng tẩm ở ngoài xã Cảo Nhuệ Thượng, chọn đất bằng 4 mẫu làm lăng, hiệu gọi là Cảo Thịnh (17). Sách Đại Nam nhất thống trí của Quốc Sử quán Triều Nguyễn ghi rằng Lăng Lê Huyền Tông ở xã Quả Nhuệ Thượng, huyện Lôi Dương [nay là huyện Thọ Xuân TG], có đền thờ (18). Vị trí được chọn để an táng vua Huyền Tông được chọn cẩn trọng, đảm bảo các yếu tố phong thủy của lăng mộ hoàng đế Giờ Hợi chuyển quan vào quách, quan quay hướng cấn khôn. Sau lăng một dòng trường giang uốn lượn, trước lăng đỉnh Quan Sơn cao chót vót, cùng với trời đất làm vô cùng, cùng với núi sông làm vĩnh cửu, bèn lập bia [bia lăng Cảo Thịnh - TG] để lưu truyền (19).
Như vậy, Cảo Thịnh lăng, Quả Thịnh lăng, Lạc Thịnh lăng, Cảnh Trị là tên gọi khác nhau của lăng mộ vua Lê Huyền Tông.
Năm 1930, học giả người Pháp Louis. Bazacier khi nghiên cứu về lăng mộ các vua thời hậu Lê đã viết rằng Thời gian tôi đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ vưa) các hào mục cho biết là mộ Lê Huyền Tông đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn, nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chư Thượng, xưa kia thuộc làng Quả Nhuệ Thượng(20).
Sự tồn tại của lăng mộ của vua Lê Huyền Tông tại vùng đất Quả Nhuệ là một thực tế của lịch sử đã được chính sử và tài liệu văn bia ghi chép rõ ràng. Như vậy, địa điểm tồn tại lăng mộ của vua Lê Huyền Tông đã được khẳng định tuyệt đối.
Năm 2008, xã tiến hành san đất để làm trại giống và làm mương thủy lợi. Trong quá trình đào vét mương, nhân dân đã phát hiện ra ngôi mộ và báo chính quyền địa phương. Theo nhân dân địa phương cho biết, khi phát hiện ra mộ thì một phần quách của mộ đã bị vỡ. Hiện nay, khu lăng mộ được cho là của vua Lê Huyền Tông (ngày nay là mặt bằng đồng ruộng thuộc diện tích quản lý của Trại giống tỉnh Thanh Hóa), chỉ còn lại ngôi mộ. Khu mộ của vua nằm cạnh đường làng Mạnh Chư, xã Xuân Phong (nên còn có tên gọi là Lăng Mạnh Chư). Mộ được xây dựng đơn sơ bằng xi măng có kích thước dài 3,5m, rộng 2,2m, cao 1,0m được khoanh vùng bảo vệ trong khu tường bao rộng 12m x 6m. Khi khảo sát di tích, chúng tôi được biết trước đây (khoảng nửa đầu thế kỷ XX) khu lăng mộ vẫn tồn tại với diện tích khoảng 3 - 4 mẫu đất (thuộc diện tích đất của Trại giống Thanh Hóa ngày nay). Các thông tin về lăng mộ trước đây được nhân dân thông tin, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với dữ liệu trong chính sử và văn bia đã ghi lại.
Mặc dù chưa có đợt nghiên cứu khảo cổ học đối với mộ hợp chất này, tuy nhiên với những tư liệu ghi nhận và sự phản ánh của nhân dân, khu lăng mộ này trước đây có kiến trúc bề thế: đó là từ kiến trúc mộ (quan, quách), đến chất liệu gỗ làm quan tài, đồ khâm liệm và trang sức, kỹ thuật ướp xác Với tính chất đồng đại và sự tương đồng trong vai trò vị thế lịch sử (vua) có thể giúp ta khẳng định sự tương đồng về hình thức, kỹ thuật mai táng giữa mộ hợp chất của vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) và vua Lê Dụ Tông (1679- 1731). Mặc dù chưa có sự chứng minh bằng biện pháp khoa học thực chứng (khai quật khảo cổ), những bằng có cứ liệu, thông tin khoa học đã có, thì ngôi mộ hiện nay ở xã Xuân Phong có khả năng cao là của vua Lê Huyền Tông.?!
Lăng mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu
Sau khi mất, Hoàng Thái hậu cũng được triều đình cho xây dựng lăng mộ bề thế, quy mô để tỏ lòng tôn kính với quốc mẫu. Lăng có vị trí ở cánh đồng Phong Lạc (nên nhân dân gọi là lăng Phong Lạc) thôn Hồng Lạc, xã Nam Giang ngày nay.
Vào năm 1993, trong khi nhân dân khai thác đất trên cánh đồng Phong Lạc để làm gạch thì làm xuất lộ ra khu mộ được cho là mộ của Hoàng Thái hậu. Theo các nhân chứng kể lại, thì mộ được an táng theo thức trong quan, ngoài quách; xác trong mộ được liệm bọc bằng vải lụa, xác trong mộ là nữ gần như còn nguyên vẹn, đồ tùy táng có quạt lụa, hạt chuỗi... Qua khảo sát, kiểm tra hiện nay chúng tôi thấy quạt lụa, nan bằng gỗ (kích thước nan cao 30cm, màu nâu); hạt chuỗi vòng đeo tay bằng chất liệu gỗ màu nâu. Các hiện vật này tương đối nguyên vẹn (hiện nay các hiện vật này đang được lưu giữ trong hòm sắc tại nhà văn hóa của thôn Kim Bảng).
Vào năm 2002, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ đã đưa mộ vào khu vực địa điểm lịch sử Điện Càn Long an táng và xây lăng mộ kiên cố theo hình thức xây dựng bằng xi măng, ốp đá, có mái che; mộ có kích thước 2,65m x 2,65m.
Với đặc điểm là mộ hợp chất, xác trong mộ là nữ, trang phục và các hiện vật chôn theo, cách thức táng xác, đồng thời căn cứ theo bia ký và chính sử ghi lại có thể khẳng định ngôi mộ trên là của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Việc chính quyền địa phương và nhân dân đưa mộ của Thái Hậu vào khu vực điện Càn Long để tu bổ, bảo vệ, quản lý như hiện nay khi chưa có quy hoạch cụ thể là hoàn toàn phù hợp.
3. Một số kiến nghị về giải pháp trong việc nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hai ngôi một hợp chất
Một lần nữa có thể đưa ra nhận định, mặc dù chưa được khai quật nghiên cứu, như với sự lộ thiên về kiến trúc mộ, hình thức liệm táng xác trong quan tài (qua phát hiện của nhân dân), đồng thời với vị thế của nhân vật và niên đại lịch sử, các tư liệu lịch sử Đồng thời, với sự xác nhận của chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) và gia phả họ Lê, văn bia, địa chí Thọ Xuân có thể thấy nhận định các ngôi mộ hợp chất ở xã Xuân Phong và xã Nam Giang đã đề cập ở trên là mộ của vua Lê Huyền Tông và Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu là có cơ sở khoa học và thực tiễn?!.
Với kiểu táng thức, các di vật của hai mộ hợp chất này bổ sung các tư liệu khoa học chính xác góp phần nghiên cứu về các vấn đề lịch sử, văn hóa thời Lê Trung Hưng. Hay nói cách khác, hai ngôi mộ hợp chất này chứa đựng nhiều giá trị, nhiều thông tin khoa học để chúng ta nghiên cứu về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của thời kỳ lịch sử phong kiến Lê Trung Hưng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Công tác nghiên cứu, bảo tồn mộ hợp chất thời kỳ này ở Thanh Hóa nói chung và vùng đất Thọ Xuân đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng so với thực tiễn di tích đang còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể là để tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở bảo tồn đối với trường hợp hai ngôi mộ hợp chất trên, chúng tôi đề nghị như sau:
1. Đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các vấn đề khoa học liên quan đến hai ngôi mộ hợp chất trên, đồng thời bổ sung những kiến giải khoa học về loại hình mộ hợp chất, các kỹ thuật liên quan đến mộ hợp chất ở nước ta nói riêng và bổ sung các vấn đề nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tâm linh của giai đoạn Lê Trung Hưng trong lịch sử dân tộc nói chung.
2. Chính quyền địa phương cần đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền thống nhất chủ trương cho lập dự án quy hoạch đối với hai di tích này, đồng thời thực hiện tự án trùng tu, tu bổ tôn tạo đối với di tích. Khi triển khai dự án trùng tu, tu bổ di tích, đề nghị cần hoàn quy lại các hiện vật (quạt giấy, hạt chuỗi) đã phát lộ hiện nay đang bảo quản tại nhà văn hóa thôn Kim Bảng vào mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương xem xét có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền xây dựng hồ sơ khoa học công nhận di tích lịch sử đối với hai ngôi mộ hợp chất trên để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.
3. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ cổ nói chung và các lăng mộ vua giai đoạn Lê Trung Hưng nói riêng trên địa bàn huyện Thọ Xuân một cách tốt nhất, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có đề xuất với các cấp, các cơ quan chức năng xây dựng đề án tổng thể nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ cổ trên địa bàn huyện; đề nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa bổ sung các địa điểm lăng mộ đã được phát hiện nhưng chưa được nghiên cứu, bảo tồn vào quy hoạch khảo cổ học của tỉnh; đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà khoa học thực hiện việc các phương án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ cổ, đặc biệt là các lăng mộ vua, hoàng tộc trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
4. Chính quyền địa phương cần phải tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ hai ngôi mộ hợp chất trên, đồng thời tuyên truyền để cán bộ, các tầng lớp nhân dân địa phương nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ di tích; bổ sung vào chương trình giáo dục của địa phương đối với học sinh về lịch sử, để thêm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương.
Chú thích:
(1). Đỗ Văn Ninh, Khai quật khảo cổ học một ngôi mộ hợp chất ở Vân Cát (Nam Hà), Bài đăng trong Tạp chí KCH, số 5 - 6, 1970, tr 144.
(2). Đào Từ Khải, Nhân công bố ngôi mộ Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát, Bài đăng trong Tạp chí Khảo cổ học, số 11 -12, năm 1971, tr144 - 145.
(3). (Đỗ Văn Ninh, Ý kiến bổ sung về loại mộ hợp chất, Bài đăng trong Tạp chí KCH, số 11- 12, năm 1971, tr 142.
(4). Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, Mộ hợp chất chợ Lách (Bến Tre), Tạp chí phát triển Khoa học & Công nghệ, tập 17, sô 2X (2014), tr 62.
(5) Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Kim Măng (Đồng chủ biên), Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3, Văn bia thời Lê Trung Hưng (quyển 1), Nxb Thanh Hóa, 2016, tr 425
(6). Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Thời Đại, tập 2, Hà Nội,2010, tr 839
(7) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 851
(8) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 854
(9) Khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 13 người; Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 3 người; Khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 31 người.
(10) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 875.
(11) Văn bia do Trịnh Ngữ dịch.
(12) Bia Công đức trường lưu do Đinh Công Vĩ dịch.
(13) Bia công đức Trường Lưu do Trịnh Ngữ dịch.
(14) Đỗ Xuân Hợp, Quay lại mộ có xác ướp, Tạp chí KCH, số 11- 12, 1971, tr 150
(15) Đào Từ Khải, Nhân công bố ngôi mộ Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát, Bài đăng trong Tạp chí Khảo cổ học, số 11 -12, năm 1971, tr 146
(16) Đại Việt sử ký Toàn thư, sdd, tr 874
(17) Đinh Khắc Thuân, sdd, tr 425
(18) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, năm 2006, tr 329.
(19) Đinh Khắc Thuân, sdd, tr 426
(20) Louis. Bazacier, Lăng mộ các vua đời hậu Lê, Bản dịch tìa liệu đánh máy của Thư viện Tổng hợp Thanh Hóa.
PHẦN III. VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ
KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN
VIỆC QUẢNG BÁ, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC NHẰM BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG
TS. Nguyễn Thị Thu Hà*
1. Một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa- lịch sử độc đáo
Vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa địa linh nhân kiệt rất tự hào không chỉ là nơi phát tích của triều đại Hậu Lê kéo dài tới 360 năm (1428-1788), với 2 thời kỳ: Lê Sơ (1428- 1537) và Lê Trung hưng (1533-1789), mà còn là vùng đất thiêng, nơi chôn cất, thờ cúng nhiều vị vua và hoàng tộc của triều đại này. Vì vậy, trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa về triều Hậu Lê có tới 2 ngôi điện miếu thờ: Điện Lam Kinh, trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thờ Lê Thái Tổ, các vị vua thời Lê Sơ và điện Càn Long (xã Nam Giang), di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi thờ 2 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh và các vị tiên tổ dòng họ Phạm Lê, đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh từ năm 2013. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích có ý nghĩa to lớn nhiều mặt:
- Về tâm linh, khu di tích Điện Càn Long từ khi được đến nay, trong suốt gần 350 năm qua không nguôi hương khói, là nơi cộng đồng dân cư địa phương địa phương, con cháu dòng họ Phạm Lê và du khách thập phương trở về thờ cúng, tưởng nhớ đến các vị vua Lê, Hoàng Thái hậu, các bậc tiên tổ.
- Về giáo dục truyền thống, đến với khu di tích, các thế hệ con cháu được giáo dục sự tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân, bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, tự hào về dòng họ Phạm Lê, là một dòng họ phế thiệt trâm anh, có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa.1 Mặt khác, những hoạt động này còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ ý thức tôn trọng, giữ gìn các di sản văn hóa của địa phương, điều mà UNESCO đang khuyến cáo.
- Về nghiên cứu khoa học, khu di tích Điện Càn Long với những di vật gốc, chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm để các nhà khoa học, học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng rõ hơn, giải mã nhiều vấn đề lịch sử của thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533-1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc.
Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, về dòng họ Phạm Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại).
Khu di tích cũng góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam thời phong kiến. Đây là khu điện được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh. Những di vật còn lại, như khối bia đá bốn mặt là một tác phẩm điêu khắc đá điển hình, mà ở đó từ sự bài trí, bố cục đến nét khắc hình tinh xảo và hài hòa, cân đối, hay chiếc bể đá hình chữ nhật đang để ở sân của UBND xã Nam Giang chính là tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, mỗi mặt bên là một bức tranh trang trí vô cùng sinh động2.
- Về mặt kinh tế, nếu được bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt, khu di tích Điện Càn Long chắc chắn sẽ là điểm đến du lịch không thể bỏ qua đối với du khách thập phương, nhất là con cháu dòng họ Phạm Lê khi về với Thọ Xuân, về với Thanh Hóa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Khu di tích Điện Càn Long- một di tích điện- miếu thờ hiếm có ở Thanh Hóa và cả nước, với nền móng khu điện thờ, những di vật gốc hết sức quý hiếm chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá độc đáo. Vì vậy, sản phẩm du lịch ở đây có thể xây dựng là du lịch tâm linh, tưởng nhớ, tri ân tiên tổ và du lịch khám phá, nghiên cứu về các nhân vật, sự kiện lịch sử của một thời kỳ hết sức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh (1533-1788), với nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải đáp. Khả năng tiếp cận khu di tích Điện Càn Long lại khá thuận lợi. Vị trí khu di tích lại rất thuận lợi về giao thông, chỉ cách Thành phố Thanh Hóa hơn 30 km, cách Thị trấn Thọ Xuân, Thị trấn Sao Vàng, Thị trấn Lam Sơn... trên dưới 10 km, sát với đường giao thông tỉnh lộ, gần đường quốc lộ, gần cảng hàng không Thọ Xuân. Đặc biệt, khu di tích Điện Càn Long lại nằm trong không gian văn hóa đặc sắc vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân, với hệ thống di sản lịch sử văn hóa đậm đặc, nên khả năng kết nối dễ dàng với những khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng khác, như Lam Kinh (khoảng 10 km), Đền thờ Lê Hoàn, Kinh đô cổ Vạn Lại- Yên Trường (khoảng 5 km)
Những lợi thế trên chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi khu di tích Điện Càn Long được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng. Các cấp chính quyền và mỗi người dân có nhận thức đúng về bảo tồn và khai thác di sản lịch sử-văn hóa nói chung, di tích Điện Càn Long và các di tích khác của xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân nói riêng. Bảo tồn không phải chỉ là bảo vệ, đóng cửa để giữ di sản văn hóa, nhưng cũng không thể phục chế, làm mới để thay đổi giá trị ban đầu của di sản văn hóa, hoặc bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng sân khấu hóa, rồi lai căng, hiện đại hóa di sản vì mục đích thương mại. Những phương thức bảo tồn sai lệch trên đây thực tế đã tương đối phổ biến do nhận thức chưa đúng của cơ quan quản lý văn hóa du lịch, chính quyền hoặc chính người dân ở một số địa phương. Cần phải nhận thức rằng, bảo tồn di sản bằng cách khai thác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, giới thiệu cho du khách biết, đó chính là phương thức bảo tồn đúng đắn, hiệu quả nhất. Trong khai thác di sản lịch sử- văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, ngành quản lý di sản và ngành du lịch cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và đều hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đối với ngành quản lý di sản, trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa cần phải sáng tạo đồng thời các loại dịch vụ thích hợp để hấp dẫn du khách đến với di sản. Đối với ngành du lịch, cần nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng từ các loại hình di sản văn hóa nhưng cũng phải luôn quan tâm đến trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Nhìn chung, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triền du lịch là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng hai ngành chuyên môn là quản lý di sản và du lịch luôn đóng vai trò chủ động và sáng tạo. Đối với khu di tích Điện Càn Long, trước mắt cần xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo lại khu di tích, bằng hai nguồn kinh phí cơ bản, của Nhà nước và sự công đức, cung tiến của con cháu dòng họ. Các hiện vật có liên quan đến điện Càn Long còn rải rác ở trong các dân cư cần được sưu tầm bảo quản, nghiên cứu, trưng bày.... Ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh cần phải đưa về đúng vị trí đã khai quật. Không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã có từ thời Lê Trung hưng, như cá lễ hội, cúng tế cần được nghiên cứu khôi phục, duy trì.
Trong phát triển du lịch, xây dựng được hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo của một điểm đến du lịch đầy tiềm năng trong lòng du khách trong và ngoài nước là nhiệm vụ cần thiết với những cơ hội và thách thức nhất định. So với các địa phương khác, điểm yếu nói chung của du lịch Thanh Hóa là công tác quảng bá, tuyên truyền, maketing chưa thực sự tốt, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Khu di tích Điện Càn Long cũng trong tình trạng đó. Hình ảnh về khu di tích còn khá mờ nhạt. Rất buồn khi vào google tìm kiếm thông tin về khu di tích lại toàn hiển thị về điện vua Càn Long ở Trung Quốc. Trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và Việt Nam cũng chưa có điểm đến du lịch này. Vì vậy, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh khu di tích Điện Càn Long- Điểm đến du lịch hấp dẫn của xứ Thanh là hết sức quan trọng, nhất là trên mạng Internet, trên thông tin điện tử của xã, huyện và tỉnh, trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư với nhiều hình thức khác, như biên soạn sách, tờ gấp ... giới thiệu, để mọi tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, nhất là học sinh sinh viên nhận thức đúng giá trị lịch sử văn hóa, giá trị kinh tế - là điểm đến du lịch không thể bỏ qua của địa phương, từ đó có thái độ, hành động ứng xử trân trọng đối với khu di tích. Để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có hiệu quả cần khai thác tất cả các loại ấn phẩm thông tin du lịch được sử dụng tại Việt Nam do cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch, các doanh nghiệp ấn hành và cung cấp cho du khách; tổ chức các chuyến famtrip, presstrip; tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình; tham dự hội chợ, hội thảo và giao lưu các chương trình du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu về hình ảnh của của địa phương tới khách du lịch, đối tác và các nhà đầu tư; tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá
Hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa vùng miền là các yếu tố rất quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của một điểm đến. Điện Càn Long- Nam Giang không thể tách khỏi không gian văn hóa vùng đất cổ Thọ Xuân, đậm đặc các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Đây là điểm đến có thế mạnh về tài nguyên du lịch nhân văn, văn hóa, lịch sử. Do đó, huyện, xã cần tiếp tục triển khai một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân xây dựng hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa của điểm đến du lịch Thọ Xuân, cần tuyên truyền, giới thiệu để khách du lịch khi đến với Thọ Xuân, đến với Nam Giang là đến với vùng đất thiêng, làm cho người dân tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, từ đó có ý thức, trách nhiệm để bảo tồn và giới thiệu những giá trị đó đến với du khách thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa di tích lịch sử...
2. Một địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa hiệu quả.
Đối với sự nghiệp giáo dục trong các trường phổ thông ở Thanh Hóa nói chung, huyện Thọ Xuân, xã Nam Giang nói riêng hiện nay, việc sử dụng, khai thác khu di tích Điện Càn Long là một nguồn sử liệu quý hiếm, một phương tiện dạy học hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân..., mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Chương trình môn lịch sử từ bậc Tiểu học (Lớp 4, 5), Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện hành đều quy định một số tiết lịch sử địa phương, với nội dung hết sức mềm dẻo, tự chọn, chủ yếu là tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử, các di sản lịch sử- văn hóa của địa phương. Việc dạy học môn lịch sử sắp tới cũng sẽ được đổi mới căn bản và toàn diện, theo hướng chú trọng đến phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tham quan, thực hành môn học, chú trọng những kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương. Các di tích lịch sử- văn hóa, địa danh lịch sử, lễ hội truyền thống của địa phương sẽ chính là nơi để tổ chức các hoạt động này hiệu quả nhất, thuận lợi nhất
Đầu năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chi hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân tiến hành biên soạn cuốn "Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi biên soạn và xuất bản, Ban Thường vụ đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng phân phối chương trình, hướng dẫn các trường phổ thông trên địa bàn huyện đưa vào giảng dạy ở các tiết lịch sử địa phương, lồng ghép dạy học liên môn và các chương trình hoạt động ngoại khóa. Cuốn Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa với mục tiêu làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong hệ thống trường học nên được viết ngắn gọn, súc tích với 2 phần: Phần sơ lược về lịch sử của huyện Thọ Xuân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và phần những nét văn hóa tiêu biểu của Thọ Xuân. Đây là tài liệu cơ bản, quan trọng giúp giáo viên tham khảo, dạy lồng ghép vào chương trình lịch sử địa phương; giúp học sinh học tập, tham khảo để có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng Thọ Xuân ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nên số lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử- văn hóa Điện Càn Long còn ít, chưa có hoạt động dạy học thực sự nào được tổ chức ở đây. Vì vậy, thời gian tới, khu di tích Điện Càn Long phải là địa điểm để Thầy - Trò lớp 4, 5, 6, 7, 8, 9 của các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nam Giang và các xã trong huyện tổ chức bài học lịch sử địa phương, các buổi tham quan ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo thường xuyên.
Để những hoạt động giáo dục nêu trên, nhất là tổ chức bài học lịch sử địa phương tại thực địa khu di tích đạt kết quả tốt, chúng tôi gợi ý một số điểm:
- Chủ đề bài học: Lịch sử hình thành và những giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tích lịch sử- văn hóa Điện Càn Long ( xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
- Mục tiêu bài học:
+ Học sinh hiểu được bối cảnh lịch sử ra đời, quá trình trùng tu, tôn tạo và những giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích.
+ Bồi đắp lòng tự hào truyền thống quê hương, tưởng nhớ, tri ân các vị tiên tổ, ý thức tôn trọng, giữ gìn các di sản lịch sử- văn hóa.
+ Phát triển các năng lực tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
- Nội dung bài học:
Tùy theo lứa tuổi các lớp, cấp học, Thầy, Cô giáo cần hướng dẫn HS quan sát địa điểm, di vật còn lại, tìm hiểu, thảo luận, hiểu, ghi nhớ những nội dung chủ yếu sau:
1) Vị trí của khu di tích: Khu điện Càn Long trước đây là một công trình có kiến trúc quy mô, bề thế, được xây dựng trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu 6, nằm ở vị trí phía nam thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trải qua hơn 350 năm, khu điện xưa chỉ còn lại nền móng, cùng với những di vật gốc, nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung ra một khu điện thờ bề thế, khang trang.
2) Thời gian và người đốc thúc xây dựng khu điện: Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông tháng 10, ngày 15 (năm Tân hợi: 1671) vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh ), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu3. Trong văn bia Công đức Trường Lưu cũng chép: Khi Huyền Tông mục Hoàng Đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng của Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện, miếu để tôn thờ, gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã giữ chức chấp thủ. Cấp cho xã Thanh Nghĩa, quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, thờ phụng, hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi Lăng và Điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy, Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước4.
Như vậy, người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là vua Lê Thần Tông) và thờ con là vua Lê Huyền Tông, cùng các vị tiên tổ của dòng họ Phạm Lê, và khi bà mất thì cũng được đưa vào thờ ở đấy, đó chính là bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh.
3) Những di vật quý hiếm còn lại:
Ngày nay, mặc dầu khu điện xưa bề thế không còn nữa, nhưng khu vực này vẫn còn lưu giữ những di vật gốc hết sức quý hiếm như:
- Tấm bia Công đức Trường Lưu là tấm bia đá 4 mặt, được dựng trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện rộng 0,48 m, trụ đá dựng đứng hình vuông. Xung quanh các mặt bia được trang trí bằng các gờ chỉ. Bia được soạn, khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Bài văn bia còn rất nguyên vẹn, nói về sự ra đời của Điện Càn Long, về bà Hoàng thái hậu và dòng họ Phạm -Lê. Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cữu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã (xã quê ngoại nhà vua) giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu). Cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ. Hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ sự tôn kính5.
- Hai pho chó đá thời Lê cao 0,60 m, rộng 0,25 m, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện.
- Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
- Các hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong...
4) Giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích:
- Điện Càn Long chính là điện miếu thờ 2 vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, cùng tiên tổ dòng họ Phạm Lê (Họ ngoại của 2 vị vua trên). Vì vậy, giá trị lịch sử lớn nhất của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm, cho phép chúng ta nghiên cứu, làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533-1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc. Về vua Lê Thần Tông, ngoài những điều đặc biệt như, là vị vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi, ở ngôi lâu nhất (38 năm), có đến 4 người con đều làm vua, là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây cũng như là vua có nhiều vợ là người các dân tộc khác thì trong thời gian trị vì 38 năm, ông đã có một số đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc, nhất là rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các. Vua Lê Huyền Tông, mặc dù ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng là vị vua cũng rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, nhà nước quân chủ đã tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ. Về bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đây là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo léo, Nói về sự hiền tài và dung nhan thì Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen. Khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, Bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Đặc biệt, khi con trai (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ, xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long, một điện miếu thờ 2 vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
- Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta, nhất là các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về dòng họ Phạm Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại), là một dòng họ phế thiệt trâm anh có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua6.
- Khu di tích Điện Càn Long được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh.
5) Một vài kiến nghị.
Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa nói chung, truyền thống của xã Nam Giang, dòng họ Phạm Lê nói riêng cho thế hệ trẻ học sinh phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng quan trọng, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ dừng lại ở các bài học lịch sử trong nhà trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Giáo dục huyện Thọ Xuân, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cần có quy định chọn khu di tích Điện Càn Long là một địa điểm tổ chức bài học lịch sử địa phương và các hoạt động tham quan, trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ khu di tích, nhất là học sinh các trường xã Nam Giang; tổ chức sâu rộng các hoạt động thi tìm hiểu về dòng họ Phạm Lê, về các di tích lịch sử văn hóa của xã, huyện trong các nhà trường. Khuyến khích các thầy cô giáo và học sinh tham gia sưu tầm các mẩu chuyện, tư liệu và hiện vật để biên soạn bài giảng; Mời các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương nói chuyện về khu di tích Chất lượng giáo dục truyền về Điện Càn Long chỉ thực sự có hiệu quả khi khu di tích được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo đúng với tầm vóc, giá trị lịch sử- văn hóa của nó.
Chú thích:
(1) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
(2) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 13.
(3), (4) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr 874.
(5) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Bia công đức trường lưu, Phạm Ngữ dịch, Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 15.
(6) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ
GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI
HUYỆN THỌ XUÂN
NNC. Nguyễn Hải Chúc*
Thọ Xuân là huyện tiếp nối giữa các huyện đồng bằng và miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên trên 30.000 ha, dân số trên 240.000 người, điều kiện địa lý, tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Có 30 đơn vị hành chính gồm 27 xã và 3 thị trấn, Đảng bộ huyện có 61 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với gần 13.000 đảng viên. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê; nơi ra đời Chi bộ Yên Trường - 1 trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (tại Yên Trường - Thọ Lập, ngày 29/7/1930), vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội là vấn đề cấp thiết và trở thành nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của Thọ Xuân.
Ở nước ta, vấn đề bảo tồn đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu đất nước độc lập. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích. Sắc lệnh này đã chỉ rõ: Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn.
Năm 1984, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2001, Luật Di sản văn hoá được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá X kỳ họp thứ 9 thông qua đã khẳng định: Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nhiệm vụ thứ tư là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Nghị quyết đã chỉ rõ nội dung của nhiệm vụ này như sau: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại.
Ngày 17/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 2060/2013/QĐ-UBND quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, năm 2017, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025. Kết luận đã chỉ rõ mục tiêu, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội để đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm bảo vệ, phục hồi, làm sáng rõ và phát huy mạnh mẽ giá trị của các di sản văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng của tỉnh, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, lòng tự hào của mỗi người dân về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa và người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Thực hiện Kết luận 82-KL/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 98-KH/HU, ngày 30 tháng 10 năm 2017, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện của các ngành chức năng và các địa phương có các loại hình di sản. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 55 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 01 di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia. Trong số các di tích được xếp hạng, có 04 di tích lịch sử cách mạng (02 di tích cấp Quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn huyện được quản lý và từng bước được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp nhằm khai thác giá trị văn hoá các di tích phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân và thu hút khách du lịch.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội đều gắn với các nhân vật lịch sử được thờ tại các di tích. Hàng năm các lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn nét văn hóa của địa phương, đồng thời tôn vinh công lao của các nhân vật lịch sử, tuyên truyền giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước, phát huy giá trị của di tích góp phần thu hút con em quê hương, nhân dân và du khách trên khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, tìm hiểu lịch sử. Một số lễ hội thu hút lượng khách lớn như: Lễ hội Lam Kinh (diễn ra từ ngày 21-22/8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (diễn ra từ ngày 07-08/3 âm lịch), lễ hội làng Xuân Phả (ngày 10/2 âm lịch)...
Thọ Xuân cũng đang duy trì một số làng nghề với các sản phẩm nổi tiếng như: Bánh gai Tứ Trụ (Thọ Diên); Bánh lá răng bừa (Xuân Lập); Kẹo lạc (Xuân Yên); Nem chua (Xuân Bái); Nem nướng (thị trấn Thọ Xuân); Nghề làm nón lá (Thọ Lộc); Đồ Mỹ nghệ (Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương). Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp khác như bưởi Luận Văn, tranh đá, tranh gạo rang... Các làng nghề, sản phẩm trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay có tác dụng thu hút khách du lịch, có thể khai thác để phát triển du lịch.
Như vậy, các di sản văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống, các làng nghề... là những giá trị văn hóa lịch sử cần được bảo tồn, phát huy gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thọ Xuân.
Trong những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp tập trung vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật, kể cả di tích đã xếp hạng hoặc chưa xếp hạng. Các di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ nghiêm ngặt; hầu hết các di tích trên địa bàn không xảy ra tình trạng mất cắp hay thất thoát, không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nhằm tăng cường quảng bá, phát huy các giá trị của các di tích, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Đầu năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chi hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân tiến hành biên soạn cuốn "Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi biên soạn và xuất bản, Ban Thường vụ đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng phân phối chương trình, hướng dẫn các trường phổ thông trên địa bàn huyện đưa vào giảng dạy ở các tiết lịch sử địa phương, lồng ghép dạy học liên môn và các chương trình hoạt động ngoại khóa. Cuốn Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa với mục tiêu làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong hệ thống trường học nên được viết ngắn gọn, súc tích với 2 phần: Phần sơ lược về lịch sử của huyện Thọ Xuân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và phần những nét văn hóa tiêu biểu của Thọ Xuân. Đây là tài liệu cơ bản, quan trọng giúp giáo viên tham khảo, dạy lồng ghép vào chương trình lịch sử địa phương; giúp học sinh học tập, tham khảo để có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng Thọ Xuân ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường.
Để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), năm 2015, Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo biên tập và xuất bản cuốn Thọ Xuân - Di tích và Danh thắng. Đây một ấn phẩm được in màu toàn bộ, nguồn tư liệu đa dạng, nhiều tư liệu lần đầu được công bố. Sách giới thiệu những di tích và danh thắng tiêu biểu của huyện Thọ Xuân với hệ thống hình ảnh phong phú, chất lượng cao, khắc họa đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa của Thọ Xuân và góp phần quảng bá hình ảnh Thọ Xuân với du khách gần xa. Đây thực sự là một ấn phẩm quý - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015 và làm tài liệu tham khảo, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân.
Từ đầu năm 2016, Ban Thường vụ chỉ đạo mở thêm chuyên mục Thọ Xuân trong tiến trình lịch sử dân tộc trong cuốn Thông tin nội bộ làm tài liệu sinh hoạt ở các chi bộ. Trong chuyên mục này lần lượt giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, những nhân vật lịch sử, truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương Thọ Xuân. Nội dung một vấn đề được chia làm nhiều phần, mỗi số biên tập, giới thiệu một phần thành một bài viết ngắn, phù hợp với thời lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.
Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thường xuyên quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, lịch sử. Huyện đã tạo điều kiện về chủ trương, cơ sở vật chất, nguồn ngân sách để Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định tiến hành các hoạt động nghiên cứu, biên soạn lịch sử, tổ chức các hội thảo khoa học Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần; Hội thảo khoa học Đồng chí Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Mậu Kiện với phong trào cách mạng Thọ Xuân - Thanh Hóa (1925 - 1945)
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện xây dựng chương trình, đưa vào giảng dạy và hướng dẫn học viên thảo luận nội dung lịch sử - văn hóa, truyền thống của Đảng bộ huyện, truyền thống của quê hương Thọ Xuân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ở các chương trình đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên của MTTQ và các đoàn thể, cán bộ lãnh đạo ở cơ sở
Ban Thường vụ cũng đã chỉ đạo Huyện đoàn tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc giáo dục lịch sử truyền thống với nhiều hình thức phong phú, tập trung vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn, ngày sinh nhật Bác, ngày cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9 Huyện đoàn đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ Đoàn tổ chức giao lưu, gặp mặt các thế hệ cán bộ huyện Thọ Xuân; tổ chức hoạt động về nguồn cho đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt các xã, thị trấn trong toàn huyện, báo công và tuyên dương Đảng viên trẻ, Đoàn viên, Đội viên, thiếu nhi tiêu biểu tại Khu di tích lịch sử cách mạng nhà Ông Lê Văn Sỹ - Thôn Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân và cũng là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Thọ Xuân. Phối hợp triển khai các chương trình giáo dục truyền thống, các hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn viên, đội viên mới và tổ chức vệ sinh môi trường tại các khu di tích lịch sử, di tích cách mạng: Khu di tích Lam Kinh, khu di tích đền thờ Lê Hoàn, nhà ông Lê Văn Sỹ - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, chăm sóc đài tưởng niệm liệt sỹ
Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chung kết Hội thi Khi tôi 18 cấp huyện năm học 2017 - 2018 với chủ đề Tuổi trẻ Thọ Xuân học tập và làm theo lời Bác; Hội thi Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa thông qua hình thức Rung chuông vàng tổ chức tại 83/83 Liên đội và chọn cử thiếu nhi xuất sắc nhất tham gia chung kết hội thi cấp huyện. Các câu hỏi của các hội thi đã lồng ghép, đan xen tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến thế hệ trẻ những kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương.
Các nhà trường, đặc biệt là ở các địa phương có di tích đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với việc giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đến với học sinh. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương có di tích cũng đã quan tâm, có ý thức gìn giữ, bảo quản và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thông qua việc tổ chức lễ hội, hội làng, các ngày lễ, ngày truyền thống tại địa phương mình.
Bằng sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang từng bước mang lại những kết quả cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Ngày nay, để xây dựng huyện Thọ Xuân ngày càng giàu mạnh, văn minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã xác định phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo và đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện, huy động tổng thể mọi nguồn lực, trong đó, một nguồn lực rất quan trọng là truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng lâu đời của Thọ Xuân - vùng đất địa linh nhân kiệt.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, huyện Thọ Xuân cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiên trì và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa thôn qua nhiều kênh khác nhau: Trong các nhà trường; trên cổng thông tin điện tử của huyện; qua cuốn Thông tin nội bộ; qua hệ thống Đài truyền thanh; qua hệ thống pano, áp phích, tờ rơi... Chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, học sinh các nhà trường; triển khai có hiệu quả khẩu hiệu Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ của UNESCO.
Hai là, triển khai thực hiện các chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng nhà trưng bày di tích, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử, về di tích... Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Ba là, xây dựng và triển khai Đề án Du lịch huyện Thọ Xuân gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử. Xác định du lịch là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Bốn là, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, các di tích. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Các giá trị văn hóa, lịch sử có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử là nền tảng, là nguồn động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Thọ Xuân nói riêng trong thời gian tới, đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và của cả cộng đồng.
BẢO TỒN, TỒN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ
ĐIỆN CÀN LONG - NƠI THỜ ĐỨC VUA LÊ HUYỀN TÔNG
TS. Phạm Văn Tuấn*
I. Tư liệu về Đức vua Lê Huyền Tông - Lăng mộ và điện thờ.
Đức vua Lê Huyền Tông (còn gọi là Huyền Tông Mục hoàng đế) là vị vua thứ 18 của vương triều Hậu Lê (1428 1789), tên là Duy Vũ, là con của vua Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông; mẹ là Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (giỗ ngày 2 tháng 6, táng ở bản xã) là người xã Quả Nhuệ huyện Lôi Dương (nay là xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Đức vua sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1654); khi Thần Tông mất, ông mới lên 9 tuổi, Tây Vương theo di mệnh vua trước lập ông lên làm vua, lấy ngày sinh làm Đoan minh thánh tiết. Vua thần thái nghiêm trang, tư chất khoan hậu, chắp tay giữ nghiệp trước, trong nước yên trị. Lại thông hiếu với Trung Quốc; Trung Quốc phong An Nam quốc vương. Vua ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi, đặt niên hiệu một lần là Cảnh Trị (1663 1671)1.
Năm Tân Hợi (1671), giờ Tỵ, ngày 15 tháng 10 vua băng hà, không có con nối dõi, táng ở lăng Cảnh Thịnh, huyện Lôi Dương, xây Điện Càn Long phụng thờ; dâng tên thụy là Khoát Đạt, Duệ Thông, Cương Minh, Trung Chính, Ôn Nhi, Hòa Lạc, Khâm Minh, Văn Tứ, Doãn cung Tắc nhượng, Mạc Hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tông2.
Về lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông, sách Đại Nam nhất thống chí chép: Lê Huyền Tôn lăng (lăng vua Huyền Tôn nhà Lê) ở xã Quả Đoài Thượng, hiện nay còn đền thờ3. Sách này chỉ chép vị trí của lăng mộ và điện thờ, không ghi chép về quy mô của các hạng mục công trình. Ngoài bộ sách Đại Nam nhất thống chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục lễ nghi chí cũng ghi chép khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông: Huyền Tông mất chôn ở lăng Quả Thịnh (ngày Quý Tỵ, tháng 10 mất, ngày Nhâm Thân tháng 11 chôn)1
Hiện nay, nguồn tư liệu có giá trị quan trọng ghi chép về khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông là của học giả người Pháp LouisBazacier đầu thế kỷ XX ở tập tài liệu Lăng mộ các vua đời Hậu Lê2: Thời gian tôi đi qua làng Kim Bảng (làng Quả Nhuệ xưa) các hào mục cho biết là ngôi mộ Lê Huyền Tông đời vua thứ 18 của triều Lê vẫn còn nhưng đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chu Thượng, xưa thuộc Quả Nhuệ Thượng3. Tôi chẳng khai thác được gì và những người giúp việc của tôi đến tận nơi cũng chẳng báo cáo được vấn đề gì chính xác.
Tuy vậy, ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tông gọi là Càn Long Điện. Đền này dựng tháng Chạp năm Chính Hòa thứ 7 (tháng 11 - 1688) trên một đám đất hơi cao. Có một cửa Tam Quan đơn giản nay chỉ còn 4 chân cột. Trước cửa Tam quan có hai con chó canh giữ, đến một cái sân hình chữ nhật, cuối sân có xây hai cái nhà: Nhà thứ nhất chỉ có một phòng gồm 3 gian dài và 2 gian ngang, trước mỗi gian có một cầu thang. Những tay vịn của cầu thang giữa chạm rồng và bề dài đo được 1,55m, cao 0,60m, các cầu thang hai bên thường thì không chạm. Trước cầu thang chính có một cái bình phong, sau bình phong có hai con rùa đá, ngày xưa trên lưng có cắm hai con hạc lớn nay không còn nữa. Đằng sau cái bình phong thứ nhất còn có phòng thứ 2 chính tẩm nền xây bằng đá, dài 10m, rộng 7,50m cũng chia làm 3 gian dọc và 3 gian ngang. Mỗi bên cửa lối đi vào có 2 phỗng bằng đá sơn xanh, phía trước có bức tường bằng ván ghép che chính tẩm lại. Trong chính tẩm có xây 3 cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tông, bên phải là tượng của vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu sinh ở làng Quả Nhuệ và mộ của bà là hiện còn ở phía bắc làng Phong Lạc (xưa là Bật Não) cách đó 1km. Trong sân phía bên phải có dựng hai cái bia ghi nên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686).
Từ những ghi chép trên đây, không cho chúng ta biết nhiều về kiến trúc và mỹ thuật của khu di tích này nhưng đây là nguồn tư liệu đặc biệt có giá trị cho biết ít nhiều về không gian của khu lăng mộ và điện thờ của đức vua Lê Huyền Tông, đấy chính là những cơ sở khoa học quan trọng để chúng ta có phương án phục hồi, tôn tạo khu lăng mộ và điện thờ này.
II. Bảo tồn, tôn tạo khu di tích Điện Càn Long.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, chúng ta không còn được chứng kiến sự hiện diện một cách toàn diện về hệ thống lăng tẩm và điện thờ của các vua nhà Lê, kể cả thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, nhưng chắc chắn mỗi khu lăng mộ và điện thờ của mỗi vị vua đều có một đặc điểm riêng, đấy không chỉ là một thành tựu của nền kiến trúc đương thời, mà còn là một tài sản văn hóa vật thể vô giá, phản ánh tài năng của kiến trúc sư và nghệ nhân qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc.
Từ những đặc điểm và giá trị của khu di tích đã tham luận, tại Hội thảo này tôi xin đề xuất một số phương án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ Hoàng đế Lê Huyền Tông gồm những nội dung sau:
1. Về giá trị của khu di tích.
Về mặt lịch sử: xã Nam Giang là một trong 41 xã, thị trấn thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trước kia cả vùng này nằm trong xã Quả Nhuệ, sau đổi thành Quả Nhuệ Thượng. Vùng đất Quả Nhuệ Thượng trước kia còn có đơn vị hành chính trực thuộc là làng Mạnh Chư Thượng - nơi có lăng mộ Hoàng Thái Hậu Ngọc Hậu. Vì vậy, vùng đất Quả Nhuệ Thượng được ghi dậm nét trong lịch sử là vùng đất sinh ra Đoan Thuần Thái hậu - mẹ của đức vua Lê Huyền Tông. Trải qua thời gian diên cách của các làng xã nêu trên đã bị thay đổi nhiều lần. Do đó, khi nghiên cứu để xác định các giá trị của khu di tích lịch sử nêu trên cũng như khi xây dựng phương án, tôn tạo, chúng ta không chỉ bó hẹp bởi đơn vị hành chính hiện tại mà nên nhìn nhận trong mối quan hệ địa lý và lịch sử của cả vùng tức là trong trong không gian lịch sử - văn hóa rộng hơn.
Trong cách nhìn đó, khu di tích Điện Càn Long nổi bật nên 3 công trình tiêu biểu đó là khu lăng mộ của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Lê Huyền Tông), lăng mộ vua Lê Huyền Tông và khu điện miếu (Điện Càn Long) thờ vua Lê Huyền Tông. Về tên Quả Nhuệ Thượng (hay Cảo Nhuệ) xuất hiện khá sớm, tất nhiên từ trước khi được chép vào sử sách từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Đây rõ ràng là một vùng đất cổ và qua tiến trình lịch sử, cư dân vùng này không những đã khai phá xóm làng, bảo tồn và phát triển cuộc sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung của dân tộc, mà còn cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, những danh nhân của dân tộc, trong đó nổi bật lên tên tuổi và sự nghiệp Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.
Về mặt văn hóa: trong phạm vi xã Nam Giang và xã Xuân Phong, cho đến nay đã bảo tồn được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó khu lăng mộ của Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và khu lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông (nay thuộc xã Xuân Phong) là những kiến trúc lăng mộ có giá trị nghệ thuật cao mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Đó là chưa nói đến những kiến trúc cổ khác (đình, chùa, miếu, phủ) đã bị phá hủy.
Ngoài các kiến trúc nêu trên, các thôn của Nam Giang còn bảo lưu được nhiều dáng vẻ của những làng cổ vùng đồng bằng sông Mã như đường làng, cổng làng cùng với những ngôi nhà dân gian truyền thống Di sản văn hóa phi vật thể ở vùng Quả Nhuệ xưa cũng rất phong phú, đa dạng. Công việc sưu tầm vốn văn hóa dân gian ở đây cũng cần được triển khai, và chắc chắn sẽ đưa đến những kết quả khả quan.
Riêng tư liệu chữ viết cổ bao gồm gia phả, hương ước, thần tích, sắc phong, địa bạ, văn bia đã cho thấy trữ lượng ở đây khá dồi dào. Về văn bia, hiện nay tấm bia đá Công đức trường lưu ở điện thờ Lê Huyền Tông đã được phát hiện, sưu tầm và dịch thuật. Tuy nhiên, cần có một bản dịch chuẩn xác hơn nữa, để trên cơ sở đó chúng ta có thể tìm hiểu một cách đầy đủ hơn về lịch sử văn hóa cũng như truyền thống dân tộc qua văn bia.
Về văn hóa ẩm thực, lễ hội dân gian, cho đến phong tục tập quán, lối sống, kinh nghiệm sản xuất cũng cần được sưu tầm có hệ thống. Tất cả những kết quả sưu tầm này cần được xác minh, hệ thống và bảo tồn bằng công nghệ thông tin hiện đại, đồng thời có kế hoạch công bố, xuất bản, để cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và quảng bá tri thức trong nhân dân quê hương.
2. Phương hướng bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử
- Khu di tích lịch sử Điện Càn Long và khu lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, Lăng mộ đức vua Lê Huyền Tông cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương xã Nam Giang, xã Xuân Phong cần được bảo tồn và tôn vinh một cách xứng đáng không những trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà trên tầm cỡ quốc gia - dân tộc. Vì cho đến nay hệ thống di sản này vẫn chưa được bảo tồn và tôn vinh một cách xứng đáng.
- Cần đặt khu di tích Điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông trong mối quan hệ mật thiết với toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và các di sản lịch sử - văn hóa trong một khu vực rộng lớn của xã Quả Nhuệ xưa (hiện nay bao gồm 6 làng) để xây dựng một quy hoạch bảo tồn và tôn tạo toàn diện, lâu dài với kế hoạch triển khai từng bước theo một lộ trình gồm nhiều giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa.
Ở đây, theo tôi cần phải hình thành 03 quy hoạch chính gồm: Khu lăng mộ Phạm Thị Ngọc Hậu, khu lăng mộ đức vua Lê Huyền Tông và khu Điện Càn Long. Vì vậy mà việc giành quỹ đất cho những quy hoạch này là hết sức cần thiết để mọi khu di tích cần phải có một không gian cụ thể nhằm đảm bảo được cảnh quan thiên nhiên cũng như các công trình xây dựng (trong đó, việc cải tạo ruộng đồng, trồng cây, mở mang giao thông, tổ chức dịch vụ du lịch phải được đưa vào quy hoạch), nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trong mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo vệ di sản và phát huy tác dụng, khai thác lợi ích về kinh tế dịch vụ, trong một quy hoạch tổng thể của khu di tích lịch sử - văn hóa. Từng đơn vị công trình cũng cần được nghiên cứu kỹ và tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia trên những lĩnh vực khoa học, văn hóa liên quan trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thảo luận của Hội thảo khoa học lần này, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Điện Càn Long và khu vực lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ vua Lê Huyền Tông, để từng bước triển khai có hiệu quả. Đây là một khu vực bảo tồn kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa các di tích với cuộc sống của cộng đồng dân cư nên sự tham gia tự nguyện của nhân dân hết sức quan trọng. Do đó trong xây dựng và triển khai dự án, cần nêu cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, cần bàn bạc với dân, cần nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trên cơ sở gắn liền việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản với lợi ích thiết thực của nhân dân.
- Riêng khu di tích lịch sử Điện Càn Long, căn cứ vào những tư liệu của học giả người Pháp LouisBazacier, phần nào chúng ta có thể xác định được những hạng mục công trình, cần có một đền thờ đức vua, và như vậy việc bảo tồn, tôn tạo khu vực này sẽ được triển khai trên một quy hoạch tổng thể riêng. Tại khu vực này chúng ta sẽ nghiên cứu tổng thể diện mạo của công trình gồm: Cổng điện thờ, điện thờ chính, Nhà che bia, Bình phong, đường nội bộ, nhà Sắp lễ và các công trình phù trợ khác, nhằm đảm bảo tối đa sự hoàn chỉnh của một điện thờ đức vua. Đối với lăng mộ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu cần phải di chuyển về vị trí cũ ở làng Mạnh Chư xã Xuân Phong, nhằm bảo tồn yếu tố góc của di tích/.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ KHẢ NĂNG TRỞ THÀNH
ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH HẤP DẪN CỦA KHU DI TÍCH ĐIỆN CÀN LONG ( NAM GIANG, THỌ XUÂN, THANH HÓA)
PGS.TS. Hoàng Thanh Hải*
Trong lịch sử Việt Nam, triều Hậu Lê bắt đầu từ triều vua Lê Thái Tổ, là triều đại kéo dài nhất: 360 năm (1428-1788) và có nhiều đời vua nhất: 27 đời (Thời kỳ Lê Sơ, 1428- 1537: 11 đời. Nhiều tài liệu chỉ chép 10 đời, vì không kể đến Lê Nghi Dân; thời kỳ Lê Trung hưng, 1533-1789: 16 đời). Vùng đất cổ Lôi Dương xưa, Thọ Xuân ngày nay rất tự hào là quê hương của Lê Lợi, nơi bùng phát của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và sau khi Lê Thái tổ mất, Lam Kinh lại trở thành nơi chôn cất, thờ cúng của các vị vua thời Lê Sơ và hoàng tộc. Thọ Xuân cũng rất tự hào có Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn của Đại Việt trong 47 năm (1546 - 1593). Từ đây, Bộ chỉ huy tối cao của cuộc chiến đấu, sau 47 năm đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng Thăng Long, chấm dứt cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng. Vì vậy, ngày nay trên mảnh đất Thọ Xuân địa linh nhân kiệt, trong tổng số 50 di tích lịch sử- văn hóa đã được xếp hạng, có hơn một nửa số đó là những di tích về triều Hậu Lê. Điều đặc biệt là, trong số mấy chục di tích trên, có 2 ngôi điện thờ các vị vua ở 2 thời kỳ: Điện Lam Kinh, trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thờ Lê Thái tổ và các vị vua thời Lê Sơ và điện Càn Long (xã Nam Giang- Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), nơi thờ 2 vị vua thời Lê Trung hưng: Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh và các vị tiên tổ dòng họ Phạm Lê, đồng thời phối thờ họ ngoại của vua Lê Thần Tông.
Trong phạm vi hội thảo khoa học này, chúng tôi trình bày về những giá trị lịch sử- văn hóa và khả năng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu di tích lịch sử - văn hóa Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
1. Giá trị lịch sử- văn hóa của khu di tích Điện Càn Long.
Khu điện Càn Long là một công trình có kiến trúc quy mô, bề thế, được xây dựng trên một thân đất cao, rộng 3 mẫu 6, nằm ở vị trí phía nam thôn Kim Bảng, xã Quả Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa đông tháng 10, ngày 15 (năm Tân hợi: 1671) vua băng hà. Các quan dâng tôn hiệu là Khoát Đạt Duệ Thông Cương Nghị Trung Chính Ôn Như Hòa Lạc Khâm Minh Văn Tứ Doãn Cung Khắc Nhượng Mục hoàng đế; miếu hiệu là Huyền Tôn. Tháng 11 ngày 13, rước linh cữu Huyền Tôn Mục hoàng đế về chọn ở lăng Quả Thịnh (lăng Nhuệ Doanh ), lập điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu(1). Trong văn bia Công đức Trường Lưu cũng chép: Khi Huyền Tông mục Hoàng Đế băng hà, linh cửu được đưa về mai táng ở lăng của Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện, miếu để tôn thờ, gọi là Điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã giữ chức chấp thủ. Cấp cho xã Thanh Nghĩa, quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, thờ phụng, hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ rõ sự tôn kính.
Khi Lăng và Điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng đều được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy, Hoàng Thái Hậu đã lo xa chu đáo từ trước(2).
Cũng theo văn bia trên và bản văn khắc trên gỗ đặt ở bàn thờ tổ dòng họ Lê-Phạm, người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (là vua Lê Thần Tông) và thờ con là vua Lê Huyền Tông, cùng các vị tiên tổ của dòng họ Phạm Lê, và khi bà mất thì cũng được đưa vào thờ ở đấy, đó chính là bà Hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Huỳnh. Ngoài việc xây Điện Càn Long, bà còn cho xây dựng ở quê nhà (thôn Kim Bảng) một ngôi chùa nổi tiếng để thờ Phật và tu thân lúc tuổi già, đó là chùa Cẩm Long, cách điện 600m về phía đông có kiến trúc 8 mái hoành tráng, uy nghi. Tên Cẩm Long (Rồng nở hoa) của ngôi chùa này cũng chính là tên làng ngày nay. Rất tiếc ngôi chùa này mới chỉ bị phá hủy sau hòa bình lập lại 1954. Ngày nay, mặc dầu khu điện xưa bề thế không còn nữa, nhưng khu vực này vẫn còn lưu giữ những di vật gốc hết sức quý hiếm như:
- Tấm bia Công đức Trường lưu là tấm bia đá 4 mặt, được dựng trên một chân đế bằng đá, mái bia hình mai luyện rộng 0,48 m, trụ đá dựng đứng hình vuông. Xung quanh các mặt bia được trang trí bằng các gờ chỉ. Bia được soạn, khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Bài văn bia còn rất nguyên vẹn, nói về sự ra đời của Điện Càn Long, về bà Hoàng thái hậu và dòng họ Phạm -Lê. Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cữu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ, cho phép bản xã (xã quê ngoại nhà vua) giữ chức chấp thủ (quản lý điện miếu). Cấp cho xã Thanh Nghĩa quê ngoại nhà vua thờ phụng ngày sinh, ngày kỵ. Hương hỏa bốn mùa, tôn nghiêm mãi mãi để tỏ sự tôn kính(3).
- Hai pho chó đá thời Lê cao 0,60 m, rộng 0, 25 m, 1 con đực, 1con cái, đứng 2 bên tả, hữu của hướng vào chính tây của ngôi điện.
- Nhiều tảng đá kê cột đặc biệt là tảng đá kê cột của cổng vào điện đang còn nguyên trạng, giúp ta có thể đánh giá được sự bề thế của cổng điện và ngôi điện bên trong
- Các hiện vật khác như ngói mũi hài, gạch, văn khắc trên gỗ, sắc phong... minh chứng về sự tồn tại của ngôi điện cách đây 350 năm về trước.
Từ những ghi chép trong sử cũ và đặc biệt những dấu vết, hiện vật từ hơn 350 năm trước còn lại khẳng định, điện Càn Long chính là điện miếu thờ 2 vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh, cùng tiên tổ dòng họ Phạm Lê (Họ ngoại của 2 vị vua trên). Vì vậy, giá trị lịch sử lớn nhất của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn sử liệu sống động, quý hiếm, cho phép chúng ta nghiên cứu, làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề thời Lê Trung hưng, hay thời Lê - Trịnh (1533 - 1788), một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam, nhất là Thanh Hóa lại là quê hương của vua Lê, chúa Trịnh. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để chúng ta đánh giá đầy đủ, công bằng hơn công lao, vị trí của các vị vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh trong lịch sử dân tộc. Về vua Lê Thần Tông, ngoài những điều đặc biệt như, là vị vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi, ở ngôi lâu nhất (38 năm), có đến 4 người con đều làm vua, là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây, cũng như là vua có nhiều vợ là người các dân tộc khác thì trong thời gian trị vì 38 năm, ông đã có một số đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc, nhất là rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo kén chọn nhân tài cho đất nước. Trong 38 năm trị vì, triều đình do nhà vua đứng đầu đã tổ chức được 11 khoa thi Tiến sĩ chính thức và 1 khoa thi Đông các. Lịch sử thời Lê Trung hưng, có thể coi cặp vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng là một mẫu mực điển hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp gắn bó trong công việc trị quốc, an dân thời đó(4).
Vua Lê Huyền Tông, mặc dù ở ngôi chỉ có 9 năm (1663-1671), nhưng là vị vua cũng rất quan tâm tới việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới thời Lê Huyền Tông, nhà nước quân chủ đã tổ chức được 3 kỳ thi Hội, lấy đỗ 47 tiến sĩ. Cặp vua Lê Huyền Tông - chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cũng có thể coi như một mẫu hình cho mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp trong công việc quốc gia đại sự thời bấy giờ(5)
Về bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, đây là một người tài đức vẹn toàn. Từ một cô thôn nữ được nhà vua Lê Thần Tông đưa về cung làm vợ, rồi bà sinh hạ được một Thái tử sau nối nghiệp vua cha, khi con trai bà lên làm vua đã phong bà làm Hoàng Thái Hậu, là Mẫu nghi thiên hạ khi bà mới 30 tuổi. Bà có đức tính tuy giàu sang phú quý mà vẫn cần kiệm đúng mực, nói năng dịu dàng, cư xử khéo lé. Nói về sự hiền tài và dung nhan, Hoàng Thái Hậu là người đáng kính, đáng khen. Khi được phong làm Hoàng Thái Hậu, bà không nghĩ gì cho riêng mình, mà luôn chăm lo đến bàn dân thiên hạ, đặc biệt là quan tâm đến dân làng quê nội, quê ngoại của bà. Đặc biệt, khi con trai (vua Lê Huyền Tông) qua đời (tháng 10 năm 1671), và ngày 13 tháng 11 đã rước linh cửu Huyền Tông về táng tại Lăng Quả Thịnh, lập Điện Càn Long để thờ theo về quê hương của Hoàng Thái Hậu. Cũng từ đây bà đã bỏ chức Mẫu nghi thiên hạ, xin về quê ngoại để chăm lo việc thờ chồng, thờ con, thờ tổ tiên bên ngoại. Và cũng chính bà là người đứng ra lo liệu việc xây dựng Điện Càn Long, một điện miếu thờ 2 vua và Hoàng Thái Hậu theo thiết kế cung đình. Khi Lăng điện hoàn tất, năm tháng thờ phụng là linh thiêng, đối với các bậc tiên tổ bên ngoại đều được quy về Điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái Hậu đã lo xã từ trước.
Khu di tích lịch sử văn hóa Điện Càn Long còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta, nhất là các thế hệ con cháu nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về dòng họ Phạm -Lê, là tên gộp lại của hai họ Lê và Phạm (Họ Lê là họ nội, họ Phạm là họ ngoại), là một dòng họ phế thiệt trâm anh có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, nối đời được phong tước vương, tước công hầu, làm quan đến tể tướng, đi thi trúng tiến sĩ, đi sứ làm vẻ vang cho nước vua. Hai dòng máu từ hai dòng họ thế gia vọng tộc gồm đủ các đức tính thông minh, quả cảm, trung hiếu vẹn toàn đã sinh ra những người con cần cù, hiếu học, biết sống có nhân có nghĩa(6).
Về giá trị văn hóa nổi bật của khu di tích Điện Càn Long, khu điện được xây dựng theo khuôn mẫu của triều Lê Trung hưng, lại do đích thân bà Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh điều hành, đốc thúc xây dựng, nên nó thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII ở xứ Thanh. Những di vật còn lại, như khối bia đá bốn mặt là một tác phẩm điêu khắc đá điển hình, mà ở đó từ sự bài trí, bố cục đến nét khắc hình tinh xảo và hài hòa, cân đối, hay chiếc bể đá hình chữ nhật đang để ở sân của UBND xã Nam Giang cũng là tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, mỗi mặt bên là một bức tranh trang trí vô cùng sinh động(7)
2. Khả năng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của Thanh Hóa.
Với những giá trị lịch sử- văn hóa to lớn nêu trên của khu Điện Càn Long, vùng đất Quả Nhuệ (Nam Giang) được xem như là vùng đất quý, đất thiêng của nhà Lê Trung hưng trong nhiều thập kỷ liền(8). Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước, việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích điện Càn Long, cũng như các di tích khác ở Nam Giang sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch. Khu di tích Điện Càn Long thực sự có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, trong hành trình du lịch vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), điểm đến du lịch bao gồm các sản phẩm du lịch mà du khách nghỉ tại đó ít nhất một đêm. Quy mô của điểm đến du lịch rất đa dạng, rộng lớn như một quốc gia (Việt Nam), nhỏ hơn như một thành phố (Đà Nẵng), một hòn đảo (Phú Quốc), một thị trấn, làng, bản (bản Lác- Hòa Bình), hay thậm chí một khu, điểm du lịch (Pu Luông) Ở nước ta, khái niệm điểm đến du lịch chưa được xác định rõ. Điều 3 của Luật Du lịch Việt Nam 2017 chỉ mới ghi: Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia, còn điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch(9). Như vậy, điểm chung của hai khái niệm điểm đến du lịch và khu du lịch, điểm du lịch, đó là nơi có tài nguyên, có sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm cung cấp trải nghiệm du lịch cho du khách. Điểm khác là giới hạn về thời gian nghỉ lại của du khách ít nhất một đêm, thì trong Luật Du lịch Việt Nam 2017 không đề cập tới. Mặt khác, mô tả các thành phần của khu du lịch, điểm du lịch còn khá chung chung, thiên về ưu thế tài nguyên du lịch, chưa làm rõ các thành phần quan trọng khác của một khu du lịch, điểm du lịch như các dịch vụ bổ trợ, các yếu tố thu hút khách, khả năng tiếp cận điểm đến, hình ảnh và nguồn nhân lực. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý du lịch, các tiêu chí cơ bản của một điểm đến du lịch bao gồm: Một là Nguồn tài nguyên du lịch (Tự nhiên, nhân văn) phong phú, độc đáo; Hai là Các dịch vụ và tiện ích thuận tiện, thoải mái; Ba là Khả năng tiếp cận (truy cập, tìm hiểu, giao thông ) thuận lợi; Bốn là Hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo; Năm là Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt, kỹ năng thuần thục (10)
Từ những cơ sở lý luận nêu trên, qua điều tra khảo sát thực tiễn, khu di tích Điện Càn Long có tiềm năng, lợi thế căn bản để trở thành một điểm đến du lịch không thể bỏ qua của Thọ Xuân và Thanh Hóa, bởi vì:
Thứ nhất, những giá trị lịch sử- văn hóa nổi bật của khu di tích Điện Càn Long chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá độc đáo, một di tích điện- miếu thờ hiếm có ở Thanh Hóa và cả nước, với những nền móng, di vật gốc hết sức quý hiếm. Loại hình sản phẩm du lịch ở đây cần được xây dựng đó là du lịch tâm linh, tưởng nhớ, tri ân tiên tổ và du lịch khám phá, nghiên cứu về các nhân vật, sự kiện lịch sử của một thời kỳ hết sức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh (1533-1788), với nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải đáp.
Thứ hai, khả năng tiếp cận khu di tích Điện Càn Long là khá thuận lợi. Vị trí khu di tích chỉ cách Thành phố Thanh Hóa hơn 30 km, cách Thị trấn Thọ Xuân, Thị trấn Sao Vàng, Thị trấn Lam Sơn... trên dưới 10 km, sát với đường giao thông tỉnh lộ, gần đường quốc lộ, gần cảng hàng không Thọ Xuân. Đặc biệt, khu di tích Điện Càn Long lại nằm trong không gian văn hóa đặc sắc vùng đất cổ Lôi Dương- Thọ Xuân, với hệ thống di sản lịch sử văn hóa đậm đặc, nên khả năng kết nối dễ dàng với những khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng khác, như Lam Kinh (khoảng 10 km), Đền thờ Lê Hoàn, Kinh đô cổ Vạn Lại- Yên Trường (khoảng 5 km)
Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến du lịch thực sự, khu di tích Điện Càn Long vẫn còn thiếu và yếu những tiêu chí sau:
Thứ nhất Các dịch vụ và tiện ích đối với khách du lịch, như ăn uống, nghỉ ngơi và các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách còn đơn giản.
Thứ hai Hình ảnh về khu di tích còn mờ nhạt. Rất buồn là vào google tìm kiếm thông tin về khu di tích toàn hiển thị về điện vua Càn Long ở Trung Quốc. Chắc chắn trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và Việt Nam cũng chưa có điểm du lịch này.
Thứ ba Nguồn nhân lực du lịch, từ cán bộ quản lý, đến các hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt, kỹ năng thuần thục cũng chưa sẵn sàng, chưa đáp ứng.
Ba tiêu chí còn yếu và thiếu nêu trên theo chúng tôi là thứ yếu và không khó để khắc phục khi đã có 2 tiêu chí đầu rất cơ bản.
Để khu di tích Điện Càn Long nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua, mỗi khi du khách về với Thanh Hóa, về với vùng đất hai vua Thọ Xuân, chúng tôi đề nghị chính quyền, nhân dân xã, huyện và các ngành chức năng:
Thứ nhất, cần phải có nhận thức đúng về bảo tồn và khai thác di sản lịch sử-văn hóa nói chung, di tích Điện Càn Long và các di tích khác của xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân nói riêng. Bảo tồn không phải chỉ là bảo vệ, đóng cửa để giữ di sản văn hóa, nhưng cũng không thể phục chế, làm mới để thay đổi giá trị ban đầu của di sản văn hóa, hoặc bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng sân khấu hóa, rồi lai căng, hiện đại hóa di sản vì mục đích thương mại. Những phương thức bảo tồn sai lệch trên đây thực tế đã tương đối phổ biến do nhận thức chưa đúng của cơ quan quản lý văn hóa/du lịch, chính quyền hoặc chính người dân ở một số địa phương. Cần phải nhận thức rằng, bảo tồn di sản bằng cách khai thác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, giới thiệu cho du khách biết, đó chính là phương thức bảo tồn đúng đắn, hiệu quả nhất.
Thứ hai, trong khai thác di sản lịch sử- văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, ngành quản lý di sản và ngành du lịch cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và đều hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đối với ngành quản lý di sản, trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa cần phải sáng tạo đồng thời các loại dịch vụ thích hợp để hấp dẫn du khách đến với di sản. Đối với ngành du lịch, cần nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng từ các loại hình di sản văn hóa nhưng cũng phải luôn quan tâm đến trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Nhìn chung, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triền du lịch là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng hai ngành chuyên môn là quản lý di sản và du lịch luôn đóng vai trò chủ động và sáng tạo. Đối với khu di tích Điện Càn Long, trước mắt cần xây dựng quy hoạch bảo tồn,tôn tạo lại khu di tích, bằng hai nguồn kinh phí cơ bản, của Nhà nước và sự công đức, cung tiến của con cháu dòng họ. Các hiện vật có liên quan đến điện Càn Long còn rải rác ở trong các dân cư cần được sưu tầm bảo quản, nghiên cứu, trưng bày.... Ngôi mộ bà Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Huỳnh cần phải đưa về đúng vị trí đã khai quật. Không gian văn hóa tâm linh của quần thể khu điện Càn Long và khu lăng mộ đã có từ thời Lê Trung hưng, như cá lễ hội, cúng tế cần được nghiên cứu khôi phục, duy trì.
Thứ ba, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh khu di tích Điện Càn Long- Điểm đến du lịch hấp dẫn của xứ Thanh là hết sức quan trọng, nhất là trên mạng Internet, trên thông tin điện tử của xã, huyện và tỉnh, trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thứ tư, chính quyền và ngành Văn hóa- Du lịch của xã, huyện, tỉnh, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, mời gọi các doanh nghiệp du lịch về đầu tư, xây dựng các sản phẩm, các tua, tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng, trong tỉnh và cả nước
Thứ năm, đầu tư, bảo tồn tôn tạo, khai thác khu di tích Điện Càn Long để phát triển du lịch bền vững phải gắn với việc tạo công ăn, việc làm cho cư dân địa phương. Các dự án trùng tu, tôn tạo, các dự án du lịch ở đây cần phải có sự tham gia của cộng đồng nhân dân địa phương, đặc biệt của con cháu dòng họ Phạm- Lê.
Chú thích:
(1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr 874.
(3) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Bia công đức trường lưu, Phạm Ngữ dịch, Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 15.
(4) (5) Nguyễn Minh Tường (2019), Về các vị vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
(6) Phạm Lê Nguyễn (2019), Họ Phạm Lê và bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
(7), (8) Sở VHTT Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng (2003), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa địa điểm lịch sử điện Càn Long và khối bia công đức trường lưu thế kỷ XVII, Tr 13.
(9) Luật Du lịch VN 2017, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.
(10) Ngô Hoài Chung (2019), Điểm đến, quản lý điểm đến và vấn đề xây dựng điểm đến du lịch tại Thanh Hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Lựa chọn địa danh lịch sử- văn hóa với việc biên soạn từ điển địa danh lịch sử- văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
* Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.
* Viện Sử học Việt Nam.
[1]. Thời kỳ Lê Trung hưng: được tính từ năm 1533, khi Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh, tức Lê Trang Tông (153301548) làm ngọn cờ chống lại nhà Mạc (1527-1592). Đến năm 1592, thì triều đình Lê Trịnh đánh thắng nhà Mạc và khôi phục Kinh đô Thăng Long.
[2]. Trong lịch sử Nhật Bản, từ thời kỳ Kamakura (1185-1333) đến hết thời kỳ Tukugawa (1600-1868) được coi là thời kỳ Mạc phủ (Bakyfu). Thời kỳ này, thực tế quyền hành đều tập trung trong tay Tướng quân (Shogun), còn Thiên hoàng (Tenno) chỉ là bù nhìn.
[3]. Xem: Antoshchenko Vladimir: Dòng họ các chúa Trịnh ở Việt Nam (thế kỷ XVI-XVIII). Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học, 1998, tập 1, tr.158-166.
[4]. Lê Kim Ngân (1974), Chế độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Sài Gòn, tr. 64, 65, 66.
[5]. Phan Huy Lê (chủ biên, 2012), Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.325.
[6]. Nam triều là chính quyền Lê Trịnh ở Thanh Nghệ, để đối sánh với Bắc triều (1527-1592) của triều Mạc.
[7]. Các Thái tử của vua Lê Trung hưng, thường được sắp xếp để lấy các Quận chúa của chúa Trịnh. Thí dụ: vua Lê Kính Tông (1600-1619) lấy Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái Trịnh Tùng (1570-1623); vua Lê Thần Tông (1619-1643) và (1649-1662), có mẹ đẻ (Đoan Từ Thái hậu) và vợ (Trịnh Thị Ngọc Trúc) là chị em và con gái của Trịnh Tráng (1623-1657), v.v
[8]. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, Hà Nội, tập 1, tr.41.
[9]. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) (2012), Nxb Hồng Bàng, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.116.
[10]. Bình An Vương: tức chúa Trịnh Tùng (1570-1623).
[11]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Nxb Khoa học xã hội, tập 3, Hà Nội, tr.222.
[12]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.323.
[13]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.323.
[14]. Thời Lê Trung hưng: kể từ vua đầu tiên là Lê Trang Tông (1533-1548) đến vua cuối cùng là Lê Mẫn đế (Chiêu Thống 1787-1788) có tất cả 16 đời vua. Vị vua ở ngôi lâu nhất thời này là Lê Hiển Tông (1740-1786): 46 năm, thứ hai là Lê Thần Tông (2 lần): 38 năm.
[15]. Lời Sách văn ngày mùng 2 tháng 9 năm Kỷ Hợi (1659): tôn phong Trịnh Tạc làm Đại Nguyên soái, Chưởng quốc chính Thượng sư, Tây vương (xem: Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.252, 253).
[16]. a. Mười một khoa thi Tiến sĩ chính thức thời Lê Thần Tông, là:
1. Khoa Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 7 người.
2. Khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 18 người.
3. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
4. Khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
5. Khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 20 người.
6. Khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640): có 6.000 thí sinh, lấy đỗ 22 người.
7. Khoa Canh Dần, niên hiệu Khánh Đức thứ 2 (1650): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 8 người.
8. Khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 9 người.
9. Khoa Bính Thân, niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 6 người.
10. Khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 20 người.
11. Khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661): có gần 3.000 thí sinh, lấy đỗ 13 người.
b. Một khoa Đông các, là:
1. Khoa Đông các: Tháng 10, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 5 người.
(Xem: Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.222-238, tr.241-261).
[17]. Số người dự thi Hội cao dưới thời Lê sơ (1428-1527) và thời Mạc (1527-1592):
1. Khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475): có 3.000 thí sinh, lấy đỗ 43 người.
2. Khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502): có 5.000 thí sinh, lấy đỗ 6 người.
3. Khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514): có 5.700 thí sinh, lấy đỗ 43 người.
4. Khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung: có 4.000 thí sinh, lấy đỗ 27 người.
[18]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.230, 231.
[19]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.234, 235.
[20]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.237.
[21]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[22]. Hai kỳ thi Hội dưới thời Lê Chân Tông là:
1. Khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái thứ 1 (1643): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 9 người.
2. Khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 17 người.
[23]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.239.
[24]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[25]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.263.
[26]. Ba kỳ thi Hội dưới thời Lê Huyền Tông là:
1. Khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 13 người.
2. Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667): không rõ số người dự thi, lấy đỗ 3 người.
3. Khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670): có hơn 2.000 thí sinh, lấy đỗ 31 người.
[27]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[28]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.272.
[29]. Sinh đồ là học vị của kỳ thi Hương dưới thời Lê Trịnh.
Thi Hương có 4 kỳ. Nếu đỗ cả 4 kỳ, thì được trao học vị Hương cống, còn nếu đỗ 3 kỳ (trượt kỳ 4), thì gọi là Sinh đồ. Đến triều Minh Mệnh (1820-1841), đổi Hương cống làm Cử nhân; Sinh đồ làm Tú tài.
[30]. Ám tả 暗 寫: còn gọi là viết trầm (dictée), sau này người ta gọi là viết chính tả.
[31]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.272.
[32]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.268.
[33]. Bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270 dịch thiếu tên Lê Thì Hiến. Ở đây, dịch bổ sung theo chính văn chữ Hán: Bản kỷ tục biên, Q.19, tờ 9b.
[34]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[35]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 3, tr.270.
[36]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tập 2, tr.309.
* Viện Sử học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
* Viện Sử học Việt Nam.
* Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
* Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa.
[37] Văn bia 3 mặt, mặt chính ghi Hoàng Thái Hậu bi, mặt 2 ghi tế điền xứ sở, mặt 3 ghi phân canh phụng tự. Kí hiệu Thác bản 08745-46-47.
* Huyện ủy huyện Thọ Xuân.
* UV BCH Hội KH Lịch sử huyện Thọ Xuân- Yên Định
2 Ghi nguyên văn bản dịch được in trong sách văn bia Việt Nam- Bia Hoàng Thái Hậu Bi- số 1374. cũng được tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686) lại soạn quê ngoại bà Hoàng Thái Hậu ở xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
* Hội KHLS huyện Thọ Xuân- Yên Định
* Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa
* Hội KHLS Thanh Hóa.
1 . Viện Nghiên cứu Hán Nôm Đồng Khánh dư địa chí do Ngô Đức Thọ - Nguyễn Văn Nguyên Philippe Papin Phan Văn Các Lê Việt Nga Dương Thị The dịch, Nxb Thế Giới, tr.1144).
1 . Vua Lê Thần Tông ở ngôi 2 lần: Lần 1: Từ năm 1619 đến năm 1643; lần 2: từ năm 1649 đến năm 1662. Đặt niên hiệu 7 lần: Vĩnh Tộ (1619-1628); Đức Long (1629-1634), Dương Hòa (1635-1643), Khánh Đức (1649-1652), Thịnh Đức (1653-1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662).
1 . 2. Ngôn, Công: Trong công, dung, ngôn, hạnh, là bốn đức tính cần thiết của người phụ nữ xưa, theo quan điểm Nho giáo.
3 . Phù dĩ: tức cây xa tiền, lá và hạt dùng để làm thuốc.
4 .Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, Tập 3 - Văn bia thời Lê Trung hưng, Quyển Một, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, 2016, tr.413.
5 . Lê Chân Tông: húy là Duy Hiệu, lên ngôi năm 13 tuổi, ở ngôi được 7 năm, không con nối dõi.
6 . Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, Tập 3, Sđd. tr.425.
1 .Tuyển tập văn bia Thanh Hóa Tập 3, Văn bia thời Lê Trung hưng, Sđd, tr. 425.
* Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Xuân.
* Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa.
* Chủ tịch danh dự Hội KHLS Thanh Hóa
* Chủ tịch Hội KHLS huyện Thọ Xuân Yên Định.
* PGĐ Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa.
* Trường Đại học Hồng Đức.
* Phó Chủ tịch Hội KHLS Thọ Xuân- Yên Định, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân.
* Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa.
1 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí), Nxb Trẻ 2014, tr 53, 54.
2 Lê Triều Ngọc Phả, Nxb Thanh Hóa, 2008, tr 71.
3 Xã Quả Đoài Thượng: từ đầu thời Nguyễn trở về trước là Cảo Nhuệ; từ năm 1836 kiêng đồng âm chữ Cảo (biệt húy của vua Gia Long), đổi là Quả Nhuệ. Dưới thời vua Đồng Khánh (1885 1888), xã Quả Nhuệ gồm có 2 thôn là thôn Thượng xã Quả Nhuệ và thôn Hạ xã Quả Nhuệ. Đến thời vua Duy Tân, xã Quả Nhuệ được đổi là xã Quả Đoài Thượng.
1 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (lễ nghi chí), Nxb sử học 1960, tr 167
2 Louis Bazacier, Lăng mộ các vua đời Hậu Lê Bản dịch, tài liệu đánh máy của Thư viện khoa học tổng hợp Thanh Hóa.
3 Kim Bảng: kinh vĩ tuyến 220114 vĩ bắc và 114067,1 kinh đông. Mạnh Chu Thượng: kinh vĩ tuyến 22011,4 vĩ bắc và 114070 kinh đông.
Tin khác
Tin nóng
Công khai giải quyết TTHC
SĐT: 02373884568
Email: hoavpnamgiang@gmail.com